Soạn bài thực hành về thành ngữ, điển cố
Câu 1. Các thành ngữ trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương
- Một duyên hai nợ: tác giả coi mình là nợ đòi của bà Tú, duyên thì ít mà nợ thì nhiều.
- Năm nắng mười mưa: chỉ sự vất vả, cực nhọc, dãi dầu mưa nắng.
Hai thành ngữ trên phối hợp với nhau với phối hợp với các cụm từ có ý nghĩa gần giống thành ngữ như lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước đã khắc họa được hình ảnh bà Tú vất vả, tần tảo, đảm đang, tháo vát trong việc mưu sinh cho cả gia đình.
Cách biểu hiện của thành ngữ rất đơn giản, ngắn gọn nhưng nội dung lại đầy đủ, sinh động, diễn tả được nhiều ý nghĩa khác nhau.
Câu 2. Giá trị nghệ thuật của các thành ngữ trong Truyện Kiều
- Thành ngữ Đầu trâu mặt ngựa: biểu hiện được tính chất hung hãn, dã man của bọn nha lại trong hoàn cảnh gia đình Kiều bị vu oan.
- Thành ngữ Chim lồng cá chậu: biểu hiện cảnh sống tù túng, chật hẹp, mất tự do, mặc dù vẻ ngoài của cuộc sống tỏ ra hào nhoáng, hoa mĩ.
- Thành ngữ Đội trời đạp đất: biểu hiện được lối sống và hành động tự do, không chịu sự bó buộc và khuất phục trước quyền uy. Thành ngữ này nói về khí phách của người con trai trong xã hội phong kiến.
Câu 3. Điển cố trong bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Nội dung hai điển cố trong bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến.
- Giường kia: gợi lại câu chuyện về Trần Phồn đời Hậu Hán dành riêng cho bạn là Tử Trĩ một chiếc giường khi bạn đến chơi, bạn về thì treo giường lên.
- Đàn kia: gợi lại chuyện Chung Tử Kì nghe tiếng đàn của Bá Nhá mà hiểu được ý tưởng của người đánh đàn. Sauk hi Tử Kì chết, Bá Nhá cũng không đánh đàn nữa vì cho rằng không còn ai có thể hiểu được tiếng đàn của mình.
Về điển cố:
- Điển cố không có tính chất cố định về cấu tạo như thành ngữ nhưng cũng mang tính cụ thể, xuất phát từ những sự kiện hoặc sự tích cụ thể trong quá khứ để nói về những điều trong cuộc sống hiện tại. Điển cố thường có hình thức ngắn gọn nhưng ý nghĩa lại hàm súc.
- Trong các văn bản cổ, điển cố được sử dụng khá phổ biến. Ngày nay, trong các văn bản của chúng ta vẫn có thể thấy xuất hiện những điển cố mới, tuy nhiên không phổ biến. Việc sử dụng điển cố đòi hỏi tác giả phải là người có vốn sống, có tri thức về lịch sử, văn hóa phong phú.
Câu 4. Giá trị các điển cố của đoạn trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
- Ba thu: Kinh Thi có câu Nhất nhật bất kiến như tam thu hề (Một ngày không nhìn thấy mặt nhau dài lâu như ba mùa thu). Nguyễn Du sử dụng điển cố này để nói về sự tương tự của Kim Trọng đối với Thúy Kiều: một ngày không gặp mặt nhau có cảm giác như ngày đó bằng ba năm.
- Chín chữ: Kinh Thi kể chín chữ nói về công ơn của cha mẹ đối với con cái: sinh, cúc, phủ, súc, trưởng, dục, cố, phục, phúc. Thúy Kiều nghĩ đến công lao của cha mẹ đối với mình, mà Kiều thì sống nơi đất khách, chưa có dịp đền đáp công lao của cha mẹ.
- Liễu Chương Đài: Gợi chuyện xa xưa của người đi làm quan ở xa, viết thư về thăm vợ con với câu: Cây liễu ở Chương Đài xưa xanh xanh – Nay có còn không – Hay là tay khác đã vịn bẻ mất rồi. Nguyễn Du mượn điển cố để diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi nàng nghĩ đến cảnh Kim Trọng trở về chốn hẹn xưa thì Kiều đã thuộc về người khác.
- Mắt xanh: Nguyễn Tịch đời Tấn quý ai thì khi tiếp, mắt xanh lên, không ưa ai thì mắt trắng. Nguyễn Du sử dụng điển cố này để nói về cách nhìn nhận của Từ Hải về phẩm giả của nàng Kiều; mặc dù phải sống trong chốn lầu xanh, phải tiếp nhiều khách làng chơi, nhưng nàng chưa hề quý ai.
Câu 5. Thay thế thành ngữ bằng các từ ngữ thông thường rồi nhận xét về sự khác biệt và hiệu quả của cách diễn đạt. HS tham khảo sơ đồ sau:
Cách nói có dùng thành ngữ | Cách nói thông thường |
Này các cậu, đừng có mà ma cũ bắt nạt ma mới. Cậu ấy vừa mới chân ướt chân ráo đến, mình phải tìm cách giúp đỡ chứ. | Này các cậu, đừng có cho mình là người cũ mà bắt nạt người mới tới. Cậu ấy vừa mới đến, còn lạ lẫm, mình phải tìm cách giúp đỡ chữ. |
Họ không đi tham quan, không đi thực tế kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường. | Họ không đi tham quan, không đi thực tế một cách qua loa mà đi chiến đấu thực sự, đi làm nhiệm vụ của những chiến sĩ bình thường. |
Nhận xét: Khi thay các thành ngữ bằng cách diễn đạt thông thường, có thể thấy. Nghĩa cơ bản không thay đổi, nhưng câu văn đã mất đi tính hình tượng, mất sắc thái biểu cảm và phải diễn đạt dài dòng, không hàm súc.
Câu 6 – 7: Để đặt câu với các thành ngữ, điển cố, HS cần lưu ý:
- Với thành ngữ, cần phải tìm hiểu ý nghĩa, sắc thái biểu cảm của thành ngữ để lựa chọn nội dung câu ca sao cho phù hợp.
Ví dụ: Thành ngữ Nước đổ đầu vịt (không có hiệu quả gì) có thể đặt câu: Nói với nó như nước đổ đầu vịt.
- Với điển cố, HS phải tìm hiểu nguồn gốc của điển cố, hiểu ý nghĩa và sử dụng đúng sắc thái biểu cảm.
Ví dụ: với điển cố gã Sở Khanh (nhân vật lừa Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ở đây chỉ kẻ lừa gạt phụ nữ); có thể đặt câu: Thời buổi bấy giờ thiếu gì những gả Sở Khanh chuyên lừa gạt những phụ nữ thật thà ngay thẳng.