Tập làm văn lớp 5: Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị) của em.
Bài làm
“Hôm nay, mình phải nấu món gì đặc biệt để cả gia đình ăn một bữa thật ngon mừng ngày sinh nhật của mẹ”. Nghĩ sao làm vậy, em lúi húi bỏ những quả cà chua chín mọng ra đĩa. Chỉ ít phút sau, trên chảo là những miếng cà chua vàng ươm nhồi thịt, trông ngon lành ghê!
“Hoa ơi, ra mở cửa cho mẹ”. Nghe tiếng mẹ gọi, em chạy ra. Vừa bước vào nhà, nhìn thấy việc em đang làm, mẹ nói: “Con gái mẹ chu đáo quá!”
Mẹ em năm nay đã ngoài bốn mươi. Mẹ có dáng người nhỏ nhắn, phù hợp với mái tóc đen dài. Làn da mẹ không còn trắng và mịn màng như xưa nữa. Em thích nhất khi mẹ ấp bàn tay vào má em. Tay mẹ không trắng đâu. Bàn tay ram ráp mà em thấy thương thương. Bàn tay đó đã ẵm bế em, vỗ về chị em em.
Giữa mùa đông giá lạnh, mẹ vẫn dậy sớm như thường lệ. Mẹ làm các việc, kể cả giặt quần áo.Có hôm mẹ thức rất khuya để may áo cho chị em em. Những chiếc áo đẹp của chúng em đều do bàn tay của mẹ tạo nên chứ chẳng phải bởi một hiệu may lành nghề nào. Thế mới biết bàn tay mẹ thật tài hoa. Mặc những chiếc áo mẹ may, em thấy như có tình cảm cùa mẹ truyền vào. Còn mẹ, mẹ luôn mặc rất giản dị và rất ít khi em thấy mẹ may quần áo mới.
Sáng sáng, cứ bảy giờ là mẹ em đến cơ quan làm việc cho đến chiều. Cơ quan của mẹ là bệnh viện. Mẹ chăm sóc người bệnh rất chu đáo. Có lần, một bác rất lạ đến nhà hỏi mẹ và mang theo hai con vịt. Mẹ tiếp bác rất ân cần nhưng khi bác bảo biếu hai con vịt thì mẹ không nhận. Lúc sau em mới vỡ lẽ: mẹ em đã chữa được một căn bệnh nan y cho bác ấy... Hôm nọ, một bà ăn xin đi vào nhà em. Em định đóng cửa thì mẹ bảo mở cửa ra. Rồi mẹ lấy cơm cho bà cụ ăn. Bà cụ cảm ơn rối rít. Em bỗng thấy hối hận vì mẹ luôn khuyên răn chúng em biết giúp đỡ người già, người có khó khăn, vậy mà có lúc em đã quên lời mẹ dặn.
Mẹ của em đáng quý như thế đấy!
Phạm Thị Phương Hoa - Hà Nội
Nhận xét của giáo viên:
1. Những ưu điểm cần học tập
Bạn Phương Hoa giới thiệu bài khá dài, tạo ra sự chờ đợi và hồi hộp ở người đọc. Và sau đó, bạn bắt đầu tả người mẹ của mình.
Trong bài văn, mẹ của bạn hiện lên qua từng câu, từng chữ với hình ảnh một người phụ nữ tần tảo, chịu khó, hết lòng yêu thương chồng con.
Bạn không miêu tả hết tất cả các đặc điểm về hình dáng của mẹ mà chỉ chọn lọc một số chi tiết tiêu biểu: dáng người, mái tóc, đặc biệt là chi tiết: làn da không còn trắng, bàn tay ram ráp. Những chi tiết này góp phần bộc lộ tính hay làm hay làm, chịu thương chịu khó của mẹ. Người mẹ của bạn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con (dùng ''bàn tay tài hoa" của mình để may những chiếc áo mới cho các con mặc), riêng mẹ thì luôn mặc rất giản dị. Sự việc mà bạn chứng kiến một người lạ đến thăm mang theo món quà (2 con vịt đem biếu) ấy đã nói lên được phẩm chất đạo đức và khả năng chuyên môn (bác sĩ) của mẹ. Lòng thương người già yếu, gặp khó khăn của mẹ cũng được miêu tả một cách tự nhiên.
Những câu văn được bạn viết bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng thắm đượm tình cảm bởi bạn đã gửi gắm vào đó tất cả lòng kính trọng lẫn cảm phục người mẹ của mình. Vì thế mẹ của bạn hoàn toàn có thể tự hào về bạn bởi bạn cùng là một người con rất ngoan và hiếu thảo. Bạn không chỉ yêu thương mẹ mà còn cảm thông sâu sắc sự vất vả của mẹ mình. Câu kết bài ngan gọn nhưng khái quát được tình cảm của bạn - đó là một lời khẳng định, một lời ngợi ca: “Mẹ của em đáng em đáng quý như thế đấy!".
2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm
- Phần mở bài có thể viết gọn hơn.
- Một số câu văn có sự trùng lặp về ý.
Bài luyện tập:
1. Viết đoạn mở bài cho bài văn trên theo cách của em.
2. Em hãy chữa lỗi trùng lặp về ý trong đoạn văn sau:
3. Mẹ em năm nay đã ngoài bốn mươi. Mẹ có dáng người nhỏ nhắn, phù hợp với mái tóc đen dài. Làn da mẹ không còn trắng và mịn màng như xưa nữa. Em thích nhất khi mẹ áp bàn tay vào má em. Tay mẹ không trắng đâu. Bàn tay ram ráp mà em thấy thương thương. Bàn tay đó đã ẵm bế em, vỗ về chị em em.
Viết bài văn miêu tả người mẹ kính yêu của mình.
Tham khảo thêm những bài văn tả người thân khác tại đây:
Miêu tả về người bà kính yêu của em
Tả một người thân trong gia đình em
Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị...) của em