Trở lại với Đây thôn Vĩ Dạ

Vài ba năm trở lại đây, đã có khoảng 20 bài viết về Đây thôn Vĩ Dạ, trong đó ý kiến gặp nhau không ít, nhưng khác nhau, ngược nhau cũng nhiều. Điều đó, chẳng đáng ngạc nhiên. Bởi vì người xưa chả đã nói “văn chương tự cổ vô bằng cứ”. Người nay lại còn nói rõ hơn. Đó là do tính đa nghĩa của văn chương, tính chủ quan, tính cá thể, tính biến chuyển trong quy luật cộng hưởng và tiếp nhận nghệ thuật. Cho nên, không riêng gì với Đây thôn Vĩ Dạ, mà với tác phẩm nào, đặc biệt là tác phẩm hay, thì đều vậy cả thôi.
Nhưng dù thế thì việc tìm kiếm một sự nhận thức thẩm mĩ tối ưu, chuẩn xác hơn, vẫn là điều không thể chối bỏ, nhất là trong phạm vi nhà trường. Xin nhớ cho rằng: tính cá thể và tính tuỳ tiện trong tiếp nhận nghệ thuật không phải là một. Tính cá thể vẫn luôn luồn phải song hành với tính chuẩn mực, mà muốn có tính chuẩn mực này thì phải có cách, hay như mọi người quen nói là phương pháp luận, dĩ nhiên cũng là phải tối ưu, và có tính phổ quát nhưng lại rất cần có tính cụ thể đối với từng tác phẩm đang cần được chiếm lĩnh.
Trong phương pháp luận chiếm lĩnh Đây thôn Vĩ Dạ có thể có nhiều điều, nhưng có hai điều vốn có liên quan với nhau này là quan trọng nhất, cần được thống nhất với nhau, để không chỉ là dẫn đến sự thống nhất nội dung nhận thức mà còn là đảm bảo chất lượng của nhận thức đối với tác phẩm.

  1. Tâm thế sáng tác của Hàn Mặc Tử khi viết Đây thôn Vĩ Dạ là gì?
  2. Tính chỉnh thể trong nội dung tư tưởng thẩm mĩ của Đây thôn Vĩ Dạ

Để hiểu đúng nhiều ức đoán và một ức đoán không thể thiếu về tâm thế sáng tác, có các vấn đề đã được đặt ra và cần được đặt ra để bàn và thống nhất là: Những gì đã từng xảy ra giữa Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc để trực tiếp gây cho Hàn MặcTử viết Đây thôn Vĩ Dại Mối tình giữa Hàn với Hoàng Cúc là đơn phương hay song phương? Hoàng Cúc gửi thư hay gửi ảnh cho Hàn? Gửi ảnh hay gửi bưu ảnh? Câu thơ Sao anh không về thăm thôn Vĩ là của Hoàng Cúc đề trên bưu ảnh hay là của chính Hàn Mặc Tử? Những điều này quả có liên quan đến cách hiểu về nội dung cấu tứ cụ thể của bài thơ. Mà tiếc thay ý kiến không dễ gì thống nhất. Những người có tư cách nhất để nói là Quách Tấn (bạn thân của tác giả, người tự nhận là được Hàn Mặc Tử giao quyền bảo quản văn phẩm cho mình và Nguyễn Bá Tín (em trai Hàn Mặc Tử, viết hồi kí về “Anh tôi”), thì mỗi người lại nói một cách. Cho nên theo yêu cầu bản văn học nghiêm túc thì vẫn đề coi như đang phải treo lại đã. Nhưng dù có rõ hẳn những diều đó rồi thì vẫn không quan trọng bằng vấn đề này; khi viết Đây thôn Vĩ Dạ trong tâm thế của Hàn Mặc Tử có phải chỉ xoay quanh chuyện với Hoàng Cúc hay còn là bao nhiêu thứ khác ? Sự khác nhau trong cách hiểu về Đây thôn Vĩ Dạ một phần là từ cách trả lời câu hỏi này. Có người đã gói tròn cái tâm thế đó vào chỉ một quan hệ giữa nhà thơ và Hoàng Cúc, mà hiểu như vậy là không ổn. Đành là có chuyện với người tình cũ, có chuyện thư và bức ảnh (hay bưu ảnh)… như trên đã nói, nhưng đâu chỉ có thế. Còn là bao nhiêu chuyện khác. Trước hết là cái cảnh ngộ nhà thơ đang đợi cái chết trong trại hủi Quy Hoà. Và là bao nhiêu kỉ niệm đẹp của nhà thơ về Vĩ Dạ, vể Huế, trong đó có cảnh, có người, mà giờ đây trong cảnh ngộ éo le nghiệt ngã đó, không sao trở lại với chúng được nữa. Ở đây có thể có sự khơi nguồn thi hứng từ bức thư, cái ảnh gì đó của Hoàng Cúc, nhưng một khi thi hứng đã trỗi dậy thì bao nhiêu kỉ niệm cũ, bao nhiêu cảm hứng khác, phút chốc cũng hội tụ để có được bài thơ. Phải hiểu như thế thì mới hiểu được tính chỉnh thể trong tư tưởng thẩm mĩ của bài thơ.

Vậy tính chỉnh thể đó là gì? Cái bao trùm lên tất cả bài thơ, chi phối mọi chi tiết của bài thơ là gì? Là sự ngợi ca thôn Vĩ Dạ, dòng Hương, cô gái xứ Huế ư? Hay là “nỗi niềm âu lo cho hạnh phúc, trong cái Đẹp hoà giải trạng huống đau thương ”? Hay là “một lời gọi, một sự khẳng định, một lời giới thiệu và ngợi ca” và “nỗi buổn và hoài nghi của một tâm hồn đã dự cảm được bất hạnh ”… Theo tôi, đó là: nỗi đau, nuối tiếc và chới với trước bao nhiêu kỉ niệm đẹp: một thồn Vĩ Dạ có “Nắng hàng cau nắng mới lên ”, có “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, có “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Một xứ Huế có thôn Vĩ Dạ đó đã đành, còn có con sông Hương đẹp nhưng buồn, có cảnh “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ” nên thơ, nhớ đến là ngây ngất làm sao. Rồi ra là những cô gái Huế từ lâu được đặc trưng bằng những cái áo dài trắng toát kia, và dĩ nhiên còn là một mối tình đơn phương, thầm lặng nhưng tuyệt đẹp với Hoàng Cúc ngày nào đù không là trên đất Huế nhưng là với người Huế… Bao nhiêu là điều tốt lành thế, đẹp đẽ thế, ấm áp cõi lòng thế, mà nay làm sao đến được với chúng nữa, một khi mà cái bệnh hủi hiểm nghèo kia đang từng giờ dắt mình về thế giới bên kia. Ngôn ngữ thơ, chi tiết nghệ thuật thơ, tất cả là sự thể hiện cái nỗi đau nuối tiếc, chới với này. Mở đầu là một câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Đó là lời Hoàng Cúc hay không, thật ra chẳng quan trọng, Dù là của Hoàng Cúc trong bưu ảnh đi nữa thì đã vào đây là của Hàn Mặc Tử rồi Điều quan trọng là vào và lại thành một câu hỏi. Hỏi sao khổng về thăm thôn Vĩ? Chính là không về được nữa mà thành ra phải hỏi. Mà hỏi chỉ là hình thức ngôn ngữ bên ngoài để bọc cái nỗi đau bên trong, nỗi đau muốn về lại mà không sao về nổi nữa. Từ câu hỏi này, bao nhiêu là cái đẹp của Vĩ Dạ, của Huế, đẹp, tuyệt đẹp cứ hiện lên như thế nhưng làm sao mà chiếm lĩnh được nữa. Lại hỏi vườn ai? Sao lại vườn ai? Vẫn là cái gì không còn nắm chắc được nữa, dù đó là đẹp đến đâu, mê người đến đâu. Trăng kia trên sông nước Hương Giang, tuôn tràn ánh vàng như thế, nhưng cũng làm sao ngắm nhìn lại nữa. Câu thơ vẫn ở thể nghi vấn: Có chở trăng về kịp tối nay? Để trong đó là cả một sự bất lực, một nỗi đau. Đừng nghĩ rằng ở đây Hàn Mặc Tử muốn ngợi ca đơn thuần cảnh trăng Huế, trăng Hương Giang đẹp như ai đó đã nói. ở đây là sự nuối tiếc trăng đẹp. Hai điều tưởng là một nhưng thực ra là hai, khác nhau trong thi tứ. Rồi nữa là gió kia, mây kia ở chốn Huế này. Sao lời thơ lại viết: Gió theo tối gió mây đường mây?Không là thế thì sao nữa. Một khi gió mây kia cũng chẳng là của mình nữa. Nó đi theo đường của nó mà thôi. Cuối cùng là khách. Chẳng cần biết cặn kẽ khách đây là ai? Bởi có thể là Hoàng Cúc. Cũng có thẻ còn là ai ai đó nữa. Cái quan trọng ở đây là khách nhưng lại là khách đường xa chứ không phải là khách đường gần. Vì bây giờ trong cảnh ngộ nằm chờ chết kia, còn gì là khách đường gần. Ngay với khách đường xa thì cũng đâu là chuyện nhìn nó trong hiện thực nữa, bàng thị giác sinh học nữa. Chỉ nhìn nó trong tâm tưởng. trong tưởng tượng, trong mơ trong mộng thôi chứ. Mà trong mơ, cùng chẳng phải là cái gì đang dừng lại, nó đang lùi dần, xa dần, mờ dần, tuột dần khỏi mình. Cái chuyện lặp từ khách đường xa, khách đường xa cho ta nghĩ vậy. Mà khách đường xa, khách đường xa ở đây hẳn là cô gái mặc áo trắng rồi. Trắng quá, đáng lẽ là để nhìn ra, chứ sao lại nhìn không ra? Cũnạ lại là chuyện một cái gì đang nhoè đi, đang mờ đi, tuột đi, để cho lòng người nhức nhồi. Hai câu thơ cuối: ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có dậm đà là gì? Lại vẫn cái mờ, cái nhoè, cái mất kia. Mà mờ cái nhân ảnh kia mới là đau nhất vì nói gì thì nói, cái nhân ảnh trong đó là cả cái nhân tình mà mất, mà chịu cho nó tuột đi thì đau biết mấy. Câu thơ đúng là nói rõ cái cành ngộ, cái tâm thế của Hàn lúc này, tại cái trại hủi Quy Hoà khủng khiếp kia. Câu thơ còn nói cái nghịch lí đau đớn: Một khi con người nhìn ra sự mất mát của mình lại chính là lúc con người nhận ra cái có đó rõ nhất. Ai biết tình ai có đậm đà? Nói thế chính là biết lắm, biết rõ lắm về cái tình này. Nhưng biết rõ nó đậm đà bao nhiêu là đau đớn với nó bấy nhiêu một khi cũng biết nó đang mất dần đối với mình.
Nói cái bao trùm lên bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một nỗi đau nuối tiếc và chới với trước bao nhiêu kỉ niệm đẹp về thôn Vĩ Dạ, về xứ Huế,về con người, về tình yêu… là từ những điều như thế.

GS, Nguyễn Đình Chú

Bài viết gợi ý: