Đề bài: Tâm trạng của em khi gây ra một chuyện không hay cho bạn.
Hướng dẫn làm bài
a. Mở đầu :
- Chuyện đã xảy ra từ lâu nhưng mỗi lần nghĩ lại mình thấy rất xấu hổ.
- Muốn kể lại cho các bạn nghe để lòng nhẹ nhõm.
b. Phần nội dung :
- Giờ kiểm tra Sinh mình không làm được bài, nhìn sang thấy bạn đang chăm chú viết liền hỏi. Bạn không trả lời.
- Mình loay hoay định giơ vở thì cô giáo nhắc nên không làm được.
- Cuối giờ, thu bài vì ngồi ở đầu bàn nên khi thu bài của bạn lại giả vờ để quên không nộp cho cô.
- Giờ ra chơi mình tuồn bài đó vào ngăn bàn của bạn.
- Vào tiết học mới, bạn thấy bài của mình chưa nộp để dưới ngăn bàn thì hoảng sợ tưởng là quên.
- Bạn đi tìm gặp cô xin nộp, có không tin là bạn quên mà cho là bạn có tình nộp sau để bổ sung cho đầy đủ.
- Cô, phê bình bạn.
- Mãi về sau, bạn vẫn không biết vì sao bài kiểm tra của mình lại ở ngăn bàn. Bạn vẫn rất tốt, không hề nghi ngờ gì mình cả.
c. Kết luận
- Bạn đã chuyển trường theo gia đình.
- Khi chia tay mình không dám nói. Mình nghĩ nhiều về điều đó và cảm thấy xấu hổ, ân hận.
Tham khảo bài viết hay của bạn Lê Mỹ Ái 9ATrường THCS Phan Châu Trinh- Quảng Nam
Năm học lớp 6, lớp 7, tôi thi học sinh giỏi môn Toán toàn huyện, đều giành đuợc giải khuyến khích. Nhiều bạn chế giễu tôi là đạt được “giải khúc khích!". Lên lớp 8, bố mẹ tôi chuyển nhà lên thị xã. Hai chị em tôi đều chuyển đến trường mới: trường Trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão. So với các bạn học trong lớp thì tôi chỉ vào loại học khá môn toán, còn môn Ngữ văn, môn Tiếng Anh, tôi gồng mình lên mà chỉ được điểm trung bình. Tôi sinh ra tự ti, thậm chí có lúc tỏ ra hèn nhát. Giờ học Tiếng Việt, cô giáo lên giảng bài rất hay, nhưng tôi không dám giơ tay phát biểu. Sinh hoạt tổ học tập, sinh hoạt lớp, tôi ngồi im như thóc trong bồ. Các bài kiểm tra toán, tôi chỉ được 7, 8 điểm; cô Thanh vẫn phê là “trình bày rối” chưa khoa học. Thậm chí, có lần tôi còn làm trò cười cho cả lớp. Tôi gọi cây đàn ghi ta (Lục huyền cầm) là cây đàn “cai - nha" khi làm bài văn thuyết minh. Giờ ra chơi, tôi ít ra sân đá cầu, nhảy dây cùng các bạn, v.v... Tôi trở nên vụng về khi bước vào phòng chức năng học vẽ, học đàn, học hát. Buổi học hôm ấy, khi các bạn kéo ra sân chơi, tôi ở lại một mình trong phòng chức năng. Không biết tôi hí hoáy thế nào đó mà làm đứt dây đàn vĩ cầm. Sự cố xảy ra, tôi vô cùng lo sợ. Tôi dặn mình: “Chẳng ai biết mình gây ra. Cứ im lặng và tỉnh bơ...". Buổi tập hát tiếp tục. Cái Diệu kêu lên: ''Đàn đứt dây rồi!” Cô Liên và cô Chi hỏi: “ Ai làm đứt dây đàn?" Nhưng tất cả đều nhìn nhau im lặng! Cô Liên và cô Chi đều tỏ ý không vui. Sau sự cố ấy, thầy chủ nhiệm lớp 8A, hạ mức hạnh kiểm của cái Diệu (nhóm trưởng) cái Hoàn (nhóm phó) trong đội ca vũ xuống một bậc, từ loại tốt xuống loại khá. Năm học sắp kết thúc rồi. Diệu và Hoàn đều học giỏi, đàn ngọt, hát hay, được các thầy cô giáo và bạn học quý mến. Chuyện ấy làm tôi day dứt trong lòng mãi. Nhiều đêm tôi trằn trọc và tự trách mình sao hèn nhát thế? Tại sao không dũng cảm tự nhận lỗi để Diệu và Hoàn mắc oan? Nhưng có lúc tôi lại nghĩ: "Mọi chuyện rồi sẽ trôi qua. Nhắc lại làm chi cho mệt..." Lòng tự trọng đã nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi viết một bức thư dài gửi thầy chủ nhiệm nói rõ sự việc, xin nhận kỉ luật: đề nghị thầy không hạ mức hạnh kiểm của hai bạn Diệu, Hoàn... Thầy Cảnh gặp riêng tôi. Thầy nói về lòng tự trọng, sự hèn nhát và lòng dũng cảm. Thầy an ủi, động viên tôi. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ các bạn sẽ khinh ghét tôi, xa lánh tôi. Nhưng thật không ngờ, các bạn lại yêu mến, quý trọng tôi hơn trước. Tôi thấy tâm hồn mình thanh thản. Cuối năm học lớp 8, thi kiểm tra, tôi được 5 điểm 10, xếp loại giỏi văn hoá, loại tốt hạnh kiểm. Nhớ lại kỉ niệm thời non dại ấy, bài học ngụ ngôn về chuyện “Đóng đinh lên cột và nhổ đinh” mỗi lần mắc một khuyết điểm và mỗi lần sửa chữa được một lỗi lầm... làm tôi cứ nao nao lòng.