I. Hiểu bài
1. Chú ý
- Tương truyền: truyền miệng từ đời này sang đời khác.
- Thời vua Lê – chúa Trịnh: thời kì lịch sử cuối thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII, nước ta có vua Lê nhưng quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh.
- Túc trực: có mặt thường xuyên ở chỗ nhất định để trông nom hoặc sẵn sàng làm một việc gì.
- Dã vị: món ăn bình dân, nếu theo lối cổ truyền.
2. Ý nghĩa bài học
Ca ngợi Trạng Quỳnh thông minh, vừa biết cách làm cho chúa ăn ngon miệng, vừa khéo răn chúa: No thì chẳng có gì vừa miệng đâu ạ.
3. Nội dung bài học
Câu 1: Vì sao chúa Trịnh muốn ăn "mầm đá"?
Trả lời:
Chúa Trịnh muốn ăn "mầm đá” vì Chúa đã chán các món cao lương mĩ vị quen thuộc, muốn tìm một món ăn mới lạ.
Câu 2: Trạng Quỳnh chuẩn bị món ăn cho Chúa như thế nào?
Trả lời:
Trạng Quỳnh chuẩn bị món ăn cho Chúa như sau: Lấy đá đem về ninh và đem một lọ tương thật ngon đem vào phủ Chúa. Chúa đòi ăn "mầm đá" nhưng Trạng bảo chưa chín. Cuối cùng khi thấy Chúa đã đói mèm, Trạng mới dọn cơm tương cho Chúa ăn tạm.
Câu 3: Cuối cùng, Chúa có được ăn "mầm đá" không? Vì sao?
Trả lời:
Cuối cùng, Chúa không được ăn "mầm đá" vì món này ninh mãi vẫn chưa nhừ!
Câu 4: Vì sao Chúa ăn tương vẫn thấy ngon miệng?
Trả lời:
Chúa ăn tương vẫn thấy ngon miệng vì lúc đó đã quá đói.
Câu 5: Em có nhận xét gì về nhân vật Trạng Quỳnh?
Trả lời:
Nhận xét Trạng Quỳnh là một người rất thông minh, nhanh trí, có nhiều kiến thức về thực tế cuộc sống. Trạng Quỳnh hay trêu chọc chúa nhưng chúa vẫn không thể trị tội ông vì ông luôn biện bạch rành rẽ, hợp lí khó mà bắt bẻ được.
II. Hướng dẫn đọc diễn cảm
- Đọc lưu loát toàn bài.
- Đọc diễn cảm bài văn với giọng kể vui, hóm hỉnh.
- Đọc phân biệt được lời của các nhân vật trong truyện: Chúa Trịnh, Trạng Quỳnh, người dẫn chuyện