I. Đọc hiểu
1. Chú thích
Chú ý một số từ ngữ địa phương (tiếng Nam Bộ)
- Cai: Chức vụ thấp nhất trong quân đội thời trước, chỉ xếp trên lính thường.
- Hổng thấy: Không thấy.
- Thiệt: Thật.
- Quẹo vô: Rẽ vào.
- Lẹ: Nhanh.
- Ráng: Cố, cố gắng.
2. Ý nghĩa bài học
Ca ngợi mẹ con dì Năm dũng cảm, mưu trí trong cuộc đấu trí để lừa giặc, cứu cán bộ cách mạng; tấm lòng son sắt của người dân Nam Bộ đối với cách mạng.
3. Tóm tắt vở kịch “Lòng dân”
(1) Trong một ngôi nhà nông thôn Nam Bộ, khi hai mẹ con dì Năm đang ăn cơm thì một chú cán bộ cách mạng bị địch đuổi bất ngờ chạy vào.
(2) Dì Năm đưa cho chú chiếc áo để thay, bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm.
(3) Mặc cho bọn giặc có dọa nạt, thậm chí là bắt trói, dì Năm kiên quyết không khai ra chú cán bộ.
(4) Cậu bé An tuy tuổi còn nhỏ nhưng cũng rất dũng cảm, mưu trí cùng với mẹ đấu trí với bọn giặc che chở cho chú cán bộ cách mạng.
(5) Khi bọn giặc yêu cầu kiểm tra giấy tờ, dì Năm đã vô cùng thông minh, nhanh trí vào buồng lấy giấy tờ. Vờ hỏi chú cán bộ giấy tờ ở đâu. Sau đó lại đọc to thông tin trong giấy tờ.Vừa để bọn giặc tin vào điều mình nói vừa để chú cán bộ nắm được thông tin và trả lời giặc.
(6) Nhờ có sự thông minh, dũng cảm của hai mẹ con dì Năm và sự bình tĩnh phối hợp của chú cán bộ mà ba người đã thành công qua mắt được hai tên giặc.
4. Nội dung bài học
Câu 1: Chú cán bộ gặp chuyện gì nguy hiểm?
Chú cán bộ bị bọn giặc đuổi bắt, chạy vào nhà dì Năm.
Câu 2: Dì Năm đã nghĩ ra cách gì để cứu chú cán bộ?
Dì vội đưa cho chú một chiếc áo khoác để thay, cho bọn giặc không nhận ra, rồi bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm, làm như chú là chồng của dì.
Câu 3: Tìm hiểu về nhân vật dì Năm
- Dì Năm bình tĩnh nhận chú cán bộ là chồng.
-> Cho thấy dì Năm rất nhanh trí đồng thời cũng thấy được người dân vô cùng yêu quý và sẵn sàng bảo vệ những người làm cách mạng
- Dì Năm xin bọn lính được nói nhưng không phải để khai ra chú cán bộ mà là nói những lời chấp nhận cái chết, trăng trối với hai cha con.
-> Dì Năm kiên quyết bảo vệ chú cán bộ, dù biết mình có thể mất mạng.
- Lúc bị bọn giặc bắt vào tìm giấy tờ dì giả vờ hỏi chú cán bộ giấy tờ ở chỗ nào.
-> Thông minh, mưu trí để bọn giặc tin rằng chú cán bộ là chồng chị.
- Khi lấy được giấy tờ dì đọc to thông tin tên, tuổi của chồng và bố chồng.
-> Khéo léo đưa thông tin để chú cán bộ nắm được mà đối đáp với bọn giặc.
Nhận xét về nhân vật dì Năm: Dì Năm là người nhanh trí, thông minh, dũng cảm, sẵn sàng bất chấp nguy hiểm thậm chí là hi sinh cả tính mạng để che chở cho cán bộ cách mạng.
Câu 3: Tìm hiểu nhân vật cậu bé An?
Khi bọn giặc hỏi An “Ông đó có phải tía mày không?” An trả lời “Hổng phải tía” khiến bọn giặc hí hửng tưởng An sợ phải khai thật. Không ngờ An thông minh làm bọn chúng mừng hụt “Cháu gọi bằng ba chứ không phải tía”.
Nhận xét về nhân vật bé An: Bé An tuy tuổi còn nhỏ nhưng vô cùng mưu trí, dũng cảm cùng với mẹ che chở cho chú cán bộ cách mạng thoát khỏi tay bọn giặc.
Câu 4: Tìm hiểu nhân vật chú cán bộ?
Trong hoàn cảnh nguy hiểm bị địch lùng bắt vẫn bình tĩnh cùng với mẹ con dì Năm ứng phó, phối hợp để qua mắt bọn giặc.
Câu 5: Vì sao vở kịch lại tên là “Lòng dân”?
Thể hiện tấm lòng của người dân đối với cách mạng. Người dân tin yêu cách mạng, sẵn sàng xả thân để bảo vệ cách mạng. Lòng dân là chỗ dựa vững chắc nhất của Cách mạng.
Câu 6: Nội dung vở kịch Lòng dân?
Ca ngợi mẹ con dì Năm dũng cảm, mưu trí, xả thân cứu cán bộ cách mạng.
II. Hướng dẫn đọc
Yêu cầu chung
- Đọc ngắt giọng, đủ để phân biệt tên nhân vật với lời nói của nhân vật. Đọc đúng ngữ điệu câu kể, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán trong bài.
- Giọng đọc thay đổi linh hoạt, phù hợp với tính cách của từng nhân vật và tình huống căng thẳng, đầy kịch tính của vở kịch. Biết đọc diễn cảm vở kịch theo cách đọc phân vai.
+Giọng cai và lính: lúc hống hách, xấc xược. Lúc lại dịu giọng để mua chuộc, dụ dỗ. Cuối cùng lại ngọt ngào xin ăn
+Giọng dì Năm và chú cán bộ ở đoạn đầu: Tự nhiên. Ở đoạn sau dì Năm khéo léo than vãn khi bị giặc trói, nghẹn ngào nói lời trăng trối với con khi bị dọa bắn chết. Phần sau giọng hai người bình tĩnh tự nhiên đối phó với giặc.
+Giọng An: Thật thà, hồn nhiên.