I. Hiểu bài
1. Chú thích
- Trạng: Tức Trạng Nguyên, người đỗ đầu kì thi cao nhất thời xưa
- Kinh ngạc: cảm thấy rất lạ trước điều hoàn toàn không ngờ.
2. Ý nghĩa bài học
Ca ngợi chú bé Nguyễn Hiền thông minh, có ý chí vượt lên khó khăn nên đã đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi
3. Nội dung bài học
Câu 1: Tìm những chi tiết nói lên tư chất thông minh của Nguyễn Hiền?
Trả lời:
Những chi tiết nói lên tư chất thông minh của Nguyễn Hiền là:
- Học đến đâu hiểu ngay đến đó
- Có trí nhớ lạ thường
- Có hôm, chú thuộc hai mươi trang sách mà vẫn có thì giờ chơi diều.
Câu 2: Nguyễn Hiền ham học và chịu khó như thế nào?
Trả lời:
Nguyễn Hiền vô cùng ham học và chịu khó học:
- Ban ngày, đi chăn trâu, dù mưa gió thế nào, chú cũng đứng ngoài lớp nghe giảng nhờ.
- Tối đến, chú đợi bạn học thuộc bài mới mượn vở về học.
- Sách của chú là lưng trâu, nền cát, bút là ngón tay hay mảnh gạch vỡ; còn đèn là vỏ trứng thả đom đóm vào trong.
- Mỗi lần có kì thi ở trường, chú làm bài vào lá chuối khô và nhờ bạn xin thầy chấm hộ. Bài của chú chữ tốt văn hay, vượt xa các học trò của thầy.
Câu 3: Vì sao chú bé Nguyễn Hiền được gọi là “ông Trạng thả diều”?
Trả lời:
Chú bé Hiền được gọi là “ông trạng thả diều” vì: Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên ở tuổi mười ba, khi vẫn còn là một chú bé ham thích thả diều
Câu 4: Tục ngữ hoặc thành ngữ nào dưới đây nói đúng ý nghĩa của câu chuyện trên?
a. Tuổi trẻ tài cao
b. Có chí thì nên
c. Công thành danh toại
Trả lời:
Ba phương án là “Tuổi trẻ tài cao”, “Có chí thì nên” và “Công thành danh toại” đều có mặt đúng. Nguyễn Hiền là người “tuổi trẻ tài cao”, là người “công thành danh toại” nhưng điều mà câu chuyện thực sự muốn khuyên nhủ con người ta là ý chí vượt lên tất cả những khó khăn để đạt được thành công. Vậy nên ý nghĩa của câu chuyện nằm ở câu tục ngữ “Có chí thì nên”
II. Hướng dẫn đọc diễn cảm
Đọc lưu loát toàn bài. Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng kể chậm rãi, cảm hứng ca ngợi