1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả
- Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820.
- Tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên.
- Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
- Cuộc đời
- Ông sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và sáng tạo nghệ thuật.
- Ông sống trong thời đại đau khổ, bế tắc và nhiều biến động.
- Ông là người có hiểu biết sâu rộng, có vốn sống phong phú, Nguyễn Du đã sống nhiều năm lưu lạc tiếp xúc với nhiều cảnh đời và thân phận con người trong thời đại loạn lạc.
- Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du rất phong phú và đồ sộ.
b. Tác phẩm
- Ông có ba tập thơ chữ Hán với 243 bài, sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là “Truyện Kiều”.
- Đoạn trích được trích trong tác phẩm Truyện Kiều, được viết bằng chữ Nôm.
- Đoạn trích nằm ở cuối phần II sau đoạn "Kiều gặp Từ Hải".
c. Bố cục: 3 phần
- Bài thơ được chia thành hai phần.
- Phần 1: 12 câu đầu: Thúy Kiều báo ân Thúc Sinh.
- Phần 2: 22 câu còn lại: Thúy Kiều báo oán
2. Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
Mười hai câu đầu tác giả tả cảnh Thúy Kiều báo ân.
a) Qua lời của Kiều nói với Thúc Sinh, em thấy Kiều là một con người sống rất nặng tình nghĩa, nàng không quên chuyện Thúc Sinh cứu nàng khỏi lầu xanh, tuy Thúc Sinh đúng là không giúp được nàng khi nàng bị Hoạn Thư hành hạ, nhưng ơn nghĩa với Thúc Sinh cũng không thể nào phủ nhận.
b)
* Khi trả ơn Thúc Sinh, Kiều lại nói với Thúc Sinh về Hoạn Thư là do vết thương lòng mà Hoạn Thư gây ra cho nàng không thể nào quên được.
* Khi nói với Thúc Sinh và khi nói về Hoạn Thư, ngôn ngữ của Kiều đã có sự khác biệt. Lời nói với Thúc Sinh vẫn còn giữ sự tôn trọng vì Kiều vẫn luôn biết ơn Thúc Sinh. Còn khi nói về Hoạn Thư, Kiều lại nói rất nôm na và bình dị, sử dụng lối nói dân gian tỏ thái độ xem thường.
Câu 2:
Những câu thơ còn lại tả cảnh Thúy Kiều báo oán.
a) Những lời đầu tiên Kiều nói về Hoạn Thư có giọng điệu mỉa mai, đay nghiến. Bằng giọng điệu mỉa mai, châm biếm, nàng gọi Hoạn Thư là “tiểu thư”, cẩn thận báo cho mụ ta biết về luật nhân quả ở đời “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.
b) Thái độ của Thúy Kiều qua giọng điệu ấy là thái độ quyết liệt trong trả thù, bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu tủi nhục như dồn nén và bây giờ được dịp trút ra. Đồng thời, thái độ này như báo trước những điều dữ dội sắp xảy ra.
Câu 3:
a) Trước thái độ của Kiều, Hoạn Thư đã “Khấn đầu dưới chiếu, liệu điều kêu ca”.
b) Lời kêu ca của Hoạn Thư thực chất là lí lẽ để gỡ tội.
- Trình tự lí lẽ của Hoạn Thư: xóa ranh giới là kẻ thù, về cùng phía đều là “phận đàn bà” -> từ trọng tội biến thành chuyện nhỏ “thường tình” -> kể rằng cũng đã từng tha cho Kiều -> bày tỏ thái độ “riêng riêng những kính yêu” -> nhận lỗi và mong được Kiều tha thứ.
- Những lí lẽ của Hoạn Thư đã giúp Kiều nhìn nhận ra được sự khôn ngoan của mụ, khi đó, Kiều cũng có phần nguôi ngoai và bị mắc vào thế khó nên đành tha cho Hoạn Thư.
- Qua lời đối đáp của Hoạn Thư, em thấy nhân vật này là một người rất khôn ngoan, thật xứng với danh tiếng “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao” => tâm địa mưu mô, nhiều thủ đoạn.
Câu 4:
* Thúy Kiều tha bổng cho Hoạn Thư là vì những lí lẽ của Hoạn Thư đã khiến Kiều nguôi lòng, và quan trọng hơn là vì tấm lòng nhân hậu, bản tính rộng lượng của Thúy Kiều.
* Việc làm ấy của Kiều là hợp lí và không hề đáng trách vì nó phù hợp với bản chất con người Kiều – một người nhân hậu, có tấm lòng rộng lượng, thương người.
Câu 5:
Qua đoạn trích, em thấy:
- Hoạn Thư là một người phụ nữ khôn ngoan, nham hiểm. Mặc dù trong tình cảnh “hồn lạc phách xiêu” nhưng vấn đưa ra được những lí lẽ chặt chẽ và đầy sức thuyết phục đối phương.
- Thúy Kiều là một người coi trọng ân nghĩa, giàu lòng vị tha. Đối với những người đã từng giúp đỡ mình thì nàng đều nhớ tới và đền ơn xứng đáng, còn với những người đã từng đối xử tệ bạc với nàng thì kiên quyết trừng trị. Mặc dù giận Hoạn Thư nhưng Kiều vẫn sẵn sàng tha bổng cho mụ vì Kiều có tấm lòng rộng lượng.