Hãy thuyết minh nội dung, nghệ thuật đoạn văn sau trong bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu:

Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu?

………………………………………….

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.

Học sinh đọc tham khảo cách làm bài với đề văn sau để khắc sâu phương pháp làm bài văn thuyết minh văn học (thuyết minh nội dung, nghệ thuật một đoạn thơ):

Đề 2: Hãy thuyết minh nội dung, nghệ thuật đoạn văn sau trong bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu:

Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu?

………………………………………….

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.

Tìm hiểu đề

  1. Dạng đề: Thuyết minh một đoạn thơ
  2. Yêu cầu của đề:

– Yêu cầu về thao tác: Thuyết minh là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như: chứng minh, bình luận, so sánh,…

– Yêu cầu về tư liệu: Tư liệu chính là những câu thơ trong đoạn thơ đã cho, tư liệu có liên quan để bổ sung cho ý thuyết minh.

Lập dàn ý

  1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, bài “Phú sông Bạch Đằng” và đoạn trích
  2. Thân bài:
  3. Khái quát về tác phẩm và đoạn trích

– Nêu hoàn cảnh ra đời bài phú: Khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thắng lợi – Khi vương triều nhà Trần đang có biểu hiện suy thoái, cần phải nhìn lại quá khứ anh hùng để củng cố niềm tin trong hiện tại.

– Bài phú có 3 phần, đoạn trích là phần hai của bài phú.

  1. Thuyết minh về nội dung, nghệ thuật đoạn trích:
  2. Về nội dung: Đoạn trích đã khắc họa đậm nét hình tượng các bô lão với các ý chính sau:

– Các bô lão đến với “khách” bằng thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính khách(…).

– Sau một câu hồi tưởng về việc “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, các bô lão đã kể cho “khách” nghe về chiến tích “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã” (kể theo trình tự diễn biến của sự kiện với thái độ, giọng điệu đầy nhiệt huyết, tự hào; lời kể ngắn gọn, cô đọng, súc tích).

– Sau lời kể về trận chiến là suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến thắng trên sông Bạch Đằng:

+ Chỉ ra nguyên nhân ta thắng địch thua (…)

+ Khẳng định vị trí, vai trò của con người. Đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn có tầm triết lí sâu sắc.

  1. Về nghệ thuật:

– Sử dụng thể phú tự do, không bị gò bó vào niêm luật.

– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp trữ tình và tự sự, có khả năng bộc lộ cảm xúc phong phú, đa dạng,…

– Câu văn biền ngẫu tạo nhịp điệu cân đối hài hòa.

– Sử dụng biện pháp khoa trương, phóng đại; so sánh – liên tưởng,…

– Giọng văn thể hiện rất phù hợp: vừa hào hứng, sôi nổi đầy nhiệt huyết, tự hào, vừa mang tính suy tư, triết lí.

III. Kết bài: Nêu ý nghĩa đoạn trích

– Nỗi buồn tiếc quá khứ hào hùng, một đi không trở lại và niềm tự hào về lịch sử của dân tộc, niềm tin vào con người và vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Viết bài

(Bài làm tham khảo)

Trương Hán Siêu (? – 1354) là người có học vấn uyên thâm, từng tham gia các cuộc chiến đấu của quân dân nhà Trần chống quân Mông – Nguyên, được các vua Trần tin cậy và nhân dân kính trọng. Tác phẩm của ông hiện còn lại không nhiều, trong đó có bài Phú sông Bạch Đằng. Bài phú có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật mà tiêu biểu là đoạn văn sau:

Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu?

………………………………………….

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.

Phú sông Bạch Đằng được sáng tác khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thắng lợi – Khi vương triều nhà Trần đang có biểu hiện suy thoái, cần phải nhìn lại quá khứ anh hùng để củng cố niềm tin trong hiện tại. Bài phú có ba phần, đoạn trích là phần hai của bài phú.

Đoạn trích đã khắc họa đậm nét hình tượng các bô lão với câu chuyện bên sông Bạch Đằng và lời suy ngẫm, bình luận về chiến thắng trên sông Bạch Đằng .

Trước hết là hình ảnh các bô lão địa phương – những chàng thanh niên quả cảm gần 50 năm trước từng chứng kiến, từng tham gia chiến trận Bạch Đằng – nay hồ hởi đến gặp vị quan tướng đồng trang – đồng tuế: kẻ gậy lê chống trước, người thuyền nhẹ bơi sau, đón khách bằng cả hai đường bộ, thủy. Vừa gặp đã chuyện trò, thăm hỏi với thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính khách (vái ta mà thưa rằng…). Sau một câu hồi tưởng về việc “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, các bô lão đã kể cho “khách” nghe về chiến tích “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”. Theo trình tự diễn biến trận đánh, từng cảnh, từng việc hiện ra qua lời thuật kể vắn tắt và rất sinh động như là đang, vừa diễn ra trong hiện tại (Đương khi ấy:…). Khí thế quân sĩ và vũ khí, trang bị, thuyền bè, tinh kì cờ quạt,… tất cả đều mạnh mẽ, oai hùng với khí thế Sát thát (Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới – Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói), chủ động dụ giặc, chủ động chờ giặc, chủ động tiến công giặc. Tình thế trận đánh quyết liệt, gay go, căng thẳng. Khí thế, sức mạnh của quân ta có thể làm mờ cả ánh mặt trăng, mặt trời, làm thay đổi cả trời đất. Kẻ thù cậy mạnh, hung đồ, lừa dối: nào Lưu Cung, Tất Liệt,… tham vọng không cùng, kiêu căng ngạo mạn… đã làm trái lòng trời, lòng người…càng chuốc lấy thảm bại mà thôi: tan tác tro bay, hoàn toàn chết trụi,… Đại tướng Ô Mã Nhi bị quân ta bắt sống. Tiếp theo là so sánh, liên tưởng địch – ta, xưa – nay và làm nổi bật đại bại của giặc như Tào Tháo đại bại ở trận Xích Bích, Bồ Kiên đại bại ở trận Hợp Phì. Đó là sự thật, là qui luật, là chân lí tất yếu, bất biến cũng như dòng sông Bạch Đằng mãi mãi đổ ra biển rộng.

Sau lời kể về trận chiến là suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chỉ rõ nguyên nhân ta thắng địch thua. Ở phần trên, ta đã thấy, qua lời so sánh của các bô lão, ta thắng vì ta được lòng trời, lòng người, ta có chính nghĩa, nhân nghĩa; giặc cậy mạnh, hung đồ, giả dối, phi nghĩa, làm trái lòng trời nên đại bại là đương nhiên. Đó là thiên thời. Tiếp theo là địa lợi (địa linh): đất hiểm, sóng nước Bạch Đằng, con nước thủy triều cũng góp phần thắng giặc. Sau nữa là nhờ có nhân tài (nhân kiệt) – có người tài giỏi giữ nước. Đặc biệt là có Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thần cơ diệu toán, mưu cao mẹo giỏi, biết xem thế giặc kim niên tặc nhàn – năm nay đánh giặc dễ để bày mưu đặt kế giúp hai vua thắng giặc. Trận đại thắng đã rửa nhục cho đất nước, tái tạo công lao để tiếng thơm còn mãi với lịch sử, với thời gian. Từ đó đi đến khẳng định vị trí, vai trò của con người. Đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn có tầm triết lí sâu sắc.

Đoạn trích khép lại bằng lời ca của các bô lão. Lời ca của các bô lão mang ý nghĩa tổng kết, có giá trị như một tuyên ngôn về chân lí – qui luật của thiên nhiên và lịch sử. Dòng sông Bạch Đằng mênh mông rộng lớn chảy về biển đông. Kẻ bất nghĩa nhất định bị tiêu vong. Người anh hùng nghìn năm lưu danh (có nhân nghĩa thì lưu danh thiên cổ). Như thế là các bô lão đã khẳng định và ca ngợi bài học của nhân dân, bài học chân chính của lịch sử; khẳng định và ngợi ca sự bất tử của những anh hùng làm nên chiến thắng. Con người là quyết định của sự phát triển lịch sử bên cạnh các yếu tố quan trọng thiên thời, địa lợi, thời cơ,…

Đoạn văn sử dụng thể phú tự do, không bị gò bó vào niêm luật. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp trữ tình và tự sự, có khả năng bộc lộ cảm xúc phong phú, đa dạng,…Câu văn biền ngẫu tạo nhịp điệu cân đối hài hòa. Đồng thời biện pháp khoa trương, phóng đại được sử dụng rất đúng lúc (Khí thế, sức mạnh của quân ta có thể làm mờ cả ánh mặt trăng, mặt trời, làm thay đổi cả trời đất – Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ; Bầu trời đất chừ sắp đổi); biện pháp liệt kê, sử dụng các điển tích có trong lịch sử Trung Quốc (Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay – Trận hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi) kết hợp so sánh – liên tưởng địch – ta, xưa – nay và làm nổi bật đại bại của giặc. Giọng văn thể hiện rất phù hợp: vừa hào hứng, sôi nổi đầy nhiệt huyết, tự hào, vừa mang tính suy tư, triết lí.

Tóm lại, qua lời kể và những suy ngẫm của các bô lão chiến thắng của quân ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử đã thể hiện lòng yêu nước và niền tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đoạn trích cũng chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.

Bài viết gợi ý: