Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua hai đoạn trích sau:
“… Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật đứa bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập, không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự.
Tnú bỏ gốc cây của anh. Đó là một cây vả. Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay. Anh chồm dậy. Một bàn tay níu anh lại. Tiếng cụ Mết nặng trịch:
– Không được. Tnú! Để tau!
Tnú gạt tay ông cụ ra. Ông cụ nhắc lại:
– Tnú!
Tnú quay lại. Ông cụ không nhìn ra Tnú nữa. Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. Ông cụ buông vai Tnú ra.
Một tiếng thét dữ dội. Chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Rồi Mai ôm đứa con chúi vào ngực anh. Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai.
– Đồ ăn thịt người, tau đây. Tnú đây…
Tnú không cứu sống được Mai…
… Thằng Dục không giết Tnú ngay. Nó đốt một đống lửa lớn ở nhà ưng, lùa tất cả dân làng tới, cởi trói cho Tnú, rồi nói với mọi người:
– Nghe nói chúng mày đã mài rựa, mài giáo cả rồi phải không? Được, đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây.
Nó hất hàm ra hiệu cho thằng lính to béo nhất. Chúng nó đã chuẩn bị sẵn cả. Thằng lính mở tút-se, lấy ra một chùm giẻ. Giẻ đã tẩm dầu xà-nu. Nó quấn lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây nứa. Nhưng thằng Dục bảo:
– Để nó cho tau!
Nó giật lấy cây nứa.
Tnú không kêu lên một tiếng nào. Anh trợn mắt nhìn thằng Dục. Nó cười sằng sặc. Nó dí cây lửa lại sát mặt anh:
– Coi kỹ cái mặt thằng cộng sản muốn cầm vũ khí này xem sao nào. Số kiếp chúng mày không phải số kiếp giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không?
Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.
Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…” Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!…”
( Trích Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12,Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
“…Việt tỉnh dậy lần thứ tư, trong đầu còn thoáng qua hình ảnh của người mẹ. Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thăm thẳm, bắt đầu từ tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên. Người Việt như đang tan ra nhè nhẹ. Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn…
… Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nở rộ…
Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang nổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong…”
( Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Ngữ văn 12,Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Hướng dẫn :
Mở bài :
+ Giới thiệu khái quát về 2 tác giả, 2 tác phẩm và vấn đề cần nghị luận
+Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua các đoạn trích trong hai tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành|) và Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)
Thân bài :
+ Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Tnú qua đoạn trích trong tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành|), Việt qua đoạn trích trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) để làm rõ vẻ đẹp của thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước:
++ Vẻ đẹp của nhân vật Tnú:
– Tnú là người có trái tim yêu thương (chứng kiến vợ con bị tra tấn, anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay, tay không xông ra giữa bọn lính để cứu vợ con…)
– Tnú là người gan dạ, dũng cảm, kiên cường , tuyệt đối trung thành với cách mạng (bị tra tấn- đốt 10 ngón tay nhưng anh cắn răn chịu đựng, không kêu van )
++ Vẻ đẹp của nhân vật Việt:
+ Đánh giá khái quát:
++ Tnú được khắc họa trong sự gắn bó với buôn làng. Nhân vật mang đậm dấu ấn người anh hùng trong sử thi của đồng bào dân tộc miền núi. Việt được khắc họa trong mối quan hệ gia đình. Nhân vật gần gũi với cuộc sống đời thường, mang đặc điểm, phẩm chất của một chàng trai mới lớn. Cả hai nhân vật vừa mang nét cá tính riêng , vừa mang những phẩm chất có tính khái quát, tiêu biểu. Vẻ đẹp của Tnú và Việt tiêu biểu cho vẻ đẹp của thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước: yêu gia đình, quê hương, căm thù giặc sâu sắc, kiên cường, bất khuất, trung thành với cách mạng.
++ Nghệ thuật:
– Nhân vật Việt: Với nghệ thuật trần thuật tác giả để cho nhân vật tự kể về cuộc đời của mình và các nhân vật khác theo dòng hồi tưởng; giọng điệu tự sự kết hợp trữ tình; ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ; xây dựng nhân vật sinh động qua miêu tả hành động và nội tâm tinh tế .
– Nhân vật Tnú: Hiện lên qua lời kể của tác giả, lời kể của cụ Mết, giọng kể mang đậm tính sử thi; ngôn ngữ , hành động mang đặc trưng của người Tây Nguyên; phân tích thế giới nội tâm nhân vật sắc sảo.
Kết bài : Khái quát về vẻ đẹp của các nhân vật và sự sáng tạo của mỗi nhà văn, khẳng định đóng góp của hai nhà văn,..
Xem thêm : Những bài văn hay về Rừng xà nu
Những đứa con trong gia đình
Tuyển tập đề thi về các tác phẩm lớp 12