A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Phần một: TÁC GIẢ

I- CUỘC ĐỜI

Nguyễn Trãi ( 1380- 1442), hiệu là Ức Trai , là một nhà chính trị, nhà thơ dưới thời nhà Hồ và nhà Lê sơ Việt Nam.Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ, nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh đầu hàng rồi bị bắt giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi đi theo. Đến ải Nam Quan, cha ông khuyên ông nên quay về để trả nợ nước,báo thù nhà, ông làm theo. Sau khi nước Đại Ngu rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh

Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thanh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc.

II- SỰ NGHIỆP VĂN THƠ

1. Những tác phẩm chính

  • Những tác phẩm chính viết bằng chữ Hán: Quân Trung từ mệnh tập, Bình Ngô Đại Cáo, Ức trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục,...
  • Những tác phẩm bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập hiện còn 254 bài chia làm bốn môn loại: Vô đề, Thời lệnh môn, Hoa mộc môn, Cầm thú môn. Phần Vô đề chia thành nhiều mục: Thủ vĩ ngâm (1 bài), Ngôn chí (21 bài), Mạn thuật (14 bài), Thuật hứng (25 bài), Tự thán (41 bài), Tự thuật (11bài), Tức sự (4 bài), Bảo kính cảnh giới (61 bài) v.v... 

2. Nguyễn Trãi - nhà văn chính luận kiệt xuất

Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận lỗi lạc với khối lượng khá lớn văn chính luận: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, chiếu biểu viết dưới triều Lê,...Tư tưởng xuyên suốt áng văn chính luận của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân.

3. Nguyễn Trãi - nhà thơ trữ tình sâu sắc

Ở những tác phẩm thơ trữ tình, con người công dân và con người cá nhân Nguyễn Trãi hài hoà với nhau tạo nên sự thống nhất sâu sắc giữa nhà thơ - chiến sĩ, nhà thơ của những biến cố lịch sử và nhà thơ - nhân tình, giữa tình yêu thiên nhieen hòa quyện với tình yêu đất nước, nhà thơ của đời thường với con người "trần thế nhất trần gian" (trong những tác phẩm mang tính chính luận chủ yếu là con người công dân Nguyễn Trãi cất lên tiếng nói của nhân dân, của thời đại). 

III - KẾT LUẬN

Nguyễn Trãi đã trở thành một hiện tượng văn học cuối thế kỉ XV, mở ra một giai đoạn mới phát triển, mở ra hai nguồn cảm hứng mới là nhân đạo và yêu nước trở thành một nhà văn chính luận kiệt xuất khai sáng văn học Việt Nam

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 13 sgk Ngữ Văn 10 tập 2

Vì sao có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại?

Bài làm:

Những năm thế kỉ XIV, nước ta bị xâm lược, nhà Hồ lật đổ nhà Trần, quân Minh xâm lược nước ta. Sau khi thoát khỏi sự giam lỏng của giặc Minh, Nguyễn Trãi đã tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa. Ông trở thành vị quân sư số 1, giúp Lê Lợi vạch chiến lược tiêu diệt kẻ thù xâm lược, giữ trọng trách chính trị, ngoại giao. Năm 1427 cuộc khởi nghĩa Lam sơn toàn thắng, ông thừa lệnh viết Bình Ngô đại cáo, hăm hở vào công cuộc xây dựng bảo về Tổ quốc một mực trung hiếu cho đến khi phải chịu oan án. Tư tưởng chính trị mà ông suốt đời phấn đấu và phụng sự hết mình là tư tưởng nhân nghĩa mà cái nền tảng chính là tình yêu nước và lòng thương dân. Chính vì thế có thể nói  Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại đã góp phần làm nên lịch sử dân tộc nước nhà.

Câu 2: Trang 13 sgk Ngữ Văn 10 tập 2

Anh chị đã đọc những tác phẩm nào của Nguyễn Trãi? Hãy giới thiệu sơ lược một vài tác phẩm tiêu biểu.

Bài làm:

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi: Côn Sơn ca, Bạch Đằng hải khẩu, Đại cáo Bình Ngô, Cảnh ngày hè, Cây chuối, Dục Thúy Sơn, Tùng, Thư lại dụ Vương Thông, ... .

Giới thiệu một vài tác phẩm:

  • Bài thơ "Cảnh ngày hè": trích trong  "Quốc âm thi tập" thể hiện vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và vẻ đẹp tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước của Nguyễn Trãi.
  •  Bài thơ " Côn Sơn ca":  Bài thơ vẽ lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp nơi Côn Sơn mộc mạc dân dã. Cáo quan về quê nhà thơ không hề hối hận cũng không hề buồn mà chỉ nhàn nhã và thanh thản thêm. Với biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng dày đặc Côn Sơn càng hiện lên sinh động hơn và tâm trạng của nhà thơ càng được thể hiện rõ hơn – đó là một tâm trạng hết sức phấn chấn và thanh thản.

Câu 3: Trang 13 sgk Ngữ Văn 10 tập 2

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ mà anh chị cảm nhận sâu sắc nhất

Bài làm:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương"

Hai câu thơ cuối của bài " Cảnh ngày hè" cho ta hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi muốn có cây đàn của vua Thuấn để gảy lên khúc ca sự no ấm, thái bình của người dân. Ông là người luôn canh cánh trong lòng nỗi lo cho dân, cho đất nước. Nhìn thấy dân làng chài trong cảnh yên vui cũng đủ khiến ông yên lòng. Âm điệu những câu thơ lục ngôn ( sáu chữ) kết thúc bài thơ khác âm điệu những câu thơ thất ngôn ( bảy chữ) ở chỗ nó như dồn nén trong câu chữ những tính cảm của ông dành cho nhân dân. Ông ước mơ người dân đất nước ta có cuộc sống no đủ sum vầy hạnh phúc, ấm êm.

Câu 4: Trang 13 sgk Ngữ Văn 10 tập 2

Nêu khái quát những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi

Bài làm:

  • Nội dung văn chương: Hội tụ 2 nguồn cảm hứng lớn yêu nước - nhân đạo.
  • Nghệ thuật: văn chương Nguyễn Trãi có đóng góp lướn cả hai bình diện cơ bản nhất là thể loại và ngôn ngữ. Ông là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng việt, với sáng tác bằng chữ Nôm góp phần làm cho tiếng việt trở thành ngôn ngữ dân tộc giàu và đẹp.