Câu 2,3
“Học, học nữa, học mãi” là một câu nói khẳng định rằng việc học là cần thiết cho mọi cuộc đời và mọi thế hệ. Việc học của tuổi trẻ thường có được từ sách vở. Đọc sách là một cách học chủ yếu của học sinh. Đặc biệt, những tác phẩm văn học góp phần làm giàu kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho tuổi trẻ. Đôi khi có những quyển sách làm thay đổi rất nhiều cuộc đời và rất nhiều số phận. Chính vì thế đã có “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
Thân bài:
- Giải thích “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”: Đọc và sống với một tác phẩm văn học, người đọc sẽ tiếp thu được nhiều điều quý báu từ kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, cảm xúc của tác giả… có những tác phẩm đánh thức trong chúng ta những khát vọng lớn lao, những tình yêu cao đẹp đối với quê hương, cha mẹ, bạn bè, đồng loại và thiên nhiên…
Có những tác phẩm hun đúc trong ta một ý chí sắt thép và sự quyết tâm để đi đến thành công và đạt được những mục tiêu cao cả. Có những trang sách làm chúng ta khóc, có những trang sách làm chúng ta cười, có những trang sách làm chúng ta đau, có những trang sách làm chúng ta sướng, có những trang sách đọc một lần mà suốt đời không bao giờ quên. Chính vì vậy, có những trang sách đã nhóm lên trong tâm hồn và tinh thần của con người những ngọn lửa không bao giờ tắt.
- Phân tích chứng minh những bài học, trải nghiệm mà học sinh có được từ việc đọc các tác phẩm văn học về các mặt như kiến thức, tư tưởng, kinh nghiệm, cách mô tả và diễn đạt những vấn đề trong cuộc sống, tâm lý nhân vật, miêu tả phong cảnh…Ngọn lửa ở đây như một ẩn dụ của một công cụ thắp sáng, soi đường, hun đúc, tạo nên sức mạnh, nghị lực, niềm đam mê, tình yêu thương...
Phần này mỗi học sinh sẽ có những trình bày cụ thể riêng. Học sinh có thể trình bày những trải nghiệm riêng của mình khi nhập vai với những nhân vật trong tác phẩm. Chỉ cần những điều được nêu phù hợp, đúng với tác phẩm được đề cập.
- Học sinh có thể bàn luận thêm về cách đọc tác phẩm văn học để có được kết quả tốt nhất (lựa chọn tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, với mơ ước, với lý tưởng; đọc với tinh thần tập trung, sống với thế giới nghệ thuật của tác phẩm). Cho những ví dụ cụ thể về những ngọn lửa đã được nhóm lên trong lòng mình khi đọc sách.
Chẳng hạn, những ngọn lửa trong những tác phẩm văn học lớp 9 là: tình yêu đối với quê hương, gia đình, thiên nhiên, những tấm gương về sự hy sinh cao đẹp, chẳng hạn như những nhân vật trong Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long, Những ngôi sao xa xôi của Nguyễn Minh Châu, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng …
- Bên cạnh những tác phẩm văn học trong nhà trường, có những tác phẩm, những tác giả không có trong chương trình văn học nhưng đã bổ sung kiến thức, làm giàu tư tưởng của bản thân và thắp lên những ngọn lửa đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc.
Nhờ việc đọc sách, chúng ta có thể hình dung được người Trung Hoa, người Mỹ, người Nga, người Pháp, người Ý, người Đức… đã sống, chiến đấu, học tập, yêu thương, đau khổ và hạnh phúc… như thế nào. Việc đọc sách đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa và văn minh của một dân tộc.
- Việc đọc sách rất quan trọng cho việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, do đó đòi hỏi trách nhiệm của những người chọn lựa việc đưa tác phẩm văn học vào sách giáo khoa cần phải thận trọng hơn. Mong rằng có nhiều ngọn lửa chân thiện mỹ hơn trong những trang sách giáo khoa để học sinh Việt Nam có thể có những ấn tượng đầu đời đẹp đẽ, thanh cao và đứng đắn.
Kết bài: Mỗi tác phẩm văn học đều có những giá trị riêng về nội dung và nghệ thuật mang lại cho người đọc những trải nghiệm, những thông điệp, những lắng đọng, những suy nghĩ, những trăn trở… Do đó, người đọc cần có sự lựa chọn khôn ngoan và chủ động để việc biến những trang sách thành những ngọn lửa thắp sáng tương lai trong hành trình hoàn thiện tư tưởng và hình thành tính cách.
“Không có những gì mình thích thì hãy thưởng thức những gì mình đang có”. Hãy biến những trang sách văn học thành những ngọn lửa thắp sáng niềm đam mê, tình yêu và khát vọng cao đẹp