Từ xưa đến nay, thành công luôn là điều mà ai cũng muốn đạt được trên mọi bước chân của mình. Tuy nhiên, để đạt được thành công thì cần rất nhiều yếu tố, và không phải dễ dàng mà đạt được. Bàn về vấn đề này, cha ông ta đã đúc kết ra những chân lý hay và ý nghĩa. Trong đó không thể không nhắc đến câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công.
Theo câu tục ngữ, thì thất bại chính là mẹ, là cái gốc rễ, là cội nguồn giúp đạt đến thành công. Câu nói đã khẳng định vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng của thất bại, cho rằng nó là một nhân tố giúp tạo nên thành công. Mới nghe qua thì có vẻ như thật là vô lý, vì thất bại thì làm sao dẫn đến thành công được. Tuy nhiên, khi hiểu sâu xa và rộng ra thì ta sẽ thấy được, điều đó thực sự là có thể. Bởi vì bất kì ai khi làm một việc gì, đề ra một mục tiêu gì thì cũng không thể nào chắc chắn sẽ luôn thành công ngay trong lần đầu tiên được. Việc gặp thất bại, thiếu sót sẽ là điều dễ gặp phải. Đó là thất bại. Tuy nhiên, những thất bại ấy sẽ đem đến những kinh nghiệm quý giá, những trải nghiệm thực tế cho chúng ta mà không sách vở nào dạy được. Từ những điều đó, chúng ta sẽ có những phương hướng, cách thức, biện pháp tốt hơn để làm lại lần thứ hai. Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều những trường hợp thực tế. Như năm xưa, khi đất nước ta đang oằn mình chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, thì nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh bằng nhiều phương pháp, định hướng khác nhau. Từ cuộc đấu tranh dưới ngọn cờ phong kiến (cuộc khởi nghĩa Cần Vương), cuộc đấu tranh dưới sự dẫn dắt của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… và đều thất bại. Tuy nhiên chính những thất bại đó, đã vạch ra những bài học lịch sử sâu sắc, giúp Bác Hồ có thể chọn lựa ra được con đường cứu nước đúng đắn. Từ đó theo con đường được chọn, nhân dân ta chiến đấu anh dũng và dành được độc lập như ngày hôm nay. Hay đơn giản hơn, giống như việc chúng ta học tập mỗi ngày. Một bài toán khó, lần đầu tiên làm sai hướng nên không ra kết quả đúng, rút kinh nghiệm lần đó, ta làm lại lần thứ hai theo hướng khác, rồi sẽ có kết quả đúng. Một bài tập làm văn, lần đầu tiên viết còn thiếu ý, dùng từ chưa hay, sau khi được cô giáo chỉ ra và sửa chữa, lúc chúng ta viết tại lần thứ hai chắc chắn sẽ hay hơn rất nhiều. Như vậy, chỉ cần chúng ta nhận ra được khuyết điểm, sai lầm khiến ta gặp thất bại, rồi sửa chữa, khắc phục, thì ắt sẽ có thành công. Như vậy, thất bại thực đúng là mẹ của thành công rồi.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, vẫn có rất nhiều người vẫn không nhận thức được ý nghĩa, giá trị của thất bại. Khi gặp thất bại, họ chán nản, tuyệt vọng, từ bỏ hẳn luôn mục tiêu mà mình đã từng đặt ra. Một phần vì chính họ cho rằng mình không thể nào vượt qua được cái bóng của sự thất bại đó, một phần cũng vì những kẻ ích kỉ, xấu xa xung quanh luôn tìm cách chà đạp, đay nghiến cái thất bại ấy. Thật đáng buồn thay. Và cũng có cả những trường hợp, không biết đúc rút kinh nghiệm cho bản thân sau những lần thất bại, mà cứ cố chấp, mãi đâm đầu vào một cái ngõ cụt ban đầu, khiến thành công ngày càng xa.
Bản thân em là một học sinh, em cũng đã từng gặp phải những thất bại. Nhưng thấm nhuần bài học của ông cha, em chưa từng bỏ cuộc và đầu hàng. Bài toán khó, em tìm tòi, suy nghĩ, làm nhiều lần đến bao giờ làm được mới thôi. Bài thơ dài, em chia nhỏ, học thuộc ba lần, năm lần đến khi thuộc mới dừng. Bài kiểm tra điểm kém, thì học tập càng thêm chăm chỉ để đạt điểm cao hơn ở những lần sau. Nhờ tinh thần đó, em có kết quả học tập tốt và được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Hiện nay, cuộc sống xã hội hiện đại ngày càng trở nên phức tạp và sôi động. Tuy nhiên, bài học mà cha ông ta gửi gắm trong câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công thì vẫn còn nguyên giá trị của nó.