BÀI 40: QUẦN XÃ SINH VẬT VÀ MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA QUẦN XÃ

I. KHÁI NIỆM VỀ QUẦN XÃ SINH VẬT:

- Quần xã là tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau cùng sống trong 1 không gian nhất định gọi là sinh cảnh.

- Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó với nhau như một thể thống nhất nên quần xã có cấu trúc tương đối ổn định. Các sinh vật trong quần xã thích nghi với môi trường sống của chúng.

Ví dụ: quần xã sinh vật đầm lầy Mangrove Ấn Độ

Sơ đồ cấu trúc của quần xã

II. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA QUẦN XÃ:

1. Đặc trưng về thành phần loài trong quần xã:

- Số lượng các loài trong quần xã và sống lượng cá thể của mỗi loài là mức độ đa dạng của quần xã, biểu thị sự biến động, ổn định hay suy thoái của quần xã.

- Loài ưu thế:là những loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hay do hoạt động mạnh của chúng.

- Loài đặc trưng: là loài chỉ có ở 1 quần xã nào đó.

2. Đặc trưng về phân bố cá thể của quần xã:

- Phân bố cá thể trong không gian của quần xã tuỳ thuộc vào nhu cầu sống của từng loài. Nhìn chung sự phân bố cá thể trong tự nhiên có xu hướng làm giảm bớt mức độ cạnh tranh giữa các loài và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống của môi trường.

- Phân bố cá thể trong quần xã theo chiều thẳng đứng: như sự phân thành nhiều tầng cây thích nghi với điều kiện chiếu sáng khác nhau trong rừng mưa nhiệt đới. Sự phân tầng của thực vật kéo theo sự phân tầng của động vật.

 

Ví dụ: sự phân tầng của quần xã theo chiều thẳng đứng

 

- Phân bố cá thể theo chiều ngang: như sự phân bố của sinh vật từ đỉnh núi, sườn núi đến chân núi; hay sự phân bố sinh vật từ vùng đất ven bờ biển đến vùng khơi xa.

3. Đặc trưng về quan hệ dinh dưỡng của các nhóm sinh vật:

Quần xã sinh vật gồm nhiều nhóm sinh vật có quan hệ dinh dưỡng khác nhau:

- Nhóm SV sản xuất: gồm cây xanh và 1 số VSV tự dưỡng (VK lam, VK lưu huỳnh)

- Nhóm sinh vật tiêu thụ: gồm các sinh vật ăn thịt các sinh vật khác như: động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật.

- Nhóm sinh vật phân giải: gồm những vi sinh vật dị dưỡng phân giải các chất hữu cơ có sẳn trong tự nhiên như: VK, nấm, 1 số động vật đất

II. QUAN HỆ GIỮA CÁC LOÀI TRONG QUẦN XÃ SINH VẬT:

1. Các mối quan hệ sinh thái

a. Quan hệ cộng sinh:

- Là quan hệ giữa 2 hay nhiều loài sinh vật, trong đó tất cả các bên đều có lợi; tuy nhiên mỗi bên chỉ có thể sống và phát triển tốt nếu có sự hợp tác của bên kia.

+ Cộng sinh giữa thực vật, nấm hoặc vi khuẩn:

Ví dụ: * Cộng sinh giữa tảo đơn bào với nấm và VK trong địa y.

* VK cố định đạm (Rhizobium) cộng sinh trong nốt sần rễ cây họ Đậu.

+ Cộng sinh giữa thực vật và động vật:

Ví dụ: * Cộng sinh giữa kiến và cây kiến.

+ Cộng sinh giữa động vật và động vật:

- Trùng roi sống trong ruột mối: giúp mối tiêu hóa xenlulôzơ thành đường (là nguồn cung cấp cho cả mối và trùng roi)

- Một số loài cua mang trên thân những con hải quỳ (hải quỳ tiết chất độc giúp cua tự vệ, cua giúp hải quỳ di chuyển khỏi nơi khô hạn)

b. Quan hệ hợp tác:

- Cũng giống như cộng sinh, hai loài sống chung và cả 2 cùng có lợi tuy nhiên nếu tách riêng ra thì chúng vẫn tồn tại được.

Ví dụ:

+ Hợp tác giữa chim sáo và trâu rừng (chim ăn con ve, bét dưới lớp lông của trâu, khi có thú dữ chim bay lên báo động cho trâu)

+ Hợp tác giữa chim nhỏ ăn thức ăn thừa ở răng cá sấu (cá sấu không khó chịu vì thức ăn thừa trong răng, chim nhỏ có thức ăn)

c. Quan hệ hội sinh:

- Là quan hệ giữa 2 loài sinh vật, 1 bên có lợi bên kia không hại gì

Ví dụ:

+ Cá ép sống bám trên cá lớn (cá voi, cá mập), nhờ đó cá ép được mang đi xa, kiếm thức ăn dễ dàng.

+ Hội sinh giữa dương xỉ và cây gỗ (dương xỉ bám trên thân cây để lấy nước và ánh sáng, cây gỗ chẳng hại gì)

d. Quan hệ cạnh tranh:

Là mối quan hệ giữa các loài có cùng chung nhau nguồn sống, các loài cạnh tranh nhau giành thức ăn, nơi ở…

- Đối với thực vật: cạnh tranh giành khoảng không gian có nhiều ánh sang, những cây lấy được nhiều ánh sáng sẽ vươn cao hơn những cây khác, rễ phát triển mạnh sẽ có cơ hội sống sót hơn.

- Đối với động vật: cạnh tranh gay gắt ở những loài có cùng nhu cầu về thức ăn, nơi ở …

Ví dụ:

+ Cạnh tranh giữa cú và chồn trong rừng (vì cùng hoạt động vào ban đêm và bắt chuột làm thức ăn).

+ Cạnh tranh làm dẫn đến phân hóa kích thước mỏ chim (có 3 loài chim mỏ chéo ở châu Âu chuyên ăn hạt thông)

e. Kí sinh:

- Là quan hệ loài sinh vật này sống nhờ cơ thể của loài sinh vật khác lấy chất dinh dưỡng để sống.

- Loài sống nhờ gọi vật kí sinh, loài kia là vật chủ.

- Vật kí sinh không giết chết ngay vật chủ mà làm suy yếu dần, bệnh rồi chết.

Ví dụ:

+ Chấy, rận, kí sinh trên cơ thể người và động vật

+ Cây tầm gởi sống bám trên thân cây khác.

f. Ức chế cảm nhiễm:

- Là quan hệ 1 loài sinh vật trong quá trình sống đã kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển của loài khác. Ức chế cảm nhiễm là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của 1 loài nào đó.

Ví dụ: + Tảo giáp phát triển mạnh gây vào mùa sinh sản tiết ra chất độc gọi là “thuỷ triều đỏ“ hay “nước nở hoa“ làm chết nhiều động vật không xương sống và nhiều loài khác chết do ăn phải những động vật bị nhiễm độc này.

g. Sinh vật ăn sinh vật khác:

Động vật ăn thực vật: trong quá trình ăn lá, quả, hạt mật hoa … động vật đã góp phần thụ phấn cho thực vật.

Động vật ăn động vật: động vật ăn thịt tấn công con mồi, tuy nhiên chúng thường bắt được những con gìa hoặc bệnh tật à chọn lọc tự nhiên loại bớt những con yếu.

Thực vật ăn động vật: cây bắt ruồi, cây nắp ấm …lá cây tiết ra chất phân giải thịt sâu bọ thành chất dinh dưỡng nuôi cây

2. Hiện tượng khống chế sinh học

- Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức nhất định, không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp do tác động của các mối quan hệ hỗ trợ hoặc đối kháng giữa các loài trong quần xã.

- Trong nông nghiệp, sử dụng các loài thiên địch để tiêu diệt các loài gây hại khác. Ví dụ: sử dụng ong kí sinh để diệt bọ dừa, sử dụng rệp xám để hạn chế số lượng cây xương rồng bà.

BÀI TẬP :

Câu 1.    Một số ví dụ về các mối quan hệ sinh thái

-        Vai trò của các loài cộng sinh trong địa y

+       Nấm và vi khuẩn sử dụng cacbohiđrat do tảo tổng hợp qua quang hợp

+       Tảo sử dụng vitamin, hợp chất hữu cơ do nấm chế tạo, sử dụng nước trong tản của nấm để quang hợp.

+       Tảo và vi khuẩn sống trong tản của nấm, nhờ vỏ dày của tản nấm nên chống được ánh sáng mạnh và giữ ấm

-        Vai trò của động vật đối với sự thụ phấn và phát tán của thực vật: Thực vật là thức ăn cho nhiều loài động vật. Tuy nhiên, động vật trong quá trình ăn lá cây, quả, hạt, lấy mật hoa,… đã góp phần thụ phấn và phát tán cho cây.

-        Mối quan hệ giữa nấm với các loài khác.

+       Vi khuẩn, nấm men và động vật đơn bào cộng sinh trong ống tiêu hóa của sâu bọ, giúp tăng cường khả năng tiêu hóa xenlulôzơ của sâu bọ

+       Nấm cộng sinh với rễ cây (ví dụ rễ thông) hình thành nấm rễ, giúp cây hấp thụ nước và muối khoáng tốt hơn.

-        Sán lá gan ở người (kí sinh); bệnh sốt rét (kí sinh); hiện tượng thắt nghẹt cổ ở các cây đa, cây si,… Đầu tiên là hội sinh, nhưng về sau là kí sinh.

-        Ong hút mật hoa: Trong trường hợp hoa chỉ có thể thụ phấn được nhờ loài ong đó thì là quan hệ cộng sinh, nếu ngoài ong ra hoa cũng có thể được thụ phấn nhờ các động vật khác thì là quan hệ hợp tác, ngoài ra cũng có thể là quan hệ động vật ăn thực vật.

-        Chim ăn quả có hạt cứng: cũng tương tự như trên vừa có thể là cộng sinh, hợp tác hoặc sinh vật ăn sinh vật khác.

-        Địa y sống bám trên thân cây: Hội sinh

-        Quan hệ giữa sinh vật ăn sinh vật khác gồm có quan hệ giữa động vật ăn thực vật, động vật ăn thịt và thực vật bắt sâu bọ. Trong đó, quan hệ động vật ăn động vật (vật dữ-con mồi) là quan hệ mang tính khắc nghiệt giữa các động vật ăn thịt, ảnh hưởng đến cân bằng sinh học trong quần xã.

Câu 2.    Muốn trong một ao nuôi được nhiều loài cá và cho năng suất cao, chúng ta cần chọn nuôi các loài cá như thế nào?

-        Chúng ta cần tìm hiểu và nuôi các loài cá phù hợp. Nuôi các loài cá sống ở các tầng nước khác nhau: tầng nổi, tầng trung bình, tầng đáy… và nuôi nhiều loài ăn các thức ăn khác nhau.

-        Mỗi loài có một ổ sinh thái riêng nên giữa các loài cá giảm mức độ cạnh tranh với nhau gay gắt.

-        Ví dụ: cá trắm cỏ ăn thực vật và chủ yếu phân bố ở tầng mặt, cá mè trắng ăn thực vật nổi, cá mè hoa ăn động vật nổi là chính, cá trắm đen ăn thân mềm và chủ yếu phân bố ở đáy ao, cá trê ăn tạp và chủ yếu ăn chất hữu cơ ở đáy ao…

 

-        Nuôi nhiều loài cá khác nhau như trên sẽ tận dụng được nguồn thức ăn trong thiên nhiên và không gian vùng nước, do đó đạt được năng suất cao.

BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM :

Câu 1: Trong quần xã sinh vật có những mối quan hệ nào sau đây?

A. quan hệ giữa các cá thể cùng loài

B. quan hệ giữa các cá thể khác loài

C. quan hệ giữa các cá thể sinh vật với môi trường

D. cả A, B và C

Câu 2: Các đặc trung cơ bản của quần xã là

A. thành phần loài, tỉ lệ nhóm tuổi, mật độ

B. độ phong phú, sự phân bố các cá thể trong quần xã

C. thành phần loài, sức sinh sản và sự tử vong

D. thành phần loài, sự phân bố các cá thể trong quần xã

Câu 3: Mức độ phong phú về số lượng loài trong quần xã thể hiện

A. độ nhiều

B. độ đa dạng

C. độ thường gặp

D. sự phổ biến

Câu 4: Quan hệ dinh dưỡng trong quần xã cho biết

A. mức độ gần gũi giữa các cá thể trong quần xã

B. con đường trao đổi vật chất và năng lượng trong quần xã

C. nguồn thức ăn của các sinh vật tiêu thụ

D. mức độ tiêu thụ các chất hữu cơ của các sinh vật

Câu 5: Trong quan hệ giữa 2 loài, có ít nhất 1 loài bị hại thì đó là mối quan hệ nào sau đây?

A. quan hệ hỗ trợ

B. quan hệ đối kháng

C. quan hệ hợp tác

D. quan hệ hội sinh

Câu 6: Quần xã là

A. một tập hợp các sinh vật cùng loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian xác định.

B. một tập hợp các quần thể khác loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian và thời gian xác định, gắn bó với nhau như 1 thể thống nhất và có cấu trúc tương đối ổn định.

C. một tập hợp các quần thể khác loài, cùng sống trong 1 khu vực, vào 1 thời điểm nhất định.

D. một tập hợp các quần thể khác loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm nhất định.

Câu 7: Trong quần xã sinh vật đồng cỏ, loài chiếm ưu thế là

A. cỏ bợ

B. trâu, bò

C. sâu ăn cỏ

D. bướm

Câu 8: Loài ưu thế là loài có vai trò quan trọng trong quần xã cho

A. số lượng cá thể nhiều

B. sức sống mạnh, sinh khối lớn, hoạt động mạnh

C. có khả năng tiêu diệt các loài khác

D. số lượng cá thể nhiều, sinh khối lơn, hoạt động mạnh

Câu 9: Các cây tram ở rừng U Minh là loài

A. ưu thế

B. đặc trưng

C. đặc biệt

D. có số lượng nhiều

Câu 10: Các quần xã sinh vật vùng nhiệt đới có

A. sự phân bố theo chiều ngang

B. đa dạng sinh học cao

C. đa dạng sinh học thấp

D. nhiều cây to và động lực lớn

Câu 11: Ý nghĩa của sự phân tầng trong quần xã là

A. làm tăng khả năng sử dụng nguồn sống, do các loài có nhu cầu ánh sáng khác nhau

B. làm tiết kiệm diện tích, do các loài có nhu cầu nhiệt độ khác nhau

C. làm giảm sự cạnh tranh nguồn sống giữa các loài, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống

D. giúp các loài thích nghi với các điều kiện sống khác nhau

Câu 12: Biểu hiện của sự phân li ở sinh thái ở các loài trong quần xã là

A. mỗi loài ăn 1 loại thức ăn riêng

B. mỗi loài kiếm ăn ở 1 vị trí riêng

C. mỗi loài kiến ăn vào một thời điểm riêng trong ngày

D. cả A, B và C

Câu 13: Trong cùng một thủy vực, người ta thường nuôi ghép các loài cá mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, trắm đen, rô phi, cá chép để

A. thu được nhiều sản phẩm có giá trị khác nhu

B. tân dụng tối đa nguồn thức ăn có trong ao

C. thỏa mãn nhu cầu, thi hiếu khác nhau của con người

D. tăng tính đa dạng sinh học trong ao

Câu 14: Sự phân bố của 1 loài trong quần xã thường phụ thuộc chủ yếu vào

A. diện tích của quần xã

B. những thay đổi do quá trình tự nhiên

C. những thay đổi do hoạt động của con người

D. nhu cầu về nguồn sống

Câu 15: Hiện tượng số lượng cá thể của quần thể này bị số lượng cá thể của quần thể khác loài kìm hãm là hiện tượng

A. cạnh tranh giữa các loài

B. khống chế sinh học

C. cạnh tranh cùng loài

D. đấu tranh sinh tồn

Câu 16: Hiện tượng khống chế sinh học có thể xảy ra giữa các quần thể

A. cá rô phi và cá chép

B. ếch đồng và chim sẻ

C. chim sâu và sâu đo

D. tôm và tép

Câu 17: Hiện tượng khống chế sinh học đã

A. làm cho một loài bị tiêu diệt

B. đảm bảo cân bằng sinh thái trong quần xã

C. làm cho quần xã chậm phát triển

D. mất cân bằng trong quần xã

Câu 18: Nguyên nhân dẫn tới phân li ổ sinh thái của các loài trong quần xã là

A. mỗi loài ăn một loại thức ăn khác nhau

B. mỗi loài kiếm ăn ở vị trí khác nhau

C. mỗi loài kiếm ăn vào 1 thời gian khác nhau trong ngày

D. cạnh tranh khác loài

Câu 19: Hai loài ếch sống trong cùng 1 hồ nước, số lượng của loài A giảm chút ít, còn số lượng của loài B giảm đi rất mạnh. Điều đó chứng minh cho mối quan hệ

A. hội sinh

B. vật dữ - con mồi

C. ức chế - cảm nhiễm

D. cạnh trạnh

Câu 20: Đặc trưng nào sau đây có ở quần xã mà không có ở quần thể?

A. tỉ lệ nhóm tuổi

B. tỉ lệ tử vong

C. tỉ lệ đực - cái

D. độ đa dạng

Câu 21: Loài nào sau đây có thể cộng sinh với nấm hình thành địa y?

A. hải quỳ

B. vi khuẩn lam

C. rêu

D. tôm

Câu 22: Mối quan hệ nào sau đây là biểu hiện của quan hệ cộng sinh?

A. Dây tơ hồng bám trên thân cây lớn

B. Làm tổ tập đoàn giữa nhạn và cò biển

C. Sâu bọ sống trong các tổ mối

D. Trùng roi sống trong ống tiêu hóa của mối

Câu 23: Quần thể đặc trưng trong quần xã phải có đặc điểm như thế nào?

A. Kích thước bé, ngẫu nhiên nhất thời, sức sống mạnh

B. Kích thước lớn, không ổn định, thường gặp

C. Kích thước bé, phân bố hẹp, có giá trị đặc biệt

D. Kích thước lớn, phân bố rộng, thường gặp

Câu 24: Trong một quần xã có một vài quần thể có số lượng cá thể phát triển mạnh hơn. Các quần thể đó được gọi là

A. quần thể trung tâm

B. quần thể chính

C. quần thể ưu thế

D. quần thể chủ yếu

Câu 25: Con ve bét hút máu trâu, bò là thể hiện mối quan hệ nào?

A. Kí sinh

B. Vật dữ - con mồi

C. Cộng sinh

D. Đối địch

Câu 26: Khi nói về mối quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật, phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Mối quan hệ vật chủ - vật kí sinh là sự biến tướng của quan hệ con mồi – vật ăn thịt.

B. Những loài cùng sử dụng một nguồn thức ăn không thể chung sống trong cùng một sinh cảnh.

C. Trong tiến hóa, các loài trùng nhau vè ổ sinh thái thường hướng đến sự phân li về ổ sinh thái.

D. Quan hệ cạnh tranh giữa các loài trong quần xã được xem là một trong những động lực của quá trình tiến hóa.

Câu 27: Trong 1 ao, người ta có thể nuôi kết hợp nhiều loại cá: mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, trắm đen, trôi, chép,… vì

A. mỗi loài có một ổ sinh thái riêng nên sẽ giảm mức độ cạnh tranh gay gắt với nhau

B. tân dụng được nguồn thức ăn là các loài động vật nổi và tảo

C. tân dụng được nguồn thức ăn là các loài động vật đáy

D. tạo ra sự đa dạng loài trong hệ sinh thái ao

Câu 28: Trong một hồ tương đối giàu dinh dưỡng đang trong trạng thái cân bằng, người ta thả vào đó mộ số loài cá ăn động vật nổi để tăng sản phẩm thu hoạch, nhưng hồ lại trở nên phì dưỡng, gây hậu quả ngược lại. Nguyên nhân chủ yếu do

A. cá thải thêm phân vào nước gây ô nhiễm

B. cá làm đục nước hồ, cản trở quá trình quang hợp của tảo

C. cá khai thác quá mức động vật nổi

D. cá gây xáo động nước hồ, ức chế sự sinh trưởng và phát triển của tảo

Câu 29: Trong một bể cá nuôi, 2 loài cá cùng bắt động vật nổi làm thức ăn. Một loài ứa sống nơi sống nơi thoáng đãng, còn một loài lại thích sống dựa dẫm vào các vật thể trôi nổi trong nước. Chúng cạnh tranh gay gắt với nhau về thức ăn. Người ta cho vào bể 1 ít rong với mục địch để

A. làm tăng hàm lượng oxi trong nước nhờ sự quang hợp của rong

B. bổ sung lượng thức ăn cho cá

C. giảm sự cạnh tranh của 2 loài về nơi ở

D. làm giảm bớt chất ô nhiễm trong bể nuôi

Câu 30: Quan hệ giữa vi khuẩn lam và bèo hoa dây thuộc mối quan hệ nào?

A. hội sinh                          B. cộng sinh

C. cạnh tranh                     D. hợp tác

Đáp án - Hướng dẫn giải

1 - D

2 - D

3 - B

4 - B

5 - B

6 - B

7 - C

8 - D

9 - B

10 - B

11 - C

12 - D

13 - B

14 - D

15 - B

16 - C

17 - B

18 - D

19 - D

20 - D

21 - B

22 - D

23 - D

24 - C

25 - A

26 - B

27 - A

28 - C

29 - C

30 - B

Câu 26:

Những loài cùng sử dụng một nguồn thức ăn có thể chung sống trong cùng 1 sinh cảnh và khi đó có sự phân li ổ sinh thái trong sinh cảnh.Ví dụ: trong cùng một hồ nhưng phân chia loài 1 kiếm thức ăn ở gần bờ, loài 2 kiếm thức ăn ở xa bờ hơn hoặc phân chia về thời gian kiếm ăn.

 

Bài viết gợi ý: