BÀI 36: QUẦN THỂ SINH VẬT VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC CÁ THỂ TRONG QUẦN THỂ
I. QUẦN THỂ SINH VẬT VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH QUẦN THỂ
1. Định nghĩa:
- Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể trong cùng loài, cùng sinh sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm nhất định. Quần thể có khả năng sinh sản tạo thành những thế hệ mới
Trâu ở khu bảo tồn Yokđôn
Sen trong đầm
Quần thể ngựa vằn
2. Quá trình hình thành quần thể:
- Đầu tiên những cá thể cùng loài đến môi trường sống mới; những cá thể nào không thích nghi với điều kiện sống mới sẽ bị tiêu diệt hay di cư đến nơi khác. Những cá thể còn lại sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau thông qua các mối quan hệ sinh thái, dần dần thành quần thể ổn định, thích nghi với điều kiện ngoại cảnh.
II. QUAN HỆ GIỮA CÁC CÁ THỂ TRONG QUẦN THỂ
1. Quan hệ hỗ trợ:
- Là mối quan hệ giữa các cá thể cùng loài hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động sống như: tìm thức ăn, chống kẻ thù, sinh sản …đảm bảo cho quần thể thích nghi với môi trường sống.
- Quan hệ hỗ trợ đảm bảo cho quần thể tồn tại ổn định, khai thác tối đa nguồn sống của môi trường, tăng khả năng sống sót và sinh sản của cá thể.
Ví dụ: các cây sống thành nhóm gần nhau có thể chịu đựng được gió bão và hạn chế sự thoát hơi nước; các cây sống gần nhau có hiện tượng liền rễ để chia sẽ chất dinh dưỡng với nhau làm tăng khả năng chống chịu với điều kiện tự nhiên
Ví dụ: Báo hỗ trợ nhau săn mồi
2. Quan hệ cạnh tranh:
- Xuất hiện khi các cá thể tranh giành nhau thức ăn, nơi ở, ánh sáng và các nguồn sống khác, con đực tranh giành con cái …Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quần thể.
Ví dụ: khi thiếu thức ăn một số động vật ăn thịt lẫn nhau; cá mập con khi mới nở ra sử dụng ngay các trứng chưa nở làm thức ăn.
* Ý nghĩa của các mối quan hệ trong quần thể
Quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh trong quần thể là các đặc điểm thích nghi của sinh vật với môi trường sống, đảm bảo sự tồn tại và phát triển hưng thịnh
Quan hệ hỗ trợ mang lại lợi ích cho các cá thể, các cá thể khai thác được tố ưu nguồn sống của môi trường, các con non được bố mẹ chăm sóc tốt hơn, chống chọi với điều kiện bất lợi của tự nhiên và tự vệ tránh kẻ thù tốt hơn,... Nhờ đó mà khả năng sống sót và sinh sản của những cá thể tốt hơn.
Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp giúp cho loài phát triển ổn định. Cạnh tranh giữa các cá thể dẫn tới sự thắng thế của các cá thể khỏe và đào thải các cá thể yếu, nên thúc đẩy quá trình chọn lọc tự nhiên.
CÂU HỎI THAM KHẢO:
Câu 1. Hãy nêu các ví dụ về quan hệ hỗ trợ và quan hệ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể. Tại sao nói quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh trong quần thể là các đặc điểm thích nghi của sinh vật với môi trường sống, giúp cho quần thể tồn tại và phát triển ổn định?
Ví dụ về quan hệ hỗ trợ giữa các cá thể trong quần thể:
+ Các cá thể trong đàn kiến hỗ trợ nhau kiếm thức ăn, khi một con phát hiện có mồi thì sẽ báo tin cho các cá thể khác cùng hỗ trợ tha mồi về tổ.
+ Các loài chim di cư, khi bay những chặng đường dài chúng luôn bay theo hình chữ V và con bay đầu tiên là con khoẻ nhất, các con nhỏ, yếu sẽ bay sau để đỡ tốn sức.
Ví dụ về quan hệ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể:
+ Các con hổ cạnh tranh nhau giành nơi ở, kết quả dẫn đến hình thành khu vực sống (lãnh thổ) khác nhau.
+ Các con cá mập con mới nở ra đã cạnh tranh nhau, con nào nở ra trước sẽ ăn phôi non hay trứng chưa nở dể sống. Các con cá mập lớn khi thiếu thức ăn cũng sẽ ăn các con khác nhỏ hơn.
- Quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh trong quần thể là các đặc điểm thích nghi của sinh vật với môi trường sống, đảm bảo sự tồn tại và phát triển hưng thịnh:
- Quan hệ hỗ trợ giúp các cá thể trong quần thể khai thác tối ưu nguồn sống của môi trường, các con non được bố mẹ chăm sóc tốt hơn, chống chọi với điều kiện bất lợi của tự nhiên và tự vệ tránh kẻ thù tốt hơn,… Nhờ đó mà khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể tốt hơn.
- Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp giúp cho loài phát triển ổn định. Cạnh tranh giũa các cá thể dẫn tới sự thắng thế của các cá thể khỏe và đào thải các cá thể yếu hơn, nên thúc đẩy quá trình CLTN.
Câu 2. Các cá thể của đàn bò rừng tập trung nhau lại biểu hiện mối quan hệ nào trong quần thể? Lối sống bầy đàn ở động vật mang lại cho quần thể những lợi ích gì?
- Đàn bò rừng tập trung lại biểu hiện mối quan hệ hỗ trợ trong quần thể, nhờ đó bò rừng cảnh giác với kẻ thù rình rập xung quanh và chống lại chúng tốt hơn.
- Lối sống bầy đàn ở động vật đem lại cho chúng những lợi ích sau:
+ Việc tìm mồi, tìm nơi ở và chống lại kẻ thù hiệu quả hơn. Chim kiếm ăn theo đàn dễ tìm thấy thức ăn hơn đi riêng lẻ, các con trong đàn kích thích nhau tìm mồi, báo hiệu cho nhau nơi có nhiều thức ăn, thông báo cho nhau khi có kẻ thù… Cũng như con người khi sống chung, làm việc theo nhóm thì hiệu quả công việc sẽ tăng rất nhiều.
+ Ngoài ra, khi sống thành bầy đàn khả năng tìm gặp con đực và con cái sẽ dễ dàng hơn, đảm bảo cho sự sinh sản thuận lợi.
+ Trong một số bầy đàn có sự phân chia đẳng cấp, những cá thể thuộc đẳng cấp trên (con đầu đàn) luôn chiếm ưu thế so với các cá thể còn lại, sự phân chia này giúp các cá thể trong đàn nhường nhịn nhau, tránh ẩu đả gây thương tích. Sự chỉ huy của con đầu đàn giúp cả đàn có tính tổ chức và vì vậy thêm phần sức mạnh chống lại kẻ thù, những con non được bảo vệ tốt hơn.
BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM :
Câu 1: Quần thể là một tập hợp cá thể có
A. cùng loài, sống trong 1 khoảng không gian xác định, có khả năng sinh sản tạo thế hệ mới
B. khác loài, sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm xác định
C. cùng loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm xác định
D. cùng loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm xác định, có khả năng sinh sản tạo thế hệ mới
Câu 2: Những con voi trong vườn bách thú là
A. quần thể
B. tập hợp cá thể voi
C. quần xã
D. hệ sinh thái
Câu 3: Cạnh tranh giữa các cá thể cùng loài không có vai trò nào sau đây?
A. Làm tăng số lượng các cá thể của quần thể, tăng kích thước quần thể
B. Tạo động lực thúc đẩy sự hình thành các đặc điểm thích nghi mới
C. Làm mở rộng ổ sinh thái của loài, tạo điều kiện để loài phân li thành các loài mới
D. Duy trì số lượng và sự phân bố cá thể ở mức phù hợp
Câu 4: Ý nghĩa sinh thái của quan hệ cạnh tranh cùng loài là ảnh hưởng đến số lượng, sự phân bố
A. ổ sinh thái
B. tỉ lệ đực – cái, tỉ lệ nhóm tuổi
C. ổ sinh thái, hình thái
D. hình thái, tỉ lệ đực – cái
Câu 5: Trong quần thể, các cá thể luôn gắn bó với nhau thông qua mối quan hệ
A. hỗ trợ
B. cạnh tranh
C. hỗ trợ hoặc cạnh tranh
D. không có mối quan hệ
Câu 6: Quan hệ hỗ trợ giữa các cá thể trong quần thể thể là
A. hỗ trợ lẫn nhau trong tim kiếm thức ăn và chống lại kẻ thù
B. hỗ trợ lẫn nhau trong việc chống lại kẻ thù. Đảm bảo khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể
C. đảm bảo cho quần thể thích nghi tốt hơ với điều kiện môi trường
D. hạn chế khả năng chống chịu với điều kiện của môi trường
Câu 7: Nguyên nhân chủ yếu của cạnh trạnh cùng loài là so
A. có cùng nhu cầu sống
B. đấu tranh chống lại điều kiện bất lợi
C. đối phó với kẻ thù
D. mật độ cao
Câu 8: Quần thể phân bố trong 1 phạm vi nhất định gọi là
A. môi trường sống
B. ngoại cảnh
C. nơi sinh sống của quần thể
D. ổ sinh thái
Câu 9: Quan hệ cạnh tranh giữa các cá thẻ trong quần thể có ý nghĩa
A. đảm bào cho quần thể tồn tại ổn định
B. duy trì số lượng và sự phân bố các cá thể trong quần thể ở mức độ phù hợp
C. giúp khai thác tối ưu nguồn sống
D. đảm bảo thức ăn đầy đủ cho các cá thể trong đàn
Câu 10: Quan hệ hỗ trợ giữa các cá thể trong quần thể có ý nghĩa
A. đảm bảo cho quần thể tồn tại ổn định, khai thái tối ưu nguồn sống của môi trường
B. sự phân bố các cá thể hợp lí hơn
C. đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ cho các cá thể trong đàn
D. số lượng các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp
Câu 11: Giữa các sinh vật cùng loài có 2 mối quan hệ nào sau đây?
A. hỗ trợ và cạnh tranh
B. quần tụ hỗ trợ
C. ức chế và hỗ trợ
D. cạnh tranh và đối địch
Câu 12: Điều nào sau đây không đúng với cai trò của quan hệ cạnh tranh trong quần thể?
A. Đảm bảo số lượng của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp
B. Đảm bảo sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp
C. Đảm bảo sự tăng số lượng không ngừng của quần thể
D. Đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quần thể
Câu 13: Sự cạnh tranh giữa các cá thể cùng loài sẽ làm
A. tăng mật độ cá thể, khai thác tối đa nguồn sống của môi trường
B. suy thoái quần thể do các cá thể cùng loài có hiện tượng tiêu diệt lẫn nhau
C. giảm số lượng cá thể, đảm bảo số lượng cá thể tương ứng với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường
D. tăng số lượng cá thể trong quần thể, tăng cường hiệu quả nhóm
Câu 14: Ví dụ nào sau đây không thể hiện mối quan hệ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể?
A. Ở những quần thể như rừng bạch đàn, rừng thông, ở những nơi cây mọc quá dày người ta thấy có hiện tượng 1 số cây bị chết, đó là hiện tượng “tự tỉa thưa” ở thực vật.
B. Khi thiếu thức ăn, nơi ở, người ta thấy nhiều quần thể cá, chim, thú có hiện tượng đánh lẫn nhau, dọa nạt nhau bằng tiếng hú hoặc động tác để tranh giành thức ăn và nơi ở
C. Khi thiếu thức ăn, 1 số động vật ăn thịt đồng loại. Ví dụ ở cá mập, khi cá mập con mới nở ra sử dụng ngay các trứng chưa nở làm thức ăn hoặc cá lớn ăn cá con.
D. Một số loài thực vật như tre, nứa thường sống quần tụ với nhau thành từng bụi giúp chung tăng khả năng chống chịu với gió bão. Nhưng khi gặp phải gió bão quá mạnh các cây tre, nứa có thể bị đổ vào nhau.
Câu 15: Nhóm cá thể sinh vật nào dưới đây là 1 quần thể?
A. Cỏ ven bờ hồ
B. Cá rô phi đơn tính trong hồ
C. Ếch xanh và nòng nọc của nó trong hồ
D. Chuột trong vườn
Câu 16: Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu đúng về mối quan hệ cạnh trạnh giữa các cá thể trong quần thể?
(1) Quan hệ cạnh tranh xảy ra khi các cá thể tranh giành nhau thức ăn và nơi ở hoặc các nguồn sống khác.
(2) Quan hệ cạnh tranh là đặc điểm thích nghi của quần thể.
(3) Quan hệ cạnh tranh giúp cho sự phân bố của các cá thể trong quần thể được duy trì ở mức độ phù hợp đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của quần thể.
(4) Quan hệ cạnh tranh gay gắt làm cho các cá thể trong quần thể trở nên đối kháng nhau và có thể dẫn đến hủy diệt quần thể.
A. 1 B. 2
C. 3 D. 4
Câu 17: Xét tập hợp sinh vật sau:
(1) Cá rô phi đơn tính ở trong hồ. (2) Cá trắm cỏ trong ao. (3) Sen trong đầm.
(4) Cây ở ven hồ. (5) Chuột trong vườn. (6) Bèo tấm trên mặt ao.
Các tập hợp sinh vật là quần thể gồm có:
A. (1), (2), (3), (4), (5) và (6)
B. (2), (3), (4), (5) và (6)
C. (2), (3) và (6)
D. (2), (3), (4) và (6)
Câu 18: Khi nói về quan hệ cạnh tranh giữa các cá thể sinh vật trong tự nhiên, có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng?
(1) Cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể không xảy ra do đó không ảnh hưởng đến số lượng và sự phân bố các cá thể trong quần thể.
(2) Khi mật độ cá thể của quần thể vượt quá sức chịu đựng của môi trường, các cá thể cạnh tranh với nhau làm giảm khả năng sinh sản.
(3) Cạnh tranh là đặc điểm thích nghi của quần thể. Nhờ có cạnh trạnh mà số lượng và sự phân bố các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của quần thể.
(4) Cạnh tranh cùng loài, ăn thịt đồng loài giữa các cá thể trong quần thể là những trường hợp gây ra sự CLTN.
(5) Khi mật độ cao và nguồn sống khan hiếm, các cá thể cùng loài có khuynh hướng cạnh tranh nhau để giành thức ăn, nơi ở, nơi sinh sản.
(6) Cạnh tranh cùng loài và cạnh tranh khác loài đều dẫn tới làm hại cho loài.
A. 4 B. 3
C. 5 D. 2
Câu 19: Hiện tượng tự tỉa thưa các cây lúa trong ruộng là kết quả của
A. cạnh tranh cùng loài
B. cạnh tranh khác loài
C. thiếu chất dinh dưỡng
D. sâu bệnh phá hoại
Câu 20: Hiện tượng liền rễ ở cây thông nhựa là ví dụ minh họa cho mối quan hệ
A. hỗ trợ cùng loài
B. cạnh tranh cùng loài
C. hỗ trợ khác loài
D. ức chế - cảm nhiễm
Đáp án - Hướng dẫn giải
Câu 3:
Quần thể cạnh tranh trong quần thể tạo động lực thúc đẩy sự hình thành các đặc điểm thích nghi mới, đảm bảo duy trì số lượng và sự phân bố cá thể ở mức phù hợp; khi cạnh tranh gay gắt có thể có những cá thể yếu thế hơn sẽ phải phát tán đến nơi khác → mở rộng ở sinh thái của loài → Đáp án A.
Câu 15:
Cỏ ven bờ có thể có nhiều loài → không phải quần thể. Ví dụ: cỏ lau, cỏ gấu,…
Cá rô phi đơn tính, chỉ có tính đực nên không sinh sản, giao phối với nhau để tạo ra con cháu được→ không phải quần thể.
Chuột trong vườn có nhiều loài → không phải quần thể. Ví dụ: chuột nhắt, chuột cống,…
Nòng nọc là giai đoạn ấu trùng của ếch nên ếch xanh và nòng nọc của nó trong hồ là 1 quần thể.
Câu 16:
(1), (2), (3) đúng
(4) sai vì quan hệ cạnh tranh gay gắt làm cho các cá thể trong quần thể trở nên đối kháng nhau, tuy nhiên cá thể nào thắng thế sẽ tồn tại, cá thể nào yếu thế hơn sẽ bị tiêu diệt hoặc phát tán đi nơi khác mà không làm hủy diệt quần thể → Đáp án C.
Câu 18:
Cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể xảy ra khi các cá thể tranh giành nhau thức ăn, nơi ở, ánh sáng, các con đực tranh giành con cái,… → Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của quần thể → (1), (6) sai
(2), (3), (4) và (5) đúng → Đáp án C