BÀI 5 - PRÔTÊIN

 

I. CẤU TRÚC CỦA PRÔTÊIN.

1. Thành phần hoá học.

- Prôtêin là chất hữu cơ, có cấu trúc đa phân được cấu tạo từ các đơn phân là axit amin

- Có 20 loại axit amin

- Số lượng, thành phần và trình tự sắp xếp các axit amin quy định tính đa dạng của Prôtêin

2. Cấu trúc vật lí: 

Prôtêin Có 4 bậc cấu trúc.

a. Cấu trúc bậc một
Các axit amin liên kết với nhau bằng liên kết peptit tạo nên một chuỗi các axit amin được gọi là chuỗi pôlipeptit. Cấu trúc bậc l của một phân tử prôtêin chính là trình tự sắp xếp đặc thù của các loại axit amin trong chuỗi pôlipeptit (hình 5.la). Phân tử prôtêin đơn giản có thể chỉ được cấu tạo từ vài chục axit amin nhưng phân tử prôtêin phức tạp có số lượng axit amin rất lớn. Ví dụ, prôtêin làm nhiệm vụ vận chuyển colestêrôn trong máu người, apôlipôprôtêin, có tới 4636 axit amin.
b. Cấu trúc bậc hai
Chuỗi pôlipeptit sau khi được tổng hợp ra không tồn tại ở dạng mạch thẳng mà chúng co xoắn lại hoặc gấp nếp (hình 5.1 b) tạo nên cấu trúc bậc 2. 
c. Cấu trúc bậc ba và bậc bốn
    Chuỗi pôlipeptit ở dạng xoắn hoặc gấp nếp lại tiếp tục co xoắn tạo nên cấu trúc không gian 3 chiều đặc trưng được gọi là cấu trúc bậc 3 (hình 5.1c). Khi một prôtêin được cấu tạo từ một vài chuỗi pôlipeptit thì các chuỗi pôlipetit lại liên kết với nhau theo một cách nào đó tạo nên cấu trúc bậc 4 (hình 5. ld). Chỉ cần cấu trúc không gian 3 chiều của prôtêin bị hỏng là prôtêin đã mất chức năng sinh học.
     Các yếu tố của môi trường như nhiệt độ cao, độ pH ... có thể phá hủy các cấu trúc không gian 3 chiều của prôtêin làm cho chúng mất chức năng. Hiện tượng prôtêin bị biến đổi cấu trúc không gian được gọi là hiện tượng biến tính của prôtêin.

Hình 5.1 : Các cấu trúc bậc của prôtêin



- Cấu trúc của prôtêin quy định chức năng của nó. Khi cấu trúc không gian bị phá vỡ (Do nhiệt độ cao, độ pH …) thì prôtêin bị mất chức năng

II. CHỨC NĂNG CỦA PRÔTÊIN

  1. Cấu tạo nên tế bào và cơ thể.

Ví dụ: Colagen trong các mô liên kết

 

2. Dự trữ axit amin

Ví dụ: Cazêin trong sữa, prôtêin trong hạt

 

3. Vận chuyển các chất

Ví dụ: Helmôglôbin trong máu

 

4. Bảo vệ cơ thể

Ví dụ: Các kháng thể

5. Thu nhận thông tin

Ví dụ: Các thụ thể trong tế bào

6. Xúc tác cho các phản ứng sinh hóa

Ví dụ: Các loại enzim trong cơ thể

 

BÀI TẬP :

Câu 1: Tại sao chúng ta lại cần ăn prôtêin từ các nguồn thực phẩm khác nhau.

Trả lời:

Vì cơ thể người không tự tổng hợp được tất cả các axit amin mà phải lấy từ bên ngoài. Khi Pro được đưa vào sẽ được các enzim phân giải thành các axit amin để hấp thụ tạo ra loại protein đặc thù cho cơ thể người. Mỗi loại thực phẩm chỉ chứa một số loại axit amin nhất định nên để cung cấp được tất cả axit amin cần cho tổng hợp protein thì cần bổ sung từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau.

Câu 2:Nếu cấu trúc bậc 1 của prôtêin bị thay đổi, ví dụ axit amin này bằng axit amin khác thì chức năng của prôtêin có bị thay đổi không? Giải thích.

Trả lời:

- Nếu cấu trúc bậc 1 của protein bị thay đổi, ví dụ axit amin này bằng axit amin khác thì chức năng của protein đó có thể bị thay đổi.

- Vì khi thay đổi thế axit amin sẽ tạo nên 1 protein khác, 2 protein này có thể cùng hoặc khác nhau về chức năng.

Câu 3: Nêu một vài loại prôtêin trong tế bào người và cho biết các chức năng của chúng.

Trả lời:

- Prôtêin trong cơ thể người có rất nhiều loại (côlagen, prôtêin hêmôglôbin, kháng thể, các enzim, các thụ thể trong tế bào....).

- Côlagen tham gia cấu tạo nên các mô liên kết cấu tạo nên tế bào và cơ thể. Hêmôglôbin có vai trò vận chuyển O2 và CO2. Prôtêin histon cấu tạo nên chất nhiễm sắc. Hoocmôn insulin điều hòa lượng đường trong máu. Kháng thể, inteferon bảo vệ cơ thể chống tác nhân gây bệnh.

Câu 4: Tơ nhện, tơ tằm, sừng trâu, tóc, thịt gà và thịt lợn đều được cấu tạo từ prôtêin nhưng chúng khác nhau về rất nhiều đặc tính. Dựa vào kiến thức trong bài, em hãy cho biết sự khác nhau đó là do đâu?

Trả lời:

Cơ thể sinh vật đều được cấu tạo từ hơn 20 loại axit amin khác nhau. Các axit amin này được sắp xếp khác nhau, thành phần khác nhau và số lượng khác nhau sẽ tạo ra vô số prôtêin khác nhau về cấu trúc và chức năng. Do vậy nên tơ nhện, tơ tằm, sừng trâu, tóc, thịt gà và thịt lợn đều được cấu tạo từ prôtêin nhưng chúng khác nhau về rất nhiều đặc tính.

 Câu 5: Tại sao chúng ta lại cần ăn protein từ các nguồn thực phẩm khác nhau?

Trả lời:

Vì cơ thể người không tự tổng hợp được tất cả các axit amin mà phải lấy từ bên ngoài. Khi Pro được đưa vào sẽ được các enzim phân giải thành các axit amin để hấp thụ tạo ra loại protein đặc thù cho cơ thể người.

Mỗi loại thực phẩm chỉ chứa một số loại axit amin nhất định nên để cung cấp được tất cả axit amin cần cho tổng hợp protein thì cần bổ sung từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau.



BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM :

Câu 1: Cho các nhận định sau:

(1) Cấu trúc bậc 1 của phân tử protein là chuỗi pôlipeptit

(2) Cấu trúc bậc 2 của phân tử protein là chuỗi pôlipeptit ở dạng co xoắn hoặc gấp nếp

(3) Cấu trúc không gian bậc 3 của phân tử protein là chuỗi pôlipeptit ở dạng xoắn hoăc gấp nếp tiếp tục co xoắn

(4) Cấu trúc không gian bậc 4 của phân tử protein gồm hai hay nhiều chuỗi pôlipeptit kết hợp với nhau

(5) Khi cấu trúc không gian ba chiều bị phá vỡ, phân tử protein không thực hiện được chức năng sinh học

Có mấy nhận định đúng với các bậc cấu trúc của phân tử protein?

A. 2.

B. 3

C. 4.

D. 5

Câu 2: Đặc điểm khác nhau giữa cacbohidrat với lipit?

A. Là những phân tử có kích thước và khối lượng lớn

B. Tham gia vào cấu trúc tế bào

C. Dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào và cơ thể

D. Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân

Câu 3: Cho các nhận định sau về protein, nhận định nào đúng?

A. Protein được cấu tạo từ các loại nguyên tố hóa học: C, H, O

B. Protein mất chức năng sinh học khi cấu trúc không gian bị phá vỡ

C. Protein ở người và động vật được tổng hợp bởi 20 loại axit amin lấy từ thức ăn

D. Protein đơn giản gồm nhiều chuỗi pôlipeptit với hàng trăm axit amin

Câu 4: Các loại axit amin trong phân tử protein phân biệt với nhau bởi?

A. Số nhóm NH2

B. Cấu tạo của gốc R

C. Số nhóm COOH

D. Vị trí gắn của gốc R

Câu 5: Tính đa dạng của phân tử protein được quy định bởi?

A. Số lượng, thành phần, trình tự các axit amin trong phân tử protein

B. Nhóm amin của các axit amin trong phân tử protein

C. Số lượng liên kết peptit trong phân tử protein

D. Số chuỗi pôlipeptit trong phân tử protein

Câu 6: Protein bị biến tính chỉ cần bậc cấu trúc nào sau đây bị phá vỡ?

A. Cấu trúc bậc 1 của protein

B. Cấu trúc bậc 2 của protein

C. Cấu trúc bậc 4 của protein

D. Cấu trúc không gian ba chiều của protein

Câu 7: Cho các hiện tượng sau:

(1) Lòng trắng trứng đông lại sau khi luộn

(2) Thịt cua vón cục và nổi lên từng mảng khi đun nước lọc cua

(3) Sợi tóc duỗi thẳng khi được ép mỏng

(4) Sữa tươi để lâu ngày bị vón cục

Có mấy hiện tưởng thể hiện sự biến tính của protein?

A. 1.

B. 2

C. 3

D. 4

Câu 8: Protein không có chức năng nào sau đây?

A. Cấu tạo nên chất nguyên sinh, các bào quan, màng tế bào

B. Cấu trúc nên enzim, hoocmon, kháng thể

C. Lưu trữ và truyền đạt thông tin di truyền

D. Thực hiện việc vận chuyển các chất, co cơ, thu nhận thông tin

Câu 9: Chất nào sau đây được cấu tạo từ các axit amin?

A. Colesteron - tham gia cấu tạo nên màng sinh học

B. Pentozo - tham gia cấu tạo nên axit nucleic trong nhân tế bào

C. Ơstogen - hoocmon do buồng trứng ở nữ giới tiết ra

D. Insulin - hoocmon do tuyến tụy ở người tiết ra

Câu 10: Nếu ăn quá nhiều protein (chất đạm), cơ thể có thể mắc bệnh gì sau đây?

A. Bệnh gút

B. Bệnh mỡ máu

C. Bệnh tiểu đường

D. Bệnh đau dạ dày

Câu 11: Điểm giống nhau giữa protein là lipit là?

A. Cấu trúc theo nguyên tắc đa phân

B. Có chức năng dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào và cơ thể

C. Đều có liên kết hidro trong cấu trúc phân tử

D. Gồm các nguyên tố C, H, O

Câu 12: Ở cấu trúc không gian bậc 2 của protein, các axit amin liên kết với nhau bằng các?

A. Liên kết glicozit

B. Liên kết ion

C. Liên kết peptit

D. Liên kết hidro

Câu 13: Cấu trúc quyết định tính đặc thù và đa dạng của phân tử protein là?

A. Cấu trúc bậc 1

B. Cấu trúc bậc 2

C. Cấu trúc bậc 3

D. Cấu trúc bậc 4

Câu 14: Protein nào sau đây có vai trò điều hòa nồng độ các chất trong cơ thể?

A. Insulin có trong tuyến tụy

B. Kêratin có trong tóc

C. Côlagen có trong da

D. Hêmoglobin có trong hồng cầu

Câu 15: Cho các ví dụ sau:

(1) Côlagen cấu tạo nên mô liên kết ở da

(2) Enzim lipaza thủy phân lipit

(3) Insulin điều chỉnh hàm lượng đường trong máu

(4) Glicogen dự trữ ở trong gan

(5) Hêmoglobin vận chuyển O2 và CO2

(6) Inteferon chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn

Có mấy ví dụ minh họa cho các chức năng của protein?

A. 3

B. 4

C. 5

D. 6

Câu 16: Cho các loại liên kết hóa học sau:

(1) Liên kết peptit

(2) Liên kết hidro

(3) Liên kết đisunphua (- S - S -)

(4) Liên kết phôtphodieste

(5) Liên kết glucozit

Có mấy loại liên kết tham gia duy trì cấu trúc của protein bậc 3?

A. 2.

B. 3

C. 4.

D. 5

Câu 17: Cho các ý sau:

(1) Phân tử protein có cấu trúc bậc 4 khi có từ 2 chuỗi pôlipeptit trở lên

(2) Protein trong cơ thể luôn được phân hủy và luôn được tổng hợp mới

(3) Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm ở người do sai lệch trong quá trình tự sắp xếp của một axit amin trong chuỗi β của phân tử hêmoglobin

(4) Protein được cấu tạo từ axit amin không thay thế và axit amin thay thế

(5) Thức ăn động vật có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều loại axit amin không thy thế

(6) Protein tham gia vào quá trình truyền đạt thông tin di truyền của tế bào

Trong các ý trên, có mấy ý đúng?

A. 3

B. 4

C. 5

D. 6

ĐÁP ÁN

Câu 1: D. 5

(1) Cấu trúc bậc 1 của phân tử protein là chuỗi pôlipeptit

(2) Cấu trúc bậc 2 của phân tử protein là chuỗi pôlipeptit ở dạng co xoắn hoặc gấp nếp

(3) Cấu trúc không gian bậc 3 của phân tử protein là chuỗi pôlipeptit ở dạng xoắn hoăc gấp nếp tiếp tục co xoắn

(4) Cấu trúc không gian bậc 4 của phân tử protein gồm hai hay nhiều chuỗi pôlipeptit kết hợp với nhau

(5) Khi cấu trúc không gian ba chiều bị phá vỡ, phân tử protein không thực hiện được chức năng sinh học

Câu 2: D. cấu tạo theo nguyên tắc đa phân

Câu 3: B. protein mất chức năng sinh học khi cấu trúc không gian bị phá vỡ

Câu 4: B. Cấu tạo của gốc R

Câu 5: A. Số lượng, thành phần, trình tự các axit amin trong phân tử protein

Câu 6: D. cấu trúc không gian ba chiều của protein

Câu 7: D. 4

(1) Lòng trắng trứng đông lại sau khi luộn

(2) Thịt cua vón cục và nổi lên từng mảng khi đun nước lọc cua

(3) Sợi tóc duỗi thẳng khi được ép mỏng

(4) Sữa tươi để lâu ngày bị vón cục

Câu 8: C. Lưu trữ và truyền đạt thông tin di truyền

Câu 9: D. Insulin - hoocmon do tuyến tụy ở người tiết ra

Câu 10: A. Bệnh gút

Câu 11: B. Có chức năng dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào và cơ thể

Câu 12: D. Liên kết hidro

Câu 13: A. Cấu trúc bậc 1

Câu 14: A. Insulin có trong tuyến tụy

Câu 15: C. 5

(1) Côlagen cấu tạo nên mô liên kết ở da

(2) Enzim lipaza thủy phân lipit

(3) Insulin điều chỉnh hàm lượng đường trong máu

(5) Hêmoglobin vận chuyển O2 và CO2

(6)Inteferon chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn

Câu 16: B. 3

(1) Liên kết peptit

(2) Liên kết hidro

(3) Liên kết đisunphua (- S – S -)

Câu 17: C. 5

(1) Phân tử protein có cấu trúc bậc 4 khi có từ 2 chuỗi pôlipeptit trở lên

(2) Protein trong cơ thể luôn được phân hủy và luôn được tổng hợp mới

(3) Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm ở người do sai lệch trong quá trình tự sắp xếp của một axit amin trong chuỗi β của phân tử hêmoglobin

(4) Protein được cấu tạo từ axit amin không thay thế và axit amin thay thế

(5) Thức ăn động vật có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều loại axit amin không thay thế 

 

Bài viết gợi ý: