PHÂN TÍCH TÁC PHẨM “CHÍ PHÈO” – NAM CAO

 1. Lý thuyết

1.1. Tác giả

- Nam Cao (1917 - 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam.

                   

- Cuộc đời “giáo khổ trường tư” của ông không được bình yên, khi quân Nhật vào Đông Dương, ông phải sống chật vật. Năm 1943, ông tham gia nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội. Năm 1950, ông tham gia chiến dịch Biên Giới. Tháng 11 – 1951, ông bị giặc Pháp phục kích và sát hại.

- Nam Cao có đời sống nội tâm rất phong phú, thường day dứt, hối hận, lấy làm xấu hổ về những việc làm, những ý nghĩ mà ông tự thấy là tầm thường của mình.

- Người trí thức “trung thực vô ngần” ấy gắn bó sâu sắc, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức. Ông đến với nghệ thuật bằng con đường “vị nhân sinh”.

1.2. Tác phẩm

                    

“Chí Phèo” lúc đầu Nam Cao đặt tên truyện là “Cái lò gạch cũ”. Năm 1946, tác giả đã đổi tên thành “Chí Phèo” trong tập “Luống cày” do Hội văn hóa cứu quốc xuất bản.

“Chí Phèo” nói lên số phận bi thảm của người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến đương thời, áp bức bóc lột, đẩy con người vào vòng xoáy tội lỗi không có lối thoát.

1.3. Đọc hiểu văn bản

1.3.1. Nhan đề “Chí Phèo”

- “Chí Phèo” gợi về một số phận con người có cái gì đó đắng cay, đau khổ, chua xót và mỉa mai.

- Nhan đề này đã thể hiện sâu sắc nội dung của tác phẩm. Một con người với một cái tên khắc khổ, cô độc, là nạn nhân của xã hội phong kiến tàn bạo, đẩy những người nông dân hiền lành tốt bụng vào ngõ cụt, bế tắc, khiến họ bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính trở thành những kẻ lưu manh, bị xã hội xa lánh, không công nhận là con người. Nhưng những con người ấy vẫn có khao khát được làm người lương thiện, ước mơ về tình yêu và hạnh phúc. Nhan đề góp phần thể hiện được giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm cũng như tấm lòng yêu thương con người của Nam Cao.

1.3.2. “Chí Phèo” là câu chuyện điển hình về thân phận con người trước cách mạng tháng 8 – 1945

 a. Bi kịch của người nông dân bị lưu manh hóa:

- Trước khi đi tù:

+ Chí Phèo là người nông dân lương thiện, anh canh điền hiền lành, chân chất.

+ Là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi bên lò gạch, được người làng chuyền tay nuôi, để ở từ nhà này đến nhà khác.

+ Lớn lên làm canh điền cho ông Bá Kiến.

=> Chí Phèo có bản chất của một người nông dân tốt bụng, lương thiện, có lòng tự trọng và nhân cách “Tội nghiệp, mỗi lần bị bà Ba gọi lên bóp chân, tay hắn cứ run run”. Hắn biết khinh những người đàn bà như vậy, biết căm ghét những việc làm xấu xa như thế. Hẳn vẫn không có một chút rung rộng nào vì dù “hai mươi tuổi, người ta không là đá”. Chí Phèo cũng có ước mơ rất đẹp, giản dị, đầy nhân bản như cuộc sống của bao người bình thường khác. Hắn sẽ lấy vợ, “ chồng cày cuốc làm mướn, vợ dệt vải”. Hai vợ chồng sẽ nuôi một con lợn làm giống. Nếu dư dả sẽ mua mấy sào ruộng làm ăn…

- Sau khi đi tù về:

+ Nguyên nhân đi tù: bị Bá Kiến ghen, một cơn ghen ti tiện, đẩy Chí Phèo vào nhà tù thực dân phong kiến.,

+ Chí Phèo đã thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính.

+ Thay đổi về nhân hình => Cong cớn, nghênh ngang, có vẻ liều lĩnh như một tên lưu manh.

+ Thay đổi về nhân tính => Chí Phèo đã không còn hiền lành, chăm chỉ như xưa. Bị Bá Kiến biến thành tay sai, dụ dỗ mua chuộc, trở thành công cụ đắc lực giúp Bá Kiến đàn áp, bóc lột kẻ khác. Từ đó, hắn chuyên đi rạch mặt ăn vạ, tác oai, tác quái dân làng, gây gỗ với kẻ khác và biến thành con “quỉ dữ” của làng Vũ Đại, tàn phá trong sự mù quáng điên cuồng.

+ Chí Phèo bị mọi người xa lánh, ghê tởm, lạc lỏng giữa dòng người trong xã hội rộng lớn, không được công nhận là người.

+ Chí Phèo triền miên từ cơn say này đến cơn say khác. Trong cơn say, hắn đập phá biết bao nhiêu cơ nghiệp, làm chảy máu, nước mắt của biết bao nhiêu người lương thiện.

=> Nam cao đã có sự phát hiện và khai thác vấn đề mới mẻ, sâu sắc, người nông dân bị bóc lột, đàn áp, tàn phá cả nhân hình lẫn nhân tính, vật chất và tinh thần => Chí Phèo đã bị lưu manh hóa.

b. Bi kịch cự tuyệt quyền làm người

- Cuộc gặp gỡ với Thị Nở: 5 ngày sống chung như vợ chồng. Thị Nở cùng cảnh ngộ, nghèo khổ và bị cả làng xa lánh.

               

- Sau đêm gặp Thị Nở:

+ “Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ…Chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say” => Chí Phèo đã tỉnh thức về tri giác, cảm giác, trực giác.

+ “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bang khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn… Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!” => Hắn đã có cảm xúc, khai sáng nội tâm của một con người thật sự.

+ Những mẫu chuyện xôn xao của những người đi chợ về nhắc cho hắn một cái gì đó xa xôi. => Thức tỉnh tiềm thức, hồi tưởng về ước mơ trong quá khứ. Nhận thức được cuộc sống của chính mình “già – cô độc”.

- Thị Nở chăm sóc và yêu thương hắn: Thị Nở bưng bát cháo hành vào, Chí Phèo ngạc nhiên, xúc động lắm “mắt hắn ươn ướt”. Nhìn bát cháo hành hắn vừa bâng khuâng vừa vui, vừa buồn, ăn năn về những tội ác mình gây ra.

+ Khi được ăn cháo hành, Chí Phèo cảm thấy hạnh phúc, rất ngon. Thị Nở thấy hắn tội. Hắn thèm lương thiện, muốn làm người, muốn làm hòa với mọi người. => Đó là sự thức tỉnh về ý thức, khao khát được làm người. Hắn nghĩ Thị Nở sẽ mở đường cho hắn, hắn khao khát yêu thương, hạnh phúc, muốn yêu người đàn bà đã thay đổi cuộc sống của mình.

+ Chí Phèo không chỉ thức tỉnh về suy nghĩ ý thức mà còn cả về hành động và ngôn ngữ. (âu yếm, cái nhìn hiền lành, giọng nói biết yêu thương, trân trọng giá trị của cuộc sống).

Gía cứ thế này mãi thì thích nhỉ”, “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”.

- Ý nghĩa hình ảnh bát cháo hành:

+ Hương vị bát cháo hành là hương vị của tình người, của tình yêu chân chính, hạnh phúc giản dị mà to lớn.

+ Đánh thức được nhân tính con người, tâm hồn trong sáng bị vùi dập từ rất lâu trong Chí Phèo.

=> Chính tình người, tình yêu của Thị Nở đã dìu Chí Phèo ra khỏi ngõ tối của cuộc đời.

- Bi kịch đã xảy ra: Bà cô Thị Nở không chấp nhận Chí Phèo là người, không chấp nhận sự thức tỉnh của người đàn ông đã làm quá nhiều điều ghê gớm này. Điều này đã nói lên rằng, sức mạnh của dư luận có thể đè chết ước mơ nhân bản chân chính của một con người.

+ Chí Phèo mượn rượu giải sầu, hắn càng uống càng tỉnh và còn ngửi thấy mùi cháo hành (hình ảnh của tình thương, tình đồng loại và khát khao hạnh phúc). => Hắn đau đớn, nhận thức Bá Kiến chính là thủ phạm cướp đi quyền làm người của chính mình. Hắn đã đến nhà Bá Kiến, giết Bá Kiến và tự sát. => Hắn thực sự muốn đòi lại lương thiện, tìm lại cuộc sống của anh canh điền hiền lành ngày xưa.

- Cái chết của Chí Phèo: Thể hiện sự bế tắc cùng đường không thể giải thoát. Chỉ có tìm đường chết thì con người mới có thể giải thoát. => thể hiện tính nhân đạo của tác phẩm.

=> Nam Cao đã cảm nhận sâu sắc những xung đột âm ĩ trong xã hội đương thời và đồng thời đấu tranh, tự giải phóng đòi quyền lợi nhân bản của người nông dân. Tố cáo xã hội đương thời bất công, chèn ép, cướp lấy sự sống của những người nông dân lương thiện.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình và tiêu biểu: Phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật xuất sắc, ngôn ngữ sống động, gần gũi rất tự nhiên. Giọng điệu đan xen biến hóa linh hoạt.

1.3.3. “Chí Phèo” là bức tranh thu nhỏ về xã hội nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám – 1945.

a. Mâu thuẫn trong nội bộ của giai cấp thống trị

Giai cấp thống trị là bọn cường hào, quan lại, địa chủ phong kíên (Bá Kiến cùng với  bọn thực dân phong kiến được miêu tả gián tiếp qua nhà tù). Bọn chúng có chung bản chất tham lam, tàn ác, bịp bợm, xảo trá.

b. Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và bị trị

Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù, dụ dỗ mua chuộc hắn biến hắn thành tay sai.

Nam Cao thể hiện rõ sự khổ cực chịu đựng cuộc sống của người nông dân và bản chất của bọn thống trị cùng với bản chất của một xã hội bóc lột, độc ác.


2. Luyện tập

Đề 1: Phân tích hình ảnh “bát cháo hành” trong truyện “Chí Phèo” của Nam Cao.

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và sơ lược về chi tiết hình ảnh bát cháo hành trong truyện.

2. Thân bài:

- Tóm tắt sơ lược về con người Chí Phèo trước và sau khi ra tù. Bi kịch tha hóa nhân hình lẫn nhân tính, bị cực tuyệt quyền làm người.

- Chí Phèo cong cớn, nghênh ngang, có vẻ liểu lĩnh như một tên lưu manh. “cái đầu cạo trọc”, “răng trắng hớn”, “mặt thì đen, hai mắt gườm gườm” đầy những vết sẹo dài ngắn…

=> Chí Phèo đã không còn hiền lành, chăm chỉ như xưa. Bị Bá Kiến biến thành tay sai, dụ dỗ mua chuộc, trở thành công cụ đắc lực giúp Bá Kiến đàn áp, bóc lột kẻ khác. Từ đó, hắn chuyên đi rạch mặt ăn vạ, tác oai, tác quái dân làng, gây gỗ với kẻ khác và biến thành con “quỉ dữ” của làng Vũ Đại, tàn phá trong sự mù quáng điên cuồng. Chí Phèo triền miên từ cơn say này đến cơn say khác. Trong cơn say, hắn đập phá biết bao nhiêu cơ nghiệp, làm chảy máu, nước mắt của biết bao nhiêu người lương thiện.

- Đến khi gặp Thị Nở - một người đồng cảnh ngộ, bị xã hội xa lánh. Hai người đã chung sống 5 ngày như vợ chống.

- Hoàn cảnh xuất hiện: Trong một lần Chí Phèo uống say đi qua vườn chuối thì gặp được Thị Nở đang nằm ngủ quên và ăn mặc lại hớ hênh. Hắn chạy tới và hai người ở với nhau suốt đêm. Khung cảnh hữu tình đêm hôm ấy đã mở đầu cho chuyện tình chỉ có vẻn vẹn 5 ngày của Chí Phèo và Thị Nở.

- Thị thấy tội cho hắn, khi tỉnh dậy, Chí bị ốm nên Thị về nhà lấy gạo nấu cháo cho hắn ăn. Từ đây hình ảnh bát báo hành xuất hiện gây bao thương nhớ đối với cả hai người và khó quên với cả bạn đọc.

- Ý nghĩa của bát cháo hành:

+ Hương vị bát cháo hành là hương vị của tình người, của tình yêu chân chính, hạnh phúc giản dị mà to lớn. Là sự chăm sóc ân cần, chu đáo của cô Thị, nhờ có bát cháo hành thơm ngon mà Chí đã khỏi bệnh.

+ Đánh thức được nhân tính con người, tâm hồn trong sáng bị vùi dập từ rất lâu trong Chí Phèo. Chí tỉnh dậy sau cơn say dài, hắn thấy mình khỏe và cảm nhận được niềm vui từ tiếng chim hót hay từ những câu chuyện của những người đàn bà đi chợ về.

+ Khi được ăn cháo hành, Chí Phèo cảm thấy hạnh phúc, rất ngon. Sau bao nhiêu năm làm những chuyện mất nhân tính, một mình sống trong sự kì thị xa lánh của mọi người, chưa từng biết đến sự chăm sóc của một người đàn bà là thế nào, hôm nay hắn được ăn bát cháo hành lần đầu tiên được nấu bởi bàn tay của người đàn bà ấy. Mùi cháo đậm tình người ấy làm hắn thèm lương thiện, muốn làm người. => Đó là sự thức tỉnh về ý thức, khao khát được làm người. Hắn nhận ra mình cô độc, già nua, bệnh tật. Hắn khao khát yêu thương, hạnh phúc, muốn yêu người đàn bà đã thay đổi cuộc sống của mình. Hắn còn thức tỉnh cả về hành động và ngôn ngữ, cảm nhận những điều tốt đẹp về cuộc sống xung quanh.

=> Bát cháo hành đã cứu Chí Phèo, kéo hắn ra khỏi những ngày tháng cùng cực, tối tăm của cuộc sống. Nhưng Chí đã không còn đường thoát vì bế tắt bởi dư luận xã hội, Chí đã tự kết liễu cuộc đời mình vì ít nhất cái chết ấy là chết cho những khát khao, mơ ước chân chính của một con người muốn có lương thiện. Ca ngợi tấm lòng người đàn bà nghèo khổ nhưng giàu lòng thương người, Thị đã không bỏ mặc Chí trong lúc hắn tuyệt vọng nhất.

3. Kết bài

Bát cháo hành là chi tiết có ý nghĩa vô cùng sâu sắc cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện của tác giả. Thể hiện được ngòi bút “vị nhân sinh” đáng trân quý của tác giả, gía trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.

Đề 2: Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm “Chí Phèo”-Nam Cao.

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, quan điểm sáng tác của Nam Cao ảnh hưởng sâu sắc tới giá trị nhân đạo của tác phẩm. Cái nhìn nhân đạo ấy thể hiện qua việc đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân mà cụ thể ở đây là Chí Phèo.

2. Thân bài:

- Tóm tắt sơ lược về con người Chí Phèo: hoàn cảnh xuất than, ngoại hình tính cách. Chí Phèo được bàn tay ôm ấp, che chở của cả dân làng, nuôi nấng chăm sóc cho Chí trưởng thành => tình yêu thương đồng loại dù không có mối quan hệ ruột thịt.

- Những thay đổi ghê gớm của Chí Phèo trước và sau khi hắn ra tù. Hắn không còn hiền lành như xưa, bị Bá Kiến lợi dụng làm tay sai, mua chuộc làm những việc mất nhân tính, vô lương tâm, gây gỗ, đánh nhau với người khác.

- Nhân vật Thị Nở đã kéo Chí lên khỏi vực thẳm của tội lỗi, khơi dậy bản năng làm người của Chí. Chí đã thức tỉnh về nhận thức, suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ, Chí muốn làm người, muốn sống lương thiện, muốn sống hòa nhập với tất cả mọi người. Chí cảm nhận được những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống và trân quý cuộc sống này hơn.

- Những sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và nhận thức của Chí Phèo đã thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Con quỉ dữ của làng Vũ Đại cũng có lúc khóc, tìm lại chính mình, thèm khát một cuộc sống chân thực đúng nghĩa. Chí Phèo không thực sự cô đơn vì tình người ấm áp, sự giúp đỡ lẫn nhau lúc gặp khó khăn. Ca ngợi tấm lòng người đàn bà nghèo khổ nhưng giàu lòng thương người, Thị Nở đã không bỏ mặc Chí trong lúc hắn tuyệt vọng nhất.

- Cái chết của Chí Phèo chính là sự giải thoát cho một con người đã đi đến đường cùng, bế tắt, muốn đòi lại lương thiện, quyền làm người nhưng bị xã hội phong kiến đạp đổ quyền được sống.

- Tính nhân đạo qua cái nhìn hết sức đồng cảm, đầy yêu thương của tác giả.

- Nghệ thuật được sử dụng sáng tạo, linh hoạt, từ ngữ mộc mạc, giản dị làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.

3. Kết bài:

Truyện ngắn “Chí Phèo” mang đậm giá trị nhân đạo với tấm lòng yêu thương của tác giả đối với những người nông dân nghèo khổ, đối với nhân vật của mình. 

Bài viết gợi ý: