Mọi vật rắn xung quanh chúng ta đều có thể tích. Làm thế nào để biết chính xác thể tích của các vật rắn? Chúng ta hãy tìm hiểu cách đo thể tích của một vật rắn có hình dạng bất kỳ không thấm nước như: cái đinh ốc, hòn gạch, hòn đá hoặc ổ khóa...
1. Tóm tắt lý thuyết:
a) Dùng bình chia độ:
+ Ước lượng thể tích vật cần đo để chọn bình chia độ có GHĐ và ĐCNN thích hợp;
+ Đổ chất lỏng vào bình chia độ với thể tích là V1;
+ Bỏ vật cần đo vào bình chia độ, nước dâng lên thể tích V2;
+ Thể tích của vật là V=V2-V1
Ví dụ: Đo thể tích hòn đá như hình vẽ, ta dùng bình chia độ, cách làm như sau:
- Đo thể tích nước ban đầu trước khi thả hòn đá vào bình chia độ (Vbd =150 cm3).
- Thả chìm hòn đá vào bình chia độ, thể tích dâng lên (V8 = 200 cm3).
- Thể tích hòn đá: Vhd = V8 - Vbd = 200 cm3 - 150 cm3 = 50 cm3
- Ta gọi (V) thể tích vật rắn: V=V2-V1.
b) Dùng bình tràn:
- Trường hợp vật không bỏ lọt bình chia độ.
- Đổ nước đầy bình tràn, thả chìm hòn đá vào bình tràn, hứng nước tràn ra vào bình chứa. Đo thể tích nước tràn ra bằng bình chia độ, đó là thể tích hòn đá.
Kết luận:
- Thả chìm vật đó vào trong chất lỏng đựng trong bình chia độ. Thể tích phần chất lỏng dâng lên bằng thể tích của vật.
- Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì thả vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng tràn ra bằng thể tích của vật.
2. Bài tập minh họa
Bài 1:
Người ta dùng 1 bình chia độ ghi tới 1 cm3 chứa 20 cm3 nước để đo thể tích của 1 hòn đá. Khi thả hòn đá vào bình, mực nước trong bình dâng lên tới vạch 55 cm3.Tính thể tích của hòn đá ?
Hướng dẫn giải:
Áp dụng công thức tính vật rắn:
Thể tích hòn đá là: V = V2 – V1 = 55 - 20 = 35 cm3.
Bài 2:
Khi sử dụng bình tràn và bình chứa để đo thể tích vật rắn không thấm nước thì người ta xác định thể tích của vật bằng cách :
A. Đo thể tích bình tràn
B. Đo thể tích bình chứa
C. Đo thể tích phần nước tràn ra từ bình tràn sang bình chứa
D. Đo thể tích nước còn lại trong bình.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án C.
3. Câu hỏi trắc nghiệm:
Câu 1: Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì thả vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng tràn ra :
- A. lớn hơn thể tích của vật.
- B. bằng thể tích của vật.
- C. nhỏ hơn thể tích của vật.
- D. bằng một nửa thể tích của vật.
Trả lời:
Chọn B. Thể tích của phần chất lỏng tràn ra bằng với thể tích của vật.
Câu 2: Công thức tính thể tích của vật rắn khi đo bằng bình chia độ:
- A. Vrắn = V lỏng - rắn - Vlỏng
- B. Vrắn = V lỏng + rắn - Vlỏng
- C. Vrắn = V lỏng - rắn + Vlỏng
- D. Vrắn = V lỏng + rắn + Vlỏng
Trả lời:
Chọn B. Vrắn = V lỏng + rắn - Vlỏng
Câu 3: Người ta dùng 1 bình chia độ ghi tới cm3 chứa 20 cm3 nước để đo thể tích của 1 hòn đá. Khi thả hòn đá vào bình, mực nước trong bình dâng lên tới vạch 55cm3. Thể tích của hòn đá là
- A. 86cm3
- B. 31cm3
- C. 35cm3
- D. 75cm3
Trả lời:
Chọn C. Thể tích của hòn đá là: V = V2 – V1 = 55 - 20 = 35cm3.
Câu 4: Khi sử dụng bình tràn và bình chứa để đo thể tích vật rắn không thấm nước thì người ta xác định thể tích của vật bằng cách :
- A. Đo thể tích bình tràn
- B. Đo thể tích bình chứa
- C. Đo thể tích phần nước tràn ra từ bình tràn sang bình chứa
- D. Đo thể tích nước còn lại trong bình.
Trả lời:
Chọn C. Tính thể tích của vật bằng cách đo thể tích phần nước tràn ra từ bình tràn sang bình chứa.
Câu 5: Để đo thể tích của hòn sỏi cỡ 15cm3. Bình chia độ nào sau đây thích hợp nhất:
- A. Bình có GHĐ 250ml và ĐCNN 10ml
- B. Bình có GHĐ 100ml và ĐCNN 2ml
- C. Bình có GHĐ 250ml và ĐCNN 5ml
- D. Bình có GHĐ 100ml và ĐCNN 1ml
Trả lời:
Chọn D. Bình có GHĐ 100ml và ĐCNN 1ml là phù hợp nhất
Câu 6: Người ta dùng một bình chia độ ghi tới 1cm3 chứa 55cm3 nước để đo thể tích của một hòn đá. Khi thả hòn đá vào bình, mực nước trong bình dâng lên tới vạch 86cm3. Hỏi các kết quả ghi sau đây, kết quả nào là đúng?
- A. V1 = 86cm3.
- B. V2 = 55cm3.
- C. V3 = 31cm3.
- D. V4 = 141cm3.
Trả lời:
Chọn C. V3 = 31cm3.
Câu 7: Một bình tràn chỉ có thể chứa được nhiều nhất là 100cm3 nước, đang đựng 60cm3 nước. Thả một vật rắn không thấm nước vào bình thì thấy thể tích nước tràn ra khỏi bình là 30cm3. Thể tích của vật rắn là
- A. 40cm3.
- B. 90cm3
- C. 70cm3.
- D. 30cm3.
Trả lời:
Chọn C.
+ Phần nước tràn lên tới miệng bình: V1 = 100 – 60 = 40 cm3.
+ Thể tích của vật rắn: V = 40 + 30 = 70 cm3.
Câu 8: Nếu dùng bình chia độ đế đo thể tích của một vật rắn thì trong trường hợp nào sau đây, thể tích của vật rắn được tính bằng công thức: VR = VL+R – VL, trong đó VR là thể tích vật rắn, VL+R là thể tích do mực chất lỏng chỉ khi đã bỏ vật rắn chìm vào chất lỏng trong bình, VL là thể tích chất lỏng trong bình?
- A. Vật rắn thấm nước và chìm một phẩn trong chất lỏng.
- B. Vật rắn thấm nước và chìm hoàn toàn trong chất lỏng.
- C. Vật rắn không thấm nước và chìm một phần trong chất lỏng.
- D. Vật rắn không thấrn nước và chìm hoàn toàn trong chất lỏng.
Trả lời:
Chọn D. Vật rắn không thấm nước và chìm hoàn toàn trong chất lỏng.
Câu 9: Để đo thể tích của vật rắn không thấm nước và có thể chìm hoàn toàn trong nước chỉ cần
- A. một bình chia độ bất kì.
- B. một bình tràn
- C. một bình chia độ có kích thước sao cho vật rắn có thế bỏ lọt vào bình.
- D. một ca đong.
Trả lời:
Chọn C. Một bình chia độ có kích thước sao cho vật rắn có thể bỏ lọt vào bình.
Câu 10: Khi thả một quả cam vào một bình tràn chứa đầy nước thì nước tràn vào một bình chia độ có GHĐ 300cm3 và ĐCNN 5cm3. Mực nước trong bình chia độ lên tới vạch số 215. Thể tích của quả cam bằng bao nhiêu?
- A. 215cm3.
- B. 85cm3.
- C. 300cm3
- D. Cả ba phương án trên đều sai.
Trả lời:
Chọn A. 215cm3
Câu 11: Bình chia độ trong thí nghiệm đo thể tích của vật rắn không thấm nước và không bỏ lọt vào bình chia độ, dùng để đo thể tích của
- A. nước trong bình tràn khi chưa thả vật rắn vào.
- B. nước còn lại trong bình tràn sau khi đã thả vật rắn vào.
- C. nước tràn vào bình chứa
- D. nước còn lại trong bình tràn sau khi đã thả vật rắn vào và nước tràn vào bình chứa.
Trả lời:
Chọn C. Dùng để đo nước tràn vào bình chứa.
4. Giải bài tập SGK:
Bài tập C1 trang 15 SGK Vật lý 6:
Quan sát hình 4.2 và mô tả cách đo thể tích của hòn đá bằng bình chia độ.
Hướng dẫn
Đo thế tích nước ban đầu trước khi thả hòn đá vào trong bình chia độ (Vbd =150 cm3). Thả hòn đá vào bình chia độ, mực nước bình chia độ dâng lên (V8 = 200 cm3 ). Vậy thể tích của hòn đá được xác định như sau: Vhd = V8 - Vbd = 200 cm3 - 150 cm3 = 50 cm3.
Bài tập C2 trang 15 SGK Vật lý 6:
Nếu hòn đá to không bỏ lọt bình chia độ thì người ta dùng thêm bình tràn và bình chứa để đo thể tích của nó như hình 4.3a.
Hãy mô tả cách đo thể tích hòn đá bằng phương pháp bình tràn vẽ ở hình 4.3
Hướng dẫn
- Khi hòn đá không bỏ lọt bình chia độ thì đổ đầy nước vào bình tràn, thả hòn đá vào bình tràn, đồng thời hứng nước tràn ra vào bình chứa.
- Đo thể tích nước chàn ra bằng bình chia độ, ta được thể tích hòn đá.
Bài tập C3 trang 15 SGK Vật lý 6:
Chọn từ thích hợp trong khung đề điền vào chỗ trống trong các câu sau:
Thể tích của vật rắn bất kì không thấm nước có thể đo được bằng cách:
a) (1)........ vật đó vào chất lỏng đựng trong bình chia độ. Thể tích của phần chất lỏng (2) ............. bằng thể tích của vật.
b) Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì (3).............. vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng (4)............ bằng thể tích của vật.
Hướng dẫn
(1) - thả chìm; (2) - dâng lên;
(3) - thả; (4) - tràn ra.
Kết luận:
- Thả chìm vật đó vào trong chất lỏng đựng trong bình chia độ. Thể tích phần chất lỏng dâng lên bằng thể tích của vật.
- Khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ thì thả vật đó vào trong bình tràn. Thể tích của phần chất lỏng tràn ra bằng thể tích của vật.
Bài tập C4 trang 16 SGK Vật lý 6:
Nếu dùng ca thay cho bình tràn và bát to thay cho bình chứa để đo thể tích của vật như hình 4.4 thì cần phải chú ý điều gì?
Hướng dẫn
- Lau khô bát to trước khi dùng.
- Khi nhấc ca ra, không làm đổ hoặc sánh nước ra bát.
- Đổ hết nước từ bát vào bình chia độ, không làm đổ nước ra ngoài........
Bài tập C5 trang 16 SGK Vật lý 6:
Hãy tự làm một bình chia độ: Dán bằng giấy trắng dọc theo chai nhựa (hoặc cốc), dùng bơm tiêm bơm 5 cm3 nước vào chai, đánh dấu mực nước và ghi 5 cm3 vào băng giấy. Tiếp tục làm như vậy và ghi 10 cm3 , 15 cm3 .... cho đến khi nước đầy bình chia độ.
Hướng dẫn
- Dụng cụ: vỏ chai rỗng (hoặc cốc), giấy trắng, bơm tiêm
- Cách làm:
- B1: Dán bằng giấy trắng dọc theo chai nhựa (hoặc cốc)
- B2: dùng bơm tiêm bơm 5 cm3 nước vào chai, đánh dấu mực nước và ghi 5 cm3 vào băng giấy.
- B3: Tiếp tục làm như vậy và ghi 10 cm3 , 15 cm3 .... cho đến khi nước đầy bình chia độ
Bài tập C6 trang 17 SGK Vật lý 6:
Hãy tìm hai vật nào đó và đo thể tích của chúng bằng bình chia độ vừa tạo ra.
Hướng dẫn
- Dùng bình chia độ vừa tạo ra, ta đo thể tích của chìa khóa và và 1 hòn đá
- Ta thấy: Thể tích hòn đá là 50cm3,..