ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Nét độc đáo trong nhan đề bài thơ:
Bài thơ có một nhan đề khá dài, tưởng như có chỗ thừa. Nhưng chính nhan đề ấy lại thu hút người đọc ở cái vẻ lạ, độc đáo của nó, nhan đề bài thơ đã làm nổi bật rõ hình ảnh của toàn bài: những chiếc xe không kính. Hình ảnh này là một phát hiện thú vị của tác giả, thể hiện sự gắn bó và am hiểu hiện thực đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng vì sao tác giả còn thêm vào nhan đề hai chữ Bài thơ? Hai chữ đó cho thấy rõ hơn cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: không phải chỉ viết về những chiếc xe không kính hay là hiện thực khốc liệt của chiến tranh, mà điều chủ yếu là Phạm Tiến Duật níuốn nói về chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, vượt lên thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh.
2. Hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ:
- Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiêu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ, khó khăn.
- Tác giả đã diễn tả một cách cụ thể và gợi cảm những ấn tượng, cảm giác của người lái xe trên chiếc xe không kính. Với tư thế “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” qua khung cửa xe không còn kính chắn gió, người lái xe tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài, “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng - Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Câu thơ diễn tả được cảm giác về tốc độ trên chiếc xe đang lao nhanh. Qua khung cửa đã không có kính, không chỉ mặt đất mà cả bầu trời với sao trời, cánh chim như cũng ùa vào buồng lái. Nhà thơ diễn tả chính xác các cảm giác mạnh và đột ngột của người ngồi trong buồng lái, khiến người đọc có thể hình dung được rõ ràng những ấn tượng, cảm giác ấy như chính mình đang ở trên chiếc xe không kính.
- Người lái xe hiện ra với những nét tính cách thật cao đẹp.
+ Tư thế ung dung, hiên ngang:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
+ Thái độ bất chấp khó khăn, gian khổ, nguy hiểm:
- Không có kính, ừ thì có bụi [...]
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
- Không có kính, ừ thì ướt áo
[...] Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa.
- Những người lính lái xe còn là những chàng trai trẻ sôi nổi, vui nhộn, lạc quan. (Những câu thơ và hình ảnh: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”, “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời – Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy – Võng mắc chông chênh đường xe chạy”).
- Cái gì làm nên sức mạnh ở họ để coi thường gian khổ, bất chấp nguy nan như vậy? Đó chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam, là tình yêu nước nồng nhiệt ở tuổi trẻ thời chống Mĩ (Chỉ cần trong xe có một trái tim).
3. Giọng điệu và ngôn ngữ của bài thơ: giọng ngang tàng, có cả chất nghịch ngợm, rất phù hợp với đối tượng miêu tả (những chàng trai lái xe trong những chiếc xe không kính). Giọng điệu ấy làm cho lời thơ gần với lời văn xuôi, lời đối thoại, lời nói thường nhưng vẫn thú vị, vẫn có chất thơ (Chất thơ ở đây là từ những hình ảnh độc đáo, từ cảm hứng về vẻ hiên ngang, dũng cảm, sự sôi nổi, trẻ trung của những người lái xe, từ ấn tượng và cảm giác được miêu tả cụ thể, sống động, gợi cảm...).
- Thể thơ: Kết hợp linh hoạt thể 7 chữ và 8 chữ, tạo cho bài thơ có điệu thơ gần với lời nói tự nhiên, sinh động. Những yếu tố về ngôn ngữ và giọng điệu của bài thơ đã góp phần trong việc khắc họa hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn một cách chân thực và sinh động.