Nguyễn Bính được mệnh danh là thi sĩ của tình quê, thi sĩ “chân quê”. Mồ côi mẹ rất sớm, mười ba, mười bốn tuổi, Nguyễn Bính phải theo chân anh cả (nhà viết kịch Trúc Đường) ra Hà Nội, Hải Phòng kiếm sống, rồi sau đó vào Huế, vào tận Sài Gòn…sống “kiếp con chim lìa đàn”. Trót “Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành” (Hoa với rượu) nhưng Nguyễn Bính lại thấy “Bơ vơ trong xứ người xa lạ” (Lá thư về Bắc), xa lạ với văn minh đô thị đến cùng cuộc biến thiên “mưa Âu gió Mỹ”, bày tỏ thái độ bất hoà với thực tại, tìm về với vẻ đẹp “thời trước” của đồng đất mình, quê hương mình. Đó là hai trạng thái tinh thần – cảm xúc chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng.

Hai trạng thái cái tôi lãng mạn của thi sĩ Nguyễn Bính (một cái tôi khắc khoải hướng về không gian làng quê đã mất và một cái tôi lạc loài trong không gian đô thị xa lạ) có thể thấy rõ nhất trong những bài thơ xuân. Chính bởi vào xuân là lúc làng quê tưng bừng sự sống, sức sống hơn lúc nào hết và cũng chính độ xuân gợi nhắc cho người tha hương nỗi niềm sầu xứ hơn bao giờ hết. Điểm lại những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Bính, nhiều bài nói trực tiếp đến xuân và Tết như “Mưa xuân”, “Mùa xuân xanh”, “Xuân về”, “Thơ xuân”, “Nhạc xuân”, “Gái xuân”, “Tết của mẹ tôi”, “Xuân tha hương”…, và cả những thi đề tuy không có chữ “xuân” nhưng ý thơ vẫn xoay quanh đề tài mùa xuân (“Cô lái đò”, “Sao chẳng về đây?”, “Hoa với rượu”, “Lá thư về Bắc”, “Hành phương Nam”…) thì ai cũng phải công nhận Nguyễn Bính, trong số các nhà thơ hiện đại, là một trong những người viết nhiều về xuân và Tết hơn cả. 

Các nhà phê bình văn học gọi ông là nhà thơ của hồn quê, nhà thơ chân quê, ca sĩ của đồng ruộng. Bởi tấm lòng, tình cảm gắn bó máu thịt của ông với quê hương luôn hiện hữu trong những câu thơ, bài thơ đầy ắp những hình ảnh gần gũi, thân quen về cuộc sống nơi thôn dã. Từ lũy tre làng, giậu mùng tơi, giàn trầu, hàng cau liên phòng đến lối ngõ trải rơm, màu hoa đại, hương gạo tám thơm, men nồng rượu nếp… tất cả đều đẹp đẽ, nên thơ qua cái nhìn, cách nghĩ và cảm xúc của ông. Trên nền những bức tranh quê tươi sáng, thơ mộng ấy, cuộc sống sinh hoạt của người thôn quê được ông khắc họa thật sinh động, rõ nét. Đến với thơ ông, người đọc như được sống trong không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ đậm đà bản sắc với những ngày Tết cổ truyền, hội làng, đám hát thâu đêm, những phong tục tập quán, trò chơi, nếp sống xa xưa. Đó là hương vị truyền thống trong “Tết của mẹ tôi”: “Sáng nay mồng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương”. Đó là cảnh một buổi đi lễ chùa trong “Xuân về”: “Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ, khăn thâm trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt, miệng nam mô”. Khi vẽ nên những cảnh quê, tình quê mộc mạc, thuần khiết, ngôn ngữ thơ ông cũng giản dị, tự nhiên như lời nói của người dân quê trong đời sống dân dã, vậy mà vẫn làm chúng ta xao xuyến, bâng khuâng.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã thật chí lý khi cho rằng: “Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”. Người đọc mọi lứa tuổi thuộc thơ Nguyễn Bính, bởi nhiều câu thơ của ông không chỉ gợi được cảnh quê mà còn diễn tả chân thành và xúc động hồn quê bình dị mà thiêng liêng, sâu nặng. Có những bài thơ của ông đã trở thành bài hát ru con, ru cháu, được các bà, các mẹ ngâm nga bên cánh võng để thổ lộ, giãi bày nỗi niềm của chính mình. Nguyễn Bính yêu tha thiết quê hương nhưng cũng là người có nhiều năm tha hương trong cuộc đời. Và như một lẽ tự nhiên, càng xa cách, nỗi nhớ và tình yêu quê hương càng đau đáu, khắc khoải. Nhiều bài thơ ông viết về những người mẹ quê nghèo, những người chị đảm đang, nhân hậu như một phần hình bóng quê hương lam lũ mà thắm đượm nghĩa tình. Nhà thơ xót xa trước nỗi cô đơn của người mẹ: “Xóm Tây bà lão lưng còng/ Có hai con gái lấy chồng cả hai/ Gió thu thở ngắn, than dài/ Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa”. Giữa biết bao bóng người trên sân ga, nhà thơ vẫn nhìn thấu nỗi lòng quặn thắt của người mẹ đưa tiễn con đi trấn ải xa: “Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng/ Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”. Ông sẻ chia nỗi niềm với người mẹ gắng gượng vui lo cho con gái đi lấy chồng, để rồi khi còn lại một mình mới vỡ òa những buồn tủi: “Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc/ Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi”. Và nhà thơ khiến ta nhói lòng khi viết về chính cha mẹ mình: 

“Con đi mười mấy năm trời

 Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương

 Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương

 Cầm như đồng kẽm, ngang đường bỏ rơi”.

Riêng ở lĩnh vực thơ tình, Nguyễn Bính cũng có một vị trí xứng đáng, một giọng thơ đặc biệt. Đúng như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Ngòi bút Nguyễn Bính có biệt tài diễn tả những mối tình quê thơ và mộng”. Ta bắt gặp trong thơ ông những mối tình trong sáng của trai, gái nơi thôn quê nảy nở từ những ngày hội xuân, những đêm hát chèo, những sinh hoạt đời thường với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có những e ấp, ngại ngùng của cô gái quê vốn quen sống khép kín bên khung cửi: 

“Lòng thấy giăng tơ một mối tình

 Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

 Hình như hai má em bừng đỏ

 Có lẽ là em nghĩ đến anh”.

Có những hò hẹn, giận hờn, trách móc:

Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang

 Thế mà hôm nọ hát bên đàng

 Năm tao, bảy tuyết anh hò hẹn/

 Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”.

Có những nhớ mong, tơ tưởng:

 “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

 Một người chín nhớ, mười mong một người

 Gió mưa là bệnh của giời

 Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Có những tiếc nuối khi tình yêu dang dở:

 “Từ ngày cô đi lấy chồng

 Gớm sao có một quãng đồng mà xa

 Bờ rào cây bưởi không hoa

 Qua bên nhà, thấy bên nhà vắng teo”.

Và có cả những mãnh liệt, dâng trào như cảm xúc không thể kìm nén: “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”… Những tình cảm yêu thương trong thơ Nguyễn Bính dù là tình yêu đôi lứa hay tình yêu dành cho cha mẹ, gia đình, làng xóm đều thể hiện sự chân thành của cảm xúc nên dễ đi vào lòng người.

Tài năng của nhà thơ Nguyễn Bính đã được ghi nhận, tôn vinh bằng những đánh giá đầy trân trọng của bạn thơ, các nhà phê bình văn học và chính xác hơn hết là lòng yêu mến của bạn đọc nhiều thế hệ. Trải qua thời gian với biết bao thay đổi, những vần thơ của ông vẫn được nhắc đến bởi nó bồi đắp cho mỗi chúng ta lòng yêu thương, gợi nhắc chúng ta không quên quê hương, nguồn cội.

 Cái Tôi Thơ mới thường nghiêng về sự hả hê bởi được giải phóng khỏi cái Ta. Nếu cô đơn, thì thường là khi phải đối diện với vũ trụ mênh mông, khi không có một cái Tôi khác để gắn bó. Nguyễn Bính khác. Trước hết, về Nguyễn Bính mà nói bằng cô đơn, không ra. Nguyễn Bính là nỗi đơn côi. Khác nhau có một chữ, nhưng là hai hồn vía. Không phải ngẫu nhiên mà mặc cảm chia lìa, mặc cảm bơ vơ lại bám riết lấy tâm tư Nguyễn Bính suốt cả đời không chịu buông tha. Nhìn đâu cũng thấy chia lìa: "Con sào đẩy sóng thuyền nan lìa bờ", "Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn", "Chán chường như lũ tàn quân lìa thành", "Những cuộc chia lìa khởi tự đây", "Anh em li tán lâu dần thành ra", "Lìa cành theo gió lá luồn qua song", "Sầu nghiêng theo cánh chim lìa tổ"... Nhìn đâu cũng thấy côi cút, đơn chiếc, vô định: "Hồn đơn chẳng có nơi nương tựa", "Hồn đơn quằn quại xác gầy", "Muôn vàn đơn chiếc đổ vào đầu tôi", "Một người đi mấy mươi người nhớ thương", "Ta đi nhưng biết về đâu chứ", "Anh đi đó ! Anh về đâu?", "Nào biết về đâu kẻ ngước xuôi", "Biết lạc về đâu lòng hỡi

   Nhưng, một khía cạnh rất đáng nói là: bi kịch của cái tôi kia không có tận cùng. Sinh ra từ cuộc tình đương giữa hồi dang dở giữa Đô thị và Thôn quê như thế, Nguyễn Bính đã cố chạy theo tìm sự cưu mang của từng phía, nhưng cả hai đều chối bỏ, mỗi bên phụ phàng theo một cách riêng. Thoạt đầu ánh sáng kinh thành huyễn hoặc, anh chàng chân quê đã tưởng có thể gửi mình vào đó, tìm thấy trong hứa hẹn của nó những vinh hoa. Nhưng cuối cùng, chỉ là phù hoa: "Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng / Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị". Chán chường, chàng tìm lại chốn quê. Nguyễn Bính về quê không phải như Đào Uyên Minh "qui khứ lai từ" bởi quá chán ngán cảnh luồn cúi nơi trường đào mận. Không phải như một nhà nho thành đạt và chán ngán, về quê theo lẽ xuất xử hành tàng, về ở ẩn lánh đời. Mà cái Tôi Nguyễn Bính về quê như một người suốt đời băn khoăn đi kiếm cách sống cho mình, suốt đời tìm kiếm công danh và chỗ đứng trong cái cuộc sống văn minh đô thị. Mà cuối cùng tay trắng vẫn hoàn tay trắng.

Công danh dở dang, duyên phận lỡ làng. Cố hương ngỡ bình lặng muôn đời là thế cũng không dung được một kẻ đã ngập hẳn về thôn ổ mà chẳng thể rửa sạch khỏi lòng mối sầu đô thị ăn sâu. Yêu lắm lắm những gì chân mộc của cố hương, nhưng giữa kẻ hồi hương và đất cũ đã có những ngăn cách vô hình không thể vượt qua:

  Không còn ai ở lại nhà

Hỏi còn ai nữa? để hoa đầy vườn

 Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn

 Anh về quê cũ có buồn không anh?...

Một lần lỡ bước sang ngang là đơn côi vĩnh viễn. Nguyễn Bính là cái lỡ dở muôn đời ấy. Nó là một bi kịch không biên giới.

         Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh, khi phê bình về Nguyễn Bính, có viết: "Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu". Thật vậy! Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính mang vần điệu ca dao và rất dễ nhớ. Nguyễn Bính không dùng chữ trừu tượng hay cầu kỳ để viết nên những vần thơ để đờị Ông cũng không không dùng những triết lý cao siêu để nói lên những điều hiển nhiên trong cuộc sống. 

 *   *  *

Nguyễn Bính, nhà thơ được mệnh danh là nhà thơ của nông thôn, “chân quê” có phong cách thơ giản dị, gần gũi với đời sống của những người nông dân chất phác, thật thà. Nàng thơ của ông là những cô gái duyên thắm má đào, e thẹn khi đề cập đến tình duyên, yêu thương không trọn vẹn, tương tư đến tận trời xanh cũng thấu.

Thơ Nguyễn Bính có cái tôi bình dị, viết về nông thôn, đến nỗi người đời gọi ông bằng một cái tên đặc biệt “ thi sĩ chân quê”. Cái tôi gần gũi, mộc mạc, đi vào đời sống của những người nông dân, tình yêu trong thơ được thể hiện qua những vần thơ dịu dàng, đậm đà bản sắc dân tộc, đôi khi kết hợp một chút phá cách mới lạ của “cái yêu mới mẻ, hiện đại” của phương Tây,  đã làm cho ông sống mãi trong lòng những người yêu thơ tình, ghi dấu mãi vào kho tàng thi ca dân tộc một nhà thơ tài hoa, lãng tử. 

 

Bài viết gợi ý: