Câu 1 (8,0 điểm)

Đọc câu chuyện sau:

Trong túi ông nội tôi lúc nào cũng có vài đồng tiền xu. Đó vốn là thói quen của ông. Một lần lúc còn bé, tôi theo ông vào đền cầu nguyện. Khi ông quỳ xuống cúi lạy, mấy đồng tiền trong túi áo rơi xuống nhẹ nhàng trên tấm chiếu. Có lẽ vì chúng chẳng gây ra tiếng động nào, hay vì quá tập trung nên ông nội tôi không hề hay biết. Tuy nhiên người đàn ông quỳ gần đấy thì lại khác. Ông này nhanh như chớp đưa tay lấy vội rồi lẩn vào đám đông đằng xa, trước khi tôi kịp phản ứng.

Chờ cho ông cầu nguyện xong, tôi vội kể lại toàn bộ sự việc và hăng hái bảo sẽ chỉ mặt người ấy cho ông. Tuy nhiên, trái với vẻ hùng hổ của tôi, ông chỉ từ tốn: “Nếu người đàn ông ấy phải ăn trộm ở nơi thờ cúng tôn nghiêm này thì chắc hẳn ông ấy phải túng thiếu cùng cực lắm. Ta không nên vội.” Dạo ấy gia đình tôi có một cửa hàng rau quả nên ông tôi nảy ra một ý định. Ông bảo tôi: “Mỗi tháng, chúng ta sẽ gói một ít thức ăn, rau quả và cháu sẽ gửi cho ông ấy nhé? Đó sẽ là món quà bí mật mà chúng ta dành cho ông ấy”.

(Trích Điểm tựa của niềm tin, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2015, tr156)

Từ câu chuyện trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về ý kiến “Chỉ trích một người đã làm cho ta không hài lòng không khó, mà vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào”  .

Câu 2 (12,0 điểm)

Nhận xét về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự, tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng:

" Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực còn cần đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn về cuộc sống và con người.”

       (Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2011, tr 76)

            Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

Câu 1 (8 điểm)

            * Giải thích

- Câu chuyện kể về cách ứng xử tốt đẹp của người ông. Mặc dù bị mất những đồng tiền xu trong đền, nhưng khác với sự hùng hổ của người cháu, người ông lại từ tốn, khoan dung và độ lượng. Ông không chỉ trích mà đồng cảm với hoàn cảnh của tên trộm, ngược lại còn đem đến cho anh ta món quà vô giá. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là món quà của tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng nhân ái.

=> Câu chuyện đem đến suy ngẫm về một quan niệm sống đẹp: “Chỉ trích một người đã làm cho ta không hài lòng không khó, mà vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào”           .

- Chỉ trích: phê phán, chê trách một cách nặng nề

- Rộng lượng, vị tha: bỏ qua, tha thứ cho lỗi lầm của người khác, yêu thương, giúp đỡ để họ sửa đổi

            * Bàn luận:

- Trong cuộc sống, ai cũng có lúc mắc sai lầm bởi nhân vô thập toàn. Điều quan trọng là cách hành xử của con người trước những sai lầm ấy.

- Chỉ trích sai lầm của người khác không khó: Lên án, phê phán sai lầm của người khác là thái độ thường gặp trong cuộc sống. Đây là nét tâm lý chung của con người khi không hài lòng một điều gì đó. Tuy nhiên, cách hành xử này chỉ giúp ta giải tỏa tâm lý tạm thời, không đem lại giá trị thiết thực. Ngược lại, chỉ trích còn khiến ta mệt mỏi, làm cho mối quan hệ ngày càng căng thẳng.

- Rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào: Đây là cách ứng xử nhân văn và cao đẹp

+ Vị tha là phương thuốc tốt nhất để sửa chữa sai lầm. Vị tha cho lỗi lầm của một người chính là tạo cơ hội cho người đó sửa sai.

+ Vị tha đem đến sự thanh thản trong tâm hồn, giúp ta vượt lên trên những nhỏ nhen, ích kỉ tầm thường.

+ Vị tha giúp mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn

+ Trao đi tình yêu thương, sự rộng lượng ta sẽ nhận lại những điều tốt đẹp trong cs.

            * Bài học nhận thức và hành động:

- Cần phân biệt giữa vị tha và dung túng. Vị tha là cần thiết nhưng không nên bao che cho những hành vi tội lỗi

- Cần học cách đối xử với những người xung quanh ta bằng tình yêu thương, tấm lòng rộng mở, bao dung ngay từ những hành động nhỏ nhất hôm nay.

Câu 2 (12 điểm)

* Giải thích: Ý kiến bàn về chi tiết nghệ thuật đắt giá trong tác phẩm tự sự

- Chi tiết: là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” (Từ điển thuật ngữ văn học). “Chi tiết là đơn vị nhỏ nhất có thể chia ra được tùy theo một tương quan và yêu cầu nhất định” trong tác phẩm văn học (Lí luận văn học- NXB Đại học Sư phạm). Đó có thể là một nét chân dung nhân vật, một hành vi lời nói, một biểu hiện cử chỉ, phản ứng nội tâm, một nét phong cảnh, môi trường, một biểu hiện sinh hoạt, một khâu quan hệ nào đó trong đời sống của nhân vật...

- Chi tiết đặc sắc là một chi tiết chân thực: chi tiết phải phản ánh sự vật một cách chính xác, tôn trọng hiện thực đời sống.

- ...đạt tới ý nghĩa tượng trưng: chi tiết không chỉ tái hiện sự vật mà còn có ý nghĩa khái quát, biểu trưng

- ...hàm chứa một cách nhìn, cách đánh giá...về cuộc sống và con người: chi tiết còn thể hiện tư tưởng, quan điểm của nhà văn về cuộc sống.

=> Chi tiết đắt giá là những chi tiết “mang nhiều ẩn ý”, khơi gợi được những chiều sâu ý nghĩa, thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Trong tác phẩm tự sự, chi tiết đắt giá có ý nghĩa quan trọng như nhãn tự trong thơ, thể hiện được tài năng của người nghệ sĩ.

* Phân tích, chứng minh:

HS chọn một số chi tiết nghệ thuật đắt giá để làm sáng tỏ nhận định. Cần lưu ý phân tích chi tiết cần chỉ ra được giá trị của chi tiết trong việc tái hiện hình tượng chân thực, tạo ý nghĩa biểu tượng và thể hiện tư tưởng, quân điểm nhân sinh của tác giả.

3. Bàn luận, mở rộng:

- Chi tiết đắt giá là một yếu tố quan trọng trong tác phẩm tự sự. Đó không chỉ là tế bào, mạch máu của tác phẩm mà còn có sức dung chứa lớn về ý nghĩa. Một tác phẩm đặc sắc đồng thời là một tác phẩm có những chi tiết nghệ thuật độc đáo, sáng tạo. Đặc biệt đối với truyện ngắn, do giới hạn về dung lượng, việc xây dựng được những chi tiết đắt giá là yêu cầu tất yếu.Vì vậy, trong quá trình sáng tạo, nhà văn phải trau dồi vốn sống, tăng cường khả năng quan sát, rèn luyện năng lực khái quát cao độ để tạo nên những chi tiết có khả năng “phát sáng” trong tác phẩm. Điều này đòi hỏi quá trình lao động nghệ thuật công phu, nghiêm túc của những người nghệ sĩ vừa có tài vừa có tâm.

- Đồng thời, khi khám phá tác phẩm tự sự, người đọc cần khám phá những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong những chi tiết nghệ thuật đắt giá, phát huy khả năng liên tưởng, khái quát, khám phá được những vấn đề lớn lao, sâu sắc của hiện thực đời sống, hiểu được thông điệp thẩm mỹ tác giả gửi gắm qua chi tiết, từ đó sẻ chia, cảm thông, tri âm với tác giả.

Bài viết gợi ý: