Câu 1 (8 điểm):

            Nhân xem chương trình trên VTV1 với chủ đề: “Cảm ơn cuộc đời” bàn về người tử tế, hầu hết cá ý kiến cho rằng: người tử tế là những người bạn tốt và là những người có lối sống đẹp, có thể coi là những người hoàn hảo trong mọi thời đại và nhất là trong cuộc sống hôm nay. Nhưng có ý kiến cho rằng: đó chỉ là sự giả tạo, hình thức và nghi ngờ lòng tốt của người tử tế.

Anh/chị hãy bình luận về các ý kiến trên.

Câu 2 (12 điểm):

            Bàn về thể loại truyện, sách giáo khoa Ngữ văn 11, Nâng cao cho rằng:

Truyện không chỉ tái hiện lịch sử đời sống mà còn là “hành trình đi tìm con người trong con người” (M. Bakhtin).

            Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua “Đời thừa” của Nam Cao và “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

--------------------- HẾT ---------------------

Câu 1. (8 điểm)

1. Giải thích (2đ)

- Giải thích hai ý kiến:

+ Ý kiến thứ nhất: Nêu ra chuẩn mực của một con người tử tế trong cuộc sống, đó là những con người có lối sống đẹp, chân thành với mọi người, biết giúp đỡ người khác bằng khả năng của mình, khiến cuộc đời, quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Những người ấy chính là những con người hoàn hảo trong mọi thời đại và trong cuộc sống hôm nay.

+ Ý kiến thứ hai: Phủ nhận lòng tốt của những người tử tế cho rằng lòng tốt chỉ là sự giả tạo, hình thức, không xuất phát từ lòng chân thành của con người. Họ nghi ngờ lòng tốt không phải lúc nào cũng tốt đẹp, cao cả trong cuộc đời.

=> Hai ý kiến trên bộc lộ quan niệm sống trái ngược nhau về cách nhìn đối với con người tử tế trong cuộc sống hôm nay.

2. Bàn luận (4đ)

- Ý kiến thứ nhất:

+ Xuất phát từ cái nhìn lạc quan đầy niềm tin vào con người.

+ Lòng tốt là một tiêu chuẩn để đánh giá nhân phẩm của con người, và người tử tế thực sự là chuẩn mực mỗi con người đều hướng tới trên con đường tự hoàn thiện mình.

+ Cuộc sống sẽ thật có ý nghĩa nếu như con người đối xử tử tế với nhau bằng lòng tốt chân thành, người nhận lòng tốt “cảm ơn cuộc đời” đã mang lại những người tử tế giúp đỡ cuộc sống của mình. Và người dùng lòng tốt giúp đỡ cũng “cảm ơn cuộc đời” vì khi cho họ sẽ nhận lại niềm tin yêu của người khác.

- Ý kiến thứ hai:

+ Xuất phát từ suy nghĩ  bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống và con người, nghi ngờ lòng tốt chỉ đến từ mục đích cá nhân.

+ Trong cuộc sống vẫn có những con người với lòng tốt giả tạo, giúp đỡ người khác vì muốn trang trí  bộ mặt, phục vụ lợi ích gì đó cho cá nhân. Điều đó đáng lên án, nhưng nếu lòng tốt giả tạo ấy vẫn giúp đỡ được người khác, có ích cho mọi người thì vẫn có thể chấp nhận được.

- Phê phán những con người lòng tốt giả tạo, không nhằm mục đích mang lại hạnh phúc cho người khác và những người thiếu lòng tin nghi ngờ, hoài nghi lòng tốt của con người dẫn đến sống trong bi quan, cô độc.

- Lòng tốt phải đến từ sự chân thành, tấm lòng yêu thương con người và đem đến niềm hạnh phúc, sự yêu thương cho người khác. Người có lòng tốt thực sự là người tử tế.

3.Liên hệ, rút ra bài học cho mọi người (2đ)

- Cần có cái nhìn toàn diện, phân biệt đúng tốt xấu, không quá bi quan nhưng cũng không nên ảo tưởng rằng cuộc sống chỉ toàn màu hồng

- Biết đề phòng cảnh giác với nguy cơ tha hóa trong chính con người mình, luôn luôn tự đấu tranh để cho sự tốt đẹp chiến thắng cái xấu xa, giả tạo.

Câu 2. (12 điểm)

1.Giải thích ý nghĩa của nhận định (2điểm)

- Truyện tập trung phản ánh đời sống qua các sự kiện, biến cố nhằm thể hiện những vấn đề về cuộc sống, con người và biểu hiện tâm tư, tình cảm của chủ thể trước thực tại bằng hình tượng văn học.

- “Tái hiện lịch sử đời sống”: tác phẩm tự sự là nơi lưu giữ những tri thức sâu rộng về thế giới, cuộc đời; giúp con người khám phá, nhận thức, thấu hiểu sâu sắc bản thân mình. Từ đó, những bài học quý giá về lẽ sống sẽ hình thành cho con người tư tưởng tiến bộ, có thái độ và quan điểm sống đúng đắn.

- “Hành trình đi tìm con người trong con người”: Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất, khát vọng sống cao đẹp, tài năng của con người. Đó là vẻ đẹp tiềm ẩn, khuất lấp bên trong nhân vật được nhà văn phát hiện, phản ánh và gửi gắm những bài học mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc.

            Như vậy, tác phẩm tự sự không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống mà còn là nơi nhà văn gửi gắm những quan niệm về cuộc đời và về con người; từ đó đặt ra những yêu cẩu đối với người sáng tác.

2. Phân tích tác phẩm “Đời thừa” và “Chữ người tử tù” để làm sáng tỏ ý kiến (8điểm)

a. “Đời thừa” – Nam Cao

- Với Hộ, văn chương là lẽ sống, là lí tưởng của cuộc đời, Hộ không bằng lòng với cuộc sống vô danh, vô nghĩa, muốn khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân trước cuộc đời, muốn chói sáng bằng việc phát huy tài năng đích thực của mình.

- Lí tưởng nhân văn cao đẹp, lí tưởng nghệ thuật chân chính đều có nguy cơ chết mòn, trước sự tấn công dai dẳng, quyết liệt của cái nghèo, cái đói. Xung đột nội tâm của Hộ thể hiện những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa sống với hoài bão nghệ thuật và sống theo nguyên tắc tình thương. Bi kịch của Hộ là bi kịch tinh thần không lối thoát.

- Nam Cao đã thâm nhập vào đời sống tinh thần bên trong của Hộ; từ đó nhà văn đặt ra vấn đề cá nhân một cách trực diện và quyết liệt: khát vọng được sống một cuộc sống đàng hoàng với ý nghĩa cao đẹp của nó, khát vọng được sống đầy đủ cuộc sống tinh thần của cá nhân (giá trị sự sống) và đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của xã hội.

b. “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân

- Quan niệm của Nguyễn Tuân về con người

+ Con người tài năng xuất chúng, kết tinh khí thiêng của trời đất.

+ Con người biết xám hối, tự trăn trở, dày vò, quyết tâm thay đổi để hoàn thiện.

+ Con người biết thưởng thức văn hóa, say mê, trân trọng cái đẹp, khao khát thưởng thức tuyệt đỉnh thi pháp.

- Nhân vật Huấn Cao được khắc họa bằng bút pháp lãng mạn, bằng biện pháp đối lập và được đặt trong một tình huống đặc biệt. Từ đó nhà văn nêu lên vẻ đẹp của nhân vật: tâm hồn của Huấn Cao thanh khiết, cao cả, không chịu khuất phục trước tiền tài, danh vị, tâm hồn chỉ chịu khuất phục bởi cái tình, cái nghĩa và giá trị của cái đẹp; con người có tài, tâm, thiên lương trong sáng sẽ cảm hóa tâm hồn người khác.

3. Bàn luận (1 điểm)

- Nhận định trên đã khái quát đầy đủ nội dung của văn học (giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo); đồng thời còn nhấn mạnh chức năng của văn học là “hành trình đi tìm con người trong con người”.

- Vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc gắn bó với đời sống, yêu thương con người và đặt tính nhân bản lên hàng đầu của nhiệm vụ sáng tác.

- Quan niệm của Nam Cao và Nguyễn Tuân về con người: đề cao cái tài trong sáng tạo nghệ thuật, cái tâm trong quan hệ với mọi người và hướng con người đến việc giữ gìn thiên lương trong sáng, cao đẹp.

4. Đánh giá (1 điểm)

- Với người nghệ sĩ: sáng tác văn chương là phản ánh hiện thực cuộc sống và góp phần tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người để hướng con người đến chân – thiện – mĩ.

- Trách nhiệm của người đọc: trân trọng những tác phẩm viết về con người, bồi dưỡng tâm hồn để sống biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ.

- Văn học đã khiến những tâm hồn lớn giàu yêu thương mãi bất tử, để họ sống mãi trong lòng bạn đọc.        

--------------------------------------------------

Bài viết gợi ý: