ĐỌC HIỂU :

1.Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

*Trích đề minh họa trung học phổ thông quốc gia 2017:

Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em. Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải. Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả. Bởi tất cả mọi người đều như thế.

(Trích Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley của thầy Hiệu trưởng David McCullough )

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về câu nói sau: “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh.”?

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả.”?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

*Hướng dẫn trả lời :         

1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
2. “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh”, có thể hiểu:
– “Cắm cờ”: để khẳng định chủ quyền, để thể hiện sức mạnh, đánh dấu thành tích.
– “Bầu không khí”, “quang cảnh rộng lớn xung quanh”: là thành quả sau cuộc hành trình gian khổ.
=> Ý nghĩa: Trong mỗi hành trình, khó khăn, thử thách là để ta có cơ hội khám phá chính bản thân mình và khi vượt qua thử thách, ta cũng chiến thắng chính mình. Đồng thời, vượt qua nó để được tận hưởng những điều tốt đẹp – đó là một quan điểm sống tích cực, lành mạnh, có sức mạnh cổ vũ rất lớn với mỗi chúng ta.
3 .“Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Tác giả nói như vậy vì:
– Khi nhận ra mình “chẳng có gì đặc biệt cả” tức là các em hiểu rõ mình là ai, mình đang ở đâu, các em hiểu rằng thế giới ngoài kia kì vĩ, lớn lao, thú vị vô cùng. Và khi đó, các em sẽ có ý thức, có ham muốn, có niềm vui khi học hỏi, khám phá và chinh phục thế giới.
– Ngược lại, nếu tự mãn về bản thân, các em sẽ không tìm ra mục tiêu cho cuộc sống của mình, vì vậy, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán, vô vị.
4.Trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa với em nhất?
 Có thể lựa chọn thông điệp về ý nghĩa của việc vượt lên thử thách hay về sự khiêm tốn,…

2.Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

*Trích đề minh họa kì thi trung học phổ thông quốc gia 2015-2016:

… (1) Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làmsao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở ?

(2) Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội ở thời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên “Dạ minh châu” của Đường Minh Hoàng, khúc “Nghê thường vũ y” của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu – mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đấy, bạn ạ – thì đã có J.H.Pha-brow và hàng chục nhà sinh vật học khác sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.
(3) Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư? Thì ta bỏ nó đi mà coi cảnh
hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại, chẳng ai ngăn cản ta cả.”

(Trích Tự học – một nhu cầu thời đại – Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2003)

Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 2. Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng khi “thấy chán những con số” thì “bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai”?

Câu 4. Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của mình. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.

*Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy.

Câu 2. Thao tác lập luận : so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh.

Câu 3. Tác giả cho rằng khi“thấy chán những con số” thì “bỏ nó đi mà coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai”, bởi vì “coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Cạn hay cảnh núi non Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Ha-oai” sẽ giúp ta thư giãn đầu óc, tâm hồn cởi mở, phóng khoáng hơn, làm cho đời sống đỡ nhàm chán, trở nên thú vị hơn.

Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

3.Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

*Trích đề thi chính thức trung học phổ thông quốc gia 2016:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất

Nàng Mị Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

(Trích Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ, Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Giáo dục, 1985, tr.218)

 

Câu 1. Sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất?

Câu 2. Kể tên hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai và thứ ba.

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 4. Từ đoạn trích, anh/ chị hãy bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt. (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng)

*Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất?

Đáp án:

 Câu 1:Sự mượt mà và tinh tế của Tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ sau:

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ, tiếng Việt như bùn và như lụa, óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Câu 2:

Hai biện pháp tu từ: So sánh và ẩn dụ

– So sánh: tiếng tha thiết nói thường nghe như hát, Như gió nước không thể nào nắm bắt.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối.

Câu 3:

Nội dung chính của đoạn trích:

Đoạn trích thể hiện sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt. Qua đó bày tỏ niềm tự hào của tác giả Lưu Quang Vũ về vẻ đẹp và giá trị của ngôn ngữ dân tộc.

Câu 4:

Từ đoạn trích bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt:

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính để tạo ra bản sắc riêng của dân tộc, là thành quả đáng tự hào của người Việt Nam trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Tiếng Việt của chúng ta mượt mà, tinh tế, giúp chúng ta không chỉ giao tiếp mà còn bày tỏ tiếng nói, tâm tư, tình cảm.

Hơn nữa, ngôn ngữ là một phần khẳng định chủ quyền độc lập của Tổ quốc ta. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, cha ông ta đã giữ gìn tiếng mẹ để đến hôm nay. Vì thế chúng ta cần trân trọng, phát huy cái hay và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 

4.Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

“Cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. Nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

(Theo A. L. Ghéc-xen, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.31)

Câu 1Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của “cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình” được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh nào?

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng: “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn”

Câu 4. Anh/ Chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”? (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng)

*Hướng dẫn trả lời:

Câu 1.Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2.Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của “cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình” thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh: “một cuộc sống nghèo nàn, giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng”.

Câu 3.

Tác giả cho rằng: “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn” vì cuộc sống của những cá nhân như vậy sẽ nghèo nàn, nhàm chán với một hạnh phúc mong manh.

Đó là một cuộc sống thiếu khát vọng, không có sự khẳng định, dấu ấn cá nhân, chỉ an toàn trong một “mảnh vườn” sạch sẽ, gọn gàng. Cuộc sống khép kín sẽ khiến con người trì trệ, khó thích nghi khi bị giông bão tràn đến, và hơn nữa sẽ khiến ta chìm trong cô đơn, buồn phiền, chán nản.

Câu 4:

Cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”:

– Khi thoát ra khỏi cuộc sống cá nhân êm đềm, bằng phẳng trong ngưỡng cửa nhà mình, con người sẽ vươn ra cuộc đời rộng lớn bên ngoài ngưỡng cửa. Đó là một cuộc sống nhiều thử thách, phong ba nhưng là một cuộc sống đích thực mà mỗi người cần vươn đến: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.

– Con người sẽ phải đối mặt với chông gai, khó khăn nhưng đó sẽ là cơ hội để con người khẳng định năng lực, bản lĩnh, khát vọng, ước mơ của mình.

– Khi được trải nghiệm, dấn thân: con người sẽ mạnh mẽ, kiên cường, dũng cảm hơn. Đó là yếu tố rất quan trọng để chạm đến thành công.

– Cuộc sống thử thách với nhiều khát vọng sẽ cho mỗi người cảm nhận được giá trị thực sự của cá nhân mình: “Hãy luôn khát khao, hãy cứ dại khờ”.

5.Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

… Bao giờ cho tới mùa thu

trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

bao giờ cho tới tháng năm

mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm

bờ ao đom đóm chập chờn

trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời

sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

bà ru mẹ mẹ ru con

liệu mai sau các con còn nhớ chăng

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Theo Thơ Nguyễn Duy)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.

Câu 2. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên.

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên.

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Mẹ ru cái lẽ ở đời – sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.

*Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.

Câu 2. Hai biện pháp tu từ: lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ bao giờ cho tới…), nhân hóa (trong câu trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm).

Câu 3.Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện hồi tưởng của tác giả về thời ấu thơ bên mẹ với những náo nức, khát khao và niềm vui bé nhỏ, giản dị; đồng thời, cho thấy công lao của mẹ, ý nghĩa lời ru của mẹ và nhắn nhủ thế hệ sau phải ghi nhớ công lao ấy.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

Câu 4.Nêu quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Lời ru của mẹ chứa đựng những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm, bài học về cách ứng xử, cách sống đẹp ở đời; sữa mẹ nuôi dưỡng thể xác, lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Đó là ơn nghĩa, là tình cảm, là công lao to lớn của mẹ.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

Từ đó, nhận xét về quan niệm của tác giả (đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp…).

Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.

 

 

Bài viết gợi ý: