Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
” Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kiết (kết tụ lại) cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết ra được. Nó là nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống thở than của một cảnh ngộ tri âm…Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cỡ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành….Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím”
( Trích từ Chùa đàn – Nguyễn Tuân)
- Hãy nêu chủ đề của đoạn trích? Thử đặt nhan đề đoạn trích?
- Tác dụng của biện pháp điệp trong đoạn văn?
- biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong câu văn: “Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian” ? Tác dụng của biện pháp tu từ ấy?
- Từ “Nó” được sử dụng trong các câu ở đoạn văn trích trên chỉ ai, cái gì? Biện pháp tu từ gì được nhà văn sử dụng trong việc nhắc lại từ “Nó“?
- Trong đoạn văn, Nguyễn Tuân sử dụng rất nhiều tính từ chỉ tính chất. Anh/ chị hãy thống kê 5 từ láy chỉ tính chất.
Gợi ý:
- – Chủ đề: Những sắc thái ngậm ngùi ,nỗi đau của tiếng đàn.
– Nhan đề: Cung bậc tiếng đàn .
- – Biện pháp tu từ: Lặp cấu trúc (Điệp cấu trúc) ->> nhấn mạnh những sắc thái ngậm ngùi ,nỗi đau của tiếng đàn
- – Biện pháp tu từ: cách nhân hóa
– Tác dụng: nhằm thể hiện âm thanh tiếng đàn như tiếng lòng của một cá thể có tâm trạng, nỗi niềm đau khổ…
- – Từ “Nó” chỉ tiếng đàn
– Biện pháp tu từ: điệp từ
- Chọn đúng 5 từ láy chỉ tính chất, trạng thái (mỗi từ chỉ được = 0,1đ; 3 – 4 từ: 0,25đ). Chỉ cho điểm 0,5 khi đảm bảo chọn đủ 5 từ.(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn