CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM TỰ SỰ

Chàng Samet sau lần gặp Xuyzan đã không đổ bụi ở những hiệu kim hoàn đi nữa. Anh giấu giếm để chúng vào một cái túi và mang về lều mình. Hiếm người biết rằng trong bụi đó có chứa bột vàng. Samet quyết định sẽ sàng bụi lấy vàng, đúc thành một thỏi nhỏ và dùng nó để đánh một bông hồng vàng mang lại hạnh phúc cho Xuyzan. Từ vô số hạt bụi vàng của Samet người thợ kim hoàn đã đánh thành bông hồng vàng. Có thể ví tác phẩm tự sự tựa như bông hồng vàng còn các chi tiết nghệ thuật là những hạt bụi vàng. Một lượng bụi vàng nhất định sẽ làm nên một bông hồng vàng. Các chi tiết kết vào nhau làm nên một tác phẩm tự sự. Nói như nhà văn Nguyễn Công Hoan: Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc. Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự quan trọng đến mức tác giả của Rừng xà nu đã không ngần ngại khi nhấn mạnh: Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện ly kỳ, gay cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã. Chính vì vai trò quan trọng đặc biệt của chi tiết nghệ thuật mà bước vào thế giới tác phẩm tự sự ta không thể không đi qua lối này. Một lối đi sẽ dẫn ta đến đích. Một lối đi có khả năng níu chân buộc ta phải bước chậm lại mà thỏa sức thẩm bình. Lối đi ấy đã có nhiều khai mở song vẫn có sức mời gọi lớn… Bởi vậy lựa chọn thực hiện chuyên đề này người viết chân thành mong muốn được chia sẻ, trao đổi và lắng nghe ý kiến của các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp để từ đó cùng nâng cao chất lượng dạy và học!

  1. Thế nào là chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự?

Loại tác phẩm tự sự bao gồm: thần thoại, sử thi, truyện cổ tích, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn… Thật ra không phải chỉ khi nói đến những loại thể này người ta mới nhắc đến thuật ngữ chi tiết nghệ thuật song thuật ngữ chi tiết nghệ thuật gắn chặt với các loại thể của tác phẩm tự sự. Lý do bởi chính những đặc trưng của loại thể.

  1. Chi tiết là gì?

Trang 152 của cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên – NXB Đà Nẵng có giải thích rõ:

Chi tiết (d): Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng (Kể rành rọt từng chi tiết. Sa vào chi tiết vụn vặt). Thành phần riêng lẻ hoặc tổ hợp đơn giản nhất của chúng, có thể tháo lắp được, như đinh ốc, trục, bánh xe… trong máy móc, thiết bị (Chi tiết máy).

Chi tiết (t): Có đầy đủ các điểm nhỏ nhất, tỉ mỉ (Dàn bài rất chi tiết. Trình bày chi tiết).

Như vậy, chi tiết là yếu tố, bộ phận của những chỉnh thể, tổng thể lớn hơn nó. Chi tiết là nhỏ, là cụ thể, tỉ mỉ. Nội hàm của khái niệm chi tiết trong đời sống hàng ngày có điểm giống với nội hàm của khái niệm chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

  1. Chi tiết nghệ thuật là gì?

Chi tiết nghệ thuật là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng (Tr.59 – Từ điển thuật ngữ Văn học – NXB Giáo dục). Ở đây cần phân biệt 2 thuật ngữ: chi tiết thuộc về nghệ thuật và chi tiết có tính nghệ thuật:

– Chi tiết thuộc về nghệ thuật: Những chi tiết thuộc về, có mặt trong tác phẩm nghệ thuật song chỉ đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lý.

– Chi tiết có tính nghệ thuật: Tính nghệ thuật ở khả năng nói được nhiều điều, ở sức chứa lớn, ở khả năng tác động và khơi gợi ở độc giả những suy ngẫm, những xúc cảm đầy tính nghệ thuật… Tính nghệ thuật ở chức năng nghệ thuật. Chi tiết có tính nghệ thuật thể hiện tập trung cho cấu tứ của tác giả, thường được tác giả nhấn mạnh, tô đậm lại bằng nhiều biện pháp khác nhau… Hiển nhiên khi đến với tác phẩm tự sự chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt cho chi tiết có tính nghệ thuật.

III. Phân loại chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự rất phong phú, đa dạng và luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cái nọ nương tựa vào cái kia, chi tiết này soi rọi chi tiết khác, chi tiết này xuất hiện trước còn chi tiết kia phải xuất hiện sau… Để phân loại chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự người ta có nhiều căn cứ.

  1. Căn cứ vào nội dung chi tiết.

Căn cứ vào cái được nói đến, được miêu tả chúng ta có:

– Chi tiết về (miêu tả) phong cảnh, môi trường:

+ Những chi tiết miêu tả bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam): âm thanh tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve; vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây…

+ Khung cảnh ngày Tết vùng cao, đêm tình mùa xuân trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) được miêu tả với chi tiết tiếng sáo; chi tiết sắc màu của cỏ gianh, của những chiếc váy hoa, của cái hoa thuốc phiện; trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy….

– Chi tiết về (miêu tả) ngoại hình, dáng vẻ: Loại chi tiết này có nhiều trong truyện ngắn, tiểu thuyết… Nhân vật của nhà văn có thể được miêu tả với những chi tiết về ngoại hình, dáng vẻ hoặc không.

+ Ngoại hình dáng vẻ của Chí Phèo sau khi ở tù về được nhà văn Nam Cao miêu tả: Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quấn nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả 2 cánh tay cũng thế… (Chí Phèo).

+ Trong Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu láy lại hai lần những đặc điểm ngoại hình của người đàn bà vùng biển: người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm…

– Chi tiết về (miêu tả) cử chỉ, hành động; chi tiết lời nói, ý nghĩ.

+ Chi tiết miêu tả hành động dỗ gông của Huấn Cao trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân): Huấn Cao, lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái.

+ Tìm hiểu nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) không thể không chú ý đến chi tiết lời nói của bà Hiền: Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng.

– Chi tiết về (miêu tả) nội tâm, tâm lí nhân vật:

+ Chi tiết miêu tả tâm trạng vui sướng, hạnh phúc của Tràng buổi sáng hôm sau ngày Tràng có vợ: Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải (Vợ nhặt – Kim Lân).

+ Tỉnh dậy lần thứ tư, Việt muốn chạy thật nhanh thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày, gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy các anh mà khóc như thằng em út vẫn níu chân chị Chiến. Chỉ một chi tiết về tâm trạng này cũng đủ để cho thấy tình đồng đội gắn bó như tình cảm ruột thịt ở nhân vật Việt (Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi)

– Ngoài ra còn có chi tiết về tiểu sử, nghề nghiệp…

Trong các chi tiết trên, chi tiết về cử chỉ, hành vi, lời nói, nội tâm là những chi tiết quan trọng nhất để khắc họa làm nổi bật tính cách, tâm hồn của nhân vật. Nhân vật trong tác phẩm tự sự có thể không được miêu tả ngoại hình song thường phải có tính cách, tâm hồn.

  1. Căn cứ vào vị trí, vai trò của chi tiết nghệ thuật.

Không phải mọi chi tiết trong tác phẩm đều có vị trí, vai trò như nhau. Có chi tiết chính, trung tâm, chi tiết đắt, điển hình, tiêu biểu; có chi tiết phụ trợ:

– Chi tiết chính, trung tâm, chi tiết đắt, điển hình, tiêu biểu: Đó là những chi tiết không thể bỏ qua cũng không thể chỉ thoáng qua. Trung tâm, đắt, tiêu biểu bởi nổi bật nhất, có sức chứa lớn nhất, mang chất nghệ thuật nhiều nhất, tác động tới suy nghĩ, cảm xúc của độc giả nhiều nhất… Nhiều chi tiết đắt đến mức nói đến nhà văn đó phải nhắc đến chi tiết đó. Một tác phẩm tự sự có thể có nhiều chi tiết đắt. Bản thân người cầm bút sáng tác thường có ý thức rất rõ về chi tiết nghệ thuật này và độc giả cũng không khó để nhận ra.

+ Hai đứa trẻ (Thạch Lam): Chi tiết ngọn đèn con của chị Tí, chi tiết 2 chị em Liên thức đợi chuyến tàu đêm, chi tiết Liên lặng theo mơ tưởng về một Hà Nội xa xăm…đều là những chi tiết đắt.

+ Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài): chi tiết tiếng sáo, giọt nước mắt của A Phủ, ngọn lửa đêm mùa đông…gây ấn tượng đậm nét.

– Chi tiết phụ trợ: Đúng như tên tạm gọi đó là chi tiết phụ, trợ. Chi tiết này không chỉ tham gia vào sự vận động và phát triển của câu chuyện mà còn có ý nghĩa khắc họa nhân vật, thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm song chưa thực sự được xem là đắt, điển hình, tiêu biểu. Tuy là phụ trợ song tìm hiểu tác phẩm tự sự không thể không chú ý đến chi tiết này…

  1. Căn cứ vào cấp độ.

– Chi tiết là hình ảnh: Loại chi tiết này rất phong phú. Có rất nhiều chi tiết xuất hiện với tư cách là hình ảnh giàu ý nghĩa trong các tác phẩm tự sự lớp 11 và 12:

+ Chi tiết Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm trong Đời thừa (Nam Cao) là một hình ảnh.

+ Khi xây dựng nhân vật Dít (Rừng xà nu), nhà văn Nguyễn Trung thành đặc biệt chú ý đến hình ảnh đôi mắt. Đôi mắt được miêu tả nhiều lần: đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt; đôi mắt nghiêm khắc; đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng, bình thản như đôi mắt chị bí thư bây giờ…

+ Chi tiết – hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người, vòng hoa bên mộ Hạ Du trong Thuốc (Lỗ Tấn)…

– Chi tiết là tình tiết…

  1. Căn cứ vào mức độ hư cấu.

Văn học là nghệ thuật của trí tưởng tượng song có thể dựa vào mức độ hư cấu để phân loại chi tiết nghệ thuật. Căn cứ vào mức độ này ta có:

– Chi tiết thực: là chi tiết ít hư cấu, giàu tính xác thức, gần với hiện thực cuộc sống. Là những chi tiết được tác giả chọn lọc từ hiện thực đời sống để tái hiện bức tranh hiện thực đời sống như nó vốn có. Những chi tiết trong tác phẩm văn học hiện thực thường giàu tính xác thực. Tuy nhiên cũng có những tác phẩm văn học lãng mạn lại giàu chi tiết thực ví như truyện ngắn lãng mạn – hiện thực Hai đứa trẻ (Thạch Lam)…

– Chi tiết giàu tính hư cấu: đây là chi tiết có mức độ hư cấu, tưởng tượng cao. Chi tiết giàu tính hư cấu là loại chi tiết nằm giữa chi tiết thực và chi tiết kỳ ảo. Ta có thể bắt gặp nhiều chi tiết này trong các truyện ngắn lãng mạn…

– Chi tiết kỳ ảo: là chi tiết không có thực, chỉ có trong trí tưởng tượng của con người, là sản phẩm của trí tưởng tượng nên không thể xảy ra trong thực tế. Loại chi tiết này xuất hiện nhiều trong truyện dân gian nhất là truyện cổ tích, truyện truyền kỳ. Sáng tạo chi tiết này các tác giả vừa tạo nên sức hấp dẫn li kỳ cho tác phẩm vừa nhằm mục đích nhất định: hoặc thể hiện một tư tưởng, một quan niệm hoặc một mong muốn, một thái độ yêu ghét…

III. Vị trí, vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

Cái ngắn của truyện ngắn không chỉ ở số luợng câu chữ mà ở sự cô đọng, hàm súc nên đúng như ý kiến của Pautôpxki truyện ngắn yêu cầu về chi tiết càng khắc nghiệt. Những chi tiết cô đúc, có dung luợng lớn đã trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn. Từ vai trò đặc biệt của chi tiết trong tác phẩm tự sự nhất là truyện ngắn mà người ta ví chi tiết nghệ thuật tựa như nhãn tự, như thần cú của một thi phẩm và không khác gì những đường nét trong hội họa…

  1. Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong việc tạo dựng nên tác phẩm.

Tạo dựng nên ở đây được hiểu theo cả hai nghĩa: tạo dựngnên là kiến tạo nên tác phẩm, để có tác phẩm và tạo dựng là đem đến sức sống cho tác phẩm để tác phẩm có thể sống, buớc đi cùng thời gian, năm tháng. Tác phẩm nghệ thuật là một chỉnh thể thống nhất và chi tiết chính là một yếu tốt gần như nhỏ nhất trong các yếu tố cấu thành tác phẩm. Chí Phèo của Nam Cao cũng như các tác phẩm tự sự khác được dệt nên từ rất nhiều chi tiết bao gồm cả chi tiết về hoàn cảnh, môi trường, chi tiết về ngoại hình, dáng vẻ, hành vi, tâm lý… Bằng việc sắp xếp các chi tiết theo trình tự như đã có các chi tiết giúp nhà văn triển khai cốt truyện, dẫn dắt câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc mà không có một chỗ nào cong vênh, không một chi tiết rườm rà hay một chi tiết thừa, chi tiết nào ở vào vị trí đó không thể thay thế. Giá trị của chi tiết nghệ thuật sẽ luôn luôn tỷ lệ thuận với giá trị tác phẩm. Một truyện ngắn, một tiểu thuyết… càng có nhiều chi tiết đắt càng neo đậu vững trong lòng độc giả.

  1. Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong việc xây dựng, khắc họa hình tượng nhân vật.

Heghen xem chi tiết như những con mắt mở những cửa sổ để người ta nhìn vào linh hồn của tác phẩm – nhân vật. Những đường nét dần hình thành một bức họa, những chi tiết dần dựng dậy sống động một hoặc một vài bức chân dung. Nhờ các chi tiết mà hình tượng nhân vật hiện lên cụ thể, rõ nét như những con người thật ngoài đời từ ngoại hình, dáng vẻ đến số phận, tính cách, tâm hồn. Có chi tiết khắc họa một cách ấn tượng một gương mặt, một dáng hình như chi tiết về những vết sẹo vằn dọc vằn ngang không thứ tự trên khuôn mặt Chí Phèo ( Chí Phèo – Nam Cao). Có chi tiết diễn tả một nỗi đau tinh thần rõ nét như hình ảnh một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Có chi tiết cho thấy một ước mơ, một khao khát, một khí phách, một phẩm chất tài hoa, nghệ sĩ… Chi tiết nghệ thuật không bao giờ đứng ngoài, đứng độc lập với tính cách, tâm hồn của nhân vật. Nhân vật này phân biệt với nhân vật khác cũng là bởi những chi tiết…. Có thể khảng định không thể có tác phẩm tự sự, không thể có nhân vật nếu không có những chi tiết nghệ thuật.

  1. Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng, gửi gắm thông điệp tới độc giả.

Chủ đề tư tưởng, những thông điệp trong tác phẩm thường là khoảng trống, điểm trắng mà nhà văn để chi tiết nghệ thuật tự nói. Chi tiết là cơ sở để từ đó độc giả tiếp nhận hiểu được thế giới nghệ thuật, ý đồ sáng tạo của tác giả. Qua chi tiết chúng ta lắng nghe được điều nhà văn muốn nói, thái độ, tình cảm tư tưởng của nhà văn, điều mà nhà văn muốn nhắn nhủ… Lẽ đương nhiên chi tiết trong một tác phẩm dù phong phú, đa dạng đến mấy đi chăng nữa cũng phải tập trung làm sáng lên chủ đề tư tưởng. Chi tiết dù hay đến cỡ nào đi chăng nữa mà không phục vụ chủ đề cũng trở nên vô ích.

– Chi tiết báo cháo hành trong Chí Phèo (Nam Cao): sáng tạo chi tiết này và để cho nó được xuất hiện đúng lúc Nam Cao đã bộc lộ được tư tưởng nhân đạo sâu sắc của mình: phát hiện, khẳng định, trân trọng và thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi tưởng như họ không còn tính người. Cũng qua chi tiết này nhà văn muốn gửi tới người đọc thông điệp về sức mạnh của tình yêu thương chân thành, của tình đời, tình người: tình yêu thương chân thành, tình đời, tình người có khả năng, có sức mạnh cứu vớt con người, gọi dậy tính người trong mỗi con người…

– Chi tiết hai chị em khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm trong Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) là một chi tiết đặc sắc. Chi tiết vừa cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của khúc sông sau vừa là lời đối thoại, đính chính cần thiết về bản chất của những người cách mạng Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ do sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, nhiều người nhất là đồng bào vùng tạm bị chiếm miền Nam hiểu nhầm bản chất của những người cách mạng. Họ nghĩ rằng người cách mạng cộng sản khi đã say mê lý tưởng, say mùi hương chân lý thì quên hết gia đình, cha mẹ, chỉ biết cháy bỏng căm thù. Qua chi tiết này Nguyễn Thi cho thấy người cách mạng Việt Nam không chỉ cháy bỏng căm thù mà còn trĩu nặng yêu thương.

– Hay chi tiết miêu tả hình ảnh ba người trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân). Hai lần miêu tả hình ảnh ba người: ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ; ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau nhà văn muốn độc giả được chứng kiến và tin vào sức mạnh quy tụ của cái Tài, cái Đẹp, cái Thiện,…

Rõ ràng chi tiết nghệ thuật nói được nhiều hơn đặc tính nhỏ của nó. Đây đều là những chi tiết có sức chứa lớn về nội dung tư tưởng của tác phẩm.

  1. Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong việc bộc lộ tài năng của người cầm bút.

Thực tế đã chứng minh những bậc thầy về truyện ngắn bao giờ cũng là những bậc thầy về chi tiết và chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Một tay viết ra hoa là ở việc sáng tạo chi tiết. Chi tiết nghệ thuật là tư tưởng, tình cảm của tác giả, là vốn sống, vốn văn hóa, là phong cách nghệ thuật, là tài năng… Nghiên cứu chi tiết rõ ra phong cách nghệ thuật, thấy được tài năng của nhà văn: tài quan sát, tưởng tượng, hư cấu, tài sáng tạo hình ảnh, tài miêu tả, kiến tạo câu văn…

Như vậy, đối với tác phẩm chi tiết nghệ thuật kiến tạo, làm cho tác phẩm sống. Đối với chủ thể sáng tạo chi tiết nghệ thuật giúp nhà văn nói điều muốn nói, bộc lộc những tình cảm ấp ủ trong lòng… Chi tiết nghệ thuật ghi nhận sáng tạo của người cầm bút. Còn đối với chủ thể tiếp nhận chi tiết nghệ thuật giúp soi đường chỉ lối…

  1. Các dạng đề về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

Trên thực tế thường có ba dạng đề về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự:

  1. Dạng đề yêu cầu trình bày cảm nhận hoặc nêu những hiểu biết về một chi tiết trong một tác phẩm. Dạng đề này thích hợp khi kiểm tra 15’ trên lớp hoặc ra câu 2,0 điểm cho thi Tốt nghiệp hoặc thi Đại học – Cao đẳng.

– Ví dụ 1: Cảm nhận của anh (chị) về chi tiết ngục quan vái người tù một vái sau khi nghe xong lời khuyên của người tử tù trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

– Ví dụ 2: Chi tiết ngọn đèn con của chị Tí trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) được xuất hiện và được miêu tả như thế nào? Ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật này? …

  1. Dạng đề yêu cầu cảm nhận hai chi tiết trong hai tác phẩm. Đây là dạng đề đã thi Đại học – Cao đẳng. Và dạng đề này còn phù hợp với thi HSG.

– Ví dụ 1: Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo (Nam Cao) và hình ảnh Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm trong Đời thừa(Nam Cao).

– Ví dụ 2: Cảm nhận của anh (chị) về chi tiết ánh sáng trưng của đoàn tàu đêm đi qua phố huyện trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)…

  1. Dạng đề yêu cầu chứng minh làm sáng tỏ một vấn đề lý luận văn học về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Dạng đề này vừa tầm cho thi HSG tỉnh và HSG Quốc gia.

– Ví dụ 1: Có phải chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn?

– Ví dụ 2:

Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang đầy ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu không nói hết.

Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Dù là dạng đề nào khi bàn về một chi tiết cụ thể trong một tác phẩm văn học thiết nghĩ cần làm nổi bật được những ý chính sau:

– Sự xuất hiện của chi tiết:

+ Hoàn cảnh xuất hiện?

+ Số lần xuất hiện?…

– Ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật:

+ Ý nghĩa về nội dung: Chi tiết đó nói cái gì? thể hiện được điều gì? Nó hàm chứa tư tưởng, tình cảm, thái độ gì của nhà văn? Có tác động như thế nào đến nhân vật? Có mang ý nghĩa biểu tượng không?…

+ Ý nghĩa về nghệ thuật: Đối với sự phát triển của cốt truyện; xây dựng, khắc họa hình tượng nhân vật…

  1. Một số chi tiết nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là tác phẩm có nhiều chi tiết nghệ thuật, trong đó có nhiều chi tiết đắt. Song vì điều kiện có hạn nên người viết chỉ mới bàn đến được hai trong số các hạt bụi vàng của bông hồng vàng này.

  1. Chi tiết tiếng sáo.

Trong tập Truyện Tây Bắc ở mỗi tác phẩm nhà văn đều xây dựng được những hình ảnh láy đi láy lại nhiều lần và có những hình ảnh đã trở thành biểu tượng giàu chất thơ. Nếu trong Cứu đất cứu mường là hình ảnh tiếng chim kỳ – hình ảnh biểu tượng cho hạnh phúc, cho điềm lành; trong Mường Giơn là hoa hương nhu – hình ảnh tượng trưng cho nét đẹp giản dị của tâm hồn người phụ nữ thì trong Vợ chồng A Phủ là tiếng sáo.

  1. Tiếng sáo trong văn học. Tiếng sáo đã đi nhiều vào áng văn, thi phẩm:

– Tiếng sáo của Trương Chi trong truyện cổ Trương Chi.

– Tiếng sáo của Trương Lương nỉ non tình tự trong bài thơ nổi tiếng Tiếng địch sông Ô (Huy Thông).

– Tiếng sáo của các kim đồng trong Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ:

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi

Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng

Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…

……………………

Khi cao vút tận mây mờ

Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh

Êm như lọt tiếng tơ tình

Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không…

  1. Tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ.

Tô Hoài không phải là người đầu tiên đưa tiếng sáo vào thơ văn song nói đến tiếng sáo trong thơ văn không thể không nói đến tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ. Hình tượng thẩm mĩ tiếng sáo được coi là một điểm sáng nghệ thuật vừa đậm đà chất dân tộc, vừa lãng mạn, giầu chất thơ.

* Sự xuất hiện:

– Tiếng sáo được xuất hiện rất nhiều lần trong phần truyện miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo gắn với ngày Tết, gắn với không khí đêm tình mùa xuân. Sự láy lại nhiều lần hình ảnh một cách tự nhiên gây chú ý, tạo ấn tượng cho độc giả.

– Tiếng sáo có khi được nhắc đến, có khi được miêu tả: văng vẳng tiếng sáo, tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường… Những từ ngữ miêu tả tiếng sáo đã khiến cho âm thành của thứ nhạc cụ dân dã này trở nên sống động, có hồn, gây ấn tượng hơn.

– Tiếng sáo khi là của Mị, khi là tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi: ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi… Tiếng sáo cất lên trong hiện tại hòa với âm thanh trong quá khứ vọng về…

* Tiếng sáo với ngày Tết vùng cao. Tiếng sáo là một điệu hồn tha thiết của người Mèo, là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết vùng cao Tây Bắc. Âm thanh tiếng sáo vang lên giữa núi rừng mang đến cho đời thường một vẻ đẹp nên thơ. Tiếng sáo nhiều khi như ru lòng người, làm lòng người rạo rực, bồi hồi, xao xuyến. Cùng lời bài hát tiếng sáo đã đem đến cho ngày Tết vùng cao một không khí đầy xuân tình. Nếu thiếu vắng tiếng sáo không khí ngày Tết vùng cao sẽ thiếu vắng một điệu hồn tha thiết làm rạo rực lòng người…

* Tiếng sáo đối với Mị: Tiếng sáo là hình ảnh thực và cũng là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Một biểu tượng đẹp cho tự do, tình yêu, hạnh phúc. Tiếng gọi của tự do, tình yêu, hạnh phúc đã có tác động rất lớn đến tâm hồn Mị.

– Có thể nói ngay từ đầu nó đã đánh thức tâm hồn đang ngủ yên, an phận, nó nhóm lên khát khao đang lụi tàn dần trong ý nghĩ và tình cảm của Mị, nhóm lên ngọn lửa hồng dưới lớp tro tàn nguội lạnh: ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi…

– Tiếng sáo đã làm hồi sinh cho tâm hồn Mị và giục giã Mị hành động. Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường cùng lời bài hát đã thôi thúc, giục giã Mị hành động như một con người tự do: Mị sửa soạn đi chơi. Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.

– Tiếng sáo đưa Mị đến với bầu trời của tự do, tình yêu, hạnh phúc. Trong chốc lát nó đưa Mị thoát khỏi hiện thực éo le, quên đi cảnh ngộ đau đớn của bản thân nên khi bị trói Mị đứng im lặng như không biết mình đang bị trói. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi…

à Tiếng sáo là một chi tiết quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, giúp nhà văn miêu tả một cách rõ nét, cụ thể, tự nhiên, logic quá trình trỗi dậy sức sống tiềm tàng mạnh mẽ ở Mị. Sức sống gắn với khao khát tự do, tình yêu, hạnh phúc.

à Tiếng sáo là một hình ảnh biểu tượng đẹp đầy chất thơ, rất thi vị mang đến chất thơ đậm đà cho tác phẩm. Nếu những trang văn của Tô Hoài thiếu tiếng sáo sẽ không thể có được chất thơ như đã có. Tiếng sáo tựa như những vần thơ vút lên giữa cái hiện thực gồ ghề, khắc nghiệt của hoàn cảnh.

à Chi tiết này không chỉ có ý nghĩa trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Mị mà còn góp phần thể hiện sinh động tư tưởng, tình cảm của Tô Hoài: nhà văn khẳng định với thái độ trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người lao động vùng cao Tây Bắc; đồng tình với khát vọng tự do, tình yêu, hạnh phúc – khát vọng chính đáng của con người. Tác giả còn có một niềm tin đẹp đẽ rằng sức sống của tuổi trẻ lao động vùng cao Tây Bắc không dây trói nào buộc được, không thế lực đen tối nào tiêu diệt được.

à Tiếng sáo đã trở thành một ấn tượng đầy tính thẩm mỹ trong lòng độc giả. Tiếng sáo quả là một sáng tạo nghệ thuật giàu ý nghĩa của một nhà Hà Nội học có tình cảm gắn bó với cảnh và người vùng cao.

  1. Chi tiết dòng nước mắt của A Phủ: một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại.
  2. Nước mắt trong Vợ chồng A Phủ. Nước mắt hay tiếng khóc là một chi tiết được xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm gắn với ba nhân vật: Mị, cha của Mị và A Phủ. Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài cùng với nhiều tác phẩm khác cho thấy khi viết về những người lao động thấp cổ bé họng bị áp bức trong xã hội các nhà thơ, nhà văn ta thường đặc biệt quan tâm đến nước mắt, tiếng khóc – nỗi đau của họ…
  3. Dòng nước mắt của A Phủ.

* Hoàn cảnh xuất hiện: chi tiết dòng nước mắt của A Phủ được xuất hiện một cách rất tự nhiên bởi được xuất hiện trong một hoàn cảnh khổ đau dễ làm nhỏ nước mắt. Đó là khi A Phủ đã bị trói đứng suốt mấy ngày, mấy đêm, cơ chừng chỉ đêm mai là chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết.

* Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ.

– Hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ là một hình ảnh rất thực có ý nghĩa tố cáo tội ác của giai cấp thống trị vùng cao: hành hạ thể xác con người. Chính cái đau, cái đói, cái rét đã biến một chàng trai lao động rất khỏe mạnh như A Phủ giờ với hai hõm má đã xám đen lại.

– Một dòng nước mắt lấp lánh bởi có ánh lửa chiếu vào. Từ bò xuống miêu tả nước mắt chảy chậm không phải ròng ròng. Cách sử dụng từ ngữ để miêu tả của Tô Hoài đã cho phép độc giả cảm nhận: phải chăng A Phủ đã cố kìm, nén nước mắt nhưng cảnh ngộ thực tại của bản thân đã khiến một người như A Phủ vẫn phải nhỏ nước mắt. Dòng nước mắt được miêu tả rất phù hợp, thống nhất với tính cách của nhân vật. Một người có tính cách gan góc, táo bạo như A Phủ có lẽ sẽ không thể phù hợp với hình ảnh những dòng nước mắt tuôn rơi.

– Nước mắt, đó là biểu tượng của nỗi đau. A Phủ khóc. Khóc cho cảnh ngộ của mình, đau đớn cho tình cảnh cùng đường của mình. Tiếng khóc gắn với ý thức sâu sắc về cảnh ngộ hiện tại của bản thân. Đây là tiếng khóc của một con hổ sa bẫy. Khi A Phủ khóc vì ý thức được tình cảnh cùng đường của mình đồng nghĩa với A Phủ đang khao khát tự do, khao khát sống.

– Dòng nước mắt đã có tác động rất lớn đến tâm hồn Mị. Nó đánh dấu một sự thay đổi trước và sau rõ rệt:

+ Trước khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay.

+ Khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: Mị không còn thản nhiên, vô cảm được nữa. Dòng nước mắt đã dẫn đến sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực của nhân vật Mị: từ thản nhiên, vô cảm, gần như chai sạn, tê liệt trước nỗi đau của đồng loại đến thương cảm cùng lòng căm thù giai cấp… Dòng nước mắt chính là mấu chốt, là khởi điểm đầu tiên cho hành động cắt dây trói cứu A Phủ.

à Qua nói về tác động lớn lao, mạnh mẽ của dòng nước mắt A Phủ đối với nhân vật Mị, phải chăng tác giả muốn gửi tới người đọc thông điệp về sức mạnh của giọt châu loài người: giọt châu loài người có khả năng tác động mạnh mẽ đến độ kì diệu tới con người. Nó có thể đánh thức, gọi dậy những tình cảm cao đẹp cùng nhận thức.

à Dòng nước mắt của A Phủ nói được nhiều điều. Chi tiết này làm cho ngòi bút cuả Tô Hoài miêu tả hành động cắt dây trói của Mị trở nên thật tự nhiên, hợp logic…

Nghệ thuật viết truyện ngắn là nghệ thuật sáng tạo chi tiết song không vì thế mà người cầm bút sính rồi săn chi tiết làm cho tác phẩm của mình rườm rà, bề bộn, có khi lại bị phân tán tư tưởng… Muốn tác phẩm có một đời sống thực thụ, chi tiết nghệ thuật phải giàu tính nghệ thuật, phải được xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Nhà văn không thể cứ khép phòng văn ngồi viết… Còn về phía độc giả, từ chỗ chọn lựa chi tiết đến cảm nhận được chi tiết là cả một con đường đồng sáng tạo đòi hỏi người tiếp nhận phải đọc tác phẩm bằng cả tâm và trí, phải phát huy tối đa năng lực cảm thụ… Cả hai con đường: con đường của chủ thể sáng tạo và con đường của chủ thể tiếp nhận đều không hề đơn giản. Muốn đến đích cần phải bước đi và cũng cần phải có thời gian…

Trên đây chỉ là một số ý kiến nhỏ của người viết về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Người viết rất mong được lắng nghe ý kiến của các thầy cô và bạn bè đồng nghiệp!

Xin chân thành cảm ơn!

Ngày 19 tháng 8 năm 2013

Bài viết gợi ý: