Đây là chia sẻ của bạn Đức Thành, các em học sinh có thể tham khảo nhé:
Nếu khảo sát trên đầu số học sinh THPT cả nước chắc chắn môn xã hội sẽ là một trong các môn gây nhiều khó khăn nhất cho các em học sinh. Trong đó môn Ngữ Văn là một “rào cản” vất vả cho rất nhiều em. Làm thế nào để có thể học tốt được môn học “oái oăm” này?Đó là một trong hàng ngàn câu hỏi liên quan đến môn Ngữ văn .
1.Trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn trong việc học tập cảm thụ văn chương.
-Điều đầu tiên cần bàn đến đó là phía người dạy. Bao gồm cả chương trình phân phối và cách truyền đạt của giáo viên đứng lớp. Vấn đề này để bàn bạc đến thì còn nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều nhau. Xin phép không bàn đến ở bài viết này.
-Vấn đề thứ 2 là ở phía người học. Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, tôi xin chỉ ra một vài ý kiến cá nhân mà tôi quan sát thấy được đang diễn ra hiện nay:
+Có thể nói rằng VĂN HÓA ĐỌC sách ở VN đang suy giảm trầm trọng. Gắn với đặc thù riêng của môn Ngữ Văn thì đọc sách vô cùng cần thiết để chúng ta có khả năng cảm thụ văn học, tích lũy kinh nghiệm đời sống và gia tăng vốn từ vựng. Vậy để chọn được sách nào cho phù hợp thì vấn đề này tôi xin bàn ở phần sau.
+Người học lười, BỊ ĐỘNG trong quá trình học tập. Học luôn đòi hỏi chúng ta phải tư duy. Nhận thức là công cụ của tư duy. Chúng ta muốn học tốt bất cứ một môn học nào cũng cần phải chủ động trong hoạt động nhận thức của mình. Hơn thế với phương pháp dạy học tích cực phát huy vai trò chủ thể của học sinh trong quá trình học tập thì hoạt động chủ động trong việc tiếp thu kiến thức là một điều vô cùng cần thiết của học sinh.
+Người học “KHÔNG CÓ HỨNG THÚ”. Muốn học được tốt môn Ngữ Văn nói chung và các môn học khác nói riêng thì chúng ta cần phải có hứng thú, yêu thích tìm tòi và phát hiện vấn đề.
+Điều quan trọng nhất gắn với đặc trung riêng của bộ môn Ngữ Văn là TÍNH THẨM MĨ. Dường như đa phần các em không có kỹ năng cảm thụ tác phẩm văn học. Để cảm thụ được tác phẩm văn học thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố.Nhiều người vẫn giữ quan điểm là học văn đòi hỏi là cảm xúc nhưng đó là một quan niệm đúng nhưng chưa đủ. Cảm xúc là nhân tố tạo nên việc cảm thụ nhưng cảm xúc thì cũng có lúc ĐÚNG có khi cảm xúc cũng SAI. Vậy làm thế nào để hiểu và cảm được tác phẩm văn học thì tôi bàn ở phần sau.
2. Một số gợi ý để có thể học tốt môn Ngữ Văn.
– Vấn đề 1 là ĐỌC. Đây là yếu tố vô cùng cần thiết để tiếp cận một tác phẩm văn học. Việc đọc giống như một chìa khóa để đi vào cánh cửa văn học.Nó giống như chúng ta muốn sống, muốn hoạt động thì chúng ta cần phải ăn, đứa trẻ muốn biết nói thì cũng phải tập nói. Để hiểu được bất cứ một vấn đề nào đó thì buộc chúng ta phải thông qua kênh ĐỌC. Khi tiếp xúc với tác phẩm văn học thì điều đầu tiên là phải đọc tác phẩm văn học . VẬY CHÚNG TA PHẢI ĐỌC CÁI GÌ?. Tôi chia ra thành hai kênh mà chúng ta phải đọc.
+Kênh thứ nhất: Đọc các loại sách, báo liên quan đến đời sống. Tất nhiên trong đó có cả những cuốn sách giải trí như truyện tranh, truyện dân gian và đặc biệt tôi thấy một loại truyện rất thịnh hành với giới trẻ ngày nay là truyện Ngôn tình. Đây là một loại truyện theo tôi cũng góp phần quan trọng trong cảm xúc, trí tưởng tượng và cách dùng từ đối với người học văn.Các em nên nhớ rằng, văn học động chạm tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống (kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, điện ảnh, hội họa…). Cho nên các em càng hiểu biết nhiều thì càng thuận lợi cho quá trình học tập môn ngữ văn của các em.
+Kênh thứ hai: Đọc các loại sách liên quan đến văn học, liên quan đến tác phẩm mà các em muốn chiếm lĩnh. Đó có thể là các loại sách văn mẫu, sách nâng cao ôn luyện hoặc thậm chí là các loại sách thuộc chuyên ngành lý luận văn học. Đối với học sinh yêu thích văn học thì các loại sách này không thể thiếu trong ngăn tủ sách của các em. Văn mẫu chũng ta đọc để có thể học hỏi cách dùng từ và cách lập luận vấn đề, triển khai vấn đề của người viết. Sách nâng cao, chuẩn kiến thức của Bộ thì ở đó hướng dẫn rất chi tiết các luận điểm cần học của mỗi một bài học riêng. Còn với sách lý luận văn học thì các em có thể tìm mua sách lý luận văn học của Phương Lựu, Trần Đình Sử, cuốn này có hai tập, một tập nói về lý luận chung văn học và tập hai là bàn về Tác phẩm và thể loại văn học. Bên cạnh đó, các em có thể tìm mua một số loại sách tự điển thuật ngữ văn học. Ở cuốn sách này thì một số khái niệm, từ điển liên quan đến văn học sẽ được trình bày rất cụ thể, giúp các em hiểu hơn về một số trào lưu, phong trào văn học…
-Vấn đề thứ 2 là HIỂU- NHỚ::
+Để có thể hiểu được tác phẩm văn học thì các em buộc phải huy động tư duy, nhận thức. Một trong các cachs mà theo tôi là “chủ nghĩa ăn sẵn” là các em tập trung nghe giảng trên lớp. Học văn không khó, cái khó của người học văn là không chịu nghe giảng. Khi các em chịu khó nghe giảng trên lớp là các em đã nắm được nội dung ý nghĩa của tác phẩm đó một cách dễ dàng nhất rồi.
+Đối với nhiều các em học sinh,dường như NHỚ kiến thức giống như một cực hình. Đặc biệt điều này cũng xảy ra với người yêu thích môn văn. Vậy đâu là cách để chúng ta nhớ được bài. Đó là chúng ta phải quay lại vấn đề HIỂU. Chúng ta không thể nhớ được bài nếu chúng ta không hiểu được nó. Hiểu bài là cơ sở cho chúng ta nhớ bài. Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp là hiểu nhưng lại nhớ bài không đến nơi đến chốn. Vậy buộc chúng ta phải có cách khắc phục là sử dụng SƠ ĐỒ TƯ DUY. Sơ đồ tư duy là kiểu học bài thuận tiện nhất, giúp chúng ta không chỉ học bài nhanh hơn mà còn rèn luyện cho các em tư duy vấn đề một cách nhạy bén. Tôi khuyên với các em chưa hiểu cách sử dụng sơ đồ tư duy thì các em có thể tìm mua cuốn: “TÔI TÀI GIỎI BẠN CŨNG THẾ”. Hoặc các em có thể tham khảo một số sơ đồ tư duy trên mạng, hoặc tự mình vẽ sơ đồ theo cách của mình. Các em nên sử dụng nhiều loại bút màu khác nhau để giúp kích thích trí não.
-Vấn đề thứ 3 là CẢM THỤ – TÍNH THẨM MĨ.
+ Để học tốt môn văn buộc các em phải giàu cảm xúc. Tôi đoán chắc những người nào hay suy nghĩ, hay đa sầu đa cảm và có sức tưởng tượng cao (ảo tưởng) thì học văn rất giỏi. Tất nhiên tôi không phủ nhận những bạn được cho là “Thẳng tính” thì không học được môn Văn. Tuy nhiên, ai cũng vậy sinh ra đều có một trái tim không phải chỉ để đập, tiếp thêm sự sống mà quan trọng là trái tim còn để giúp chúng ta yêu nhiều hơn. Học văn đòi hỏi chúng ta phải có cảm xúc, cảm xúc là cánh cửa để giúp chúng ta khai phá ra ý nghĩa mà tác phẩm văn học gửi gắm. Để có được cảm xúc với văn học thì buộc người học phải có hứng thú với nó. Chúng ta không thể làm được việc gì đó tốt đẹp được nếu chúng ta không cảm thấy thoải mái.
+ Mặc dù vậy, có cảm xúc thì vẫn chưa đủ để cảm nhận văn chương. Cảm nhận văn chương bên cạnh đó thì các em cũng phải có một “vốn” kiến thức. Kiến thức này chính là nhưng vấn đề về thuộc về lý luận văn học và từ vựng – ngữ pháp Tiếng Việt. Nói thế thì tưởng rằng cao siêu quá so với kiến thức của học sinh nhưng thực ra nó là kiến thức cơ bản mà các em đã từng được tích lũy từ hồi tiểu học. Muốn thấy hết được cái hay cái đẹp thì phải huy động mọi sự hiểu biết của các em từ bên ngoài đời sống và những kiến thức liên quan. Các em nên nhớ rằng, văn học không phải chỉ hướng về cái đẹp, đối tượng của văn học là hướng tới con người. Vì thế, văn học không hề tách biệt với cuộc sống của chúng ta mà nó gắn chặt với đời sống xung quanh mình. Không có một tác phẩm văn học nào không nói đến con người. Cho nên, việc cảm thụ văn học chỉ cần các em có đầy đủ những yếu tố: đồng cảm xúc với nhà văn, có kiến thức về lý luận và từ vựng ngữ pháp là chìa khóa để giúp các em bước vào cánh cửa văn chương.
+Văn chương có tính hình tượng nên nó không quy định bất cứ một cách hiểu nào là chính xác tuyệt đối. Mỗi người bằng kinh nghiệm sống và vốn hiểu biết của bản thân lại có cách tiếp cận và cảm thụ tác phẩm riêng biệt. Tuy nhiên, văn chương luôn hướng tới cái đẹp, cái đẹp luôn gắn liền với con người và mục đích của văn chương là giúp người đọc có cái nhìn đa chiều đa diện trong cuộc sống, làm cho người đọc nảy sinh ra xúc cảm thẩm mĩ hay khoái cảm thẩm mĩ. Cảm xúc này luôn hướng tới CHÂN – THIỆN –MĨ. Vì thế, cảm xúc chi phối cách hiểu, người tiếp nhận phải tích cực chủ động đưa cảm xúc đến cái đẹp, bồi dưỡng tâm hồn, xúc cảm.
Tóm lại để học tốt môn văn, đòi hỏi người học không những có vốn sống, sự hiểu biết bên ngoài đời sống mà còn đòi hỏi người học phải có kiến thức liên quan đến đặc trưng riêng của bộ môn Ngữ văn. Hãy luôn luôn đặt ra các câu hỏi liên quan đến văn học và tìm cách trả lời nó. Nguồn gốc của văn học là gì, Đối tượng đặc trưng của văn chương ở đâu?, văn học có mối quan hệ gì với các hình thái ý thức xã hội khác?… Những câu hỏi này tuy không được học trực tiếp trong chương trình học của học sinh nhưng nó lại rất gần gũi với các em. Chỉ cần các em tư duy, tìm hiểu thì nó sẽ trở thành một công cụ vô cùng cần thiết để giúp các em rèn luyện năng lực cảm thụ văn chương, cách viết văn và sự chiếm lĩnh hiểu biết trên một số lĩnh vực nghệ thuật khác giống như văn chương. Lời cuối cùng tôi khuyên các em hãy cố gắng học tập, văn chương luôn đòi hỏi người học phải nỗ lực tạo ra sự hiểu biết. Càng hiểu biết nhiều thì các em sẽ thấy văn chương không hề xa cách và không hề khó khăn khi chúng ta tiếp xúc với nó. Còn chần chừ gì nữa, hãy biến môn văn trở thành “món ăn” khoái khẩu của chúng ta trong cuộc sống ngay thôi!.