Chia sẻ kinh nghiệm học văn hiệu quả. Bí kíp viết một bài văn hay, đật điểm tuyệt đối.
Bài viết này hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm và quan điểm cá nhân . Có thể hiệu quả với người này, nhưng cũng có thể không phù hợp với người khác bởi mỗi người có một thế mạnh riêng. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, các em có thể chọn cho mình phương pháp học phù hợp nhất để đạt hiệu quả cao.
Sau đây là một số thắc mắc thường gặp:
Mục Lục
+ Để học thuộc nhanh, trước hết cần phải HIỂU , bởi vì chúng ta không thể nhớ nhanh những gì mà chúng ta không hiểu và không thích nó. Các em cần hiểu bản chất vấn đề thì mới thuộc được. Vậy làm thế nào để hiểu bài ? Cách đơn giản nhất đó là CHĂM CHÚ NGHE GIẢNG. Riêng đối với môn Văn, chỉ cần chăm chú nghe giảng, ghi bài đầy đủ là các em đã thuộc được 70 % bài học, còn 30% là đọc thêm ở sách tham khảo khác. Những bài học của thầy cô trên lớp , đặc biệt là những thầy cô giảng hay có tác dụng rất lớn đối với chúng ta. Đôi khi chỉ cần nghe, ghi bài, chúng ta đã nhớ được rất nhiều. Điều này nhiều bạn bỏ qua.
Một vấn đề rất đơn giản, nhưng lại bị đa số các em bỏ qua: đó là việc đọc tác phẩm. Nhiều bạn không đọc tác phẩm trong SGK – cái này rất tai hại. Đọc tác phẩm mới giúp chúng ta hiểu vấn đề và NHỚ ĐƯỢC DẪN CHỨNG. Nhiều em học hết lớp 12 mà chưa từng đọc văn bản SGK- những bạn thi khối A B thường ngại đọc, dẫn đến không hiểu và không nhớ là điều đương nhiên.
+ Không chỉ HIỂU, chúng ta cần YÊU THÍCH nó và CẢM NHẬN được cái hay của tác phẩm. Các em cứ nghĩ mà xem, vì sao 1 bài hát mình nhanh thuộc như vậy? chỉ nghe đôi ba lần là có thể thuộc được? Vì mình thích nó, mình chú ý đến nó, mình hiểu nó, vì bài hát đó đúng với tâm trạng của mình. Bài văn cũng vậy, muốn nhớ lâu thì cần phải thích nó, hiểu sâu sắc về nó. Năng khiếu cảm thụ văn chương không phải ai cũng có, nhưng chúng ta có thể cảm thụ tốt 1 tác phẩm văn chương nhờ việc nghe giảng và đọc văn mẫu. Trường hợp bài nào không thích, thì chúng ta cần có cách ghi nhớ phù hợp.
+ Cần nhớ được hệ thống ý của mỗi bài văn
Vừa nghe vừa ghi bài đầy đủ, ghi theo dàn ý thầy cô viết trên bảng. Nhớ theo từng ý lớn, ý nhỏ. Ví dụ Hình tượng con sông Đà ( Người lái đò sông Đà- Nguyễn Tuân) có hai ý lớn :
Trong cái hung bạo của con sông Đà lại có các ý nhỏ : Đá bờ sông như thế nào ?Thác nước như thế nào? những cái hút nước nguy hiểm như thế nào? trận địa đá có mấy vòng vây, mỗi vòng nó như thế nào? quãng mặt ghềnh Hát Loóng như thế nào?
Cứ như vậy, các em nhớ ý lớn trước, sau đó nhớ các ý nhỏ .Khi nhớ được các ý, chúng ta sẽ viết được bài mà không sợ lan man, lạc đề.
+ Vừa đọc vừa ghi ra giấy những ý chính. Khi đọc văn mẫu cần lưu ý những luận điểm của bài viết đó, nhớ ý chính.
+ Có thể tự vẽ sơ đồ tư duy theo từng bài học cụ thể. Hiện nay có nhiều sơ đồ tư duy trên mạng, các em có thể tham khảo. Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng cô, khi phân tích tác phẩm mỗi thầy cô có một cách triển khai riêng, bố cục bài giảng riêng. Bởi vậy một tác phẩm có thể vẽ được nhiều sơ đồ tư duy khác nhau. Các sơ đồ trên mạng chỉ mang tính tham khảo. Nếu thấy dễ hiểu thì các em học theo sơ đồ cũng được, còn nếu thấy nó rối mắt thì cứ học theo cách truyền thống, hoặc tự vẽ sơ đồ tư duy cho mình dễ nhớ.
+ Đối với những bài mình ghét: Học mọi lúc mọi nơi, thử mọi cách, khi nào thuộc thì thôi. Rồi mãi nó phải thuộc ( …)
+ Để nhớ lâu : Người ta thường nói ” văn ôn võ luyện”. Tức là chúng ta cần ôn lại kiến thức thường xuyên. Bất cứ cái gì không được ôn luyện cũng sẽ quên theo thời gian. Học văn cần chăm chỉ. Luyện đề là 1 cách để ghi nhớ kiến thức và rèn kĩ năng làm bài.
Học văn cần đọc nhiều sách, nhưng nên chọn sách hay để đọc. Vậy chúng ta nên đọc những sách gì? mua những quyển nào ? Có thể chia ra 2 loại : Một loại chỉ đọc để phục vụ thi cử ; một loại khác để bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm hay vì một nhu cầu nào đó.
Trước hết có thể nói đến những quyển sách phục vụ ôn thi. Các em có thể mua những cuốn ” Văn mẫu” để học hỏi cách diễn đạt, cách triển khai ý của người khác.Đồng thời tìm mua những quyển ôn luyện theo cấu trúc đề thi của Bộ. Trên thị trường hiện nay có nhiều sách luyện thi, nhưng các em không nên mua những cuốn sách xuất bản từ 2014 trở về trước, bởi vì sách đó biên soạn theo cấu trúc cũ, giờ không còn phù hợp, giờ không thi như thế nữa. Nên mua sách của những tác giả nổi tiếng, sách của NXB Giáo dục , sách của NXB lớn ( ý kiến cá nhân nhé ).Khi mua sách cần đọc kĩ xem họ viết có hay không , chương trình có bám sát không, rồi hãy mua, nếu không có thời gian đọc kĩ thì ít nhất cũng xem mục lục và đọc vài bài trong sách rồi mới quyết định mua.
Khối A B thì có nên mua sách tham khảo môn văn không ? Các bạn khối tự nhiên nên mua những cuốn sách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc.
Các bạn khối tự nhiên chỉ cần 5 điểm môn văn thì không nhất thiết phải mua nhiều sách Văn. Vì chương trình thầy cô dạy trên lớp cũng bám sát yêu cầu của Bộ.
Ngoài sách tham khảo, sách ôn thi, người học văn cần đọc thêm những cuốn khác để giải trí, bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, quan niệm sống. Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp, rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo, rèn luyện năng lực ngôn ngữ,… Đọc sách còn giúp ta có lối sống lành mạnh, tư tưởng vững vàng, quan niệm sống tích cực .Ví dụ những cuốn sách dạy kĩ năng giao tiếp, sách quà tặng cuộc sống, …Đang bi quan, chán nản có thể tìm đọc sách quà tặng cuộc sống để cảm thấy mình hạnh phúc, để sống lạc quan và tự tin hơn. Người học văn có thể tìm đọc các cuốn tiểu thuyết, tuyển tập thơ, truyện, …tuỳ vào sở thích cá nhân. Đọc tác phẩm giúp ta học tập cách diễn đạt của nhà văn, rèn luyện năng lực cảm thụ văn chương.
Bạn nào có hướng theo môn Văn , học sinh giỏi văn, hoặc sinh viên Ngữ văn thì nên mua quyển Lí luận văn học của NXB Giáo Dục ( tác giả Phương Lựu, Trần Đình Sử,…). Nên có quyển Từ điển ( từ điển thuật ngữ văn học, từ điển tiếng Việt, từ điển thành ngữ, …) để tra cứu khi cần thiết. Những cuốn này chúng ta cần dùng nó trong suốt cuộc đời. Quyển Từ điển tiếng Việt ( tác giả Hoàng Phê chủ biên) rất hữu ích cho những bạn học văn.
Lưu ý : Những bạn năm nay (2016) đỗ vào lớp 10 thì từ từ hãy mua sách luyện đề, sách tham khảo, vì các em còn 3 năm học nữa, đến lúc đó có thể Bộ sẽ thay đổi phương án thi THPT Quốc gia , hoặc chương trình được giảm tải, bổ sung, hoặc thay SGK chẳng hạn.
3. Về việc lập kế hoạch để học văn cho khối 12
Về việc lập kế hoạch ôn tập môn Văn cho lớp 12.Các em có 1 năm để ôn thi, bởi vậy nên phân chia thời gian hợp lí cho môn văn. Cụ thể : Những bạn có ý định thi ĐH môn Văn thì hết nghỉ hè năm lớp 11 cần học hết các tác phẩm lớp 12 ( học thêm hoặc tự học ở nhà ), hoặc ít nhất cũng nắm được những nội dung cơ bản của các tác phẩm lớp 12. Nên học những tác phẩm trọng tâm của năm, phục vụ thi cử. Khi vào năm học, nghe thầy cô giảng để khắc sâu và củng cố kiến thức, rèn kĩ năng làm bài. Mỗi tuần nên chia thời gian hợp lí , ưu tiên 3 môn thi ĐH. Riêng môn văn nên học đều đặn, ngày nào cũng học 1-2 tiếng hoặc nhiều hơn, tuỳ theo cảm hứng . Không nên nhồi nhét cả buổi chiều học mỗi môn văn, nếu mình không thích.
4, Để làm bài nghị luận xã hội đạt điểm cao
Tài liệu Nghị luận xã hội, các em có thể đọc bài viết cụ thể ở đây nhé :
5. Môn Văn thì có những ngành nào? Khối nào ?
Những khối có môn văn :
Những ngành tuyển khối C:
Những ngành khối D :
Một số trường tuyển sinh nhóm ngành này là: ĐH Quốc gia, ĐH ngoại ngữ, ĐH Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Thương mại, Ngoại thương…
Khối H có những ngành nào ?
6, Làm thế nào để rèn luyện được cho bản thân kĩ năng phân hóa thời gian viết bài
Khi viết bài văn, các em cần phân bố thời gian cho từng câu. Câu đọc hiểu nên làm ngắn gọn, hỏi gì trả lời nấy, không giải thích dài dòng. Thông thường phần đọc hiểu 3 điểm chỉ nên làm trong 30- 40 phút ( đối với đề 180 phút) hoặc có thể làm 15 -20 phút ( đối với đề 90 phút). Câu Nghị luận xã hội nên viết trong khoảng 1,5 đến 2 mặt giấy thi ( đối với đề thi 180 phút), nếu kiểm tra trên lớp ( 90p ) thì viết ngắn hơn. Thời gian cho phần NLXH ngắn hơn thời gian làm phần Nghị luận văn học. có thể chia NLVH 80 phút, NLXH 60 phút. Khi làm bài thi cần để ý thời gian để viết bài, tránh tình trạng viết lan man, câu nọ chiếm hết thời gian của câu kia.
7. Nên tìm tài liệu ở đâu cho chính xác ?
Tài liệu có thể lấy từ nhiều nguồn:
+ Sách giáo khoa ( chính xác nhất )
+ Sách bài tập Ngữ văn
+ Sách tham khảo : Tuỳ từng cuốn, sách của những tác giả uy tín, của Nhà xuất bản Giáo dục và những NXB có uy tín thì được kiểm duyệt kĩ, ít có sai sót. Không nên mua những sách trôi nổi trên thị trường, sách lậu,…
+ Tìm trên Internet : Tài liệu trên các website , các fanpage, facebook ,… rất nhiều. Nhưng các em nên chọn để đọc. Có những trang web không đáng tin cậy, đăng những thông tin sai kiến thức cơ bản, hoặc có những trang chuyên đi coppy của người khác. Có nhiều blog chỉ đi coppy và trình bày rất cẩu thả, không hề kiểm duyệt nội dung. Những web- blog này các em không nên truy cập.
Nên truy cập những website nào để tìm tài liệu?Các em nên truy cập những website chính thức của Bộ, cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục, website của trường, website chính thức của các ban ngành. Thông tin từ những trang này đáng tin cậy. Ngoài ra có một số website cũng có nhiều tài liệu hay, ví dụ : Tuyển sinh 247. com, Học vtc. vn . Trang thư viện trực tuyến Violet cũng có nhiều tài liệu miễn phí, đủ các môn, các cấp học nhưng tài liệu chưa được kiểm định, cần chọn lọc tài liệu hay để tải về. Ngoài ra có thể truy cập một số web bán tài liệu như : 123 doc. org , Tài liệu . vn . Vndoc. com … (Tài liệu hay nhưng mình phải mua mất tiền)
8. Làm sao để văn viết có cảm xúc?
+Để văn viết có cảm xúc, trước hết người học văn phải thực sự hiểu và yêu văn, có hứng thú với môn học. Khi viết bài cần nhập tâm thấu hiểu ý nghĩa của tác phẩm, hiểu được ngôn từ, hình tượng nghệ thuật ,…
+Ngoài ra còn phải lãng mạn, bay bổng , có tâm hồn phong phú, có trí tưởng tượng để khi viết bài có thể liên hệ, dẫn ý so sánh với các tác phẩm cùng đề tài., cùng giai đoạn , như vậy bài viết sẽ không khô khan , nhàm chán.
+Cần chăm chỉ chịu khó đọc tác phẩm, không chỉ sách giáo khoa mà cả các tác phẩm ngài SGK, đọc báo, đọc văn mẫu, nhớ được những câu văn hay, nhận định hay dẫn ý vào bài.
+ Để cảm xúc không khuôn sáo, không giả tạo, người viết cần có thái độ chân thành, không dùng những từ ngữ và lối viết khoa trương bóng bẩy giả tạo kiểu như :
(a) Bài thơ Tiếng ru của Tố Hữu (…) là một đỉnh cao muôn trượng (BVHS).
(b) Chúng ta phải ra sức học tập để góp một phần công lao vĩ đại của mình đưa đất nước tiến lên tầm cao thời đại(BVHS).
(c) Nếu đời sống là nguồn cảm hứng dồi dào, mang đậm hương vị mặn mà của tiếng lòng nhân ái, thì thời đại là ánh hào quang trong băng giá, xua tan mây mù cho ánh sáng tràn theo với rực rỡ nắng và hoa lung linh màu sắc (BVHS).
+ Cần lựa chọn từ ngữ, câu văn, giọng điệu, sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ … để lời văn mượt mà, giàu cảm xúc. Cụ thể :Sử dụng nhiều từ cảm thán phù hợp. Nếu cả bài văn đều chỉ những câu đơn, câu ghép đơn thuần, nhạt nhẽo mà thiếu đi các tình thái từ, cụm từ miêu tả cảm xúc sẽ rất khô khan. Sử dụng đa dạng các kiểu câu, trong đó câu nghi vấn và câu cảm thán có khả năng biểu đạt cảm xúc , từ đó dễ lay động trái tim người đọc.
+ Cần luyện viết nhiều, vì chăm chỉ viết thì mới cải thiện khả năng diễn đạt. Người học văn mà không viết bài thường xuyên thì cũng giống như người học bơi không xuống nước- sẽ chỉ là những lí thuyết viển vông.
Ví dụ tham khảo :Đoạn văn trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
“Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịch không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa.
Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp – lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Phọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng có sương, chăm chăm nhìn tôi lừ đừ trôi trên một mũi đỏ. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?[….]
Trong đoạn văn trên, Tác giả đã dành những đoạn văn hay nhất tả cảnh vật ven Sông Đà để tôn thêm tính trữ tình của dòng sông, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh trong sáng gợi cảm và đầy chất thơ. Nhịp điệu câu văn lúc thì hối hả, mau lẹ do cách ngắt câu và diễn đạt theo lối điệp (Bờ Đông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà) để diễn tả niềm sung sướng đang trào dâng trong lòng tác giả. lúc thì chậm rãi, diễn tả cái vắng lặng rất nên thơ của con sông này: Cảnh ven sông ở đây lặng tờ… như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Hình ảnh một bà tiên sứ, một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa có sức khơi gợi sâu xa, khắc họa được vẻ đẹp hoang sơ, tồn tại như vĩnh hằng của thiên nhiên Với cách liên tưởng và ví von ấy, dường như Sông Đà còn có vẻ đẹp của một con sông bền bỉ chạy qua bao tháng năm lịch sử, mang dấu tích văn hóa ngàn xưa của dân tộc.
Như vậy đoạn văn trên có sự kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, sử dụng linh hoạt các kiểu câu, các biện pháp tu từ, giọng điệu,… vì vậy hình ảnh con sông hiện lên sinh động, có hồn, và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
9. . Em năm nay lên lớp 12, mà lâu rồi không học văn, năm nay em mới bắt đầu học có kịp không ạ ?
Trả lời : Tôi đã từng xem những trận đấu bóng đá gay cấn, bàn thắng được ghi ở phút đá bù giờ. Việc học cũng vậy, nó đòi hỏi sự nỗ lực của chúng ta trong cả một quá trình, đặc biệt là giai đoạn nước rút. (Và có chút may mắn khi vào phòng thi nữa ). Nếu có “chất văn”, có nền tảng từ trước thì học văn không có gì là khó. Tuy nhiên nếu từ trước tới nay bỏ bê môn văn, thì chúng ta vẫn có thể làm lại từ hôm nay. Bắt đầu từ việc tích luỹ kiến thức : Nắm chắc nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm trọng tâm lớp 12, thuộc dàn ý cho từng kiểu bài : Nghị luận xã hội, nghị luận văn học, nắm chắc lí thuyết và kĩ năng làm đề đọc hiểu. Em còn 1 năm để cố gắng- Cố gắng không bao giờ là quá muộn nhé !
10. Nên đọc 1 bài mẫu nhiều lần hay đọc thoáng nhiều bài. Thi ĐH là bao gồm cả lớp 10,11,12 luôn ?
+Số lần đọc không quan trọng bằng cách đọc : Vừa đọc vừa suy ngẫm để hiểu và nhớ nội dung của bài văn đó nhé ! Đoạn nào họ viết hay thì có thể ghi chép lại để học hỏi.
+Thi THPT QG chủ yếu vào tác phẩm lớp 12, có 1 số tác phẩm lớp 11 cũng liên quan . Xem thêm :
Phần đọc hiểu và Nghị luận xã hội thì liên quan nhiều đến lớp dưới, không chỉ kiến thức lớp 10-11-12 mà cả kiến thức cấp 1, cấp 2 nữa,
12. Khắc phục lối viết lan man, dài dòng, lạc đề
Các em đọc bài viết cụ thể ở đây nhé :
CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC VĂN CHO HỌC SINH CUỐI CẤP
( Bài viết sưu tầm )
Bài viết sưu tầm trên facebook của thầy Đặng Khương
1. Phải xác định được PHẠM VI KIẾN THỨC cần nắm chắc
Như chúng ta đã biết, hầu hết các kì thi đều có một giới hạn kiến thức nhất định. Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của người đi thi là có nắm vững và ôn luyện thuần thục phạm vi kiến thức đó hay không.
Đối với môn Văn từ năm 2014 trở về trước, khi kì thi Tốt nghiệp và Đại học còn tồn tại song song thì phạm vi kiến thức tương đối rộng, bao gồm cả chương trình lớp 11 và lớp 12 (bắt đầu từ văn học hiện đại 1930 trở đi). Điều này đồng nghĩa với việc nếu học sinh muốn an toàn tuyệt đối trong kì thi thì phải “bao sân” cho bằng hết. Tuy nhiên, từ năm 2015, khi hai kì thi được gộp lại thành một thì giới hạn kiến thức môn Ngữ văn dùng cho kì thi THPT được Bộ lưu ý chỉ “chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12”. Như vậy, có thể thấy giới hạn kiến thức mà học sinh phải cập nhật cơ bản là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những năm trước đây.
Với một lượng kiến thức vừa phải như vậy không có nghĩa là mọi học sinh đều biết cách học để lĩnh hội một cách khoa học đầy đủ. Trên thực tế các em thường có tâm lí sợ môn Văn và nghĩ rằng kiến thức môn này rất nặng nề và từ đó tự dựng lên một rào cản đối với chính mình.
Vậy, để các em có thể giới hạn một cách tốt nhất kiến thức ôn thi
Thứ nhất, phải nắm chắc các bài khái quát văn học để có thể bao quát được toàn bộ chương trình, nhận diện được đặc điểm riêng, chung của từng tác phẩm, từng giai đoàn, từ đó có cái nhìn thấu suốt, biết cách liên hệ so sánh hợp lí.
Thứ hai, phải nhóm tác phẩm lại theo thể loại hoạc chủ đề, để trong quá trình phân tích có cơ sở liên hệ, so sánh khiến bài viết sâu sắc và phong phú hơn, Riêng các bài Tiếng Việt và Tập làm văn thì yêu cầu này càng cần thiết. Học sinh nên hệ thống lại toàn bộc các bài về Phong cách ngôn ngữ; Thao tác lập luận; Biện pháp tu từ…
Thứ ba, khi học từng tác phẩm thì phải chú ý bao quát đầy đủ các nội dung kiến thức liên quan, đi từ tác giả, tác phẩm, đến đọc hiểu từng nội dung cụ thể. Ở mỗi mục thì lại phải xác định rõ kiến thức cần nắm vững, chẳng hạn khi nói về tác giả thì chú trọng vị trí, phong cách…nói về hoàn cảnh ra đời thì chú ý hoàn cảnh rộng, hoàn cảnh hẹp…, khi phân tích thì chú ý cả hai khía cạnh nội dung và nghệ thuật…
2. Phải biết cách SƠ ĐỒ HÓA toàn bộ kiến thức
Mặc dù phạm vi kiến thức đã được giới hạn gọn nhẹ hơn so với trước đây nhưng vẫn phải thừa nhận một điều là không dễ để nhớ hết các tác giả, tác phẩm và nội dung phân tích từng tác phẩm khi đi thi.
Để giải quyết khó khăn này có một cách rất đơn giản dành cho học sinh tất cả các khối đó là sơ đồ hóa toàn bộ kiến thức để có thể phát huy tối đa khả năng ghi nhớ. Việc sơ đồ hóa nên được tiến hành thành 2 bước
Bước 1, lập sơ đồ ý chính. Tức là chỉ vẽ sơ đồ những ý căn bản nhất, trong văn nghị luận ta gọi đây là những luận điểm. Tác dụng của sơ đồ này là ngay khi nhìn vào nó đã “đánh thức” hiểu biết của ta về tác phẩm, giúp ta có những suy luận, liên tưởng tiếp theo.
Bước 2, chi tiết hóa sơ đồ. Nghĩa là trên cơ sở sơ đồ ý chính, từ các luận điểm cơ bản, ta tiếp tục chẻ ra các luận cứ và chi tiết, hình ảnh để chứng minh. Tác dụng của sơ đồ này giống như một dàn ý chi tiết. Chỉ cần thêm các lời dẫn là có thể trở thành một bài văn tương đối hoàn chỉnh.
3. Phải biết SẮP XẾP thời gian HỌC – ÔN – LUYỆN
Trên thực tế học sinh thường không phân định rõ 3 quá trình này hoạc có phân định nhưng tiến hành một cách lộn xộn, không theo một quy trình nào.
Theo phân phối chương trình thì khoảng hết tháng 4 là các trường sẽ dạy xong kiến thức. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay các trường đều đẩy sớm tiến độ 1-2 tháng, thậm chí có những trường tư thục xong kì 1 đã dạy hết kiến thức lớp 12. Như vậy việc đưa ra 1 chuẩn chung là rất khó. Ở đây, chúng tôi đề xuất quy trình HỌC – ÔN – LUYỆN cơ bản như sau:
Bước môt, HỌC trên lớp, ghi chép đầy đủ kiến thức mà thầy cô truyền đạt, bổ sung kiến thức mà mình tích lũy từ sách vở tham khảo bên ngoài (lưu ý: có nhiều học sinh xem nhẹ việc ghi chép bài vở trên lớp, chỉ chú trọng việc học thêm. Đây là sai lầm nghiêm trọng)
Bước hai, sau khi được HỌC – được trang bị kiến thức đầy đủ về từng tác phẩm, học sinh nên tiến hành ÔN lại ngay lập tức. Quá trình ÔN tập được tiến hành tuần tự, cứ học đến bài 2 thì ôn lại bài 1. Như vậy có thể thấy quá trinh HỌC và ÔN đan xen nhau và chạy suốt năm học.
Bước ba, sau khi đã HỌC và ÔN kĩ càng, chúng ta tiến hành LUYỆN kĩ năng viết. Quá trình luyện kĩ năng viết chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Cứ 1 tuần luyện viết 1 bài. Việc này tiến hành ngay từ đầu năm học.
Giai đoạn 2: Ngày nào cũng luyện. Việc này tiến hành vào 2 tháng trước khi thi.
Tham khảo quy trình HỌC – ÔN – LUYỆN như trên đã có rất nhiều học sinh thành công.
4. Phải nắm được XƯƠNG CỐT và HÌNH ẢNH, TỪ NGỮ, CHI TIẾT đắt giá của tác phẩm
Muốn hiểu tác phẩm trước hết học sinh phải nắm được XƯƠNG CỐT tác phẩm. Đối với truyện thì đó là cốt truyện, tình huống. Đối với thơ thì đó là mạch cảm xúc, tư tưởng chủ đạo. Đối với kịch thì đó là xung đột, mâu thuẫn.
Không nắm được XƯƠNG CỐT tác phẩm thì dễ dẫn đến hai tình trạng:
Tình trạng thứ nhất là học lan man. Học rất nhiều, đọc rất nhiều nhưng mọi thứ cứ rối tung lên vì không biết tóm lại tác phẩm nói về cái gì, chủ đề chính là gì. Mọi hình ảnh, chi tiết, lời thoại trở nên vô tác dụng vì chúng không phục vụ để làm rõ bất kì một luận điểm nào.
Tình trạng thứ hai là làm bài không logic, mạch lạc bởi vì không nắm được mấu chốt của vấn đề, không xác định được kiến thức trọng tâm nên mọi bàn tán, phân tích đều không có điểm dựa, điểm quy chiếu và dễ trở nên tản mạn, thiếu sức thuyết phục.
Bên cạnh việc nắm được XƯƠNG CỐT tác phẩm thì học sinh cần phải nắm được những TỪ NGỮ, HÌNH ẢNH, CHI TIẾT đắt giá, tức là những yếu tố nhỏ có chứa đựng nhiều tư tưởng, nhiều giá trị thẩm mĩ, gây ấn tượng…để phục vụ cho việc làm rõ cốt truyện, mạch cảm xúc, xung đột…
Để nhớ tốt các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết này chẳng có cách nào khác ngoài việc gạch chân, tô đậm chúng trong tác phẩm hoạc ghi chép ra giấy để học thuộc. Việc làm này sẽ giúp học sinh có những dẫn chứng sống động, chân thực khiến cho bài văn giàu chất sống.
5. Phải chọn SÁCH THAM KHẢO có chất lượng
Muốn viết bài văn hay, muốn được bổ sung kiến thức thì không thể thiếu việc đọc sách tham khảo. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thị trường sách tham khảo rất hỗn độn. Sách hay thì ít, sách dở thì nhiều. Có nhiều cuốn nội dung trùng lặp, thiếu thống nhất. Nếu học sinh ôm đồm, vơ hết sách về đọc dễ dẫn đến tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”, tức là chẳng biết tin vào đâu, căn cứ vào cái gì.
Để chọn được sách tham khảo hay, học sinh nên tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn, kết hợp với việc trực tiếp thẩm định. Số lượng sách tham khảo chỉ nên dưới 5 cuốn để tránh mất thời gian và rối trí. Nên học cách của người xưa: “Đọc sách cốt ở tinh thông chứ không phải ôm đồm”, đừng “tham bát, bỏ mâm”, đừng lấy số lượng thay cho chất lượng.
Khi đọc được những bài viết hay, những đoạn văn viết nhiều cảm xúc, học sinh nên đọc kỹ và cố gắng ghi nhớ cách viết, cách diễn đạt để học theo và ứng biến vào bài làm của mình.
6. Phải chọn BÚT VIẾT và LUYỆN TRÌNH BÀY trên giấy thi
Người xưa viết văn thường rất coi trọng việc chọn bút. Bởi bút có chuẩn thì chữ viết mới đẹp, ngay ngắn. Thực tế hiện nay học sinh viết văn không mấy khi để tâm đến vấn đề này. Chúng ta thường có tâm lí tiện bút nào viết bút nấy và không thấy được mối liên quan giữa bút viết và chữ viết, không tận dụng được tối đa mọi ưu thế để bài viết trở nên hoàn hảo nhất.
Lời khuyên cho những học sinh thi văn và đặc biệt là học sinh chữ xấu là nên chọn ngay từ đầu năm một loại bút viết phù hợp nhất. Vậy thế nào là loại bút phù hợp?
Trước hết, chiếc bút đó phải cầm, nắm được một cách dễ dàng, nếu ra mồ hôi, hay run tay cũng không bị trơn, trượt.
Thứ hai là bút phải ra mực đều, không bị nhòe, tắc khiến cho nét chữ xấu xí, bài viết lem luốc, nhòe nhoẹt, khó coi.
Thứ ba là ngòi bút, bi bút phải có độ trơn vừa đủ, giúp cho người viết có thể viết nhanh mà nét chữ khộng bị nguệch ngoạc.
Bên cạnh việc chọn bút viết và rèn chữ thì việc luyện cách trình bày trên giấy thi cũng không kém phần quan trọng. Việc này chẳng khác gì việc “tập trận giả” giúp cho học sinh làm quen với “không khí chiến trường”. Học sinh nên mua một tập giấy thi vài trăm tờ để luyện viết trong suốt cả năm. Khi viết nên chú ý khoảng cách của các chữ và số lượng chữ trong một dòng để đảm bảo bài viết vừa sáng vừa sạch lại vừa đủ dung lượng cần thiết.
Admin sưu tầm và giới thiệu