ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Bài nghị luận văn chương này gồm hai đoạn: Hình tượng cừu trong thơ La Phông-ten (từ đầu đến “tốt bụng như thế”) và Hình tượng Chó sói trong thơ La Phông-ten (phần còn lại).
- Trong cả hai đoạn, nhằm làm nổi bật các hình tượng con cừu và con chó sói dưới ngòi bút nghệ thuật của nhà thơ ngụ ngôn, tác giả đều lập luận bằng cách dẫn ra những dòng viết về hai con vật ấy của nhà khoa học Buy-phông để so sánh.
- Trong cả hai đoạn, tác giả đều triển khai mạch nghị luận theo trật tự ba bước:
(1) dưới ngòi bút của La Phông-ten - (2) dưới ngòi bút của Buy-phông - (3) dưới ngòi bút của La Phông-ten. Nhưng khi bàn về con cừu, tác giả thay bước thứ nhất bằng trích đoạn thơ ngụ ngôn của La Phông-ten, nói khác đi, tác giả nhờ La Phông-ten tham gia vào mạch nghị luận của ông. Vì vậy, bài văn nghị luận trở nên sinh động hơn.
2. Hai con vật dưới ngòi bút của nhà khoa học
- Buy-phông viết về loài cừu (con cừu nói chung) và loài chó sói (con chó sói nói chung) bằng ngòi bút chính xác của nhà khoa học, nêu lên những đặc tính cơ bản của chúng (dẫn chứng trong văn bản).
- Nhà khoa học không nhắc đến “tình cảm mẫu tử thân thương” của cừu vì không phải chỉ ở loài cừu mới có. Ông cũng không nhắc đến “nỗi bất hạnh” của chó sói, vì đấy không phải là nét cơ bản của nó mọi nơi mọi lúc.
3. Hình tượng Cừu trong thơ ngụ ngôn
- Con cừu ở đây là một con cừu cụ thể. Nhà thơ lựa chọn một chú cừu non (cũng gọi là con chiên) bé bỏng và đặt chú cừu non ấy vào một hoàn cảnh đặc biệt, đối mặt với chó sói bên dòng suối.
- Khi khắc họa tính cách của chú Cừu ấy biểu hiện qua thái độ, ngôn từ... nhà thơ không tùy tiện mà căn cứ vào một trong số những đặc điểm vốn có của loài cừu là tính chất hiền lành, nhút nhát, chẳng bao giờ làm hại ai mà cũng chẳng có thể làm hại ai. Trong mấy dòng của Buy-phông viết về loài cừu cũng toát lên đặc tính ấy (dẫn chứng).
- Với đầu óc phóng khoáng và đặc trưng của thể loại thơ ngụ ngôn, La Phông-ten còn nhân cách hóa Cừu: nó cũng suy nghĩ, nói năng và hành động như người (dẫn chứng).
4. Hình tượng Chó sói trong thơ ngụ ngôn
- Con chó sói này là một con chó sói cụ thể. Nhà thơ chọn một con chó sói đói meo, gầy giơ xương đi kiếm mồi, bắt gặp chú cừu non đang uống nước phía dưới dòng suối chỗ hắn đang đứng. Hắn muốn ăn thịt cừu non nhưng che giấu tâm địa của mình, kiếm cớ bắt tội để gọi là “trừng phạt” chú cừu tội nghiệp. (Xem bài thơ ngụ ngôn ở phần Đọc thêm và dẫn chứng).
- Con Chó sói cũng được nhân cách hóa như chú Cừu non dưới ngòi bút phóng khoáng của nhà thơ và đặc trưng của thể loại ngụ ngôn (dẫn chứng).
- Khi xây dựng hình tượng Chó sói, La Phông-ten cũng không tùy tiện mà dựa trên một trong những đặc tính vốn có của loài chó sói là săn mồi, ăn tươi nuốt sống những con vật yếu đuối hơn nó.
- Trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten, nhiều bài có “nhân vật” Chó sói: Chó sói và Chó nhà, Chó sói và Cô, Chó sói trở thành gỡ chăn cừu... Nhận định của Ten về hình tượng chó sói là đúng vì ông bao quát tất cả những bài ấy, chứ không phải chỉ bài Chó sói và Cừu non. Riêng ở bài này, Chó sói có mặt đáng cười, nếu ta suy diễn vì nó ngu ngốc, chẳng kiếm ra được cái gì ăn nên mới đói meo (hài kịch của sự ngu ngốc), nhưng chủ yếu ở đây nó là con vật đáng ghét, gian xảo, hống hách, bắt nạt kẻ yếu (bi kịch của sự độc ác).