CHUYÊN ĐỀ 1: CHUYỂN HÓA VẬT CHẤT VÀ NĂNG LƯỢNG Ở THỰC VẬT

PHẦN 3: QUANG HỢP Ở THỰC VẬT

A. LÝ THUYẾT

1. Khái niệm về quang hợp

a. Khái niệm

    - Khái niệm: Quang hợp là quá trình cây xanh hấp thụ năng lượng ánh sáng bằng hệ sắc tố của mình và sử dụng năng lượng này để tổng hợp chất hữu cơ (đường glucôzơ) từ các chất vô cơ (CO2 và H2O).

b. Vai trò của quá trình quang hợp

    - Quang hợp tạo ra hầu như toàn bộ các chất hữu cơ trên trái đất.

    - Hầu hết các dạng năng lượng sử dụng cho các quá trình sống của các sinh vật trên trái đất ( năng lượng hoá học tự do - ATP) đều được biến đổi từ năng lượng ánh sáng mặt trời (năng lượng lượng tử) do quá trình quang hợp.

    - Quang hợp giữ trong sạch bầu khí quyển: Hàng năm quá trình quang hợp của các cây xanh trên trái đất đã hấp thụ 600 tỉ tấn khí CO2 và giải phóng 400 tỉ tấn khí O2 vào khí quyển. Nhờ đó tỉ lệ CO2 và O trong khí quyển luôn được giữ cân bằng (CO2: 0,03%, O2: 21%), đảm bảo cuộc sống bình thường trên trái đất.

c. Bản chất hoá học và khái niệm hai pha của quang hợp:

Quang hợp gồm:

  - Quá trình oxy hoá H2O nhờ năng lượng ánh sáng. Đây là giai đoạn gồm các phản ứng cần ánh sáng, phụ thuộc vào ánh sáng, gọi là pha sáng của quang hợp. Pha sáng hình thành ATP, NADPH và giải phóng O2.

   - Quá trình khử CO2 nhờ ATP và NADPH do pha sáng cung cấp. Đây là giai đoạn gồm các phản ứng không cần ánh sáng, nhưng phụ thuộc vào nhiệt độ, gọi là pha tối của quang hợp. Pha tối hình thành các hợp chất hữu cơ, bắt đầu là đường glucôzơ.

2. Bộ máy quang hợp

 a. Lá - cơ quan quang hợp

   * Hình thái, cấu trúc của lá liên quan đến chức năng quang hợp.

- Lá dạng bản và có đặc tính hướng quang ngang

- Lá có một hoặc hai lớp mô giậu ở mặt trên và mặt dưới lá ngay sát lớp biểu bì chứa lục lạp thực hiện chức năng quang hợp

- Lá có lớp mô khuyết với khoảng gian bào lớn,nơi chứa nguyên liệu quang hợp

- Lá có hệ thống mạch dẫn dày đặc để dẫn sản phẩm quang hợp đi các cơ quan khác

- Lá có hệ thống khí khổng ở cả mặt trên và mặt dới để trao đổi khí trong quá trình quang hợp.

b. Lục lạp - bào quan thực hiện chức năng quang hợp

   Cấu trúc của lục lạp thích ứng với việc thực hiện hai pha của quang hợp: pha sáng thực hiện trên cấu trúc hạt, pha tối thực hiện trên thể nền.

c. Hệ sắc tố quang hợp

- Nhóm sắc tố chính - clorophin.

- Clorophin a: C55 H72 O5 N4 Mg  

- Clorophin b: C55 H70 O6 N4 Mg

- Nhóm sắc tố phụ - Carotenoid

- Caroten: C40 H56            

- Xanthophin: C40 H56O(1-6)

- Nhóm sắc tố của thực vật bậc thấp - phycobilin:         

- Phycoerythrin:         C34 H47 N4 O8  

- Phycoxyanin:          C34 H42 N4 O9  

* Vai trò của các nhóm sắc tố trong quang hợp:

- Nhóm Clorophin hấp thụ ánh sáng chủ yếu ở vùng đỏ và vùng xanh tím chuyển năng lượng thu được từ các phôton ánh sáng cho quá trình quang phân ly H2O và cho các phản ứng quang hóa để hình thành ATP và NADPH.

- Nhóm Carotenoit sau khi hấp thụ ánh sáng, đã truyền năng lượng thu được dưới dạng huỳnh quang cho Clorophin.

- Nhóm Phycobilin hấp thụ ánh sáng ở vùng sóng ngắn, sóng có thể tới được nơi sinh sống của rong, rêu, tảo,…( dưới tán rừng hoặc dưới các lớp nước sâu )

3. Cơ chế quang hợp

a. Pha sáng

- Trong pha này hệ sắc tố thực vật hấp thụ năng lượng của các phôtôn ánh sáng và sử dụng năng lượng này cho các quá trình: quang hoá sơ cấp, quang phân li nước và photphorin hoá quang hoá.

- Có thể tóm tắt pha sáng bằng các phản ứng sau:

   + Phản ứng kích thích chlorophin: chl + h→ = chl* = chlí

(chl-trạng thái bình thường, chl*-trạng thái kích thích, chlí-trạng thái bền thứ cấp).

   + Phản ứng quang phân li nước:

4 chl* + 2 H2O →  4chlH+ + 4e + O2

   + Phản ứng quang hoá sơ cấp (được thực hiện bằng hai hệ quang hoá PSI và PSII) và photphorin hoá quang hoá:

  12 H2O +18ADP + 18Pv + 12NADP →  18ATP + 12NADPH2 +6O2

b. Pha tối

- Trong pha này ATP và NADPH hình thành từ pha sáng được sử dụng để khử CO2 tạo ra chất hữu cơ đầu tiên - đường glucôzơ. Pha tối được thực hiện bằng ba chu trình ở ba nhóm thực vật khác nhau: thực vật C3, thực vật C4 và thực vật CAM (viết tắt từ cụm từ Crassulacean Acid Metabolism - trao đổi acit ở họ Thuốc bỏng).

- Quang hợp ở các nhóm thực vật C3., C4 và CAM đều có một điểm chung là giống nhau ở pha sáng, chúng chỉ khác nhau ở pha tối - tức là pha cố định CO2 và tên gọi thực vật C3., C4 là gọi theo sản phẩm cố định CO2 đầu tiên, còn thực vật CAM là gọi theo đối tượng thực vật có con đường cố định CO2 này.

4. Ảnh hưởng của nhân tố môi trường đến quang hợp

a. Quang hợp và nồng độ CO2

- CO2 trong không khí là nguồn cung cấp cacbon cho quang hợp. Nồng độ CO2 trong không khí quyết định vận tốc của quá trình quang hợp.

- Điểm bù CO2: Nồng độ CO2 tối thiểu để cường độ quang hợp và cường độ hô hấp bằng nhau.

- Điểm bão hoà CO2: Nồng độ CO2 tối đa để cường độ quang hợp đạt cao nhất.

b. Quang hợp và ánh sáng

* Cường độ ánh sáng

- Điểm bù ánh sáng: Cường độ ánh sáng tối thiểu để cường độ quang hợp và hô hấp bằng nhau.

- Điểm bão hoà ánh sáng: Cường độ ánh sáng cực đại để cường độ quang hợp đạt cực đại.

* Về thành phần quang phổ ánh sáng:

Nếu cùng một cường độ chiếu sáng thì ánh sáng đơn sắc màu đỏ sẽ có hiệu quả quang hợp lớn hơn ánh sáng đơn sắc màu xanh tím.

c. Quang hợp và nhiệt độ

- Hệ số nhiệt Q10 đối với pha sáng là: 1,1- 1,4,đối với pha tối là: 2-3.

- Cường độ quang hợp phụ thuộc rất chặt chẽ vào nhiệt độ. Sự phụ thuộc giữa nhiệt độ và quang hợp theo chiều hướng như sau: khi nhiệt độ tăng thì cường độ quang hợp tăng rất nhanh và thường đạt cực đại ở 25 - 350C rồi sau đó giảm mạnh đến 0.

d. Quang hợp và nước

- Hàm lượng nước trong không khí, trong lá ảnh hưởng đến quá trình thoát hơi nước,do đó ảnh hưởng đến độ mở khí khổng,tức là ảnh hưởng đến tốc độ hấp thụ CO2 vào lục lạp.

- Nước ảnh hởng đến tốc độ sinh trưởng và kích thước của bộ máy đồng hoá.

- Nước ảnh hưởng đến tốc độ vận chuyển các sản phẩm quang hợp

- Hàm lượng nước trong tế bào ảnh hưởng đến độ hidat hoá của chất nguyên sinh và do đó đến điều kiện làm việc của hệ thống enzim quang hợp

- Quá trình thoát hơi nước đã điều hoà nhiệt độ của lá,do đó ảnh hưởng đến quang hợp

- Sau cùng nước là nguyên liệu trực tiếp cho quang hợp với việc cung cấp H+ và e cho

phản ứng sáng.

5. Quang hợp và năng suất cây trồng

a. Quang hợp quyết định năng suất cây trồng

    Quang hợp là quá trình cơ bản quyết định năng suất cây trồng. Phân tích thành phần hoá học trong sản phẩm thu hoạch của cây trồng ta sẽ có các số liệu sau: C: 45%, O: 42-45%, H: 6,5% chất khô. Tổng ba nguyên tố này chiếm 90-95% khối lượng chất khô. Phần còn lại: 5-10% là các nguyên tố khoáng. Rõ ràng là 90-95% sản phẩm thu hoạch của cây lấy từ CO2 và H2O thông qua hoạt động quang hợp.

b. Các biện pháp nâng cao năng suất cây trồng thông qua quang hợp

    Đã có nhiều nghiên cứu làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hoạt động của bộ máy quang hợp và năng suất cây trồng. Nhitriporovich- nhà Sinh lí thực vật người Nga đã đưa ra biểu thức năng suất cho mối quan hệ này:

Nkt = (FCO2.L.Kf .Kkt)n

Nkt : năng suất kinh tế-phần chất khô tích luỹ trong cơ quan kinh tế

FCO2: khả năng quang hợp gồm: cường độ quang hợp (mg CO2/dm2 lá.giờ) và hiệu suất quang hợp (gam chất khô/m2lá.ngày).

L: diện tích quang hợp, gồm chỉ số diện tích lá (m2 lá/m2 đất) và thế năng quang hợp (m2 lá.ngày).

Kf: hệ số hiệu quả quang hợp - tỷ số giữa phần chất khô còn lại và tổng số chất khô quang

hợp được.

Kkt: hệ số kinh tế - tỷ số giữa số chất khô tích luỹ trong cơ quan kinh tế và tổng số chất khô quang hợp được.

n: thời gian hoạt động của bộ máy quang hợp.

Từ biểu thức trên chúng ta thấy rằng: năng suất cây trồng phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Khả năng quang hợp của giống cây trồng (FCO2).

- Nhịp điệu sinh trưởng của bộ máy quang hợp (L).

- Khả năng tích luỹ chất khô vào cơ quan kinh tế (Kf, Kkt).

- Thời gian hoạt động của bộ máy quang hợp (n).

c. Triển vọng của năng suất cây trồng

    Trong tương lai với sự tiến bộ của các phương pháp chọn, lai tạo giống mới , với sự hoàn thiện các biện pháp kĩ thuật canh tác, chắc chắn việc nâng cao năng suất  cây trồng ở một đất nước giầu ánh sáng như nước ta sẽ có triển vọng rất to lớn.

B. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

I. Câu hỏi tự luận

Câu 1.  Cây cối có thể điều chỉnh số l­ượng và chất lư­ợng ánh sáng chiếu vào nó đ­ược không ? Bằng cách nào?

Trả lời:

 - Có. Bằng cách :

 -  Sắp  xếp các tầng lá trên cây

 - Xoay bề mặt lá vuông góc hoặc song song với tia sáng.

 - Thay đổi bề mặt chiếu sáng hoặc vị trí của lục lạp.

 - Thay đổi hàm lượng và tỉ lệ các nhóm sắc tố

Câu 2a. Điểm bù ánh sáng quang hợp là gì? Điểm bù ánh sáng của cây ưa sáng và cây ưa bóng khác nhau như thế nào? Giải thích?

     b. Điểm bão hoà CO2 là gì? Sự bão hoà CO2 xảy ra trong điều kiện tự nhiên không?

Trả lời:

* Điểm bù ánh sáng là: Cường độ ánh sáng giúp quang hợp và hô hấp bằng nhau

* Cây ưa bóng có điểm bù ánh sáng thấp hơn cây ưa sáng, vì: Cây ưa bóng có lục lạp to, nhiều hạt diệp lục hơn cây ưa sáng -> hấp thu ánh sáng tích cực, hiệu quả -> có điểm bù ánh sáng thấp, thích nghi với cường độ chiếu sáng tương đối yếu

* Điểm bão hoà CO2: Nồng độ CO2 để quang hợp đạt mức cao nhất.

* Trong tự nhiên không xảy ra tình trạng bão hoà CO2, vì: hàm lượng CO2 trong tự nhiên chỉ vào khoảng 0,03% rất thấp so với độ bão hoà CO2( 0,06% - 0,4%).

Câu 3. Đặc điểm cấu trúc nào của lục lạp thích ứng với việc thực hiện hai pha của quá trình quang hợp?

Trả lời:

- Ngoài là màng kép, trong là cơ chất (chất nền) có nhiều hạt grana. Hạt grana là nơi diễn ra pha sáng, chất nền là nơi diễn ra pha tối.

- Hạt grana chứa hệ sắc tố quang hợp (hấp thụ các tia sáng) chứa trung tâm pư và các chất truyền điện tử giúp pha sáng được thực hiện.

- Chất nền có cấu trúc dạng keo, trong suốt, chứa nhiều enzim cacboxil hóa phù hợp với việc thực hiện các phản ứng khử CO2 trong pha tối.

Câu 4. Diệp lục và sắc tố phụ của cây xanh có vai trò như thế nào trong quang hợp?
Trả lời:

   Diệp lục: clorophyl a: C55H72O5N4Mg, clorophyl b:C55H70O6N4Mg

  Caroten: C40H56, Xanthophyl: C40H56On (n:1-6)

- Nhóm clorophyl:

+ Hấp thụ chủ yếu as vùng đỏ, xanh tím( mạnh nhất tia đỏ)

+ Chuyển hóa năng lượng thu được từ photon as->Quang phân li nước giải phóng oxy và các phản ứng quang hóa -> ATP, tạo lực khử NADPH cho pha tối.

- Nhóm carotenoit:

+ Sau khi hấp thụ ánh sáng thì chuyển năng lượng cho clorophyl (tia có bước sóng ngắn 440-480 nm)
+ Tham gia quang phân li nước giải phóng oxy

+ Bảo vệ diệp lục khỏi bị phân hủy lúc cường độ ánh sáng mạnh.

Câu 5. a. Ánh sáng dưới tán cây khác ánh sáng nơi quang đãng về cường độ hay thành phần quang phổ? Hai loại as nói trên thích hợp với những nhóm thực vật nào? Tại sao?

             b. Hô hấp sáng có ảnh hưởng gì đối với cây hay không? Tại sao?

            c. Những cây lá màu đỏ có quang hợp không? Tại sao?

Trả lời:

a. Cả về cường độ lẫn thành phần quang phổ

+ Ánh sáng phía dưới tán cây thích hợp cây ưa bóng

+ Ánh sáng phía trên tán cây thích hợp cây ưa sáng.

b.- Hô hấp sáng (quang hô hấp) diễn ra đồng thời với quang hợp nhóm C3, gây lãng phí sản phẩm quang hợp

- Xảy ra ở lục lạp, peroxixom và ti thể.

c. Có.Vì những cây có màu đỏ vẫn có nhóm săc tố màu lục, nhưng bị che khuất bởi màu đỏ của nhóm săc tố dịch bào là antôxianin và carotenoit. Vì vậy, những cây này vẫn tiến hành quang hợp bình thường, tuy nhiên cường độ quang hợp thường không cao.

Câu 6. Trong điều kiện nhiệt độ cao, trong lục lạp lượng ôxi hòa tan cao hơn lượng CO2, Cây nào dưới đây quá trình quang hợp không giảm. Vì sao?

(Dưa hấu,  Ngô,  Lúa nước, Rau cải,  Bí ngô.)

Trả lời:

- Quá trình quang hợp của cây ngô không giảm.

- Giải thích: Vì ngô là thực vật C4 thích hợp sống trong môi trường ánh sáng cao, nhiệt độ cao, nồng độ CO2 giảm, nồng độ O2 tăng. Trong điều kiện đó quang hợp vẫn xảy ra bình thường.

Câu 7. So sánh sự khác nhau về cơ quan quang hợp của TV C3 và TV C4

Trả lời:

Lá của thực vật C3 chỉ có một hoặc hai lớp mô giậu, chứa lục lạp, lá của thực vật C4 ngoài lớp mô giậu còn lớp tế bào bao quanh bó mạch cũng chứa lục lạp.

Như vậy thực vật C3 có một loại lục lạp còn thực vật C4 có hai loại lục lạp.

Câu 8. Tại sao giữa trưa nắng, ánh sáng dồi dào nhưng cường độ quang hợp lại giảm?

Trả lời:

- Do vào trưa năng, cường độ THN mạnh nên tế bào lỗ khí mất nước ⇒ lỗ khí đóng làm quá trình trao đổi khí ngưng trệ

- Vào buổi trưa, mặc dù AS dồi dào nhưng tỉ lệ các bước sóng ngắn tăng nên các sắc tố quang hợp ít hấp thu

- Khi AS mạnh ⇒ Nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ enzim

Câu 9. Vì sao phải bón CO2 cho cây trong nhà lưới phủ nilon trước khi mặt trời lặn và sau khi mặt trời mọc?

Trả lời:

- Trong khu vực có che phủ nilon mỏng, sự lưu thông khí bị cản trở, lượng CO2 bị hao hụt sau khi cây quang hợp. Do đó nồng độ CO2  sẽ giảm xuống thấp

- Ban đêm cây không quang hợp, tăng hô hấp cây lấy O2, thải CO2

⇒ Phải bón CO2 cho cây sau khi mặt trời mọc khoảng 30 phút và ngừng bón khi mặt trời lặn khoảng 1-2h. Ban đêm không bón CO2 vì khi nông độ CO2 quá cao sẽ làm ức chế hô hấp.

Câu 10. 

- Tại sao nói quá trinh đồng hoá CO2 ở thực vật C3, C4, CAM đều phải trải qua chu trình Canvin?

- Sự điều hoà chu trình Canvin có ý nghĩ như thế nào?

- Loại enzim nào quan trọng nhất trong việc điều hoà chu trình Canvin?

Trả lời:

- Vì: Chu trình Canvin mang tính phổ biến: tất cả các loài thực vật khi đồng hoá CO2 đều phải trải qua chu trình Canvin để tổng hợp đường, từ đó tổng hợp các CHC khác

- Ý nghĩa: Đảm bảo quá trình đồng hoá CO2 xảy ra thuận lợi, phù hợp với nhu cầu cơ thể

- Chu trình Canvin được điều hoà bởi enzim Ri1,5DP – cacboxilaza vì nó quyết định phản ứng đầu tiên quan trọng của chu trình ⇒ ảnh hưởng tới việc tổng hợp ít hay nhiều enzim sẽ ảnh hưởng tới tốc độ chu trình Canvin.

II. Câu hỏi trắc nghiệm

(Check đáp án ở cuối bài)

Câu 1. Các sắc tố quang hợp hấp thụ năng lượng ánh sáng và truyền cho nhau theo sơ đồ nào sau đây là đúng?

A. Carôtenôit → Diệp lục b → Diệp lục a → Diệp lục a trung tâm phản ứng.

B. Carôtenôit → Diệp lục a → Diệp lục b → Diệp lục b trung tâm phản ứng.

C. Diệp lục b → Carôtenôit  → Diệp lục a → Diệp lục a trung tâm phản ứng.

D. Diệp lục a → Diệp lục b → Carôtenôit  → Carôtenôit trung tâm phản ứng.

Câu 2. Phân tử ôxi (O2) được giải phóng trong quang hợp có nguồn gốc từ đâu?           

A. H2O (quang phân li H2O ở pha sáng).                

B. CO2 (cố định CO2 ở pha tối).     

C. CO2 (quang phân li CO2 ở pha sáng).                  

D. Khử APG ở chu trình Canvin.

Câu 3. Nhóm thực vật C3 được phân bố như thế nào?

 A. Phân bố khắp mọi nơi trên Trái Đất, phân bố rộng rãi ở vùng ôn đới và á nhiệt đới.  

 B. Sống ở vùng sa mạc.                               

C. Sống ở vùng nhiệt đới.

D. Chỉ sống ở vùng ôn đới và á nhiệt đới.                     

Câu 4. Do nguyên nhân nào nhóm thực vật CAM phải cố định CO2 vào ban đêm?

A. Vì ban đêm khí trời mát mẻ, nhiệt độ hạ thấp thuận lợi cho hoạt động của nhóm thực vật này.

B. Vì mọi thực vật đều thực hiện pha tối vào ban đêm.

C. Vì ban đêm mới đủ lượng nước cung cấp cho quá trình đồng hóa CO2.

D. Vì ban đêm, khí khổng mới mở ra, ban ngày khí khổng đóng để tiết kiệm nước.

Câu 5. Người ta phân biệt các nhóm thực vật C3,  C4,  CAM chủ yếu dựa vào

A. có hiện tượng hô hấp sáng hay không có hiện tượng này.

B. sản phẩm cố định CO2 đầu tiên là loại đường có mấy cacbon.

C. sự khác nhau về cấu tạo mô giậu của lá.       

D. sự khác nhau ở các phản ứng sáng.

Câu 6. Năng suất quang hợp tăng dần ở các nhóm thực vật được sắp xếp theo thứ tự đúng là

A. CAM → C3 → C4.            

B. C3 → C4 → CAM.

C. C4 → C3 → CAM.            

D. C4 → CAM → C3.

Câu 7.  Ở rêu, chất hữu cơ C6H12O6 được tạo ra ở giai đoạn nào của quang hợp?

A. Pha tối.         

B. Pha sáng.         

C. Chu trình Canvin.      

D. Quang phân li nước.

Câu 8. Vì sao lá cây có màu xanh lục?

 A. Vì diệp lục a hấp thụ ánh sáng màu xanh lục.  

B. Vì diệp lục b hấp thụ ánh sáng màu xanh lục.

C. Vì nhóm sắc tố phụ (carôtênôit) hấp thụ ánh sáng màu xanh lục.

D. Vì hệ sắc tố quang hợp không hấp thụ ánh sáng màu xanh lục.

Câu 9. Khi nói về ảnh hưởng của các nhân tố ngoại cảnh đến quang hợp câu nào sau đây là không đúng?

A. Nồng độ CO2 tăng dần đến điểm bão hòa thì cường độ quang hợp tăng dần.

B. Từ điểm bão hòa CO2 trở đi, nồng độ CO2 tăng dần thì cường độ quang hợp giảm dần.

C. Cường độ ánh sáng tăng dần đến điểm bão hòa thì cường độ quang hợp tăng dần.

D. Khi nhiệt độ tăng đến nhiệt độ tối ưu thì cường độ quang hợp tăng rất nhanh, thường đạt cực đại ở 35 – 450C rồi sau đó giảm mạnh.

Câu 10. Nhiệt độ có ảnh hưởng đến cường độ quang hợp thông qua

A. Ảnh hưởng đến các phản ứng enzim trong pha sáng và pha tối.

B. Ảnh hưởng đến độ đóng mở khí khổng để nhận CO2.

C. Ảnh hưởng đến cấu tạo của bộ máy quang hợp.

D. Ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng và thành phần quang phổ.

Câu 11. Để giải thích được quá trình quang hợp quyết định năng suất cây trồng các nhà khoa học tiến hành phân tích

A. Thành phần hóa học các sản phẩm cây trồng.

B. Thành phần hóa học các nguyên liệu cây trồng.

C. Thành phần hóa học của CO2 và H2O.

D. Thành phần hóa học các chất khoáng.

Câu 12. Khi phân tích thành phần hóa học của các sản phẩm cây trồng thì các nguyên tố C, H, O cây lấy chủ yếu từ đâu?

A. Từ các chất khoáng.         

B. Từ các chất hữu cơ.

C. Từ H2O và CO2 thông qua quá trình quang hợp.                        

D. Từ ôxi phân tử (O2) lấy từ không khí, từ H2O và CO2 thông qua quá trình quang hợp.

Câu 13. Đâu không phải là cách tăng năng suất cây trồng?

A. Tăng diện tích lá.                                   

B. Tăng cường độ quang hợp.

C. Tăng hệ số kinh tế.                                 

D. Tăng cường độ hô hấp.

Câu 14. Sản phẩm của pha sáng gồm            

A. ADP, NADPH, O2.             

B. ATP, NADPH, O2.                

C. Cacbohiđrat, CO2.               

D. ATP, NADPH.

Câu 15. Pha tối diễn ra ở vị trí nào trong lục lạp?

A. Ở màng ngoài.                             

B. Ở màng trong.        

C. Ở chất nền strôma.                      

D. Ở tilacôit.

ĐÁP ÁN

1A. 2A. 3A. 5D. 5B. 6A. 7C. 8D. 9D. 10A. 11A. 12C. 13D. 14B. 15C ./.

Bài viết gợi ý: