ĐỌC HIỂU VÀ TẠO LẬP VĂN BẢN VỀ TRUYỆN, KÍ
PHẦN1: HỆ THỐNG KIẾN THỨC CƠ BẢN CỦA TRUYỆN VÀ KÍ
Các văn bản truyện kí là những văn bản nào? Kiến thức cơ bản của truyện và kí gồm những đơn vị nào? Vì sao phải hướng dẫn HS nắm kiến thức cơ bản? Hướng dẫn HS nắm KTCB như thế nào?
Các văn bản truyện và kí
Lớp 11: Văn xuôi lãng mạn; Văn xuôi hiện thực 1930 – 1945
Lớp 12: Văn xuôi 1945 – 1975; 1975 – 2000.
Kiến thức cơ bản của truyện và kí
2.1. Xuất xứ
2.2. Hoàn cảnh
– Bản chất: Hoàn cảnh là bối cảnh sinh thành ra tác phẩm
– Ý nghĩa: Tìm hiểu hoàn cảnh là một khâu không thể bỏ qua trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, bởi đó là một trong những cơ sở giúp HS hiểu tác phẩm đó.
– Thực trạng:
+ Tìm hiểu ơ hờ cho có
+ Không chú ý tìm hiểu
– Giải pháp: Khi tìm hiểu, GV nên gắn với tác phẩm để HS thấy mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tác phẩm ấy. Để làm được điều này, GV phải chú ý tích hợp với kiến thức lịch sử, xã hội, đặc biệt là kiến thức văn học sử.
Ví dụ: Khi học Chiếc thuyền ngoài xa, Một người Hà Nội, GV phải cho HS thấy được tác phẩm ra đời những năm 80, đất nước trở lại hòa bình, cuộc sống xã hội có nhiều thay đổi nên văn học cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ từ đề tài, cảm hứng, nhận thức hiện thực, quan niệm con người…Hai tác phẩm là minh chứng đầy nghệ thuật cho cuộc chuyển mình đó của văn học.
2.3. Nội dung chủ đề
– Bản chất: chủ đề là vấn đề cơ bản được đặt ra qua hình tượng
– Ý nghĩa: Cho HS hiểu được chủ đề chính là hiểu được tư tưởng của tác phẩm đó.
– Thực trạng: Tuy nhiên, xác định chủ đề không dễ. Lí do:
+ văn bản không trọn vẹn;
+ văn bản dài;
+ hs thiếu năng lực khái quát vấn đề và năng lực đọc hiểu hình tượng.
– Hệ quả:
+ HS học tác phẩm nhưng không hiểu tư tưởng chủ đề;
+ HS thường ỷ lại vào phần ghi nhớ, nhớ một cách máy móc, nô lệ dẫn đến thuộc ý nghĩa nhưng chưa chắc đã hiểu ý nghĩa.
– Giải pháp: Vì thế, GV phải hướng dẫn để HS nắm được chủ đề.
+ Cách xác định chủ đề truyện: Hướng dẫn HS trả lời hai câu hỏi (Truyện kể về cái gì và đằng sau câu chuyện ấy, nhà văn muốn nói điều gì ?).
Ví dụ: Chủ đề truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Qua câu chuyện về một gia đình nông dân Nam Bộ giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Nguyễn Thi đã khẳng định: truyền thống gia đình đã hòa nhập cùng truyền thống dân tộc, làm thành nguồn lực tinh thần to lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
+ Cách xác định chủ đề kí: Kí thuộc thể trữ tình nên dù có viết về đối tượng nào cũng là để thể hiện cảm xúc và bản sắc cái tôi trữ tình tác giả. Vì thế, xác định nội dung kí, trả lời câu hỏi văn bản viết về hình tượng nào? Qua đó bộc lộ cảm xúc gì?
2.4. Đặc sắc nghệ thuật
Tích hợp với kiến thức Lý luận văn học lớp 11 (Thể loại văn học – SGK cơ bản; Đọc tiểu thuyết và truyện ngắn – SGK nâng cao), GV trang bị cho HS các yếu tố nghệ thuật của một tác phẩm văn xuôi tự sự thường bao gồm: cách xây dựng cốt truyện, tình huống, cách khắc họa tính cách và tâm lý nhân vật, điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ, giọng điệu…HS lấy đó làm căn cứ để xác định nghệ thuật từng tác phẩm. Làm được tốt điều này, ta đã trao cho HS một chìa khoá, HS dễ dàng thấy nét riêng ngôn ngữ Nguyễn Tuân cổ kính trang trọng; Thạch Lam trong sáng nhuần nhị; Nam Cao sống động sắc sảo; Tô Hoài thông tục đậm đà màu sắc dân tộc; Nguyễn Thi góc cạnh đậm sắc thái Nam Bộ; Nguyễn Trung Thành tráng lệ sử thi…Hay giọng Thạch Lam tâm tình thủ thỉ; giọng Nam Cao khách quan lạnh lùng; giọng Nguyễn Tuân vừa trang trọng vừa khinh bạc; giọng Nguyễn Trung Thành hào hùng tráng lệ…Đó là những cơ sở giúp HS dễ thấy sự khác biệt khi liên hệ so sánh hoặc đánh giá cuối bài.
2.5.Lưu ý
– VB truyện và kí ra đời trong một thời gian dài, xuất sinh trong những hoàn cảnh thời đại khác nhau, khuynh hướng khác nhau, phong cách khác nhau, cho nên, GV cũng cần lưu tâm đến phong cách nghệ thuật của nhà văn; đến những nét chung cho một giai đoạn, một khuynh hướng. Điều này có hai ý nghĩa:
+ Thứ nhất: giúp HS thấy sắc diện riêng của từng hiện tượng văn học. Điều này tránh cho người học một căn bệnh phổ biến: học tác phẩm của Nam Cao mà không thấy Nam Cao; học truyện trước CM cũng không thấy khác truyện kháng chiến, cũng thấy giống truyện sau 1975.
Ví dụ: Nét chung trong nội dung của truyện 1930 – 1945 là sự khẳng định quyền sống cá nhân; là khát vọng thay đổi đồng thời in rất đậm dấu ấn phong cách cá nhân. Nét chung của truyện kí 1945 – 1975 là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn nên vấn đề đặt ra là vấn đề cộng đồng; nên từ hình tượng đến tư tưởng, từ cốt truyện đến dòng cảm xúc đều vận động theo hướng tích cực: từ bóng tối đến ánh sáng; từ đói khổ đến yên vui; từ nô lệ đến tự do; từ hiện tại đến tương lai…
+ Thứ hai: giúp HS có kiến thức để giải quyết phần liên hệ với chương trình 11.
Ví dụ: Phân tích số phận người dân xóm ngụ cư trong Vợ nhặt của Kim Lân. Liên hệ với số phận người dân phố huyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy sự khác nhau trong tinh thần nhân đạo của hai nhà văn trước và sau CM.
Ở đề trên, nếu HS nêu sự khác nhau mà chỉ nói được rằng: Thạch Lam viết về người dân phố huyện còn Kim Lân viết về người nông dân xóm ngụ cư; Thạch Lam thương người dân nghèo khổ, Kim Lân thương người dân đói khát…thì đó là sự lí giải bằng cảm tính học trò, thông tin vụn vặt, ngô nghê, thấy cây mà không thấy rừng, thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến thiếu sự chững chạc trong ý tứ và hành văn, điểm không cao.
– Truyện và kí đều có dung lượng dài, vì thế:
+ Thực trạng: HS cảm giác ngợp vì quá tải; HS không nắm được văn bản; HS không biết sử dụng SGK.
+ Giải pháp: Khi ôn tập, GV nên cố gắng hướng dẫn HS cách học cho phù hợp, tinh giản, chẳng hạn: cách khai thác SGK, sơ đồ hoá, tìm từ khoá cho dẫn chứng.
Ví dụ: Khi học đoạn văn tả hút nước sông Đà, cần hướng dẫn cho HS thấy hút nước được đặc tả qua: hình dáng (cống cái, giếng bê tông); âm thanh (thở và kêu, ặc ặc); sức huỷ diệt (lôi tuột, dìm, đánh tan xác)…Những yếu tố này, GV hướng dẫn HS ghi ngay vào SGK rồi từ đó dễ dàng tự hệ thống hoá, sơ đồ hoá vào vở tự học, kiến thức vừa cơ bản vừa dễ nhớ.
Tất cả các kiến thức cơ bản nêu trên là bước chuẩn bị cho việc đọc hiểu và tạo lập văn bản của HS có hiệu quả
PHẦN II
HỆ THỐNG CÂU HỎI RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU TRUYỆN, KÍ

Cơ sở của việc soạn câu hỏi đọc hiểu là gì? Cần chú ý nguyên tắc gì khi soạn câu hỏi đọc hiểu? Có thể luyện kĩ năng đọc hiểu truyện kí qua các dạng câu hỏi nào và hướng dẫn HS trả lời ra sao?

Đọc hiểu văn bản truyện
Cơ sở: Khi soạn câu hỏi đọc hiểu văn bản truyện, GV cần căn cứ vào đặc trưng thể loại: cốt truyện, chi tiết, nhân vật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ…(có minh hoạ ở phần dưới)
Nguyên tắc: Các câu hỏi cần có mối quan hệ với nhau để góp phần hiểu văn bản đó theo đặc trưng thể loại. (có minh hoạ ở phần dưới)
Dạng hỏi: Để rèn kĩ năng cho HS, GV có thể soạn đề tổng hợp, tức là trong đó, các câu hỏi đều hướng tới đọc hiểu các đặc điểm của truyện. Tuy nhiên, trước khi luyện tổng hợp, GV có thể tách ra thành các dạng đề đọc hiểu từng đặc điểm riêng để HS dễ nắm bắt. Chúng tôi tạm minh hoạ một số dạng sau:
3.1. Dạng 1: Luyện kĩ năng đọc hiểu chi tiết
Chi tiết là yếu tố có vai trò quan trọng trong VBTS. Tuy nhiên, trong thực tế, HS thường yếu kĩ năng chọn chi tiết, biến bài văn thành kể lể dông dài. Đã không chọn được, đương nhiên, rất khó có khả năng cao hơn: phân tích chi tiết. GV nên có những câu hỏi rèn kĩ năng đọc hiểu chi tiết nghệ thuật. Sau đây là một ví dụ.
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
… Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này:

  • Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…
  • Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này, mẹ con lại đầm ấm hoà hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
    (Vợ nhặt – Kim Lân)

    1. Liệt kê các chi tiết phản ánh nỗi khổ và niềm vui của gia đình nhân vật bà cụ Tứ trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
    2. Vì sao chi tiết bà cụ Tứ bàn mua đôi gà và tin rằng chả mấy có ngay một đàn gà là chi tiết vừa chân thật vừa giàu sức gợi?
    3. Từ các chi tiết nêu trên, Kim Lân muốn nói điều gì về người lao động?
    4. Anh/Chị rút ra bài học gì khi đọc hiểu văn bản tự sự?

    Phân tích
    Câu 1: Rèn kĩ năng tìm chi tiết nghệ thuật.
    Câu 2: Rèn kĩ năng phân tích chi tiết
    Câu 3: Rèn kĩ năng khái quát ý nghĩa chi tiết
    Câu 4: Chỉ ra một kĩ năng quan trọng khi đọc hiểu văn bản tự sự (phải nhận biết chi tiết – câu 1; lựa chọn và phân tích chi tiết – câu 2; khái quát được tư tưởng nhà văn gửi vào chi tiết – câu 3)
    3.2. Dạng 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu giọng điệu trong VBTS
    Giọng điệu là phần rất hay nhưng rất khó. Đó là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của nghệ sĩ (Qua giọng hát anh nhận ra người hát – Gamzatop). GV trong quá trình dạy đọc hiểu, cần chỉ ra các yếu tố tạo giọng điệu: điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, ngôn ngữ, câu văn, biện pháp tu từ…Sau đây là một cách đọc hiểu giọng điệu.
    Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
    Chao ôi ! Trăng đẹp lắm ! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái vẻ bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình ! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa ! Biết bao cực khổ và lầm than ?…Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thực tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền. Cái khổ làm khô héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi ! Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…
    …Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.
    (Giăng sáng – Nam Cao)

    1. Chỉ ra các kiểu câu chia theo mục đích nói được tác giả sử dụng trong đoạn văn trên ?
    2. Việc sử dụng các kiểu câu đó có tác dụng gì trong việc thể hiện giọng điệu đoạn văn?
    3. Qua giọng điệu đoạn văn, anh/chị hiểu gì về nhân vật Điền?
    4. Qua giọng văn, anh/chị hiểu gì về con người nhà văn Nam Cao?

    Phân tích
    Câu 1: Rèn kĩ năng tích hợp ngữ và văn đồng thời lưu tâm HS khi đọc văn tự sự, nên chú ý cả đến các kiểu câu theo mục đích nói, theo cấu tạo ngữ pháp.
    Câu 2: Rèn kĩ năng xác định giọng điệu, trong đó việc sử dụng các kiểu câu cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên giọng văn.
    Câu 3: Rèn kĩ năng đọc hiểu ý nghĩa giọng điệu đối với việc thể hiện nhân vật.
    Câu 4: Rèn kĩ năng vận dụng kiến thức tác phẩm để hiểu tác giả. Từ đó, HS thấy việc học tác giả là cần thiết và có mối quan hệ gắn bó với việc đọc tác phẩm.
    3.3. Dạng 3: Rèn kĩ năng đọc hiểu nhân vật trong VBTS
    Nhân vật có thể xem là linh hồn tác phẩm. Nó là phương thức nghệ thuật đặc thù giúp nghệ sĩ thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhận thức, thái độ, quan niệm của mình về con người và đời sống. Vì thế, tìm hiểu văn xuôi tự sự không tìm hiểu nhân vật là ta đã tự khép một cánh cửa chính để đi vào kho báu tinh thần. Song, cũng giống như chi tiết, khi nghị luận về nhân vật, HS thường có xu hướng đi kể về nhân vật. Do đó, rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản tự sự, cần hết sức chú ý đến kĩ năng đọc hiểu nhân vật. Sau đây là một ví dụ
    Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới
    …Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ !”
    Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn…
    (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

    1. Nhân vật lão đàn ông được nhà văn khắc hoạ qua những yếu tố nào?
    2. Qua các yếu tố đó, nhân vật lão đàn ông hiện lên là người như thế nào?
    3. Thái độ của nhân vật người đàn bà khiến anh/chị cảm thấy như thế nào?
    4. Từ hai nhân vật nêu trên, hãy chỉ ra nét mới trong nhận thức về con người của Nguyễn Minh Châu sau 1975.

    Phân tích
    Câu 1: Rèn kĩ năng nhận biết các yếu tố thường được dùng để xây dựng nhân vật.
    Câu 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu nhân vật qua việc tìm hiểu ý nghĩa các yếu tố thái độ, lời nói, hành động, nội tâm.
    Câu 3: Rèn kĩ năng bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc về nhân vật.
    Câu 4: Rèn kĩ năng khái quát ý nghĩa nhân vật đối với việc thể hiện tư tưởng của nhà văn, vận dụng kiến thức tác phẩm để hiểu tác giả, thậm chí, qua tác giả hiểu được quan niệm mới về con người của cả một giai đoạn VH. Như thế, gọi là từ cây mà thấy rừng.
    3.4. Dạng 4: Rèn kĩ năng đọc hiểu VBTS nói chung
    Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
    Chao ôi ! Trăng đẹp lắm ! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái vẻ bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình ! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa ! Biết bao cực khổ và lầm than ?…Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thực tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền. Cái khổ làm khô héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi ! Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…
    …Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.
    (Giăng sáng – Nam Cao)

    1. Xác định điểm nhìn trần thuật.
    2. Nội dung đoạn văn là gì? Nội dung đó tương hợp thế nào với hình thức nghệ thuật của đoạn văn?
    3. Anh/Chị hiểu như thế nào về quan niệm của Nam Cao về nghệ thuật và người làm nghệ thuật qua đoạn sau: Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…?
    4. Đoạn văn giúp anh/chị hiểu gì về phong cách nghệ thuật Nam Cao ?

    Phân tích:

  • Câu 1: Rèn kĩ năng nhận biết về điểm nhìn trần thuật – một trong những vấn đề cơ bản của văn xuôi tự sự.
  • Câu 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu về nội dung trong mối quan hệ với hình thức, qua đó hình thành kĩ năng phân tích văn xuôi tự sự cũng phải rất chú ý hình thức nghệ thuật.
  • Câu 3: Rèn kĩ năng hiểu sâu nội dung trọng tâm trong mối liên hệ với tác gia văn học.
  • Câu 4: Rèn kĩ năng vận dụng tác phẩm để hiểu tác giả và ngược lại, vận dụng tri thức tác giả để hiểu tác phẩm của họ. Đó cũng là cái đích quan trọng của việc đọc hiểu.
  • Đọc hiểu văn bản kí
    Cơ sở: Đặc trưng thể loại
    Nguyên tắc: Các câu hỏi bám sát vào mục đích chung là làm nổi bật bản sắc cái tôi trữ tình tác giả.
    Đề minh hoạ
    Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu dưới:
    …Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy…
    (Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân)

    1. Nêu nội dung đoạn văn.
    2. Nguyễn Tuân muốn gợi ra vẻ đẹp gì của Sông Đà qua hai câu sau?: Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà.
    3. Vì sao với Nguyễn Tuân, sông Đà như một cố nhân?
    4. Khái quát những nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua đoạn văn.

    Phân tích

  • Câu 1: Rèn kĩ năng nhận biết nội dung thể loại kí.
  • Câu 2: Rèn kĩ năng đọc hiểu ý nghĩa hình tượng qua hình ảnh, ngôn từ nghệ thuật.
  • Câu 3: Rèn kĩ năng đọc hiểu sâu nội dung cảm xúc của cái tôi trữ tình.
  • Câu 4: Rèn kĩ năng vận dụng kiến thức tác phẩm để hiểu phong cách tác giả, chính là đi đến bản chất cốt lõi của thể kí.
  • Tất cả các kiến thức ở phần I; kĩ năng ở phần II nêu trên nhằm trang bị cho HS hành trang cần thiết để tạo lập văn bản NLVH.
    PHẦN III
    ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VỀ TRUYỆN VÀ KÍ

    Soạn đề NLVH theo định hướng mới cần chú ý những cơ sở nào? Mục đích của cách hỏi mới là gì? Có thể dựa vào những căn cứ nào để soạn đề? Hướng dẫn HS triển khai đề thế nào cho có kết quả như mong đợi?

    Cơ sở
    Cấu trúc: Đề minh hoạ của BGD ra vào tháng 1/2018.
    Thời lượng
    – Thời gian: 120 phút/câu 3 điểm/câu 2 điểm/ câu 5 điểm.
    – Lượng
    + Kiến thức: 80% chương trình lớp 12; 20% chương trình lớp 11
    + Điểm: 1/5 điểm.

    1. Mục đích
    2. Rèn kĩ năng huy động và vận dụng kiến thức về tác phẩm, tác giả, giai đoạn, khuynh hướng; kĩ năng liên hệ.
    3. Phần liên hệ hướng tới mục đích giữa
  • Làm nổi sự khác biệt 2 tp;
  • Làm rõ sự tương đồng 2 tg;
  • Chỉ ra cả tương đồng và khác biệt; vận động và thống nhất 2k/h;
  • Làm nổi rõ một vấn đề lý luận 2 gđ.
  • III. Đối tượng – căn cứ để soạn đề

    1. Hình tượng
    2. Đoạn văn
    3. Chi tiết
    4. Tình huống
    5. Tư tưởng..

    Trên đây là một số căn cứ để có thể soạn đề, ôn luyện cho HS. Trên căn cứ đó, chúng tôi tạm hình dung một số dạng sau đây, tất nhiên, mọi sự phân chia, quy dạng chỉ có tính tương đối.
    III. Dạng đề

    1. Phân tích đoạn văn, từ đó liên hệ với đoạn văn

    Ví dụ 1: Phân tích đoạn kết truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân. Liên hệ với đoạn kết truyện Chí Phèo của Nam Cao để làm rõ nét riêng của mỗi nhà văn trong cách nhìn quần chúng.
    Ví dụ 2: Phân tích đoạn văn tả cảnh sông Đà thơ mộng trong Người lái đò sông Đà. Liên hệ với đoạn văn tả cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù để làm rõ sự ổn định và phát triển trong cách tiếp cận sự vật của Nguyễn Tuân trước và sau CM.
    Phân tích hình tượng, từ đó liên hệ với hình tượng
    Ví dụ 3: Phân tích hình ảnh trẻ thơ trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Liên hệ với hình ảnh trẻ thơ trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy những khám phá riêng của mỗi nhà văn khi cùng viết về một hình tượng.
    Ví dụ 4: Phân tích sự hồi sinh tâm hồn Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ). Liên hệ sự hồi sinh của Chí Phèo vào buổi sáng đầu tiên sau khi gặp Thị Nở (Chí Phèo). Từ đó, chỉ ra sự gặp gỡ trong tâm và tài của Tô Hoài và Nam Cao.
    Phân tích hình tượng, từ đó liên hệ với chi tiết
    Ví dụ 5: Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong đêm đông cởi trói và trốn theo A Phủ (VCAP). Liên hệ chi tiết Thị Nở từ chối sống chung với Chí Phèo (CP). Từ đó chỉ ra nét riêng trong cách nhìn con người của hai nhà văn trước và sau CM.
    Phân tích một vấn đề nội dung để liên hệ với một vấn đề nội dung
    Ví dụ 6: Phân tích số phận người dân xóm ngụ cư trong Vợ nhặt của Kim Lân. Liên hệ với số phận người dân phố huyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam để thấy sự khác nhau trong tinh thần nhân đạo của hai nhà văn trước và sau CM.
    Ví dụ 7: Phân tích lí do khiến người đàn bà hàng chài không bỏ chồng trong CTNX của Nguyễn Minh Châu. Liên hệ lí do Thị Nở từ chối sống chung với Chí Phèo trong Chí Phèo của Nam Cao. Từ đó, chỉ ra nét riêng của mỗi nhà văn trong việc khám phá số phận con người.
    Ví dụ 8: Huygo cho rằng, nghiên cứu, phản ánh cái ác, những dị tật của xã hội là công việc mà nhà văn không được phép chối từ.
    Phân tích cái ác trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Liên hệ với cái xấu – những dị tật xã hội trong Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng. Từ đó, chỉ ra điểm chung và nét riêng trong việc phản ánh cái xấu, cái ác của hai nhà văn.
    Ví dụ 9: Nhà văn là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ – Sekhop.
    Phân tích tinh thần nhân đạo của Nguyễn Minh Châu trong Chiếc thuyền ngoài xa. Liên hệ với tinh thần nhân đạo của Nam Cao trong Đời thừa để thấy điểm gặp gỡ của hai tác giả.

    1. Phân tích một vấn đề nghệ thuật, liên hệ với một vấn đề nghệ thuật

    Ví dụ 10: Cùng viết về cái xấu, cái ác nhưng Vũ Trọng Phụng trong HPCMTG và Tô Hoài trong VCAP lại có cách thể hiện riêng.
    Phân tích cách Tô Hoài thể hiện cái ác trong cảnh thống lý Pá Tra xử kiện (Vợ chồng A Phủ). Liên hệ với cách Vũ Trọng Phụng thể hiện cái xấu trong Hạnh phúc của một tang gia để làm rõ nét riêng của mỗi nhà văn.

    1. Phân tích liên hệ để làm rõ một vấn đề lý luận văn học

    Ví dụ 11: Bàn về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
    Phân tích chi tiết bát cháo cám của nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt của Kim Lân. Liên hệ với chi tiết bát cháo hành của nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao. Từ đó, bình luận về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn.

    1. Hướng giải quyết
    2. Bước 1: Hướng dẫn HS giới thiệu vấn đề.

    1.1. Vai trò
    ĐVĐ là phần quan trọng, gây sự chú ý với người đọc. Vì thế, mở đầu, nếu hấp dẫn sẽ tạo thiện cảm, hứng thú; ngược lại rất dễ sinh ác cảm. Đó là bất lợi hoàn toàn không nên có.
    1.2. Thực trạng
    – Mở bài không hay: Lí do HS không để ý chăm chút cho mở bài, nên:
    + viết như quán tính,
    + viết theo lối mòn dẫn đến dễ trôi.
    – Mở bài không đạt: Lí do HS không biết cách mở bài, nên:
    + Hoặc dài dòng, lan man
    + Hoặc thiếu
    + Hoặc đúngkhông trúng (Đề yêu cầu bàn về một vấn đề trong 1 tác phẩm nhưng chỉ giới thiệu tác phẩm; đề yêu cầu phân tích đoạn thơ nhưng chỉ giới thiệu đoạn thơ…)
    1.3. Giải pháp
    – Dạy HS viết mở bài đúng bằng cách trực tiếp: cách này, lưu ý HS vận dụng luôn đề bài làm mở bài. Cách này an toàn, đúng, đỡ mất thời gian nhưng không ấn tượng.
    – Dạy HS cách mở bài hay, có hai mức độ:
    + MB đúng và chững chạc: vì đề bài có yêu cầu liên hệ nên GV lưu ý HS khi giới thiệu vấn đề, cần tóm lấy phần liên hệ, tức là phần chung để giới thiệu.
    Ví dụ: MB cho đề 6
    Vì sinh thành và tồn tại trong những bối cảnh khác nhau nên văn học cũng không theo một kiểu mẫu, nhà văn cũng không bao giờ là người của muôn năm cũ. Đó là lí do khiến Thạch Lam và Kim Lân dù cùng tuỷ cốt chung tình nhân đạo nhưng giữa họ vẫn có nét riêng. Có thể thấy rõ điều này qua việc phản ánh bức tranh số phận người dân xóm ngụ cư (trong Vợ nhặt) và người dân phố huyện (trong Hai đứa trẻ) của hai tác giả.
    + MB ấn tượng: thường là cách mở gián tiếp. Để làm điều này, GV chú ý bài Rèn luyện kĩ năng MB và KB trong bài văn nghị luận ở SGK hiện hành; hoặc có điều kiện, nên tìm lại quyển Làm văn 12 – SGK cải cách, giới thiệu rất kĩ các cách mở bài (tương liên, tương cận, đối lập…), chọn lấy 1 hoặc 2 cách, cho HS luyện tập, sẽ dễ dàng thành kĩ năng.
    Ví dụ: MB cho đề 6 theo kiểu tương liên (liên tưởng tương đồng)
    Bị cộng đồng chê là tách biệt số đông, có người đã đáp lời thẳng thắn thế này: họ chê tôi là không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau. Đó là người có bản lĩnh. Trong văn chương, bản lĩnh nghệ sĩ cũng giúp họ xác lập một cái tôi độc đáo. Đó là lí do khiến Thạch Lam và Kim Lân dù cùng tuỷ cốt chung tình nhân đạo nhưng giữa họ vẫn có nét riêng. Có thể thấy rõ điều này qua việc phản ánh bức tranh số phận người dân xóm ngụ cư (trong Vợ nhặt) và người dân phố huyện (trong Hai đứa trẻ) của hai tác giả.

    1. Bước 2: Hướng dẫn HS giải quyết vấn đề.

    2.1. Vai trò

  • Đây là phần trọng tâm, số điểm đa số.
  • Đây cũng là phần thể hiện năng lực cơ bản, trọng tâm của người học.
  • 2.2.Thực trạng

  • HS viết quá dài, dẫn đến không còn thời gian cho phần liên hệ. Vì thế, dù có hay bao nhiêu nhưng khó có điểm cao cho toàn câu.
  • HS viết quá ngắn, vì quá lo cho phần liên hệ phía sau, dẫn đến sơ sài, mất điểm.
  • HS nhập phần phân tích vào phần liên hệ. Đây là cách tự mua dây trói mình, làm rối mạch ý, khó làm chủ bài viết. Đó là chưa kể, khi chấm gặp phải GV máy móc, làm không đúng gợi ý hướng dẫn chấm là vô cùng thiệt thòi.
  • . Giải pháp
  • – Quán triệt HS về: dung lượng, mức độ khai thác cũng như chú ý yêu cầu đề bài (không dài dòng; không sơ khoáng; không ôm đồm nhập nhằng các bước)

  • Để giúp HS viết tốt phần này, GV nên hướng dẫn HS kĩ năng lập ý bằng cách đặt và trả lời câu hỏi, ví như:
  • + Là gì?/Là ai?
    + Là như thế nào?/Biểu hiện cụ thể ra sao?
    + Có ý nghĩa gì?
    Ví dụ: Triển khai đề số 6, có thể có các ý sau

  • Là gì?/Là ai?: Số phận khốn cùng của người dân xóm ngụ cư trước CM: Tràng, bà cụ Tứ, vợ nhặt, trẻ con, những người hàng xóm của Tràng
  • Là như thế nào/ Biểu hiện ra sao?: Số phận khốn cùng vì cái đói hoành hành, cái chết đe doạ. Biểu hiện (có thể đi theo từng nhân vật; có thể đi theo biểu hiện của nỗi khổ: không gian chết chóc; không khí u ám, thê lương; cầm hơi bằng cháo loãng, rau chuối, cháo cám; phận người rẻ rúng; niềm vui tội nghiệp…)
  • Có ý nghĩa gì?: với tác phẩm (giá trị hiện thực, nhân đạo); với tác giả (tâm, tài)…
    1. Bước 3: Hướng dẫn HS liên hệ.
    2. Vai trò
  • Đây là phần kiểm tra kiến thức lớp 11, kĩ năng liên hệ.
  • Đây cũng là phần phân hoá điểm, phân hoá đối tượng HS ban tự nhiên và xã hội.
  • Thực trạng
  • HS viết rất dài: phân tích tương đương với phần kiến thức lớp 12
  • HS viết rất ngắn, thậm chí không đả động đến nội dung đối tượng liên hệ mà vội vã đi vào so sánh luôn.
  • HS không biết liên hệ
  • Giải pháp
  • Ở phần này, GV nên lưu ý HS một số vấn đề sau:
    – Về dung lượng: viết ngắn gọn.

  • Về cách thức:
  • + Viết ngắn gọn về đối tượng liên hệ. Phần này có thể vận dụng kĩ năng của phần trên (lập ý bằng cách trả lời 3 câu hỏi: là gì/ai?/như thế nào?/có ý nghĩa gì?)
    + Chỉ ra điểm chung/riêng: Phần này GV lưu ý HS cần hết sức chú ý yêu cầu về đối tượng liên hệ, có tiêu chí rõ ràng.
    Chẳng hạn:
    Nếu đề yêu cầu so sánh đoạn văn, cần chỉ ra giống và khác ở nội dung; nghệ thuật.
    Nếu đề yêu cầu chỉ ra nét riêng trong tinh thần nhân đạo của Nam Cao và Kim Lân khi thể hiện khát vọng hạnh phúc của Chí Phèo trong buổi sáng đầu tiên tỉnh rượu và Tràng trong buổi sáng đầu tiên, cần phải có tiêu chí: đồng cảm, thấu hiểu; trân trọng ngợi ca; tin tưởng. Nhưng không thể đưa tiêu chí khác, ví như: thương cảm; tố cáo…vì thế là thừa.
    Ví dụ: So sánh cho đề 6
    Giải quyết phần liên hệ của đề này, GV phải giúp HS phải nhận ra cho được tinh thần nhân đạo của Thạch Lam tiêu biểu cho VH trước CM: cảm thương cho những kiếp người bé nhỏ, sống vô danh vô nghĩa; đồng tình với khát vọng sống cho ra sống; gửi thông điệp cần đổi thay. Tinh thần nhân đạo của Kim Lân tiêu biểu cho VH sau CM: xót thương cho số phận người dân dưới ách thống trị của thực dân và phát xít; ngợi ca khát vọng sống và đặt niềm tin vào sự đổi thay. Thạch Lam, bằng nhãn quan của nhà văn lãng mạn trước CM, thương cho kiếp người là nạn nhân bị cầm tù trong ao đời tù đọng; Kim Lân, bằng nhãn giới của nhà văn chiến sĩ, tin vào khả năng và cơ hội thành chủ nhân cuộc đời mình của người lao động nhờ CM. Với Thạch Lam, ánh sáng cuộc đời hoặc chỉ còn là hồi quang quá khứ; hoặc là hào quang lấp lánh vụt qua hiện tại như một ảo ảnh và mất hút theo đoàn tàu khát vọng; Kim Lân, ngược lại, đã chỉ cho Tràng thấy ánh sáng cuộc đời là lá cờ đỏ của Việt Minh trên đê Sộp, là Bắc Giang, Thái Nguyên phá kho thóc Nhật – là cái mắt thấy, tai nghe chứ không còn là trông đợi mỏi mòn như người dân phố huyện nữa.
    + Lý giải: vì sao có điểm chung/gặp gỡ (có thể do: đề tài, cảm hứng, khuynh hướng …); vì sao có nét riêng (có thể do: đề tài, cảm hứng, khuynh hướng, phong cách, đặc trưng nghệ thuật…).
    + Đánh giá: sự giống/khác có ý nghĩa gì: với tác phẩm, với tác giả, với văn học nói chung?
    Nam Định, 29 – 30/3/2018.
    Người viết

    Trần Thị Minh Thanh

    Bài viết gợi ý: