Chuyên đề: VĂN TỰ SỰ

I.Khái niệm: Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.
II.Mục đích: Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ thái độ.
III.Cấu trúc: gồm 3 phần
– Mở bài: Giới thiệu nhân vật và sự việc chính của câu chuyện.
– Thân bài: Diễn biến sự việc theo một trìmh tự nhất định, thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.
– Kết bài: Kết thúc câu chuyện, thái độ của người kể.
Đặc điểm
– Nhân vật: Nhân vật trong văn tự sự là kẻ thực hiện các sự việc và là kẻ được thể hiện trong văn bản. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản, nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động. Nhân vật được thể hiện qua các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,…
– Sự việc: Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,… Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.
– Chủ đề: Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa xã hội nhất định. Ý nghĩa đó được toát lên từ những sự việc, cốt truyện. Mỗi văn bản tự sự thường có một chủ đề; cũng có văn bản có nhiều chủ đề, trong đó có một chủ đề chính.
– Lời văn tự sự : chủ yếu là kể người, kể việc. Khi kể người thì có thể giới thiệu tên, lai lịch, tính tình, tài năng, ý nghĩa của nhân vật. Khi kể việc thì kể các hành động, việc làm, kết quả và sự đổi thay do các hành động ấy đem lại. Đoạn trong văn tự sự thường là đoạn diễn dịch.
– Thứ tự kể: Khi kể chuyện, có thể kể các sự việc liên tiếp nhau theo thứ tứ tự nhiên, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau, cho đến hết. Nhưng để gây bất ngờ, gây chú ý, hoặc thể hiện tình cảm nhân vật, người ta có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại kể ra trước, sau đó mới dùng cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các việc đã xảy ra trước đó.
– Ngôi kể: Người đứng ra kể chuyện có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với những ngôi kể khác nhau. Ngôi kể trong văn tự sự có thể là ngôi thứ nhất, bộc lộ được những tâm tư tình cảm, suy nghĩ trực tiếp của nhân vật một cách sâu sắc; có thể được kể theo ngôi thứ ba, thể hiện được sự khách quan với câu chuyện được kể, phạm vi câu chuyện được kể trong không gian lớn hơn và có thể cùng lúc. Người kể giấu mình nhưng lại có mặt khắp nơi trong văn bản.
– Người kể chuyện có vai trò dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện, như giới thiệu nhân vật tình huống, tả người, tả cảnh, đưa ra các nhận xét, đánh giá hay bộc lộ thái độ, cảm xúc trước những điều được kể.
Mỗi ngôi kể đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, nên cần lựa chọn ngôi kể cho phù hợp và có thể chuyển đổi ngôi kể trong câu chuyện.
V.Sự đan xen yếu tố của các phương thức biểu đạt khác
Văn tự sự nếu chỉ kể sự việc không sẽ khô khan, không hấp dẫn nên có sự kết hợp các yếu tố của các phương thức biểu đạt khác.
1.Miêu tả trong văn tự sự
Miêu tả bên ngoài: miêu tả ngoại hình nhân vật, làm cho các nhân vật có hình dáng riêng, cụ thể; miêu tả cảnh vật làm cho sự việc thêm cụ thể, chi tiết chân thực, sinh động, gợi cảm.
Miêu tả nội tâm nhân vật: diễn tả tâm tư tình cảm, cảm xúc, những trạng thái tình cảm của nhân vật, khiến cho nhân vật đước thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn.
Miêu tả nội tâm là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, thể hiện tính cách nhân vật, từ đó thể hiện tư tưởng nhà văn về cuộc đời, nhân vật tạo nên sức hấp dẫn và ấn tượng đối với người đọc.
Miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn đạt những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật. Miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, cử chỉ, nét mặt, trang phục của nhân vật.

  1. Biểu cảm trong văn tự sự

Biểu cảm trực tiếp hoặc gián tiếp đều giúp cho nhân vật thể hiện được thế giới nội tâm của mình, thể hiện cảm xúc chân thực, có khi là cảm xúc của chính tác giả, người kể chuyện trong quá trình kể chuyện.
3.Lập luận trong văn tự sự
Lập luận thể hiện thông qua đối thoại; đối thoại giữa các nhân vật, đối thoại với chính mình, trong đó người kể chuyện hoặc nhân vật nêu lên những nhận xét, suy luận, phán đoán, lí lẽ, dẫn chứng, …nhằm bày tỏ quan điểm, thuyết phục người nghe (đọc) về một vấn đề nào đó. Hình thức lập luận làm cho câu chuyện thêm phần triết lí sâu sắc.
VI.Yêu cầu của bài văn tự sự

  1. Với bài tự sự kể chuyện đời thường

-Biết sắp xếp sự việc theo một trình tự có ý nghĩa.
-Trình bày bài văn theo một bố cục mạch lạc 3 phần.
-Tuỳ theo yêu cầu đối tượng kể để lựa chọn tình huống và sắp xếp sự việc có ý nghĩa.
2. Với bài tự sự kể chuyện tưởng tượng
-Biết xây dựng cốt truyện tạo tình huống tưởng tượng hợp lý.
-Câu chuyện tưởng tượng phải có ý nghĩa và bố cục rõ ràng. (theo kết cấu 3 phần của bài tự sự)
VII.Cách làm bài văn tự sự
Tuỳ theo từng dạng bài tự sự để có cách trình bày dàn ý và viết bài cho phù hợp. Dưới đây là một vài gợi dẫn.

  1. Với dạng bài: Kể lại một câu chuyện đã được học bằng lời văn của em

-Yêu cầu cốt truyện không thay đổi.
-Chú ý phần sáng tạo trong mở bài và kết luận.
-Diễn đạt sự việc bằng lời văn của cá nhân cho linh hoạt trong sáng.

  1. Với dạng bài: Kể về người

-Chú ý tránh nhầm sang văn tả người bằng cách kể về công việc, những hành động, sự việc mà người đó đã làm như thế nào. Giới thiệu về hình dáng tính cách thể hiện đan xen trong lời kể việc, tránh sa đà vào miêu tả nhân vật đó.

  1. Với bài: Kể về sự việc đời thường

-Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế.
-Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện
-Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.

  1. Cách kể một câu chuyện tưởng tượng

*Các dạng tự sự tưởng tượng :
-Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian.
-Hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian.
-Tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ….
*Cách làm:
-Xác định được đối tượng cần kể là gì? (sự việc hay con người)
-Xây dựng tình huống xuất hiện sự việc hay nhân vật đó.
-Tưởng tượng các sự việc, hoạt động của nhân vật có thể xảy ra trong không gian cụ thể như thế nào?
XIII. Cách tóm tắt văn bản tự sự
– Tóm tắt tác phẩm tự sự dựa vào cốt truyện. Dùng lời văn của mình giới thiệu một cách ngắn gọn nội dung chính bao gồm sự việc tiêu biểu và nhân vật quan trọng của một tác phẩm nào đó.
– Tóm tắt tác phẩm tự sự theo nhân vật chính là viết hoặc kể lại một cách ngắn gọn những những sự việc cơ bản xảy ra với nhân vật đó.
+ Nhân vật văn học là hình tượng con người. Cũng có thể là loài vật hay cây cỏ.
+ Nhân vật có tên tuổi, lai lịch rõ ràng, có ngoại hình, có hành động tình cảm và có mối quan hệ với nhân vật khác và tất cả bộc lộ qua diễn biến của cốt truyện.
– Trong tác phẩm tự sự có nhiều nhân vật. Người ta chia ra là nhân vật chính và nhân vật phụ.
+ Xác định mục đích tóm tắt.
+ Đọc kĩ văn bản, xác định được nhân vật chính, mối quan hệ của nhân vật chính với các nhân vật khác và diễn biến của các sự việc trong cốt truyện.
+ Viết văn bản bằng lời văn của mình. Để khắc hoạ nhân vật có thể trích dẫn nguyên văn một số từ ngữ, câu văn trong tác phẩm.
Luyện tập viết văn tự sự
Đề:Kể về một cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Trong buổi gặp gỡ đó,em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
1.Tìm hiểu đề
– Thể loại: Tự sự ( kết hợp sử dụng yếu tố nghị luận + miêu tả nội tâm).
– Nội dung: Kể lại cuộc gặp gỡ của tập thể lớp với các chú bộ đội nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (ngày 22-12). Trong buổi gặp gỡ đó, em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
– Hình thức: bố cục rõ ràng, đủ ba phần mở bài, thân bài,kết bài.
– Yêu cầu: Trong quá trình làm bài, cần trả lời một số câu hỏi như:
+ Thời gian và địa điểm gặp gỡ?
+ Quang cảnh của buổi gặp gỡ?
+ Nội dung của buổi gặp gỡ?
+ Em đã thay mặt các bạn phát biểu ý kiến gì?
+ Sau khi phát biểu em cảm thấy thế nào?
+ Em có suy nghĩ gì về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ hiện này?
+…
* Chú ý:
– Người viết bài cũng chính là người kể chuyện – xưng “tôi”.
– Trong phần thân bài, cần kể được hai sự việc chính: cuộc gặp gỡ,trò chuyện với các chú bộ đội và lời phát biểu, những suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
+ Để bài văn hay và có ý nghĩa hơn, người viết phải biết lựa chọn những câu chuyện, những kỉ niệm đáng nhớ, sâu sắc về tinh thần chiến đấu dũng cảm, về tình đồng đội, tình quân dân cảm động để “cài” vào lời kể của các chú bộ đội.
+ Trong lời phát biểu của người viết cần thể hiện được ba ý:
Lời cảm ơn.
Cảm nghĩ về tinh thần quả cảm của những người lính.
Lời hứa về trách nhiệm của bản thân, của học sinh.
– Yếu tố miêu tả nội tâm được dùng khi nói về những suy nghĩ, tình cảm, tâm trạng của người viết khi tiếp xúc với các chú bộ đội và khi phát biểu cảm tưởng. Những suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ hiện nay được diễn đạt bằng các yếu tố lập luận
– Trong quá trình kể, cần kết hợp với miêu tả ( tái hiện không khí trận chiến, hình ảnh chiến trường… qua lời kể của các chú bộ đội) để bài viết sinh động và hấp dẫn hơn.
2.Dàn ý:
Mở bài:
– Lịch sử Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.
– Ngày 22-12 năm vừa rồi, trường em đã tổ chức một chuyến đi thăm các chú bộ đội ( quân khu thủ đô,biên phòng,công binh…)
Thân bài:
– Không khí náo nức, hào hứng phấn chấn chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.
– Trên đường đi và niềm vui gặp gỡ:
+ Dọc đường: hát hò, hồi hộp…
+ Đến nơi:
-Các chú, các anh bộ đội: vui vẻ, thân thiện, đón tiếp nồng nhiệt.
-Sau màn chào hỏi tưng bừng, tất cả cùng đi tham quan nơi ăn, nơi ở, phòng truyền thống, khu vực luyện tập… của đơn vị.
– Trên hội trường diễn ra cuộc gặp gỡ:
+ Tất cả trở lại hội trưởng để nghe các chú, các anh nói chuyện ( phần trọng tâm ).
+ Giới thiệu người nói chuyện.
+ Nội dung câu chuyện: Kể về ai, về việc gì? Xảy ra ở đâu,trong hoàn cảnh nào? Nhân vật trong chuyện là người đang kể chuyện hay đồng đội, còn sống hay đã hi sinh?…
+ Trong câu chuyện có những tình huống gay cấn, những chi tiết bất ngờ nào?
– Kết thúc cuộc gặp gỡ, đại diện HS lên phát biểu:
+ Thay mặt thầy cô và các bạn cảm ơn sự đón tiếp, cảm ơn người nói chuyện.
+ Phát biểu cảm xúc: cảm động, tự hào, biết ơn…
+ Hứa hẹn: học tập và rèn luyện tốt, xứng đáng với thế hệ cha anh; sẵn sàng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Kết bài:
– Hiểu biết hơn về hình ảnh anh bộ đội và ngày 22-12.
– Cảm xúc dạt dào, mong có nhiều dịp gặp gỡ, giao lưu nữa để nâng cao hiểu biết và đời sống tâm hồn thêm phong phú.
BÀI TẬP VỀ NHÀ
Bài 1. Kể lại theo trí tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa em và thần tượng của mình.
Bài 2. Tóm tắt truyện cổ tích Tấm Cám

Bài viết gợi ý: