SỞ GD & ĐT THANH HOA

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC I

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

PHẦN I.ĐỌC – HIỂU( 3.0 đ) Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi

CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC BÌNH NỨT

Có một người gánh nước, mang hai chiếc bình ở hai đầu một cái đòn gánh trên vai. Một trong hai bình ấy bị vết nứt, còn bình kia thì tuyệt hảo, luôn mang về đầy một bình nước. Cuối đoạn đường dài, từ con suối về nhà, chiếc bình nứt lúc nào cũng chỉ còn một nửa bình nước. Suốt hai năm tròn, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về có một bình rưỡi nước. Dĩ nhiên, cái bình nguyên vẹn rất tự hào về thành tích của nó. Nó luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà nó được tạo ra. Còn tội nghiệp chiếc bình nứt, nó xấu hổ về khuyết điểm của mình, nó khổ sở vì chỉ hoàn tất được một nửa công việc mà nó phải làm. Trong hai năm nó phải chịu đựng cái mà nó cho là thất bại chua cay. Một ngày nọ, chiếc bình nứt bèn lên tiếng với người gánh nước bên bờ suối: “Con thật là xấu hổ vì vết nứt bên hông làm rỉ mất nước suốt dọc đường đi về nhà bác”. Người gánh nước trả lời: “Con không để ý thấy chỉ có hoa mọc bên đường phía của con à?. Đó là vì ta luôn biết khuyếm khuyết của con nên đã gieo hạt hoa dọc đường bên phía của con và mỗi ngày đi về con đã tưới nước cho chúng…. Hai năm nay, ta vẫn hái được nhiều hoa đẹp để trên bàn. Nếu mà con không phải là con như thế này, thì trong nhà đâu thường xuyên có hoa đẹp để thưởng thức như vậy”. Chiếc bình nứt bừng tỉnh. Nó biết rằng từ hôm nay, mỗi ngày mới trên con đường này sẽ luôn mang đến cùng niềm vui, hạnh phúc. ( Theo Quà tặng cuộc sống – Nxb trẻ 2003 )

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản ? (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định và nêu tác dụng của 1 biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản ? (0,75 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung của văn bản ? (0,75 điểm)

Câu 4. Suy nghĩ của anh chị về vấn đề “ Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như cái bình nứt” ( Trả lời khoảng 7-10 dòng ) (1,0 điểm)

PHẦN II. LÀM VĂN ( 7 .0 đ )

Phân tích đoạn trích “Chí khí anh hùng” ( Trích “ Truyện Kiều” – Nguyễn Du) và liên hệ thực tiễn về lý tưởng sống của thanh niên ngày nay.

– Hết-

– Thí sinh không được sử dụng tài liệu. – Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC I HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC KÌ II

NĂM HỌC : 2017 – 2018

MÔN THI : NGỮ VĂN 10

PhầnCâuNội dungĐiểm
I ĐỌC HIỂU3.0
1 Phương thức biểu đạt chính: tự sự0,5
2 Biện pháp tu từ Ẩn dụ: Hình ảnh chiếc bình nứt

Tác dụng: nhằm chỉ những hạn chế khiếm khuyết trong mỗi con người nhưng vẫn mong muốn làm tốt công việc như một người thường

0,75
3Nội dung của văn bản: Chuyện chiếc bình nứt nhưng mục đích nói về cách ứng xử của con người trong cuộc sống.0,75
4“ Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như cái bình nứt”. “Vết nứt” ấy tượng trưng cho khiếm khuyết, cho những gì không trọn vẹn trong bản thân mỗi con người. Nhưng cũng như chiếc bình – dù nứt mà vẫn có ích cho đời – gieo nguồn nước cho những luống hoa mọc lên. Mỗi người chúng ta – dù không hoàn hảo như chiếc bình lành, nhưng ai cũng có những giá trị riêng, những đóng góp riêng cho xã hội. Hãy biết cách tận dụng và biến nó thành lợi thế của mình để thành công hơn trong cuộc sống.1,0
II LÀM VĂN7.0
* Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết phải có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết .

– Có sáng tạo

1,0
* Yêu cầu về kiến thức: Bài viết cơ bản phải đảm bảo những yêu cầu sau:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

– Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới

– “Truyện Kiều” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

– Đoạn trích “Chí khí anh hùng” là một đoạn trích tiêu biểu , được trích từ câu 2213 -> 2230.

2. Phân tích đoạn trích

a. Nội dung: Đoạn thơ tập trung khắc họa vẻ đẹp lý tưởng của nhân vật Từ Hải: một người anh hùng với chí khí lớn lao cao cả

* 4 câu đầu: Hình ảnh Từ Hải ra đi vì sự nghiệp lớn

– Từ Hải và nàng Kiều tài sắc đang sống êm đềm bên nhau nhưng chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã quyết định từ biệt Kiều ra đi.

– Nửa năm: thời gian TK – Từ Hải sống bên nhau

– Hương lửa: hình ảnh ước lệ chỉ tình yêu => “Hương lửa đương nồng”: Tình yêu nồng nàn, say đắm của Thúy Kiều – Từ Hải. => Thời điểm Từ Hải ra đi lập nên sự nghiệp lớn cũng chính là lúc cuộc sống lứa đôi với Thúy Kiều mới đang bắt đầu và vô cùng mặn nồng hạnh phúc.

-“Trượng phu”: Là từ chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng => Nguyễn Du dùng cách nói này thể hiện thái độ trân trọng với các vị anh hùng. Nó dựng lên dáng vẻ bệ vệ, oai nghiêm, đĩnh đạc của một tướng võ.

-“Thoắt”: Chỉ sự dứt khoát, mau lẹ, kiên quyết, nhanh chóng trong khoảnh khắc bất ngờ. Nói lên cách xử sự dứt khoát, khác thường của Từ Hải.

-“Động lòng bốn phương” (cụm từ ước lệ): Chỉ chí khí anh hùng tung hoành thiên hạ. Đó cũng là lí tưởng anh hùng thời đại, không bị ràng buộc bởi vợ con, gia đình mà ở bốn phương trời, ở không gian rộng lớn, quyết mưu cầu sự nghiệp phi thường.

=> Bối cảnh dẫn đến cuộc chia ly: Người anh hùng gặp người đẹp tri kỉ, đang say đắm trong hạnh phúc lứa đôi, chợt nghĩ đến chí lớn chưa thành, đã động lòng bốn phương, dứt áo ra đi theo tiếng gọi của ý chí.

– Tư thế: + “Thanh gươm yên ngựa”:1 mình, 1 gươm, 1 ngựa.

+ “Thẳng rong”: đi liền 1 mạch. => Với tư thế oai phong, hào hùng sánh ngang với trời đất – Cách miêu tả: đặt nhân vật sánh ngang với không gian trời bể mênh mang. => Một tư thế đẹp, thể hiện sự kiên quyết, dứt khoát, ra đi hiên ngang, độc lập, không vướng bận

– “Trời bể mênh mang”: không gian vũ trụ rộng lớn => Cảm hứng vũ trụ, con người vũ trụ với kích thước phi thường, không gian bát ngát, nâng cao tầm vóc người anh hùng.

Tiểu kết: Từ Hải không phải là một con người của những đam mê thông thường, mà là con người của khát vọng, công danh.

* 12 câu tiếp: Khát vọng anh hùng, khát vọng tự do của Từ Hải

– Trước ý chí quyết tâm mưu cầu nghiệp lớn của Từ Hải, TK chấp nhận và ngỏ ý muốn theo Từ Hải. Từ Hải đã từ chối mong muốn của Kiều và thể hiện rõ lý tưởng anh hùng của mình (Trích Từ rằng:…vội gì!”)

+“Tâm phúc tương tri”: Coi Kiều là tri kỉ của mình, hiểu Từ Hải hơn ai hết, hơn hẳn người vợ bình thường.

+“Nữ nhi thường tình”: khuyên TK vượt lên t/cảm thông thường để xứng làm vợ một anh hùng. =>Từ chối mong muốn của Kiều và mong muốn Kiều là tri âm, tri kỉ xứng đáng nhất.

– Người anh hùng nêu lên lý tưởng của mình:

+ “Mười vạn tinh binh”, “Tiếng chiêng dậy đất”, “Bóng tinh rợp đường” => Hình ảnh âm thanh hào hùng => Niềm tin sắt đá, sự quyết tâm, khát vọng lớn lao, cao cả về một sự nghiệp lẫy lừng

– Mục đích ra đi: làm cho rõ mặt phi thường=> chứng tỏ khả năng hơn người, bản lĩnh, ý chí phi phàm => ND đã thể hiện hình ảnh người anh hùng oai phong, bản lĩnh với lý tưởng cao cả, ý chí, hoài bão lớn lao.

– Lời hứa: “Sẽ rước nàng nghi gia”. Một lời hứa sẽ cho Thúy Kiều một cuộc sống có danh phận, viên mãn bên người chồng thành công trong sự nghiệp =>Từ Hải là người anh hùng có chí khí, thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.

+“Bốn bể không nhà”: Thực tế gian nan, vất vả của buổi đầu lập nghiệp.

-Lời hẹn: “Một năm sau”: Khẳng định ý chí, bản lĩnh, sự tự tin.

=> Những câu sau không chỉ nói lên hoàn cảnh thực tại của người anh hùng đầy rẫy những khó khăn mà còn nói lên tính cách rất dứt khoát, chí khí nhưng cũng rất tâm lí, gần gũi của Từ Hải.

* 2 câu cuối: Tầm vóc kỳ vĩ của người anh hùng Từ Hải khi dứt áo ra đi vì nghĩa lớn.

+ Hành động: “Quyết lời” + “dứt áo ra đi”=>Thái độ, cử chỉ, hành động dứt khoát, không hề do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và cản bước ý chí của người anh hùng.

+ Ẩn dụ: “Chim bằng”: Tượng trưng về người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ. =>Đem hình ảnh chim bằng để ẩn dụ cho tư thế ra đi của Từ Hải, Nguyễn Du muốn khẳng định Từ Hải chính là bậc anh hùng cái thế, có tầm vóc phi thường, sánh ngang với đất trời, vũ trụ.

Tiểu kết: Thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của Nguyễn Du: chân dung kì vĩ, chí khí, bản lĩnh, tài năng phi thường, thực hiện giấc mơ công lí.

b.Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật bằng những hình ảnh ước lệ. Thông qua hành động, lời thoại trực tiếp, thể hiện sự tự tin, bản lĩnh nhân vật => Lý tưởng hóa nhân vật mang cảm hứng ngợi ca

3. Liên hệ với thực tiễn của thanh niên ngày nay

– Lý tưởng sống là cái đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà mỗi con người mong mỏi đạt được. Người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình xã hội và đất nước.

– Thanh niên sống phải có lý tưởng, và quyết tâm thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình. Trên thực tế có khá nhiều thanh niên đã và đang sống với lý tưởng cao đẹp, đáng ngợi ca. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn 1 số thanh niên sống không lý tưởng, sống ích kỷ… cần lên án

– Là 1 học sinh thanh niên của thế kỉ XXI với bước hội nhập hiện nay, em sẽ ra sức học tập và sống có lý tưởng để thật sự là 1 người có ích cho xã hội.

1,0

4,0

1,0

Lưu ý : Trên đây chỉ là những định hướng. Giám khảo linh hoạt khi chấm bài . Thưởng điểm cho bài viết sáng tạo, giàu chất văn

Bài viết gợi ý: