CHƯƠNG 10: VI KHUẨN - NẤM - ĐỊA Y
A. Kiến thức trọng tâm
1. Vi khuẩn:
- Cấu tạo: cơ thể đơn bào, tế bào có vách bao bọc, trong là chất tế bào, chưa có nhân hoàn chỉnh.
- Vai trò của vi khuẩn :
*Vi khuẩn có ích:
- Đối với cây xanh:
+ Phân hủy xác động vật, lá cây rụng xuống thành mùn rồi thành muối khoáng cung cấp cho cây.
+ Một số vi khuẩn có khả năng cố định đạm cung cấp cho cây.
- Đối với con người:
+ Trong đời sống: vi khuẩn gây hiện tượng lên men -> con người ứng dụng làm muối dưa, sữa chua…..
+ Trong CNSH: vi khuẩn tổng hợp protein, vitamin B12, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.
– Đối với tự nhiên: Vi khuẩn góp phần hình thành than đá, dầu lửa.
*Vi khuẩn gây hại:
-Vi khuẩn gây bệnh cho người, vật nuôi, cây trồng.
- Vi khuẩn gây hiện tượng thối rửa làm hỏng thức ăn, ô nhiễm môi trường.
2. Nấm:
- Cấu tạo: gồm những sợi không màu, 1 số ít có cấu tạo đơn bào. Cơ quan sinh sản là mũ nấm, sinh sản bằng bào tử. Sống dị dưỡng (kí sinh hoặc hoại sinh)
- Vai trò và tác hại:
+ Làm thức ăn, thuốc, sản xuất rượu bia, thực phẩm...phân giải chất hữu cơ thành vô cơ
+ Một số gây bệnh cho người và cây trồng
3. Địa y:
- Cấu tạo: gồm tảo và nấm cộng sinh. Hình vảy, bản mỏng hoặc giống một cành cây sống bám trên gỗ, đá. Bên trong là những tế bào tảo xanh xen lẫn sợi nấm không màu.
- Vai trò: phân hủy đá thành đất, làm thức ăn cho động vật khác, để chế tạo nước hoa hay thuốc...
B. Câu hỏi và bài tập
I. Phần tự luận
Câu 1: Trình bày đặc điểm của vi khuẩn?
Trả lời:
- Hình dạng: rất đa dạng, có dạng hình cầu, hình que, hình phẩy, xoắn……
- Kích thước: rất nhỏ, khoảng 1/1000 mm.
- Cấu tạo: rất đơn giản.
+ Cấu tạo đơn bào, cơ thể là một tế bào
+ Tế bào chưa có nhân hoàn chỉnh và không có diệp lục.
- Dinh dưỡng:
+ Dị dưỡng: hoại sinh, ký sinh.
+ Một số tự dưỡng.
- Phân bố: khắp mọi nơi với số lượng lớn.
- Sinh sản: rất nhanh bằng cách phân đôi.( sinh sản vô tính)
Câu 2: Trình bày đặc điểm của nấm?
Trả lời:
Nấm có các đặc điểm sau:
- Kích thước: đa dạng, từ những nấm rất nhỏ phải nhìn bằng kính hiển vi đến những nấm lớn.
- Cấu tạo:
+ gồm những sợi không màu, một số có cấu tạo đơn bào ( nấm men).
+ tế bào có trên 2 nhân.
- Dinh dưỡng: nấm dị dưỡng bằng cách hoại sinh hoặc ký sinh, một số nấm cộng sinh.
- Sinh sản: bằng bào tử. Cơ quan sinh sản là túi bào tử hoặc mũ nấm.
Câu 3: Trình bày đặc điểm cấu tạo của địa y?
Trả lời:
- Địa y là một dạng đặc biệt được hình thành do một số loại tảo và nấm cộng sinh với nhau:
+ Tảo màu xanh: chế tạo chất hữu cơ nuôi sống cả 2 bên.
+ Sợi nấm không màu: hút nước và muối khoáng cung cấp cho tảo.
- Địa y có dạng hình vảy hoặc hình cành, sống bám trên cành cây.
Câu 4: Tại sao thức ăn bị ôi thiu? Muốn giữ cho thức ăn khỏi bị thiu thì phải làm thế nào?
Trả lời:
+ Thức ăn: rau, quả, thịt, cá ... để lâu sẽ bị các vi khuẩn hoại sinh gây thối rữa nên bị ôi thiu.
+ Muốn giữ cho thức ăn khỏi bị ôi thiu cần phải biết bảo quản thực phẩm như phơi khô, làm lạnh, ướp muối, ...
Câu 5: Thành phần của địa y gồm những gì? Vì sao gọi là cộng sinh?
Trả lời:
- Thành phần của địa y gồm : một số tảo và nấm cộng sinh.
- Gọi là cộng sinh vì: Nấm hút nước và muối khoáng cung cấp cho tảo. Tảo có diệp lục chế tạo chất hữu cơ để nuôi sông cả nấm và tảo.
II. Phần trắc nghiệm
(Check đáp án ở cuối bài)
Câu 1. Vi khuẩn có đặc điểm nào sau đây ?
A. Có cấu tạo đơn bào, sống độc lập hoặc thành cặp, nhóm
B. Kích thước rất nhỏ bé, chưa có nhân hoàn chỉnh
C. Tất cả các phương án đưa ra
D. Có hình thái đa dạng : hình que, hình cầu, hình dấu phẩy,…
Câu 2. Vi khuẩn nào dưới đây có khả năng tự dưỡng ?
A. Vi khuẩn lactic
B. Vi khuẩn lam
C. Vi khuẩn than
D. Vi khuẩn thương hàn
Câu 3. Ở vi khuẩn tồn tại bao nhiêu phương thức dinh dưỡng chủ yếu ?
A. 4
B. 3
C. 1
D. 2
Câu 4. Giữa vi khuẩn cố định đạm và cây họ Đậu đã hình thành nên mối quan hệ nào dưới đây ?
A. Cạnh tranh
B. Cộng sinh
C. Kí sinh
D. Hội sinh
Câu 5. Người ta đã “lợi dụng” hoạt động của vi khuẩn lactic để tạo ra món ăn nào dưới đây ?
A. Bánh gai
B. Giả cầy
C. Giò lụa
D. Sữa chua
Câu 6. Để bảo quản thực phẩm trước sự tấn công của vi khuẩn hoại sinh, chúng ta có thể áp dụng phương pháp nào sau đây ?
A. Tất cả các phương án đưa ra
B. Sấy khô
C. Ướp muối
D. Ướp lạnh
Câu 7. Khả năng phân hủy xác sinh vật phản ánh hình thức dinh dưỡng nào ở vi khuẩn ?
A. Cộng sinh
B. Hoại sinh
C. Hội sinh
D. Kí sinh
Câu 8. Khi nói về mốc trắng, nhận định nào dưới đây là không chính xác ?
A. Thường tìm thấy trong cơm để lâu ngày, ruột bánh mì để thiu
B. Tồn tại vách ngăn giữa các tế bào trong sợi nấm
C. Sinh sản bằng bào tử
D. Không chứa diệp lục
Câu 9. Chất kháng sinh pênixilin được sản xuất từ một loại
A. Nấm men.
B. Mốc trắng.
C. Mốc tương.
D. Mốc xanh.
Câu 10. Loại nấm nào dưới đây được sử dụng làm thức ăn cho con người ?
A. Nấm than
B. Nấm sò
C. Nấm men
D. Nấm von
Câu 11. Ở người, bệnh nào dưới đây do nấm gây ra ?
A. Tay chân miệng
B. Á sừng
C. Bạch tạng
D. Lang ben
Câu 12. Loại nấm nào dưới đây thường gây hại trên cây ngô ?
A. Nấm thông
B. Nấm von
C. Nấm than
D. Nấm lim
Câu 13. Những loài nấm độc thường có điểm đặc trưng nào sau đây ?
A. Tỏa ra mùi hương quyến rũ
B. Thường sống quanh các gốc cây
C. Có màu sắc rất sặc sỡ
D. Có kích thước rất lớn
Câu 14. Nấm sinh sản chủ yếu theo hình thức nào ?
A. Sinh sản bằng hạt
B. Sinh sản bằng cách nảy chồi
C. Sinh sản bằng cách phân đôi
D. Sinh sản bằng bào tử
Câu 15. Trong địa y, các sợi nấm có vai trò gì ?
A. Tất cả các phương án đưa ra
B. Tiết chất độc xua đuổi kẻ thù
C. Tổng hợp chất hữu cơ
D. Hút nước và muối khoáng
Câu 16. Địa y thường được tìm thấy ở
A. các đầm lầy.
B. mặt đất.
C. mặt dưới của lá cây.
D. thân cây gỗ.
Câu 17. Từ địa y, người ta có thể sản xuất ra chế phẩm nào sau đây ?
A. Rượu
B. Phẩm nhuộm
C. Nước hoa
D. Tất cả các phương án đưa ra
Câu 18. Thành phần nào dưới đây không thể có trong cấu tạo của địa y ?
A. Nấm
B. Rêu
C. Vi khuẩn lam
D. Tảo
Câu 19. Địa y có thể có hình dạng nào dưới đây ?
A. Dạng búi sợi
B. Hình cành cây
C. Dạng vảy
D. Tất cả các phương án đưa ra
Câu 20. Chức năng quang hợp của địa y được thực hiện nhờ thành phần nào ?
A. Cả nấm và vi khuẩn lam
B. Nấm hoặc vi khuẩn lam
C. Tảo hoặc vi khuẩn lam
D. Cả nấm và tảo
ĐÁP ÁN
1C. 2B. 3D. 4B. 5D. 6A. 7B. 8B. 9D. 10B. 11D. 12C. 13C. 14D. 15D. 16D. 17D. 18B. 19D. 20C ./.
Hết!!!