Câu 1 (8 điểm)

THƯỢNG ĐẾ CŨNG KHÔNG BIẾT

Thượng đế lấy đất sét nặn ra con người. Ngài nặn xong vẫn còn thừa ra một mẩu đất.

- Còn nặn thêm cho mày gì nữa, con người ? – Ngài hỏi

Con người suy nghĩ một lúc: có vẻ như đã đủ đầy tay, chân, đầu… rồi nói:

- Xin Ngài nặn cho con hạnh phúc.

Thượng đế, dù thấy hết, biết hết nhưng cũng không hiểu được hạnh phúc là gì. Ngài trao cục đất cho con người và nói:

- Này, tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc.

 (Trích Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống,  tập 2, NXB Công an ND)

 Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa câu chuyện trên.

1. Phân tích văn bản và rút ra bài học:

- Thượng đế là đấng toàn năng có khả năng “biết hết”, hiểu hết  mọi chuyện và tạo nên con người nhưng không thể nào hiểu được “hạnh phúc” là gì nên không thể “nặn” được hạnh phúc để ban tặng cho loài người.

- Con người: được thượng đế trao tặng nên sẵn có đầy đủ các bộ phận cơ thể  (yếu tố vật chất) nhưng lại không sẵn có  hạnh phúc (yếu tố tinh thần). Vì thế, thượng đế yêu cầu con người “tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc”.

- Câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: Hạnh phúc không bao giờ sẵn có hay là món quà được ban tặng, hạnh phúc của con người do chính con người tạo nên.

2. Giải thích:

- Hạnh phúc là trạng thái tâm lí vui vẻ, thoải mái, dễ chịu khi thỏa mãn được một sở nguyện , một mong muốn nào đó .

- Không sẵn có: Không bày ra để con người chiếm lĩnh dễ dàng và tùy tiện sử dụng hoặc phung phí

- Tự tạo ra: Hạnh phúc chỉ có được khi tự  mình nỗ lực, cố gắng để đạt được

3. Bàn luận

- Hạnh phúc là khát vọng, là mong muốn, là đích đến của con người trong cuộc sống. Mỗi người có một quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Có thể nhận thấy hạnh phúc gắn liền với trạng thái vui sướng khi con người cảm thấy thỏa mãn ý nguyện nào đó của mình.

- Hạnh phúc không phải thứ có sẵn hay là món quà được ban phát. Hạnh phúc phải do chính con  người tạo nên từ những hành động cụ thể.

- Khi tự mình tạo nên hạnh phúc, con người sẽ cảm nhận sâu sắc giá trị của bản thân và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.  Đó cũng chính là thứ hạnh phúc có giá trị bền vững nhất.

- Phê phán lối sống dựa dẫm, ỷ lại trông chờ hoặc theo đuổi những hạnh phúc viển vông, mơ hồ.Bên cạnh đó, có một số người không biết đón nhận hạnh phúc khi mang những suy nghĩ bi quan,tiêu cực           (Lấy dẫn chứng từ thực tế cuộc sống)

4. Bài học nhận thức và hành động

- Cần có nhận thức đúng đắn về hạnh phúc trong mối quan hệ với cuộc sống của bản thân. Biết cảm thông, chia sẻ, hài hòa giữa hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc của mọi người.

- Biết vun đắp hphúc bằng những việc làm cụ thể, biết trân trọng, gìn giữ hạnh phúc.

Câu 2 (12 điểm)

Có ý kiến cho rằng :  “Văn học lãng mạn không quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó có thể là và phải là” (Arixtot)

Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Làm sáng tỏ ý kiến qua hai tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

1.Giải thích

 - Văn học lãng mạn: Trào lưu văn học lớn xuất hiện ở Châu Âu cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Ở Việt Nam, văn học lãng mạn ra đời và phát triển trong giai đoạn 1930 – 1945. Văn học lãng mạn là tiếng nói của cái tôi cá nhân giàu cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng, diễn tả những khát vọng, ước mơ của con người vượt lên trên thực tại khách quan.

- Thế giới như nó đang là: thế giới của thực tại khách quan đang xảy ra, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người.

- Thế giới có thể là và phải là: thế giới trong mơ ước, trong khát vọng, mong muốn chủ quan của tác giả.

=> Như vậy, ý kiến đề cập đến một đặc điểm của văn học lãng mạn là thoát li hiện thực khách quan, hoặc nếu có viết về hiện thực thì cũng nhằm hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn trong mơ ước, mong muốn hiện thực hóa thế giới mơ ước ấy theo ý muốn chủ quan.

2. Bàn luận

- Văn học lãng mạn là tiếng nói của cái tôi tiểu tư sản, cái tôi được giải phóng khỏi những ràng buộc của xã hội cũ, mong muốn được khẳng định mình giữa cuộc đời.

- Thực tế xã hội kim tiền không cho họ thực hiện được ước mơ nên họ tìm cách thoát li để xây dựng một thế giới mộng ảo như mình mong muốn.

- Văn học lãng mạn lánh xa những vấn đề nóng bỏng của thời đại là đấu tranh giai cấp và cuộc sống đói nghèo của nhân dân.

- Tuy nhiên, có nhiều nhà văn lãng mạn có khuynh hướng đi gần với hiện thực đời thường, song hiện thực đó cũng chưa phải là vấn đề cấp thiết nhất mà nhà văn muốn đề cập trong tác phẩm.

3. Chứng minh qua “Hai đứa trẻ” và “Chữ người tử tù”

a. Hai đứa trẻ:

- Thế giới như nó đang là: một phố huyện nghèo xơ xác, im lìm, đầy bóng tối với những con người sống cầm chừng, lay lắt, những đứa trẻ nghèo đáng thương. Dù không thoát li hiện thực như các nhà văn lãng mạn đương thời nhưng hiện thực mà Thạch Lam phản ánh không nhức nhối, khổ đau, cần lên án riết róng như trên trang văn của các nhà văn hiện thực.

- Thế giới có thể là, phải là: Thế giới hạnh phúc, sung túc, êm đềm trong quá khứ (qua hồi ức của Liên); thế giới đông đúc, ồn ào đầy ánh sáng, niềm vui (hình ảnh chuyến tàu đêm).

b. Chữ người tử tù:

-  Thế giới như nó đang là: thế giới của bất công, mọi giá trị bị đảo lộn; là nhà tù đầy bóng tối, độc ác, bẩn thỉu,…

- Thế giới có thể là, phải là: Thé giới của những bậc tài hoa, nghệ sĩ, yêu cái đẹp, trọng cái tài, quí cái thiện lương. Đấy là thế giới của cái đẹp, chiến thắng thế giới của cái xấu, cái ác, “chiến thắng thế giới như nó đang là”. Cảnh cho chữ diễn ra trong một thé giới đặc biệt xưa nay chưa từng có với ánh sáng của ngọn đuốc, mùi thơm của chậu mực, của những bậc tài hoa, nghệ sĩ trong gong cùm vẫn uy nghi, đĩnh đạc sáng tạo cái đẹp.

4. Đánh giá

- Hai đứa trẻChữ người tử tù thực sự là những tác phẩm văn học lãng mạn, đã tạo ra được thế giới như nó có thể là, phải là – thế giới tốt đẹp trong mơ ước của con người, đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho con người.

- Hai nhà văn đã miêu tả thế giới ấy bằng tài năng nghệ thuật độc đáo, với những thủ pháp đặc trưng của văn học lãng mạn như tương phản, đối lập; nghệ thuật xây dựng tình huống, nhân vật; sử dụng ngôn ngữ, chi tiết;…

- Tuy nhiên việc miêu tả thế giới như nó có thể là và phải là cũng là hạn chế của văn học lãng mạn vì đã thoát li, quay lưng với những vấn đề nóng bỏng của xã hội.

Bài viết gợi ý: