Câu 1 (8.0 điểm)

Dù chúng ta sống dưới cùng một bầu trời nhưng mỗi người có một khung trời riêng.

Lấy khung trời riêng làm chủ đề, anh/chị hãy viết bài văn bàn luận về ý kiến trên.

Câu 2(12.0 điểm)

Trong diễn từ nhận giải Nobel văn học 2016, Bob Dylan cho rằng: “Bất cứ ai viết một cuốn sách, một bài thơ hay một vở kịch ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể nuôi dưỡng giấc mơ bí mật từ trong sâu thẳm. Có thể nó được chôn sâu đến mức chính họ cũng không nhận ra.”

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy bình luận về giấc mơ của Thạch Lam trong “Hai đứa trẻ” và giấc mơ của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù.”

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

Câu 1 (8.0 điểm)     

*Giải thích :

- Bầu trời: không gian sinh tồn, cuộc sống của con người nói chung.

- Khung trời riêng: không gian riêng tư, cuộc sống cá nhân của mỗi con người.

-> Nội dung nghị luận: Trong cuộc đời, mỗi con người ai cũng có một đời sống riêng.

 * Bàn luận:

- Mỗi người có một khung trời riêng.

+ Khung trời riêng là nơi con người được sống là mình: thể hiện cá tính, bản sắc; theo đuổi những đam mê, khát vọng; xử lí các mối quan hệ của mình...

+ Khung trời riêng là nơi con người sống với chính mình: đó là nơi con người cất giấu những bí mật, làm lành những vết đau ...

+ Mỗi người đều có khung trời riêng vì mỗi cá nhân là một bản thể, không ai có thể sống thay, sống hộ cuộc đời người khác.

- Mối liên hệ giữa khung trời riêng và bầu trời chung.

+ Khung trời riêng không phải là không gian cô lập, tách rời khỏi bầu trời chung mà là những mảnh ghép làm nên sự đa dạng, phong phú của đời sống.

+ Khung trời riêng cần được kết nối, hòa nhập với bầu trời chung để cuộc sống cá nhân tràn đầy sinh khí và năng lượng.

* Bài học: 

- Mỗi người cần xác lập khung trời riêng của bản thân và tôn trọng khung trời riêng của người khác.

- Con người cũng cần ý thức mình đang ở dưới một bầu trời chung để sống có trách nhiệm, sống có ý nghĩa.

Câu 2 (12 điểm)

* Giải thích

- Giấc mơ: mong muốn, khát vọng mà người nghệ sĩ gửi gắm trong sáng tác và thể hiện trong chủ đề, tư tưởng thẩm mĩ của tác phẩm.

- Giấc mơ bí mật từ trong sâu thẳm,có thể được chôn sâu đến mức chính họ cũng không nhận ra:

+ Giấc mơ của người nghệ sĩ được thoát ra từ hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, có thể vượt ra ngoài ý đồ sáng tạo của tác giả.

+ Giấc mơ là ước vọng tha thiết nhất của người sáng tạo, là tiếng nói của bản thể, đôi khi bản thân người nghệ sĩ cũng không ý thức rõ.

- Theo Bob Dylan, ý nghĩa thẩm mĩ của tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn học nói riêng vô cùng phong phú và không phải lúc nào cũng gắn với dụng ý nghệ thuật của người sáng tác.

+ Tác phẩm không chỉ thể hiện nhận thức, lí giải của nhà văn về hiện thực mà còn chứa đựng những giấc mơ về cuộc đời, là phương tiện để tác giả thực hiện sứ mệnh của  “người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp.”

+ Tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những giấc mơ bí mật, vì vậy nó là một cấu trúc mở thu hút sự kiếm tìm, khám phá, lí giải của người đọc.

* Phân tích, bình luận

- Giấc mơ của Thạch Lam trong “Hai đứa trẻ”:

+ Giấc mơ đưa con người thoát khỏi cuộc sống thực tại tối tăm, tù đọng để đến với cuộc sống sôi động đầy ánh sáng (phân tích bức tranh phố huyện và hình ảnh chuyến tàu đêm, hình ảnh ánh sáng và bóng tối…); giấc mơ mỗi kiếp nhân sinh là một cuộc đời có ý nghĩa chứ không phải là sự tồn tại leo lét, vô danh (phân tích hình ảnh hai đứa trẻ và cảnh chờ tàu…)

+ Giấc mơ của Thạch Lam gửi vào hình tượng hai đứa trẻ nên vừa bé nhỏ, vừa lớn lao; vừa  giàu giá trị nhân bản vừa có tính thời sự; có tác dụng thức tỉnh con người.

+ Giấc mơ của Thạch Lam chạm tới những vấn đề mang tính chất triết lí: ý nghĩa của sự sống, tình trạng sống mòn, sống hay không sống...

- Giấc mơ của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù”

+ Giấc mơ về sự chiến thắng của cái đẹp, sự song hành của cái thiện và cái đẹp trong cuộc đời (phân tích tình huống gặp gỡ giữa Huấn Cao và quản ngục, cảnh cho chữ, lời khuyên của ông Huấn…), giấc mơ phục hưng nét đẹp của nền văn hóa cổ truyền.

+ Giấc mơ của NTuân được kí thác vào bộ ba nhân vật mang vẻ đẹp lí tưởng: Huấn Cao, quản ngục, thầy thơ lại, thể hiện khao khát hướng thiện và hướng thượng của con người.

+ Giấc mơ của Nguyễn Tuân giàu giá trị nhân văn, là khao khát muôn thuở mà nhân loại theo đuổi; giấc mơ thể hiện cái tâm, cái tầm của một nhà văn lớn.

- So sánh

 + Giống nhau: Đó là những giấc mơ của người nghệ sĩ lãng mạn, muốn phủ định thực tại, hướng tới lẽ sống nhân đạo và những giá trị cao quý.

+ Khác nhau: Mỗi nhà văn thể hiện giấc mơ của mình theo một lối riêng (giấc mơ của Thạch Lam sâu lắng như một bài thơ trữ tình đượm buồn, được thể hiện qua tình huống tâm lí và giọng tâm tình nhẹ nhàng; giấc mơ của Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp cao khiết, được thể hiện qua tình huống giàu kịch tính và lối viết tài hoa uyên bác của nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp”)

* Mở rộng, nâng cao.

- Ý nghĩa của nhận định: Những giấc mơ bí mật được chôn giấu làm cho tác phẩm văn học có chiều sâu vô tận, luôn luôn mới mẻ và hấp dẫn.

- Trong diễn từ nhận giải Nobel, giấc mơ bí mật mà Bob đề cập còn có thể hiểu là giấc mơ được sáng tạo, được khẳng định và ghi nhận của nghệ sĩ muôn đời.

Bài viết gợi ý: