Đề 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa Thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

                                                                                          ( Mẹ - Trần Quốc Minh)

1.Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

2. Khi tiếng ve “lặng rồi” thì âm thanh gì vẫn vang lên? Âm thanh ấy có tác dụng gì?

3. Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

4. Nội dung chính của bài thơ là gì?

Đáp án

Câu 1: Phương thức biểu đạt của văn bản trên là phương thức biểu cảm.

Câu 2: Khi tiếng ve “lặng rồi” thì trong nhà của “em” vẫn vang ngân lời ru “ạ ời” của mẹ . Tác dụng của âm thanh “ạ ời”: Lời hát ru của mẹ như đưa gió “mùa Thu” về bên con, xua đi cái oi ả, cái nóng gay gắt của ngày hè, mang lại cảm giác dễ chịu cho đứa con của mình.

Câu 3: Học sinh có thể  chỉ ra và nêu tác dụng của 2 biện pháp trong một số biện pháp tu từ sau:

*Đảo ngữ: “Lặng rồi cả tiếng con ve”

Đảo tính từ “lặng rồi” lên đầu câu

Tác dụng: Tô đậm cái oi ả, nóng bức của ngày hè đến nỗi mà con ve còn phải im bặt tiếng

*Nhân hoá:  “Những ngôi sao thức ngoài kia”, “thức” là động từ chỉ dành cho người

Tác dụng: làm tăng sức biểu cảm, làm cho hình ảnh thơ sống động, có hồn.

*So sánh: So sánh ngang bằng: “mẹ là ngọn gió của con suốt đời”

Tác dụng: +Ngọn gió gạt đi bao mồ hôi của con trong suốt chặng đường đời, ngọn gió luôn bên con, luôn mang đến cho con những điều mát lành, dịu dàng nhất. So sánh người mẹ với ngọn gió như vậy, tác giả đã thể hiệu niềm kính yêu, trân trọng của mình với mẹ, đồng thời cũng cho người đọc thấy công lao to lớn của mỗi người mẹ, không chỉ là người mẹ của tác giả mà còn là những người mẹ - Người phụ nữ Việt Nam

+Tăng hiệu quả cho diễn đạt

+Giúp người đọc hình dung rõ hơn hình ảnh của sự vật, hiện tượng

*So sánh không ngang bằng: “ những ngôi sao thức ngoài kia – chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con”.

Tác dụng: +Ngôi sao là những vì tinh tú, những gì được coi là vĩnh hằng nhất của thế giới ngoài kia. Nhưng trong đêm tối, dù những ngôi sao ấy lúc nào cũng thức, cũng toả sáng cho nhân loại nhưng cũng không thể so sánh được với tình cảm mẹ dành cho lũ con thơ, mẹ luôn luôn thức vì các con, lo nghĩ cho các con, và thức để chăm sóc cho các con, tình cảm của mẹ vượt qua mọi biên giới, tình mẫu thử thiêng liêng hơn cả những điều vĩnh hằng như ngôi sao kia trong cuộc đời này.

+Tăng hiệu quả cho diễn đạt

+Giúp người đọc hình dung rõ hơn hình ảnh của sự vật, hiện tượng

*Ẩn dụ: “giấc tròn”

Tác dụng:  + gợi những liên tưởng thú vị cho người đọc: giấc tròn ở đây không chỉ gợi đến giấc ngủ no nê của nhân vật “con”, mà còn gợi đến cuộc sống sung túc sau này, cuộc sống đủ đầy ấy được gây dựng và chắp cánh bởi người mẹ kính yêu – ngọn gió của “con”.

* Điệp từ chuyển tiếp ( điệp từ vòng): “ Lặng rồi cả tiếng CON VE- CON VE cũng mệt vì hè nắng oi”

Tác dụng: tạo nhịp điệu cho lời thơ, gây ấn tượng mạnh bởi hình ảnh con ve lặng tiếng, tô đậm lên cái oi bức, khắc nghiệt của ngày hè.

 

4. Nội dung chính của bài thơ là:

-Khắc hoạ rõ nét hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm với lời ru ngọt ngào, với tình yêu thương con vô bờ bến, và tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp.

-Thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc của tác giả đến người mẹ của mình

Bài viết gợi ý: