ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2014
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I (2,0 điểm)
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 12,
Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.125)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả? (0,5 điểm)
2. Nêu ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm” trong đoạn thơ. (0,5 điểm)
3. Xác định các dạng của phép điệp trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. (1,0 điểm)
Câu II (3,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Anh/Chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ chủ kiến của mình.
Câu III (5,0 điểm)
Về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Đàn Ghi ta của Lor- ca của Thanh Thảo, có ý kiến cho rằng: Đó là mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng Lor-ca, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

(Hướng dẫn chấm – Đáp án – Thang điểm có 03 trang)

Đọc đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi và thực hiện các yêu cầu 2,0

Yêu cầu chung –

Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản văn học thuộc thể thơ trữ tình để làm bài.

– Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của đoạn trích, chỉ kiểm tra một số khía cạnh. Cảm nhận của thí sinh có thể phong phú, nhưng cần nắm bắt được tâm tình của tác giả, hiểu được giá trị biểu đạt của tiếng Việt, thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật được dùng trong đoạn trích.

Yêu cầu cụ thể

1. Đoạn thơ thể hiện niềm vui lớn về quyền làm chủ đất nước, niềm tự hào về tinh thần bất khuất của con người Việt Nam. 0,5

2. Ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm”: vừa có tính tả thực vừa có tính tượng trưng, gợi tiếng nói cha ông xưa luôn hiện diện cùng con cháu hôm nay, nhắc nhủ về truyền thống bất khuất của giống nòi. 0,5 3.

Các dạng của phép điệp và hiệu quả nghệ thuật trong đoạn thơ 1,0

I – Các dạng của phép điệp: điệp từ (của, những, nước, chúng ta,…); điệp ngữ (đây là của chúng ta); điệp cấu trúc cú pháp (Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta; Những cánh đồng…/ Những ngả đường…/ Những dòng sông…).

– Hiệu quả nghệ thuật: góp phần tạo nên nhịp thơ dồn dập, âm hưởng hào hùng, giọng điệu hùng biện; tạo sự xuất hiện liên tiếp của hình ảnh, mở ra bức tranh toàn cảnh một giang sơn giàu đẹp; khẳng định mạnh mẽ quyền làm chủ và bộc lộ mãnh liệt niềm tự hào của tác giả. Bày tỏ thái độ và chủ kiến của mình về ý kiến: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. 3,0

Yêu cầu chung II

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Yêu cầu cụ thể

1. Giải thích ý kiến 0,5

– “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”: người đã đóng góp tất cả khả năng cho đời, thì được tận hưởng tất cả những gì chính đáng trong cuộc sống; vừa tận hiến, vừa tận hưởng.

– Ý kiến này có hai khía cạnh: thứ nhất, coi đó là phương châm sống tích cực của con người hiện đại; thứ hai, coi phương châm ấy luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.

2. Bàn luận 1,5

– Thí sinh cần làm rõ: phương châm sống trên có hoàn toàn tích cực không? Có luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh không?

– Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình phần nào đó với ý kiến. Dù theo khuynh hướng nào thì cũng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí.

3. Bày tỏ quan điểm của bản thân 1,0

Từ nhận thức và trải nghiệm riêng, thí sinh cần bày tỏ quan điểm của chính mình về cống hiến

– hưởng thụ, về sự hợp lí của mối quan hệ cống hiến

– hưởng thụ đối với con người hiện đại khi ở trong hoàn cảnh bình thường và khi sống trong hoàn cảnh bất thường, nhất là ở thời điểm cần có sự hi sinh, cống hiến.

Cảm nhận về hình tượng Lor-ca trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo và bình luận các ý kiến… 5,0

Yêu cầu chung

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

Yêu cầu cụ thể

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm 0,5

– Thanh Thảo là một gương mặt tiêu biểu của thơ chống Mĩ; cũng là cây bút luôn nỗ lực cách tân sau 1975, nổi bật là sự tìm kiếm những cách biểu đạt mới trong thơ.

– Đàn ghi ta của Lor-ca là bài thơ lấy cảm hứng từ cái chết bi phẫn của nhà thơ lớn người Tây Ban Nha bị bọn độc tài Phrăng-cô giết hại năm 1936

2. Giải thích các ý kiến 0,5

– Ý kiến thứ nhất: nghệ sĩ

– chiến sĩ là người vừa hoạt động nghệ thuật vừa tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội; ý kiến đã nhìn nhận Lor-ca gắn với đấu trường chính trị, với cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại chế độ độc tài.

– Ý kiến thứ hai: nghệ sĩ thuần túy là người chỉ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đam mê và chuyên chú sáng tạo cái đẹp;

ý kiến đã nhận định Lor-ca trong đời sống nghệ sĩ, trước sau chỉ thuộc về niềm đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng đã bị giết hại bi thảm, oan khuất.

3. Cảm nhận về hình tượng Lor-ca 3,0

Thí sinh có thể cảm nhận theo những hướng khác nhau, nhưng cần làm rõ các phương diện chính của hình tượng Lor-ca:

– Nội dung hình tượng: chân dung người nghệ sĩ tài hoa, lãng tử, đơn độc; số phận oan khuất, bi thảm; sự bất tử của Lor-ca cùng nghệ thuật của ông

– Nghệ thuật khắc họa: bút pháp tượng trưng, siêu thực; lời thơ giàu nhạc tính; nghệ thuật đối lập, nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác,…

4. Bình luận về các ý kiến 1,0

– Hai ý kiến trên là hai cách đánh giá, cảm nhận về hình tượng Lor-ca. Ý kiến thứ nhất xuất phát từ con người Lor-ca ngoài đời để hiểu hình tượng Lor-ca trong tác phẩm; ý kiến thứ hai xuất phát từ văn bản tác phẩm để hiểu hình tượng Lor-ca.

– Thí sinh có thể bày tỏ quan điểm riêng của mình về các ý kiến; cần nhận thức được việc tham khảo những tài liệu ngoài văn bản là cần thiết, nhưng căn cứ cuối cùng và quan trọng nhất trong cảm thụ nghệ thuật nói chung, cảm nhận hình tượng Lor-ca nói riêng, vẫn là văn bản tác phẩm

Lưu ý chung 1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định điểm chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm

của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có. 2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc. 3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục. 4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng. 5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

Đây là đề soạn theo cấu trúc cũ, các em vào link này để cập nhật những đề thi mới nhất nhé :
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12

Bài viết gợi ý: