Nghĩ về thơ, thi sĩ Hoàng Cầm từng khẳng định:
“Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm.”
Hãy lắng nghe âm điệu ấy trong một số bài thơ mà anh/chị tâm đắc.
Yêu cầu chung
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.
Yêu cầu cụ thể
Giải thích ý kiến
* Cắt nghĩa ý kiến:
– Âm điệu: là sự hòa điệu giữa cảm xúc thơ và tiết điệu ngôn ngữ, là dạng thức hết sức vi diệu của điệu hồn trong thơ. Cảm xúc được gợi ra từ nghệ thuật tổ chức các yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, thanh điệu, vần điệu, giọng điệu…
– Điệu hồn: chiều sâu xúc cảm, tinh thần của bài thơ.
=> Bằng cách nói khẳng định “chuyên chở”, Hoàng Cầm đã nhấn mạnh vai trò của của âm điệu trong thơ. Đây là phương tiện đắc lực trong việc thể hiện cảm xúc và linh hồn của bài thơ, cảm xúc hóa thân trong âm điệu thơ.
* Lí giải ý kiến:
– Đặc trưng của thơ là trữ tình, nghiêng về biểu hiện thế giới chủ quan của con người với trạng thái tình cảm, rung động (thơ là tiếng lòng, là rung cảm mãnh liệt của nhà thơ trước cuộc sống)
– Nội dung cảm xúc trong thơ được thể hiện qua cách tổ chức ngôn từ đặc biệt, hàm súc, giàu nhạc tính, cụ thể các yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, vần điệu, thanh điệu, giọng điệu… Đọc thơ, cảm được âm điệu coi như đã nhập được vào hồn thơ, chạm vào được “cõi thơ” thực sự.
Trong thực tế, có rất nhiều bài thơ mà sức hấp dẫn, sức sống của nó trong lòng người đọc bắt đầu từ âm điệu.
Lắng nghe âm điệu trong một số bài thơ tâm đắc
Thí sinh được tự do lựa chọn một vài thi phẩm mình tâm đắc để cảm nhận. Tuy nhiên cần tập trung vào những vấn đề chính sau:
– Các dấu hiệu nghệ thuật thuộc âm điệu bài thơ: từ thể thơ đến thanh điệu, nhịp điệu, vần điệu, giọng điệu, khoảng lặng ngôn từ… Mỗi thi phẩm có một âm điệu riêng với cách tổ chức các yếu tố nghệ thuật đó một cách đặc biệt.
– Cảm nhận rõ ý nghĩa của âm điệu trong việc bộc lộ cảm xúc, chiều sâu tư tưởng của thi phẩm:
+ Tạo nên sự hấp dẫn cho bài thơ về mặt nghệ thuật, đặc biệt là âm vang của lời thơ.
+ Dẫn dắt, hòa điệu tâm hồn người đọc vào thế giới cảm xúc lắng sâu cùng điệu hồn thi phẩm.
Bình luận ý kiến
– Ý kiến của thi sĩ Hoàng Cầm giúp ta nhận thức sâu sắc vai trò của âm điệu trong thơ. Chỉ khi bài thơ là kết quả của sự rung động mãnh liệt và sự sáng tạo độc đáo trong cách tổ chức ngôn từ thì âm điệu thơ mới trở nên ngân vang. Như thế, âm điệu đã trở thành tín hiệu thẩm mĩ quan trọng của bài thơ.
– Ý kiến ấy không chỉ có ý nghĩa với người sáng tác mà còn là sự định hướng, gợi mở cho người tiếp nhận, đọc thơ, cần “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, cần nắm bắt âm điệu thơ để đến được điệu hồn thi phẩm.
– Từ phương diện âm điệu, có thể thấy được thực tài, thực tâm của người nghệ sĩ, đó cũng là một yêu cầu để thi phẩm có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.
Xem thêm :