ĐỀ BÀI: Phân tích sự hóa thân của Mị Châu trong “truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” và Tấm trong cổ tích “Tấm Cám”.
Bài làm
“ Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để lên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
(Tố Hữu)
Như cô Tấm chết đi sống lại trong thân xác vàng anh, xoan đào, quả thị trên hành trình giành lại hạnh phúc. Trong cổ tích hóa thân không đơn thuần chỉ là phép màu. Những hình ảnh hóa thân đặt trong mạch chuyện có vai trò của riêng nó. Một ngàn năm sau, ta có còn thấu ý nghĩa của sự hóa thân ấy ?
Cổ tích là thế giới của những giấc mơ – giấc mơ về lẽ công bằng, về cái thiện chiến thắng cái ác, người tốt nhất định sẽ được hạnh phúc. Cái đẹp cái thiện trong cổ tích có sức sống rất bền bỉ, dù bị dập vùi cũng sẽ lại vươn lên mạnh mẽ. Nó được trợ giúp bởi phép màu. Có thể nói phép màu làm nên thế giới trong cổ tích, cho trí tưởng tượng thỏa sức bay bổng, mở ra con đường ở những tình tiết tưởng như đã rơi vào bế tắc. Phép lạ làm hồi sinh cái thiện theo nhiều cách khác nhau khi nó bị cái ác dồn đến cùng đường. Vì vậy, hóa thân đã trở thành bút pháp quen thuộc của cổ tích, là phương tiện cũng là cơ hội để giấc mơ được toàn vẹn đi đến kết thúc mong muốn. Cô Tấm bị hãm hại năm lần bảy lượt được hồi sinh từ tro bụi để trở về, kiên trì trên con đường giành lại hạnh phúc. Truyền thuyết là truyện dân gian kể về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Dẫu sự thật lịch sử không thể đổi thay nhưng dân gian bằng trí tưởng tượng của mình thể hiện cách đánh giá về các nhân vật lịch sử qua hình ảnh hoá thân của họ. Mị Châu sau khi chết hoá thân thành ngọc trai, ngọc thạch. Mỗi hóa thân của các nhân vật đều mang một ý nghĩa riêng mà tác giả dân gian đã kín đáo gửi gắm vào trong đó.
Nhân vật được hóa thân trong cổ tích “Tấm Cám” đại điện cho cái thiện được nhân dân yêu quý. Cô Tấm xinh đẹp, dịu dàng, nết na, lại chăm chỉ làm ăn, đảm đang khéo léo. Đó là chuẩn mực vẻ đẹp của những cô gái thôn quê ngày xưa. Tấm là đại diện của cái thiện đang trên cuộc hành trình chông gai đi tìm hạnh phúc. Còn Mị Châu, nàng là công chúa xinh đẹp tuyệt trần được An Dương Vương rất mực thương quý. Dù cho tình yêu mù quáng của nàng đã dẫn tới họa mất nước, song dân gian hết sức bao dung, để nàng hóa thân làm trai ngọc trường tồn cũng là để trân trọng tâm hồn trắng trong thanh sạch của nàng. Cái nhìn của nhân dân đối với Mị Châu vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất đỗi cảm thông.
Dù hóa thân bao nhiêu lần thì cả Tấm và Mị Châu- hai người con gái đẹp cũng đều hóa thân thành cái đẹp. Tấm hóa thành chim vàng anh, thành cây xoan đào, khung cửi rồi trở thành quả thị ngát hương. Chim vàng anh bé nhỏ đẹp ở cả dáng hình và giọng hót tràn đầy sức sống. Vua yêu vua gọi:
“Vàng ảnh vàng anh
Có phải vợ anh
Chui vào tay áo”
Vàng Anh là hiện thân của Tấm, mang theo cả tình yêu từ kiếp trước mà quấn quýt quanh vua. Cám ghen tức ra tay hãm hại, bắt vàng anh làm thịt, chỉ còn chút lông chôn ở góc vườn. Nhưng sức sống mãnh liệt chẳng thể triệt tiêu, lại từ đấy nảy nở đâm chồi, phát triển thành cây xoan đào. Xoan đào đẹp ở cách nó lặng thầm tỏa bóng, xoa dịu tâm hồn nhà vua. Không một lời yêu đương nhưng vua cảm nhận ở đó sự bình yên ấm áp, thường mắc võng dưới gốc cây nằm, chẳng ngó ngàng gì đến Cám. Thế là Cám chặt cây đem làm khung cửi. Khung cửi đẹp trong tính chất công việc khi nó dệt nên những tấm vải. Hóa thân thành khung cửi không chỉ phù hợp với mạch phát triển của câu chuyện mà còn làm toát lên nét đảm đang của Tấm. Và một lần nữa, cái ác lại ra tay. Khung cửi bị đốt chỉ còn lại nắm tro đem đổ thật xa hoàng cung. Không mệt mỏi, Tấm lại hóa thân. Từ đám tro mọc lên cây thị kì lạ chỉ có duy nhất một quả trên cành cao. Quả thị đẹp, vỏ kín đáo bao bọc Tấm ở bên trong nhưng sức sống, hương thơm thì vẫn lan tỏa, không sao kìm giữ. Tất cả những hóa thân của Tấm đều gắn bó với cuộc sống bình dị nơi thôn quê, đẹp cái đẹp đằm thắm dịu dàng mà tràn đầy sức sống, làm tôn lên nét đẹp của nàng.
Còn Mị Châu hóa thành ngọc trai, ngọc thạch bất diệt. Ngọc vốn là thứ thanh quý, là báu vật của trời đất. Ngọc trai sáng trong như tấm lòng của chính nàng. Thân xác ngọc thạch cũng mãi tồn tại cùng năm tháng. Mị Châu đã chết dưới lưỡi kiếm của vua cha nhưng linh hồn vẫn bất tử.
Dù hóa thân thành thứ gì thì đó đều là cái đẹp, lưu giữ và bộc lộ vẻ đẹp cả về ngoại hình và tâm hồn của Tấm và Mị Châu. Cái đẹp ấy dù bị đày đọa dập vùi cũng vẩn tồn tại bền bỉ, bất diệt.
Nhưng với mỗi hóa thân, tác giả dân gian lại gửi gắm thông điệp riêng. Hóa thân của Tấm và Mị Châu vì thế cũng mang những giá trị khác biệt.
Tấm không chỉ hóa thân một mà tới bốn lần, “một lần chết mấy lần đau” và mỗi lần là sự đánh dấu một bước trưởng thành mới trong hành trình giành lại hạnh phúc. Lần đầu, sau khi bị mẹ con Cám chặt cây cau, ngã chết, Tấm hóa vàng anh bay vào cung vua. Vàng anh đã sớm bộc lộ mình:
“Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch
Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao”
Vàng anh cất lời cảnh cáo Cám. Lời lẽ rất đanh, thậm chí ghê gớm. Tấm xưng “tao”, khẳng định “chồng tao”. Trải qua một lần chết, hẳn nhiên người ta không thể mãi còn là cô gái nhà quê chân đất suốt ngày chỉ biết bưng mặt khóc. Tấm đã biết lên tiếng đấu tranh. Lời của vàng anh là những lời phản kháng đầu tiên. Giọng nói ấy cất lên dù ghê gớm song cũng chỉ là lời nhắc nhở. Nhưng khiến kẻ ác chột dạ. Vàng anh đẹp đấy nhưng nhỏ bé, có thể làm được gì? Tấm một lần nữa bị hãm hại. Cám bắt thịt vàng anh, đem vứt lông ở góc vườn. Cái mới của cổ tích Tấm Cám là ở chỗ nó không giống như đa phần các truyện cổ tích khác như “nàng tiên hổ”. Nàng tiên hổ sau khi đốt bỏ lốt hổ đã có thể sống hạnh phúc bên người yêu, câu chuyện cũng kết thúc ở đấy. Nhưng tác giả dân gian không để Tấm xé bỏ lốt vàng anh trở về hình người. Hành trình giành lại hạnh phúc của Tấm còn là hành trình đấu tranh của cái thiện, có thể đơn giản được chăng? Vàng anh đẹp đấy nhưng yếu ớt quá, mà chỉ đẹp thôi đâu thể trở thành vũ khí chống lại cái ác.
Tấm tiếp tục trú ngụ trong hình hài mới: cây xoan đào. Cây xoan đào tỏa bóng mát cho vua. Vì ganh tị, Cám chặt cây làm khung cửi. Cả cây xoan đào và khung cửi đều cứng cáp, mạnh mẽ hơn chim vàng anh. Khung cửi cũng cất lên tiếng nói:
“Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra”
Lần này không chỉ là lời nhắc nhở. Câu nói ấy đã chỉ thẳng mặt Cám mà vạch tên, kể tội “lấy tranh chồng chị” và đe dọa. Mức độ đấu tranh trong lời nói đã tăng lên nhưng chỉ nói thôi là chưa đủ. Sớm bộc lộ, một lần nữa Tấm lại bị đẩy vào cùng đường. Khung cửi bị đốt ra tro, đem đi thật xa khỏi hoàng cung.
Từ tro tàn, Tấm hóa thân lần cuối. Lần này là sự đúc kết kinh nghiệm từ những trải nghiệm đớn đau trước nên có sự vượt trội hơn hẳn trong lựa chọn hình hài. Tấm ẩn thân và quả thị. Thị đẹp nhưng đẹp một cách bình dị. Hương thơm lan xa như vẻ đẹp và sức sống của chính Tấm nhưng không khiến người ta nảy sinh ganh ghét, đố kị. Những lần trước, Tấm hóa vàng anh, cây xoan, khung cửi, đẹp đấy, rạng ngời sức sống đấy nhưng không sao giấu được tiếng nói. Tất cả đều cất tiếng, bộc lộ quá sớm nên chịu chung kết cục bi thảm. Cuối cùng Tấm kín đáo ẩn mình trong lớp vỏ của một quả thị khiêm nhường xa cách chốn hoàng cung và chọn về ở cùng bà lão hàng nước phúc hậu. Khi bà lão ngước nhìn quả thị trên cành cao, hãy lắng nghe lời bà:
“ Thị ơi thị hỡi!
Thị rụng bị bà
Bà để bà ngửi
Chứ bà không ăn”
Và kì lạ thay, quả thị rụng xuống bị bà lão. Tấm đã hiểu ra rằng mầm thiện chỉ có thể nuôi dưỡng bằng mầm thiện. Và phải giữ sức, chờ thời cơ đấu tranh. Đã có cả một quá trình chuyển biến dữ dội của thế giới nội tâm giữa những lần chuyển kiếp. Tấm trưởng thành hơn, biết tạm xa chốn cung đình, kín đáo giấu tiếng nói sau vỏ thị. Nhưng dù có biến hóa bao nhiêu thì cũng vẫn là cô Tấm dịu hiền ấy thôi. Tấm đền ơn bà lão bằng cách nhân lúc bà đi vắng thì lo cơm nước, quét dọn nhà cửa. Rồi khi ra khỏi vỏ thị thì ở lại phụ bà bán quán, têm trầu. Chính nét đẹp tâm hồn không phai đổi ấy đã bắc cầu nối cho vua tìm được người vợ xưa, cho Tấm trở về hoàng cung sống êm đềm hạnh phúc.
Những hóa thân đã biến cái khổ đau của một cô gái nghèo bất hạnh thành một cuộc chiến đấu dẻo dai với thắng lợi to lớn. Nó thể hiện ước mơ thiên thắng ác của nhân dân lao động. Bằng cách xây dựng một loạt những hóa thân của cô Tấm, Tác giả dân gian đã khẳng định đấy là cuộc chiến đấu không khoan nhượng và sẽ gặp phải vô vàn hiểm nguy. Đừng chiến đấu vội, hãy biết chờ.
Cũng sử dụng phép hóa thân nhưng tác giả dân gian muốn gửi gắm trong câu chuyện về nàng Mị Châu một điều hoàn toàn khác. Mị Châu hóa thân không phải để hồi sinh mà là để minh oan cho chính nàng. Vì Mị Châu quá si tình, một lòng tin tưởng Trọng Thủy mà “nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Nàng tròn phận làm vợ mà quên đi phận công chúa của một quốc gia, dân tộc. Nàng có lỗi. Nhưng xét cho cùng, đó là vì qúa si tình và bị lừa chứ thâm tâm nàng chưa một lần có ý nghĩ phản bội đất nước. Chết dưới lưỡi gươm của cha, Mị Châu đã nguyền “thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại vua cha,chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Máu nàng chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Đó là sự minh oan, chiêu tuyết cho tâm hồn thanh sạch của nàng, chứng tỏ cái chết của nàng dù sao cũng là một nỗi oan tình đáng thương. Còn gì xứng đáng hơn trai ngọc để chứa đựng tâm hồn ấy. Ngọc trai trắng trong viên mãn như tâm hồn Mị Châu đến phút cuối vẫn vẹn toàn. Nhưng dù có thương xót cho nàng công chúa ngây thơ khờ dại, nhân dân vẫn rất nghiêm khắc khi trừng phạt. Tội ấy không thể không chết. Phần hồn hóa ngọc trai thì thân xác hóa ngọc thạch. Nhưng dù có hóa ngọc thạch cao quý thì đó vẫn là cái xác không đầu. Hình ảnh ấy ngàn năm sau còn ám ảnh, nhắc nhở về bài học mất nước
“Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu (…)
Anh cũng như em muốn nhắc Mị Châu
Đời còn giặc xin đừng quên cảnh giác
Nhưng nhắc sao được hai ngàn năm trước
Nên em ơi ta đành tự nhắc mình”
(Anh Ngọc)
Hóa thân của Mị Châu sau khi chết cho thấy tinh thần công lý nhân dân tuy nghiêm nhưng nhưng cũng đầy nhân hậu. Tội thì phải xử nhưng oan cũng cần được giải. Ngọc trai- ngọc thạch hai hình ảnh ấy là hóa thân của tâm hồn thanh sạch và thân xác tội lỗi của Mị Nương. Hai ngàn năm sau, hình ảnh ấy vẫn khảm sâu trong tâm hồn Việt, thì thầm dạy thế hệ đời sau bài học cảnh giác.
Hóa thân của Mị Châu và cô Tấm đẹp với những ý nghĩa hết sức khác nhau. Đa dạng trong hình ảnh hóa thân, sâu sắc trong bài học gửi gắm, dân gian đã dệt nên hai câu chuyện về sự hoá thân đặc sắc với những sáng tạo mới mẻ không hề trùng lặp, so với truyện dân gian Việt Nam cũng như nhiều tác phẩm có cốt truyện tương tự trên thế giới. Nhờ thế mà ta có một cô Tấm dịu dàng đằm thắm khác hẳn với cô bé Lọ Lem trong cổ tích phương Tây. Có một Mị Châu sáng trong với mối bi tình ngàn năm sau còn khiến hồn người rung động. Tất cả góp chung vào, làm nên sự phong phú cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Xem thêm :
- Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn Văn
- Soạn bài Tấm Cám Ngữ văn 10
- Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thủy