SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (…)

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 12 THPT

Thời gian làm bài: 150 phút

(Đề thi gồm: 02 trang)

Phần I. Đọc – hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Anh viết thâu đêm đánh vật từng trang
Rồi thao thức không sao ngủ được
Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gầm thét
Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian – đó là chiều dày những trang ta viết
Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Secxpia:
Tồn tại hay không tồn tại
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường
(Trích Cho Quỳnh những ngày xa, Lưu Quang Vũ, Theo Gió và tình yêu thổi trên
đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010)
Câu 1 (1,0 điểm): Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (2,0 điểm): Xác định giọng điệu chủ đạo của các câu thơ sau và nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung:
Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian – đó là chiều dày những trang ta viết
Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Secxpia:
Tồn tại hay không tồn tại
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Câu 3 (2,0 điểm): Theo anh (chị), điều tác giả muốn gửi gắm trong những câu thơ “Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại/ Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường/ Những ngày tháng bình thường” là gì?
Câu 4 (1,0 điểm): Từ đoạn thơ trên hãy rút ra cho mình một bài học có ý nghĩa.
Phần II. Làm văn (14,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm)
Từ gợi ý trong đoạn trích ở phần Đọc – hiểu và những trải nghiệm thực tế, anh (chị) hãy viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến: “Tồn tại hay không tồn tại/ Không có nghĩa là sống hay không sống/ Mà là hành động hay không hành động”.
Câu 2 (10,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình”.
Bằng việc cảm nhận cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016), anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên. Từ đó liên hệ với cái “tôi” của Huy Cận trong bài “Tràng giang” (SGK Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét về điểm giống và khác nhau trong cái “tôi” của mỗi tác giả.
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
NĂM HỌC 2017 – 2018
Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 12 THPT
Phần I. Đọc – hiểu (6,0 điểm)
Câu 1 (1,0 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: Biểu cảm
* Lưu ý:. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
Câu 2 (2,0 điểm)
– Giọng điệu chủ đạo của các câu thơ là: Cắt nghĩa- lí giải/ Trăn trở, suy tư (1,0 điểm)
– Tác dụng của giọng điệu trên là: Làm tăng tính triết lí, nhấn mạnh vào quan niệm về thời gian, về lẽ sống, thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của tác giả. (1,0 điểm)
* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
Câu 3 (2,0 điểm)
– Vấn đề khiến ta phải trăn trở không phải là năng lực (có tài hay kém tài), cũng không phải là những kết quả đạt được (thành công hay thất bại) mà là thái độ sống, sự ứng xử với những gì rất đỗi gần gũi, thân quen, bình dị (những sự vật bình thường), với từng khoảnh khắc thời gian bình thường trong cuộc sống hàng ngày. (1,0 điểm)
– Cần biết trân trọng hạnh phúc giản dị đời thường. (1,0 điểm)
* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
Câu 4 (1,0 điểm)
– Học sinh biết rút ra một bài học có ý nghĩa. (0,5 điểm) (ví dụ: Biết quý trọng thời gian; biết trân trọng những điều nhỏ bé, bình dị xung quanh mình…)
– Nêu một cách ngắn gọn vì sao bản thân cho đó là bài học ý nghĩa. (0,5 điểm) (ví dụ: Vì thời gian một đi không trở lại, cuộc sống ngắn ngủi này rất đáng quý; nếu đánh mất đi thời gian là đánh mất tất cả; vì hạnh phúc của con người bắt đầu từ những điều bình dị, bé nhỏ, có ý nghĩa với mình…)
* Lưu ý: Nếu học sinh không nói rõ được bài học có ý nghĩa đối với bản thân, chỉ lí giải một cách chung chung, mơ hồ thì cho 0,25 điểm.
Phần II. Làm văn (14,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm)
Yêu cầu:
– Học sinh biết viết thành một đoạn văn nghị luận bàn về ý kiến: Tồn tại hay không tồn tại/ Không có nghĩa là sống hay không sống/ Mà là hành động hay không hành động.
– Có ý thức liên hệ với gợi ý của đoạn trích ở phần đọc hiểu, kết hợp với những suy nghĩ xuất phất từ thực tế cuộc sống.
– Lập luận rõ ràng, hợp lí, có sức thuyết phục.
– Không viết đúng thành đoạn văn trừ 0,5 điểm.
– Chấp nhận những cách triển khai khác nhau miễn sao hợp lí. Sau đây là một gợi ý:
+ Giải thích: “Tồn tại” là trạng thái có thật, con người có thể nhận biết bằng các giác quan, không phải do tưởng tượng ra; “hành động” là việc làm cụ thể của con người nhằm một mục đích nhất định. Ý kiến trên khẳng định: Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là ở chỗ con người hành động hay không hành động. (0,5 điểm)
+ Lí giải: Hành động đem lại thành quả có ích cho cuộc sống, tạo ra của cải, vật chất, tinh thần, làm cho cuộc sống con người phát triển, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Thông qua hành động, con người thể hiện được khát vọng cống hiến sức lực, tài năng cho cuộc đời; rút ra được những kinh nghiệm, những bài học cho mình, mở mang nhận thức, rèn luyện nhân cách, hoàn thiện bản thân. (1,5 điểm)
+ Bàn luận: Phê phán những kẻ ngại hành động, không dám hành động hoặc hành động tùy tiện, bốc đồng, thiếu suy nghĩ, vi phạm pháp luật, vi phạm những chuẩn mực chung của xã hội. Hành động đúng đắn phải xuất phát từ nhận thức đúng đắn, vì thế hành động phải có sự dẫn dắt của lí trí, đồng thời hành động cũng là một biểu hiện của phẩm chất, đức hạnh. (1,0 điểm)
+ Bài học: Con người sống là phải hành động; hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ vì nhiều hành động nhỏ tạo nên hành động lớn. Phải học hỏi để nâng cao nhận thức, hiểu biết; trau dồi phẩm chất đạo đức để có những hành động đẹp. (1,0 điểm)
Gợi ý về thang điểm:
– Điểm 3,5 – 4,0: Viết đoạn văn có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, lí lẽ, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp. Diễn đạt tốt.
– Điểm 2,75 – 3,25: Viết đoạn văn có sức thuyết phục, biết cách lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo về ý. Diễn đạt rõ ràng.
– Điểm 2,0 – 2,5: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn, triển khai được vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0,25 – 1,75: Viết đoạn văn còn nhiều hạn chế về ý tứ, về lập luận, về diễn đạt.
– Điểm 0: Làm sai hoặc không làm.
Câu 2 (10,0 điểm)
Yêu cầu:
– Học sinh biết cách làm bài nghị luận bàn về một vấn đề lí luận, đó là: Nét riêng trong sáng tác của các nhà văn; biết làm sáng tỏ vấn đề đó qua việc cảm nhận cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”; biết liên hệ với cái “tôi” của Huy Cận trong “Tràng giang” để chỉ ra điểm giống và khác nhau trong cái “tôi” của mỗi tác giả.
Bố cục bài viết rõ ràng, ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ; biết vận dụng linh hoạt, sáng tao, hiệu quả các thao tác lập luận. Diễn đạt tốt.
– Chấp nhận những cách triển khai khác nhau miễn sao hợp lí. Sau đây là một gợi ý:

  1. Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,5 điểm)

Nêu được vấn đề nghị luận, có cách dẫn dắt phù hợp, độc đáo. (0,5 điểm)

  1. Giải thích ý kiến (1,0 điểm)

– Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo: Nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là lĩnh vực của cái độc đáo- cái riêng, cái lạ, cái mới. Sự độc đáo thể hiện trong cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá; độc đáo trong cách lựa chọn đề tài, xác định chủ đề…; độc đáo trong nghệ thuật thể hiện: giọng điệu, ngôn từ, xây dựng nhân vật, hình tượng, các thủ pháp nghệ thuật…
– Nó đòi hỏi người sáng tác phải có nét riêng, nét mới lạ: Nghĩa là người nghệ sĩ phải đem đến một cái gì đó mới mẻ cho tác phẩm; phải thể hiện được cá tính sáng tạo; dấu ấn cá nhân, cái “tôi” của người làm nghệ thuật.
– Cái “tôi” được hiểu là nét riêng, điểm khác biệt của mỗi người. (Ở phương diện khác, cái “tôi” là biểu hiện cao độ của ý thức cá nhân, xuất hiện khi con người có nhu cầu được là chính mình). Trong lĩnh vực nghệ thuật, cái “tôi” không chỉ thể hiện con người mà còn thể hiện phong cách của tác giả.
III. Cảm nhận cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (6,0 điểm)

  1. Một cái “tôi” uyên bác với vốn tri thức, vốn sống phong phú, đa dạng, sâu sắc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng vốn kiến thức, hiểu biết từ nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện khác nhau như địa lí, lịch sử, thơ ca, âm nhạc… cùng với vốn sống, sự trải nghiệm thực tế để cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông Hương, của mảnh đất, con người xứ Huế. (Ví dụ: vốn tri thức về địa lí trong cách miêu tả tỉ mỉ, chính xác dòng chảy của Hương Giang qua những địa danh khác nhau ; vốn kiến thức về lịch sử khi viết về sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử từ thời xa xưa khi còn là đất nước các vua Hùng…; vốn văn hóa khi khám phá vẻ đẹp của sông Hương và xứ Huế ở phương diện văn hóa….).

  1. Một cái “tôi” tài hoa, tinh tế, lãng mạn với trí tưởng tượng bay bổng

– Cái nhìn mang tính phát hiện về một dòng sông vốn đã trở thành niềm cảm hứng, đề tài của nhiều người nghệ sĩ: Sông Hương được khám phá từ nhiều góc nhìn, trong các mối quan hệ với địa lí, lịch sử, văn hóa, trong mối quan hệ với cuộc đời… Từ đó, dòng sông hiện lên với vẻ đẹp phong phú: Khi thì mãnh liệt, phóng khoáng, man dại, hừng hực sức sống; khi thì dịu dàng, đắm say, mơ màng; lúc lại trầm mặc cổ kính, sâu lắng…Đặc biệt, dòng sông luôn được hình dung như một người con gái đẹp với nhiều dáng vẻ, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
– Tài năng nghệ thuật khi miêu tả vẻ đẹp của sông Hương và cảnh sắc, con người xứ Huế: Trí tưởng tượng với những liên tưởng phong phú, bay bổng thể hiện qua các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, ẩn dụ…; ngôn ngữ giàu chất thơ; lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa…

  1. Một cái “tôi” gắn bó máu thịt với sông Hương, xứ Huế, với quê hương, đất nước

– Tác giả miêu tả sông Hương bằng một tình yêu đắm say; hiểu thấu nỗi niềm của nó trong từng khúc, từng đoạn của dòng chảy; đưa sông Hương đến với mọi người với tất cả vẻ đẹp của nó…Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là “người tình mong đợi” của sông Hương.
– Từ tình yêu sông Hương, tác giả cũng thể hiện tình yêu, sự gắn bó thiết tha với con người và văn hóa xứ Huế.
– Trách nhiệm, lòng tự hào của một công dân đối với đất nước khiến Hoàng Phủ lật từng trang lịch sử, giở từng trang địa lí, tìm hiểu từng phong tục để viết về sông Hương. Những trang văn của ông chảy vào tâm hồn người đọc tình yêu mê say với dòng sông, với văn hóa, con người xứ Huế để người đọc thêm yêu hơn non sông, đất nước mình.

  1. Đánh giá

Cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích là sự hội tụ cái tài, cái tâm của nhà văn. Đó là cái “tôi” mang nặng tình cảm yêu thương với dòng sông Hương, với Huế, với quê hương đất nước mình. Đó cũng là cái “tôi” uyên bác, tài hoa trong nghệ thuật thể hiện của thể bút kí.

  1. Liên hệ với cái “tôi” của Huy Cận trong “Tràng giang”để nhận xét sự giống và khác nhau (2,0 điểm)
  2. Giống nhau (0,5 điểm)

– Đều là những cái “tôi” lãng mạn, tài hoa.
– Đều là những cái “tôi” yêu mến, nặng tình với thiên nhiên, với quê hương xứ sở.

  1. Khác nhau (1,5 điểm)

Cái “tôi” của Huy Cận trong “Tràng giang”: Là cái “tôi” Thơ mới. Cái “tôi” mang nỗi buồn ảo não, cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng giữa cái vô cùng của vũ trụ. Nó mang đậm phong cách thơ Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Trong nỗi buồn của cái “tôi” Huy Cận ta thấy nỗi buồn thế hệ- nỗi buồn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa quê hương mà vẫn thấy “thiếu quê hương”. Cái “tôi” ấy được thể hiện bằng những vần thơ trữ tình, hiện đại mà vẫn giàu màu sắc cổ điển.
Cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”: Là cái “tôi” của người trí thức sống trong hoàn cảnh đất nước đã hòa bình, trong tâm thế hòa nhập với cuộc đời, đắm mình trong cảm hứng ngợi ca, tự hào về cảnh sắc quê hương đất nước. Cái “tôi” ấy được thể hiện bằng thể kí với những trang viết đầy chất thơ, văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa.
Nguyên nhân có sự khác biệt trong cái “tôi” của mỗi tác giả: Do hoàn cảnh sáng tác, do cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, sở trường riêng, khuynh hướng nghệ thuật riêng, cách nhìn, cách khám phá, cách thể hiện riêng…

  1. Khái quát, mở rộng (0,5 điểm)

– Ý kiến trên đã khẳng định được bản chất nghệ thuật chính là nét riêng độc đáo trong cách thể hiện cái “tôi” của mỗi nghệ sĩ.
– Nhà văn phải luôn ý thức trước ngòi bút, đổi mới, sáng tạo, không ngừng tìm tòi, khám phá. Chỉ có như vậy họ mới có “chỗ đứng” riêng của mình.
Gợi ý về thang điểm:
– Điểm 8,0 – 10,0: Bài làm có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, lí lẽ, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp, biết liên hệ, so sánh, mở rộng. Diễn đạt tốt.
– Điểm 7,0 – 7,75: Bài viết có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý, lập luận khá chặt chẽ. Diễn đạt rõ ràng.
– Điểm 5,0 – 6,75: Đảm bảo cấu trúc bài văn, triển khai vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt.
– Điểm 3,5 – 4,75: Bài làm còn nhiều hạn chế về ý, về lập luận, về diễn đạt.
– Điểm 0,25 – 3,25: Bài làm còn mắc quá nhiều lỗi về kiến thức, về kĩ năng, không hoàn chỉnh.
– Điểm 0: Làm sai hoàn toàn hoặc không làm bài.
Xem thêm : :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11, AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG , TRÀNG GIANG

Bài viết gợi ý: