ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM 2017 Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 :
Hàng ngày, người ta online, đặc biệt là những người trẻ – những người chưa được trang bị để đối phó với điều nàỵ, và vì thế họ bị lạm dụng, bị làm tổn thương đến mức không thể tưởng tượng có thể sống tiếp tới ngày hôm sau nữa hay không, và một số thảm kịch đã xảy ra. Nó không còn ở trong thế giới ảo nữa.
ChildLine — một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào năm ngoái: từ năm 2012 tới 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%.
Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỉ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Và điều khiến tôi hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận.
Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi.
Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ.
Trong hai thập kỉ qua, chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hoá của chúng ta, cả ở thế giới thật và ảo.Những trang lá cải paparazzi, những chương trình truyền hình thực tế, chính trị, các hãng tin và đôi khi là hacker, tất cả đều đang gieo hạt xấu hổ.
Thế nhưng, trong nền văn hoá sỉ nhục này, làm người khác tổn thương được trả giá. Cái giá này không đo được những gì mà các nạn nhân như Tyler và quá nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiếu số, các thành viên trong cộng đồng người đồng tính phải gánh chịu.
Nhưng nó lại đo được lợi nhuận của những người săn tìm. Họ kiếm tiền bằng những click chuột. Càng nhiều hổ thẹn thì càng nhiều click chuột. Càng nhiều click thì càng nhiều tiền quảng cáo. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn nguy hiểm. Chúng ta click vào những loại tin lá cải càng nhiều thì chúng ta gây nguy hiểm cho cuộc sống của đồng loại mình càng lớn.
Thay đổi hành vi bắt đầu bằng việc củng cố niềm tin. Chúng ta đã thấy điều đó đúng với phân biệt chủng tộc, ám ảnh với người đồng tính và rất nhiều thành kiến khác, bây giờ và trong quá khứ. Khi chúng ta thay đổi niềm tin về hôn nhân cùng giới, nhiều người được sống bình đẳng hơn. Khi chúng ta bắt đầu coi trọng sự bền vững, nhiều người đã bắt đầu tái chế rác thải.
Vì thế, khi văn hoá sỉ nhục bắt đầu lan rộng, cái mà chúng ta cần là một cuộc cách mạng văn hoá. Chế giễu công khai là một môn thể thao đổ máu cần phải dừng lại. Đã đến lúc cần một sự can thiệp với Internet và với nền văn hoá của chúng ta.
(Trích Cái giá của nỗi nhục nhã-Monica Lewinxki, Dẫn theo http:// vietnamnet.vn, ngày 06/4/2015)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong câu văn sau: Trong hai thập kỉ qua, chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hoá của chúng ta, cả ở thế giới thật và ảo.
Câu 3. Hành động click vào những loại tin lá cải để lại hậu quả gì?
Câu 4.Vì sao sự sỉ nhục trên thế giới ảo còn nặng nề và nguy hiểm hơn trong thế giới thực?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về “cuộc cách mạng văn hoá” cần có khi “Văn hoá sỉ nhục bắt đầu lan rộng” được gợi ra ở phần Đọc hiểu
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Mỵ của nhà văn Tô Hoài trong đoạn trích dưới đây :
“Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lê, Mị lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chùng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.
Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình. Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó. Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…
Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng. Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…” rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.
Mị đứng lặng trong bóng tối…”
(Trích vợ chồng a phủ – Tô Hoài)
—HẾT—
HƯỚNG DẪN CHẤM, THANG ĐIỂM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3.0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: nghị luận | 0,25 | |
2 | Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong câu văn sau: Trong hai thập kỉ qua, chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hoá của chúng ta, cả ở thế giới thật và ảo. – Biện pháp tu từ ẩn dụ: gieo những hạt giống –mảnh đất văn hoá – Hiệu quả nghệ thuật: làm câu văn mang tính gợi hình ảnh cụ thể, tạo sự liên tưởng để cảnh báo hiện tượng xấu trong cuộc sống thật và thế giới ảo, đó là sự sỉ nhục người khác. | 1,00 | |
3 | Hành động click vào những loại tin lá cải để lại hậu quả: Là hành động góp phần gieo những hạt giống của sự sỉ nhục, nỗi xấu hổ và tham dự vào “môn thể thao đổ máu” làm tổn thương người khác. | 0,50 | |
4 | Sự sỉ nhục trên thế giới ảo còn nặng nề và nguy hiểm hơn trong thế giới thực vì: -Con người có thể ẩn danh, giấu mặt nên không có trách nhiệm với lời lẽ, thái độ cùa mình. -Sự sỉ nhục bị khuếch đại với số lượng, phạm vi lớn: “ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ”. -Sự sỉ nhục có thể lưu lại mãi mãi, và mỗi lần có ai đó chạm tới, sự sỉ nhục đó lại hiện lên, lại khiến người bị sỉ nhục tổn thương. | 1,00 | |
LÀM VĂN | 7.0 | ||
1 | Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về “cuộc cách mạng văn hoá” cần có khi “Văn hoá sỉ nhục bắt đầu lan rộng” được gợi ra ở phần Đọc hiểu | 2,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận “cuộc cách mạng văn hoá” cần có khi “Văn hoá sỉ nhục bắt đầu lan rộng” | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động | 1,5 | ||
– Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận: “cuộc cách mạng văn hoá” cần có khi “Văn hoá sỉ nhục bắt đầu lan rộng”. – Các câu phát điển đoạn: +Cuộc “cách mạng văn hoá” chính là thay đổi mạnh mẽ quan niệm, thái độ khi tham gia vào thế giới ảo và hành động cần phải có, để chấm dứt “môn thê thao đổ máu”, để ngừng gieo rắc sự sỉ nhục và xấu hổ. + Những việc làm cụ thể ++Không click vào những tin tức lá cải; không hùa theo số đông để sỉ nhục, phỉ báng, vùi dập người khác. ++Cẩn trọng khi đưa tin và khi tiếp nhận thông tin trên thế giới ảo. ++Có trách nhiệm với lời lẽ, thái độ của mình lúc tham gia bàn luận – ngay cà khi ẩn danh. ++Bàn luận một cách lịch sự và bao dung. | 0,25 1,00 | ||
– Câu kết đoạn: Rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp cho bản thân. | 0,25 | ||
d. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. e. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 0,25 | ||
2 | Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Mỵ của nhà văn Tô Hoài trong đoạn trích | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận | 0,25 | ||
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. | |||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận | 0,50 | ||
Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Mỵ của nhà văn Tô Hoài trong đoạn trích | |||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. | 3.50 | ||
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm; nêu vấn đề cần nghị luận – Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Mỵ của nhà văn Tô Hoài trong đoạn trích : +Đây là đoạn trích miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật khá phức tạp với nhiều thay đổi. Có thể thấy tâm trạng nhân vật đã được miêu tả qua các sự việc: ++Mị trở dậy thổi lửa trong đêm (tâm trạng nhân vật không có gì đặc biệt). ++ Mị vô tình nhìn sang A Phủ lúc ấy đang bị trói đứng ở cột. ++Mị liên hệ đến việc mình bị trói, người đàn bà ngày trước bị trói,… ++ Mị nhận thấy A Phủ bị chết là bất công, nhưng Mị cũng sợ bị cha con Pá Tra trói thay vào đó nếu A Phủ trốn thoát. ++ Mị cắt dây trói cho A Phủ và chạy trốn cùng A Phủ. Các sự việc ấy gắn kết với nhau vì thái độ, sự cảm thông của Mị đối với người cùng cảnh ngộ, nhận thức về sự bất công ngay trong ngôi nhà của thống lí Pá Tra khiến Mị thắng được nỗi sợ hãi, dẫn đến hành động quyết liệt của Mị. +Các chi tiết “đánh dấu” sự chuyển biến trong suy nghĩ, tình cảm của Mị đã được tác giả sử dụng trong ngôn ngữ kể : ++Tạo nhịp điệu cho lời kể (“Lúc ấy đã khuya…”, “Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng…”) tạo cảm giác về tình huống truyện căng thẳng, kịch tính. ++ Khắc hoạ hình ảnh ngọn lửa Mị thổi bùng lên trong đêm. Trong ánh sáng đó, Mị nhìn thấy người bị trói đến chết, sắp chết ; Mị thấy lại hình ảnh của người đàn bà ngày trước bị trói, thấy lại cảm giác của bản thân mình khi bị trói đêm năm trước… ++ Miêu tả nhận thức trong sâu thẳm tâm hồn nhân vật Mị qua hình ảnh “đám than đã vạc hẳn lửa…”, “trong nhà đã tối bưng”, “Mị đứng lặng trong bóng tối”, “trời tối lắm”,… Những chi tiết miêu tả bóng tối nhưng lại có tác dụng thể hiện sự “sáng lên” trong nhận thức của nhân vật về con đường tự giải thoát mình. – Khẳng định mức độ thành công của nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong đoạn trích – đóng góp cho sự thành công của tác phẩm. | 0,50 2,50 0,5 | ||
d. Sáng tạo | 0,50 | ||
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | |||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu | 0,25 | ||
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | |||
ĐIỂM TOÀN BÀI THI : I + II = 10,00 điểm |
Đề văn sưu tầm .
Xem thêm những đề thi khác tại đây : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án