I.PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3,0 điểm)     

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng nó hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm ra bằng được nó mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đúng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên Đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.

(Trích: Lời tựa Tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” – Collen M.Cullough)

Câu 1: Tìm những cụm từ diễn tả hành động, trạng thái của “con chim chỉ hót một lần trong đời”.

Câu 2: Theo tác giả, tại sao khi con chim cất tiếng ca “đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị”, “cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên Đình cũng mỉm cười.”?

Câu 3: Theo anh (chị), những hình ảnh “chiếc gai nhọn” và “Bài ca duy nhất có một không hai” trong đoạn trích ẩn dụ cho những điều gì trong cuộc sống của mỗi chúng ta?

Câu 4: Anh (chị) có đồng ý với quan điểm của tác giả “…tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất” không? Vì sao?

II.PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):  Từ nội dung đoạn trích Đọc hiểu và trải nghiệm thực tế, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của nghị lực sống trong cuộc sống của mỗi người.

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng cây xà nu qua hai đoạn văn sau. Từ đó hãy nhận xét về kết cấu của tác phẩm.

“Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng láng vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tâm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

Đứng trên đồi xa nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp chân trời.”

“…Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”.

(Trích: Rừng xa nu – Nguyễn Trung Thành – SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXBGD 2008)

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1: Phương pháp: căn cứ đoạn trích

Câu nói về hành động, trạng thái của con chim:

    • rời tổ bay đi tìm bụi mận gai.
    • cất tiếng hát bài ca của mình
    • lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất.
    • vừa hót vừa lịm dần đi

Câu 2: Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích

  • Tiếng hót của con chim “đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị” “cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên Đình cũng mỉm cười” vì: đây là bài ca hay nhất và được đổi bằng tính mạng, bởi tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất.

Câu 3: Phương pháp: phân tích, lý giải

  • Chiếc gai nhọn: biểu tượng cho những khó khăn, gian truân, vất vả trong cuộc sống.
  • Bài ca duy nhất có một không hai: thành tựu mà chúng ta đạt được.

Câu 4: Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp

  • Đồng tình với quan điểm của tác giả.
  • Vì: không có thành công nào được tạo nên từ thảm hoa hồng, mà chỉ có thành công được dựng lên từ máu và nước mắt. Còn người ta chỉ đạt được thành công khi sẵn sàng trả giá, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong hành trình đó.

II.Làm văn

Câu 1:Phương pháp: phân tích, tổng hợp

    1. Giới thiệu vấn đề: Vai trò của nghị lực sống trong cuộc sống mỗi con người
    1. Bàn luận
  • Nghị lực sống là sự bản lĩnh, kiên cường sẵn sang vượt qua mọi khó khăn, thử thách => Nghị lực sống có vai trò quan trọng đối với mỗi người chúng ta.
  • Vai trò của nghị lực sống:
  • Giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, vấp ngã
  • Giúp chúng ta có niềm tin, nghị lực đứng lên, tiếp tục bước về phía trước
  • Nghị lực sống kiên cường là yếu tố quan trọng giúp ta vươn đến thành công
  • +…

  • Trong xã hội có những người không có nghị lực, thiếu ý chiến chiến đấu vượt qua số phận. Những người đó khi gặp khó khăn họ sẵn sàng buông đời mình theo số phận, khó khăn thử thách một chút là sẵn sàng sa ngã, bị cám dỗ, không chịu cố gắng để vượt lên số phận mà chỉ muốn được người khác giúp đỡ.
  • Muốn thành công, muốn tới vinh quang thì con đường đi lại càng trông gai thử thách, ở đó không có chỗ cho những kẻ thiếu ý chí, thiếu nghị lực vươn lên, thiếu nghị lực sống.

Câu 2: Phương pháp: phân tích, tổng hợp

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

  • Nguyễn Trung Thành là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông được mệnh danh là người viết hay nhất về Tây Nguyên, là người mở cửa đưa Tây Nguyên vào văn xuôi hiện đại. Những sáng tác về Tây Nguyên làm nên phần hay nhất, tiêu biểu nhất cho văn nghiệp của ông.
  • Truyện ngắn Rừng xà nu được Nguyễn Trung Thành viết năm 1965, xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ (số 2/1965). Sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các sáng tác của Nguyễn Trung Thành trong những năm chống Mĩ xâm lược.

2. Phân tích hình tượng xà nu trong hai đoạn trích ; a. Đoạn 1

  • Vị trí: Tả cây xà nu ở đoạn mở đầu tác phẩm.
  • Tả thực: Cây xà nu là cây thuộc họ thông, mọc thành rừng ở Tây Nguyên, mọc thẳng, tán lá vươn cao, thân cây vạm vỡ, có sức sống mãnh liệt.

- Mở đầu tác phẩm là cánh rừng xà nu trong tầm đại bác của giặc, chúng bắn đã thành lệ mỗi ngày hai lần, hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Như vậy, ngay trong câu đầu tiên của tác phẩm, Nguyên Ngọc đã dựng lên một sự sống trong tư thế đối mặt với cái chết, một sự sinh tồn đang đứng trước mối đe doạ của diệt vong. Vậy, liệu cây xà nu bị tàn phá như thế có bị diệt vong hay không?

- Không. Vì cây xà nu có sức sống mãnh liệt mà không đại bác nào có thể huỷ diệt được (cạnh một cây ngã gục có 4, 5 cây con mọc lên hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời; nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng;…)

  • Nghĩa biểu tượng:
    • Cánh rừng xà nu bị tàn phá dưới tầm đại bác của giặc trở thành biểu tượng cho đau thương của những con người ở làng Xô Man. (Những con người sống dưới tầm đại bác, cũng như xà nu thân thể và trái tim anh Xút bị treo cổ, bà Nhan bị chặt đầu, dân làng sống trong sự lùng sục của bọ thằng Dục, Tnú bị giặc bắt và tra tấn,. ..)

- Cây xà nu còn biểu tượng cho sức sống bất diệt và những phẩm chất cao đẹp của người dân làng Xô Man.

+ Sức sống bất diệt: Sức sống bất diệt của cây xà nu có ý nghĩa biểu tượng cho sức sống bất diệt của những người ở làng Xô Man. Tác giả miêu tả 3 lứa cây xà nu tiêu biểu cho 3 thế hệ người dân làng Xô Man

• Cụ Mết có bộ ngực “căng như một cây xà nu lớn”, tay “sần sùi như vỏ cây xà nu”. Cụ Mết chính là cây xà nu cổ thụ hội tụ tất cả sức mạnh của rừng xà nu.

• Tnú cường tráng như một cây xà nu được tôi luyện trong đau thương đã trưởng thành mà không

đại bác nào giết nổi.

• Dít trưởng thành trong thử thách với bản lĩnh và nghị lực phi thường cũng giống như cây xà nu phóng lên rất nhanh tiếp lấy ánh mặt trời.

• Cậu bé Heng là mầm xà nu đang được các thế hệ đi trước truyền cho những tố chất cần thiết để sẵn sàng thay thế trong cuộc chiến cam go còn có thể phải kéo dài “năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa”.Phẩm chất cao đẹp: Cây xà nu trở thành biểu tượng cho lòng yêu tự do (cũng như cây xà nu phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh mặt trời) ; tình yêu thương đoàn kết, sức mạnh của Tây Nguyên (cũng như các cây xà nu tập hợp thành rừng, bảo vệ, che chở cho nhau)

=> Rừng xà nu mang nghĩa biểu tượng cho: Con ngư ời ở làng Xô Man hẻo lánh, cho Tây Nguyên, cho cả miền Nam, cho cả dân tộc Việt Nam trong thời kì chiến đấu chống đế quốc tuy đau thương nhưng quyết tâm làm tất cả để giành sự sống cho Tổ quốc mình.

=> Ở đoạn mở đầu ấn tượng còn lưu lại trong lòng người đọc là sức sống bất diệt của cây xà nu, đó cũng là cảm hứng chủ đạo của nhà văn Nguyên Ngọc khi viết về hình ảnh cây xà nu.

b. Đoạn 2

- Vị trí: ở cuối tác phẩm.

- Đưa tiễn Tnú ra đi sau một đêm về thăm làng, cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu cạnh con nước lớn. “Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”

- Như vậy, kết thúc tác phẩm cũng là sức sống bất diệc của cây xà nu với hình ảnh “rừng xà nu nối tiếp chạy tới chân trời”.

=> Trong truyện Rừng xà nu, cách thức mở đầu và kết thúc giống nhau nhằm nhấn mạnh đến sức sống của cây xà nu biểu tượng cho sức sống bất diệt của con người Việt Nam nói chung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

c. Nhận xét về kết cấu của tác phẩm:

- Kết cấu đầu cuối tương ứng: Hình ảnh “rừng xà nu” mở đầu thiên truyện và cũng kết thúc thiên truyện. Hình ảnh những cây rừng xà nu bị tàn phá ở đoạn đầu tác phẩm là biểu tượng cho sự đau thương mất mát của con người, tuy nhiên, đoạn cuối tác phẩm lại khiến ta thấy thấp thoáng ẩn hiện sau mỗi cây xà nu là sự gan góc, sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt, sức mạnh không ngừng lớn lên của những người dân Tây Nguyên.

- Kết cấu vòng tròn: khép lại câu chuyện này nhưng lại mở ra một câu chuyện khác. Một mặt, người đọc cảm tưởng như kì tích của anh hùng Tnú, của dân làng mà tác giả vừa kể chỉ là sự nối tiếp lịch sử ngàn xưa và câu chuyện sẽ còn được tiếp nối bởi những thế hệ mới ở làng Xô Man. Mặt khác, dường như câu chuyện không chỉ bó hẹp trong không gian của làng Xô Man mà được mở rộng ra khắp mọi miền đất nước.

- Kết cấu truyện lồng trong truyện: Truyện ngắn này có hai mạch truyện lồng ghép vào nhau. Chuyện bắt đầu từ một lần về thăm làng Xô Man của Tnú sau ba năm xa làng đi bộ đội giải phóng.

Trong đêm ấy, quây quần quanh bếp lửa, cả dân làng được nghe cụ Mết kể lại câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú và chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Quá khứ của Tnú là quá khứ của một đời người, một thế hệ dân làng đau thương, khổ nhục dưới bàn tay của kẻ thù. Chuyện về Tnú là tình tiết chính và cũng là cốt lõi của câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man.

3. Tổng hợp đánh giá.

- Đặc sắc nghệ thuật (xây dựng hình tượng):

  • Sử dụng cái nhìn của điện ảnh-> hình tượng hiện nên động và nét hơn.
  •  Cảm xúc bộc lộ trực tiếp.

  • Nội dung tư tưởng: Biểu tượng cho vẻ đẹp con người Tây Nguyên trong những năm tháng chiến tranh.-> mở cánh cửa đưa người đọc bước vào thế giới của con người Tây Nguyên.

Bài viết gợi ý: