I. ĐỌC HIỂU (3đ)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời những yêu cầu phía dưới:
“Đừng nói cuộc đời mình tẻ nhạt nhé em
hạnh phúc ở trong những điều giản dị
trong ngày, trong đêm
đừng than phiền cuộc sống nhé em
hạnh phúc ngay cả khi em khóc
bởi trái tim buồn là trái tim vui
hạnh phúc bình thường và giản dị lắm
là tiếng xe mỗi chiều của bố
cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ
chị xới cơm đầy bắt phải ăn no
hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho
là ngọn đèn soi tương lai em sáng
là điểm mười mỗi khi lên bảng
lá ánh mắt một người lạ như quen
hạnh phúc là khi mình có một cái tên
vậy đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em
tuổi mười tám còn khờ khạo lắm
đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm
hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường.”
(Thanh Huyền, Hạnh Phúc)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên?
Câu 2 (0,5 điểm): Theo tác giả, hạnh phúc bình thường và giản dị lắm khi nào?
Câu 3 (1,0 điểm): Anh/chị hiểu thế nào về 2 câu thơ: “hạnh phúc ngay cả khi em khóc/bởi trái tim buồn là trái tim vui…”?
Câu 4 (1,0 điểm): Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng “đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm/hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường…”?
II.PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Từ nội dung gợi lên của văn bản Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hạnh phúc.
Câu 2 (5,0 điểm) Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã miêu tả hình tượng con sông Đà qua những phân cảnh khác nhau, có khi thì:
“Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tòm được qua đấy…”
Có lúc lại: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mấy trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân…”
(Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2016)
Anh/chị hãy phân tích vẻ đẹp của dòng sông ở hai đoạn văn trên, từ đó làm nổi bật sự khác biệt trong cách nhìn của tác giả.
…………………….Hết…………………….
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I.ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: biểu cảm.
Câu 2:Phương pháp: căn cứ nội dung bài thơ
Theo tác giả, hạnh phúc bình thường và giản dị lắm khi: “là tiếng xe mỗi chiều của bố”, “cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ”, “chị xới cơm đầy bắt phải ăn no”.
Câu 3: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
Hai câu thơ; “hạnh phúc ngay cả khi em khóc/bởi trái tim buồn là trái tim vui…” có thể hiểu: Hạnh phúc không chỉ biểu hiện bằng nụ cười vui sướng mà còn bằng cả những giọt nước mắt hân hoan; hạnh phúc còn ở ngay cả trong nỗi buồn, đi qua nỗi buồn sẽ tìm thấy niềm vui…
Câu 4: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
Tác giả cho rằng: “đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm/hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường…” vì:
-Tuổi 18 còn nhiều khờ khạo, ngây thơ, khoan vội vàng chạy theo những ảo vọng xa xôi, hãy biết trân trọng những điều giản dị, nhỏ bé giữa đời thường.
-Đó là lời khuyên sâu sắc, ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng hạnh phúc vốn có bên mình.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Phương pháp: phân tích, lý giải, tổng hợp
a.Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: suy nghĩ về hạnh phúc.
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề nghị luận. Dưới đây là một vào gợi ý:
-Hạnh phúc là gì: Hạnh phúc là cảm giác hân hoan, vui sướng khi đạt được mong muốn, khát khao của mình, là mục tiêu hướng tới cuối cùng, có ý nghĩa lớn đối với mỗi người.
-Những biểu hiện và ý nghĩa của hạnh phúc: Hạnh phúc biểu hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày như: được làm điều mình yêu thích, được sum vầy đầm ấm với gia đình, đạt kết quả tốt trong học tập và công việc, đem đến niềm vui cho người khác… Hạnh phúc không chỉ mang lại cảm xúc cho bản thân mà còn tác động đến những người xung quanh. Bản thân hạnh phúc thì những người bên cạnh cũng cảm thấy vui vẻ và ngược lại.
-Cần phải làm gì để có hạnh phúc, giữ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho người khác: Con người cần nỗ lực không ngừng; cần biết nhận ra và trân quý hạnh phúc ngay bên mình, biết thỏa mãn, hài lòng; hiểu được đem lại hạnh phúc cho người khác cũng là cách mang hạnh phúc về cho bản thân…
Câu 2: Phương pháp: phân tích, tổng hợp
a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong 2 đoạn văn, làm nổi bật sự khác biệt trong cách nhìn của tác giả.
c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:
*Mở bài: Giới thiệu được vài nét chung về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.
*Thân bài:
*Phân tích vẻ đẹp của Sông Đà trong đoạn thứ hai:
+Nguyễn Tuân miêu tả Sông Đà qua cái nhìn cận cảnh.
+Biện pháp điệp động từ “xô”, điệp từ nối “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, nhịp điệu câu văn dứt khoát, gợi cuộc chiến đấu, vật lộn và tiếp nối nhau giữa nước, đá, sóng, gió,… tạo hình ảnh của một quãng sông nước hiểm trở.
+Từ láy “cuồn cuộn”, từ tượng thanh “gùn ghè” gợi sự mạnh mẽ, dữ dội của sóng và gió, gợi âm thanh ghê rợn, dữ tợn, khiến Sông Đà đáng sợ như một con quái vật.
+Câu văn so sánh “…như lúc nào cũng đòi nợ…”: tăng thêm sự nguy hiểm, luôn chực rình rập, đe dọa tính mạng con người.
->Với ngôn ngữ giàu sức tạo hình với các động từ, tính từ có khả năng miêu tả, thủ pháp so sánh, liên tưởng bất ngờ, thú vị, Sông Đà được miêu tả, hiện lên như một sinh thể dữ dội, cuồng bạo.
*Vẻ đẹp của Sông Đà trong đoạn thứ hai:
+Dòng sông được quan sát tỉ mỉ, công phu ở góc nhìn từ trên cao
+Điệp từ “tuôn dài” lặp 2 lần: Gợi độ dài bất tận của dòng sông; biện pháp so sánh và nhân cách hóa “như một áng tóc trữ tình” gợi liên tưởng về một Sông Đà với hình dáng uyển chuyển, đường nét mềm mại, duyên dáng như thiếu nữ.
+Chữ “áng”: “áng tóc trữ tình”: cách dùng từ độc đáo, bộc lộ chất thơ, sự ý vị, thơ mộng của dòng sông.
+Động từ “bung nở”, từ láy “cuồn cuộn” kết hợp với “hoa ban”, “hoa gạo”, “khói núi mèo đốt nương xuân”: gợi nên vẻ đẹp mơ màng, đầy gợi cảm.
->Với những so sánh, liên tưởng độc đáo; ngôn ngữ phong phú, sống động, câu văn mang âm điệu trữ tình, lắng sâu. Sông Đà hiện ra với vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ, quyến rũ, đầy mê đắm.
*Sự khác biệt trong cách nhìn của tác giả
- Hai đoạn trích thể hiện cách tiếp cận và cái nhìn đa chiều, phong phú của Nguyễn Tuân trước sự vật mang tính thẩm mỹ.
- Trong cái nhìn đó, sông Đà hiện lên vừa dữ dội vừa duyên dáng, vừa hung bạo vừa trữ tình.
- Vẻ đẹp đầy cá tính của dòng sông chính là “chất vàng mười” của thiên nhiên Tây Bắc mà tác giả muốn khám phá, kiếm tìm.
-Thấy được tình yêu tha thiết, say mê với thiên nhiên, đất nước; sự tài hoa, uyên bác của tác giả thể hiện qua cái nhìn tinh tế và sự cảm nhận độc đáo.
a.Sáng tạo
Có cách cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về dòng sông và cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
e.Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.