ĐỀ SỐ 2-
LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2018 ( Thời gian: 120 phút)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
MỘT LÁ THƯ THÔNG BÁO KẾT QUẢ HỌC TẬP DO MỘT TRƯỜNG TIỂU HỌC Ở LANCASHIRE (ANH)
GỬI TỚI HỌC SINH CUỐI CẤP
“Xin vui lòng xem kết quả kỳ thi KS2 được đính kèm với thư này. Chúng tôi rất tự hào về em bởi em đã chứng minh sự cam kết và cố gắng cao nhất của mình trong tuần này.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy lo ngại rằng những bài thi này không phải lúc nào cũng đánh giá được những gì đã làm cho em trở thành một con người đặc biệt và độc đáo. Những người tạo ra các đề thi và chấm điểm không biết tất cả mọi thứ về các em hay các cách giáo viên đã dạy em như thế nào, chúng tôi hy vọng gì về các em và chắc chắn không biết cách gia đình em đang giúp đỡ em như thế nào.
Họ không biết rằng, em có thể nói hai ngôn ngữ. Họ không biết rằng, em biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, em có thể khiêu vũ hoặc vẽ một bức tranh. Họ không biết rằng, bạn bè của em luôn tin tưởng mỗi khi em có mặt ở nơi nào đó hay biết rằng tiếng cười của em có thể làm cho một ngày ảm đạm nhất cũng trở nên bừng sáng.
Họ không biết rằng, em có thể làm thơ hay viết nhạc, chơi hoặc tham gia thể thao nhưng đôi khi em vẫn tự hỏi về tương lai của mình, hoặc đôi khi em vẫn chăm sóc em trai hoặc em gái của mình sau giờ học. Họ không biết rằng em đã đi du lịch đến một nơi nào đó hoặc là em biết kể một câu chuyện tuyệt vời hay thực sự thích thú việc dành thời gian với gia đình…
Họ có thể không biết rằng em là người đáng tin cậy, tốt bụng hay chu đáo, và mỗi ngày em đều đã cố gắng đến mức tối đa … những điểm số mà em nhận được sẽ nói cho em biết một chút gì đó về em nhưng chúng không nói lên tất cả những gì thuộc về con người em.
Hãy vui vẻ với kết quả học tập của mình và hãy tự hào về nó nhưng hãy nhớ, bạn vẫn còn có nhiều cách khác để trở nên thông minh”.
( Theo http://infonet.vn, ngày 16/07/2014)
Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?(0.5đ)
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ cú pháp trong văn bản? (0.75đ)
Câu 3. Tại sao tác giả lại viết: Những người tạo ra các đề thi và chấm điểm không biết tất cả mọi thứ về các em? (0.75đ)
Câu 4. Anh/ chị hãy đưa ra ít nhất hai cách khác để trở nên thông minh trong quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường.(1.0đ)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1.(2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị để trả lời câu hỏi “Phải nhìn vào đâu để đánh giá một học sinh?” được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
“Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên các nhà kho.
Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đốt những lều quanh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài, người ta thành lệ, cứ ăn tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng tết thế cho kịp mưa xuân xuống, đi vỡ nương mới.
Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét càng dữ.
Nhưng trong các làng Mông Đỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện nở trắng lại nở mầu đỏ hau, đỏ thậm, rồi nở mầu tím man mát. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mỵ nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi.
“Mày có con trai con gái
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”.
Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.
Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy. Cả nhà thống lý ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh chiêng đánh ầm ỹ, người ốp đồng vẫn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa. Ngày tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mỵ lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mỵ đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mỵ thổi sáo giỏi. Mùa xuân đến, Mỵ uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mỵ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác. Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mỵ không biết. Mỵ vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mỵ mới đứng dậy. Nhưng Mỵ không bước ra đường. Mỵ từ từ vào buồng.Chẳng năm nào A Sử cho Mỵ đi chơi Tết.Bấy giờ Mỵ ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Từ nãy Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mỵ trẻ. Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mỵ, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
“Anh ném pao
Em không bắt
Em không yêu
Quả pao rơi rồi…”.
( Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài)
Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ với sự thức tỉnh của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở để bình luận ý kiến của nhà văn Tô Hoài: Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá (Tác giả nói về tác phẩm, Hỏi chuyện các tác giả có tác phẩm giảng dạy trong nhà trường, Nguyễn Quang Thiều chủ biên, Nxb Trẻ, 2000).
———–HẾT———-
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3.0
1 – Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận 0.5
2 Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp sử dụng trong văn bản:
a/ Phép liệt kê: em có thể nói hai ngôn ngữ;chơi một loại nhạc cụ;có thể khiêu vũ;vẽ một bức tranh;có thể làm thơ hay viết nhạc, chơi hoặc tham gia thể thao;đã đi du lịch;biết kể một câu chuyện tuyệt vời…
– Tác dụng: làm rõ năng lực, sở trường khác nhau của mỗi học sinh
b/ Phép lặp cú pháp: Họ không biết rằng+em biết/em là…(C-V)
– Tác dụng: nhấn mạnh, khẳng định còn nhiều điều mà kết quả kì thi không đánh giá hết năng lực của học sinh. Qua đó, bức thư thể hiện niềm tin tưởng, tự hào, khích lệ mỗi học sinh tự tin phát triển năng lực bản thân. 1.0
3 Tác giả viết: Những người tạo ra các đề thi và chấm điểm không biết tất cả mọi thứ về các em, bởi vì: Đề thi và kết quả chấm điểm không thể đánh giá toàn diện năng lực, năng khiếu của mỗi học sinh; dù kết quả học tập có xấu thì cũng không phải là điều gì quá tội lỗi. 0.5
4 Học sinh có thể đưa ra ít nhất hai cách khác để trở nên thông minh trong quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường theo ý riêng, miễn là hợp lí theo yêu cầu của đề. 1.0
II Làm văn
1 Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị để trả lời câu hỏi “Phải nhìn vào đâu để đánh giá một học sinh?” được gợi ở phần Đọc hiểu. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: “Phải nhìn vào đâu để đánh giá một học sinh?” 0.25
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý trong bức thư thông báo kết quả thể hiện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
– Giải thích: đánh giá học sinh là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện; tư vấn, hướng dẫn, động viên; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh;
-Bàn luận, phân tích, chứng minh cơ sở để đánh giá học sinh
+ Không quá coi trọng kết quả học tập thể trên điểm số, bảng điểm để đánh giá. Nếu đánh giá như thế sẽ tạo áp lực căng thẳng trong học tập, thi cử, nảy sinh bệnh thành tích và nhiều hiện tượng tiêu cực khác;
+ Cần điều chỉnh quan niệm và cách thức đánh giá toàn diện dựa trên năng lực, phẩm chất của người học;
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp:
+ Mỗi học sinh cần ý thức và xác định rõ kết quả học tập chỉ là một phần trong quá trình học;
+ Không những học chữ mà còn học làm người, rèn luyện kĩ năng sống;
+ Phát huy sở trường của bản thân. 1.00
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25
2 Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ý kiến của nhà văn Tô Hoài: Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá. 5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của đoạn trích. Bình luận ý kiến của nhà văn Tô Hoài.
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài: 0.25
– Giới thiệu Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
– Nêu vấn đề cần nghị luận: đoạn trích tả vẻ đẹp của đêm tình mùa xuân, tâm trạng và hành động của Mị trước tác động của ngoại cảnh, thể hiện sự hồi sinh của tâm hồn.
3.2.Thân bài: 3.50
a/Khái quát về tập truyện Tây Bắc, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, vị trí đoạn trích: 0.25 đ
b/ Cảm nhận vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật đoạn trích: 2.25đ
*Vẻ đẹp nội dung :
– Cảnh đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài tràn đầy màu sắc, âm thanh làm say lòng người, đậm màu văn hoá miền núi Tây Bắc:
+ Cảnh được tả từ xa đến gần
+ Màu sắc: rực rỡ, tươi sáng, đẹp nhất là vẻ đẹp trang phục của các cô gái Tây Bắc: những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ.. .
+ Âm thanh: tiếng chó sủa xa xa, tiếng trẻ con cười ầm, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình, một nhạc cụ dân tộc quen thuộc, dân dã mà có sức lay động trái tim con người.
– Cảnh sinh hoạt mùa xuân thể hiện nét đẹp phong tục, văn hóa của dân tộc Mèo:
+ Hình ảnh những đám trai gái đánh pao, chơi quay, thổi khèn, thổi sáo say sưa;
+ đặc biệt là phong tục tìm bạn tình của trai gái miền núi qua tiếng sáo đã tạo nên bức tranh mùa xuân đẹp thơ mộng, nồng nàn, rạo rực tình yêu, tràn trề sức sống.
– Tâm trạng và hành động của Mỵ trong đêm tình mùa xuân :
+ Nghe tiếng sáo. Mị nhẩm thầm bài hát. Trái tim của Mị bắt đầu thổn thức theo tiếng gọi của tình yêu;
+ Ngày tết năm đó Mị cũng uống rượu, Mị lén uống từng bát, “uống ừng ực” rồi say đến lịm người đi. Cái say cùng lúc vừa gây sự lãng quên vừa đem về nỗi nhớ. Mị lãng quên thực tại (nhìn mọi người nhảy đồng, người hát mà không nghe, không thấy và cuộc rượu tan lúc nào cũng không hay) nhưng lại nhớ về ngày trước (ngày trước, Mị thổi sáo cũng giỏi …), và quan trọng hơn là Mị vẫn nhớ mình là một con người, vẫn có cái quyền sống của một con người: “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi Mị và A Sử, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”.
+Nhưng tác nhân có tác dụng nhiều nhất trong việc dìu hồn Mị bềnh bồng về với những khát khao hạnh phúc yêu đương có lẽ vẫn là tiếng sáo, bởi tiếng sáo là tiếng gọi của mùa xuân, của tình yêu và tuổi trẻ. Tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị, nó đã trở nên tiếng lòng của người thiếu nữ.
+Mị đã thức dậy với sức sống tiềm tàng và cảm thức về thân phận. Cho nên trong thời khắc âý, Mị đầy rẫy những mâu thuẫn. Lòng phơi phới nhưng Mị vẫn theo quán tính bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái lỗ vuông mờ mờ trăng trắng.
+ Và khi lòng ham sống trỗi dậy thì ý nghĩ đầu tiên là được chết ngay đi. Mị nhớ ra bao nhiêu năm nay, A Sử không bao giờ cho Mị đi chơi, mà Mị cũng chẳng thiết đi. Nhớ đến điều đó, Mị cũng đồng thời nhận thức sâu sắc tình trạng phi lí trong cuộc hôn nhân của mình khi A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Mị đột ngột muốn chết, nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay .. . chết để không phải nhớ lại quá khứ và những ước mơ, khao khát của mình, nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra. Muốn chết là biểu hiện mãnh liệt nhất, dữ dội nhất của sự thức tỉnh lòng ham sống, lòng khát khao hạnh phúc, niềm khát khao ấy tạo ra sự xung đột gay gắt với tình trạng vô nghĩa lí của thực tại. Khi bắt đầu nhận ra nỗi cay đắng, phẫn uất trong lòng mình, cảm thấy không thể tiếp tục chấp nhận kiếp sống tủi cực đau đớn, cũng có nghĩa là Mị đã thoát ra khỏi tình trạng lầm lũi vô cảm suốt bao năm nay.
* Vẻ đẹp nghệ thuật :
– Điểm nhìn trần thuật: xa đến gần, cao xuống thấp, ngoài vào trong.
– Lời văn trần thuật: lời kể tự nhiên, giàu sắc thái trữ tình nhờ kết hợp kể và tả, văn xuôi kết hợp với thơ. Văn giàu hình ảnh, câu dài – ngắn có tiết tấu và ngữ điệu linh hoạt.
– Giọng điệu trần thuật: tha thiết, bồi hồi. Có khi dòng văn suy nghĩ của nhân vật và của nhà văn hoà làm một, tạo xúc động cho người đọc;
– Ngôn ngữ kể giàu chất thơ
– Thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc văn hoá dân tộc Tây Bắc của nhà văn;
– Đi sâu vào khai thác diễn biến quá trình phát triển tâm lí nhân vật một cách hợp lí, tự nhiên không gượng ép.
* Đánh giá chung:
– Đoạn trích thể hiện tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với thiên nhiên, cuộc sống và con người Tây Bắc;
– Ca ngợi sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị;
– Thể hiện tài năng quan sát, kể chuyện, miêu tả nội tâm nhân vật.
c/ Liên hệ sự thức tỉnh của Chí Phèo
Chí Phèo trong sáng tác của Nam Cao cũng đã hồi sinh sau bao năm sống trong sự tha hóa. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã giúp Chí dần hồi tỉnh
– Đầu tiên là tỉnh rượu
– Chí tỉnh ngộ
– Khát khao làm người, khát khao hoàn lương
Chí Phèo đã trở lại tính người toàn vẹn
c/Bình luận ý kiến của nhà văn Tô Hoài: Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá..1.0đ
+Giải thích: Sự hồi sinh của một con người nghĩa là con người đó đã tưởng đã chết dần chết mòn, tê liệt ý thức phản kháng vì sự chà đạp thân xác và tinh thần do bọn thống trị gây ra, nay đã được sống lại nhờ một tác động nào đó.
+Phân tích, chứng minh: Nhân vật Mị và Chí Phèo đã có sự hồi sinh quý giá. Mị Từ một cô gái yếu đuối, lùi lũi, câm lặng, cam chịu, nhờ có tác động của ngoại cảnh là đêm tình mùa xuân đã thổi bùng lên ngọn lửa sức sống tiềm tàng là khao khát tình yêu, khao khát tự do. Chí Phèo từ một con quỹ dữ triền miên trong những cơn say đã khát khao được sống cuộc đời lương thiên, đúng nghĩa con người. Quá trình hồi sinh của 2 nhân vật đã diễn ra một cách tự nhiên, đi từ tâm trạng đến hành động đã được 2 nhà văn diễn tả rất chân thực, xúc động.
+Bình luận: Sự hồi sinh của một con người như nhân vật Mị hay Chí Phèo đã thể hiện cái nhìn hiện thực và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài và Nam Cao. Điều vô cùng quý giá ở đây là những phẩm chất tốt đẹp, bản tính lương thiện của những người cố nông đã bùng dậy dưới sự vùi lấp của lớp tro tàn phong kiến tàn ác; là sức mạnh của người dân miền núi Tây Bắc trong cuộc đấu tranh từ tự phát đến tự giác, chống lại áp bức bất công để đòi quyền được sống, quyền tự do và hạnh phúc.
3.3.Kết bài: 0.25
Kết luận về nội dung, nghệ thuật đoạn trích. Cảm nghĩ của bản thân về tấm lòng của 2 nhà văn dành cho con người. (4.00)
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. ( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) ( 0,25)
Xem thêm :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11
CHÍ PHÈO ,VỢ CHỒNG A PHỦ, ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN