Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2017 có đáp án. Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn.Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân. Nghị luận xã hội : “Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ”.
SỞ GDĐT LÂM ĐỒNG | KỲ THI HỌC KÌ I NĂM 2017 |
(Đề thi có 01 trang) | MÔN: NGỮ VĂN -12 Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
ĐỌC HIỂU (3,0đ)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
… Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng sự mãn nguyện thường có khuôn mặt rất lặng lẽ và hiếm khi phô trương.
Tôi nhận ra rằng để hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng “Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện”?
Câu 3. Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “sự mãn nguyện thường có khuôn mặt rất lặng lẽ và hiếm khi phô trương”.
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? Trả lời từ 7 đến 10 dòng.
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ra ở phần Đọc hiểu: “Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ”.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân.
……….. Hết ………….
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:……………………………………………..Số báo danh: …………………………….
Chữ kí GT 1:………………………………………Chữ kí GT 2: …………………………………………..
SỞ GDĐT LÂM ĐỒNG | KỲ THI HỌC KÌ I- NĂM 2017 |
HƯỚNG DẪN CHẤM | MÔN: NGỮ VĂN |
HƯỚNG DẪN CHẤM
Hướng dẫn chung
Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm.
Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn, giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong tổ chấm.
Hướng dẫn chấm mang tính chất định hướng, yêu cầu tổ chấm tiến hành chấm chung ít nhất 05 bài ngẫu nhiên để thống nhất đáp án cụ thể.
Hướng dẫn chấm cụ thể
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng
– Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản;
– Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức
– HS cần làm rõ các vấn đề:
1 Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là nghị luận. 0,5
2 Người thực sự hưởng thụ bao giờ cũng có những hiểu biết nhất định về việc mình đang làm, hài lòng với những gì mình đang có. 1,0
3 Học sinh có thể chọn đồng tình hoặc không đồng tình và đưa ra được sự lí giải thuyết phục.
0,75
4 Học sinh chọn câu văn nào chứa thông điệp có nghĩa với bản thân nhất và giải thích. 0,75
Lưu ý: – Học sinh có thể trình bày các ý theo cách gạch đầu dòng; riêng câu 4 học sinh phải viết thành đoạn văn.
– Giám khảo cần linh hoạt khi chấm điểm.
LÀM VĂN (7,0 điểm)
1,Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ra ở phần đọc hiểu: Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ. 2,0
a. Yêu cầu về kĩ năng:
– Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận; Có đủ mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn.
– Xác định đúng vấn đề nghị luận, biết triển khai vấn đề nghị luận; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, cơ bản nêu được các vấn đề sau:
– Nêu vấn đề cần nghị luận. 0,25
– Giải thích
+ Biết mình có gì: hài lòng với những gì mà mình đang có, không tham vọng.
+ hiểu thứ mình có: Biết được giá trị vật chất cũng như tinh thần và ý nghĩa của những thứ mình có.
+ biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng: tận hưởng một cách đúng đắn không bỏ phí bất kì giá trị nào của những thành quả mà mình xứng đáng được hưởng.
Hưởng thụ thực sự là khi con người cảm thấy thanh thản và mãn nguyện. 0,75
– Bàn luận, mở rộng vấn đề:
+ Con người chỉ có thể mãn nguyện khi biết hài lòng với những gì mình đang có, có sự am hiểu và biết tận hưởng tối đa những thành quả mà bản thân xứng đáng được hưởng.
+ Trong xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại những quan niệm sai lầm về hưởng thụ.
+ Muốn có được sự hưởng thụ thực sự đòi hỏi con người cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. 0,75
– Khẳng định lại vấn đề. 0,25
2 Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân.
a. Yêu cầu về kĩ năng:
– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận; Có đủ Mở bài, Thân bài (gồm nhiều đoạn văn), Kết bài.
– Xác định đúng vấn đề nghị luận, biết triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
– Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về nhà văn Nguyễn Tuân và tùy bút Người lái đò Sông Đà, học sinh có thể sắp xếp, trình bày ý theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo được các vấn đề:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà. 0,5
– Nội dung:
+ Vẻ đẹp hung bạo, dữ dằn: Cảnh đá dựng thành vách, những đoạn đá chẹt lòng sông như một cái yết hầu; cảnh nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn gùn ghè; những hút nước sẵn sàng nhấn chìm và đánh tan chiếc thuyền lọt vào; những thạch trận, phòng tuyến sẵn sàng ăn chết con thuyền và người lái đò…
+ Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng: Dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc người thiếu nữ Tây Bắc diễm kiều; nước Sông Đà biến đổi theo mùa, mỗi mùa một vẻ đẹp riêng; cảnh vật hai bên bờ Sông Đà vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích vừa trù phú, tràn trề nhựa sống…
+ Qua hình tượng Sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Cảm nhận và miêu tả Sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm. Hình tượng Sông Đà là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới.
– Nghệ thuật:
+ Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị.
+ Từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.
+ Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả gân guốc, lúc thì chậm rãi, trữ tình. 0,75
– Đánh giá. 0,5
————- Hết ————–
Xem thêm :
- Tuyển tập những bài văn hay , đề thi về Người lái đò sông Đà -Nguyễn Tuân: Người lái đò sông Đà
- Tổng hợp đề thi về các tác phẩm lớp 12 : Đề thi khối 12