Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn số 78
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):
Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện yêu cầu bên dưới:
“Các em chẳng có gì đặc biệt. Đúng vậy đó! Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười toả sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37000 trường trung học trên toàn quốc. Người Mĩ chúng ta giờ đây yêu danh hiệu hơn những thành công thực sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và ta sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị thế tốt hơn trong xã hội.
Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em làm những gì mình thích, tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực chứ không phải thứ từ trên trời rơi xuống. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay… Và khi đó các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác mới là điểu tốt đẹp nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì đặc biệt”.
Trích bài phát biểu của David Mc Cullough trong lễ tốt nghiệp trung học trường Wellesley 2012- Theo Tuổi trẻ
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên
Câu 2: Anh /chị hiểu thế nào về câu: “Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. “
Câu 3: Tại sao tác giả lại nói :”Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến các em”
Câu 4: Anh chị rút ra được những bài học nào trong cuộc sống từ bài phát biểu trên?
- LÀM VĂN (7.0 điểm):
Câu 1(2.0 điểm): Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì đặc biệt”
Câu 2 (7.0 điểm): Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà “ để làm rõ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Nội dung Điểm
Đọc hiểu 3.0
Phương thức biểu đạt: nghị luận 0.5
hãy rèn luyện bản lĩnh, nghị lực để không chạy theo những tham vọng, hư danh, chống lại sự tự mãn của con người. 0.75
Cảm hứng, đam mê không phải lúc nào cũng tự dưng mà có. Khi ta lao động, bắt tay vào công việc, cảm hứng và niềm đam mê sẽ xuất hiện và ta sẽ nắm bắt được nó. 0,75
Học sinh có thể rút ra nhiều bài học như:
-Không được tự mãn, phải khiêm tốn
-Đừng chạy theo những hư danh và những hấp dẫn bề nổi của
cuộc sống
– Hãy chủ động khám phá cuộc sống, những đam mê, niềm cảm hứng sẽ xuất hiện và ta sẽ thấy cuộc sống là ý nghĩa.
1.0
Làm văn 2.0
“Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì đặc biệt”
* Yêu cầu về hình thức:
– Trình bày theo hình thức đoạn văn khoảng 200 chữ
– Bài viết rõ ràng, mạch lạc về ý, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu
*Yêu cầu về nội dung:
_ Giải thích: Điểm đặc biệt là những điểm khác biệt thậm chí vượt trội không thể lẫn, phân biệt bản thân với những người khác.
_ Phân tích , bình luận:
+ con người thường mong muốn trở thành người có phẩm chất ưu việt, nghĩa là muốn trở thành người đặc biệt.
+ Tại sao niềm vui ngọt ngào trong cuộc sống chỉ đến khi ta nhận ra mình không có gì đặc biệt:
> không chịu những áp lực không dáng có từ gia đình, nhà trường
.>Nhận thức được mình là ai, đang ở vị trí nào, xác định được mục tiêu cố gắng từ đó học hỏi, chinh phục, khám phá cuộc sống> mang lại cho ta niềm vui thực sự, giúp ta hoàn thiện mình.
_ những lối sống tự mãn, luôn coi mình là đặc biệt sẽ khiến con người bé nhỏ trước cuộc sống khi không tìm ra mục tiêu cho cuộc sống, không có ý thức chủ động, khám phá cuộc sống.
_ HS liên hệ với xã hội và bản thân
_Rút ra bài học: + Bài học về sự khiêm tốn, tránh tự mãn
+ Hãy luôn tích cực chủ động học hỏi từ cuộc sống để hoàn thiện bản thân.
Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà ” để làm rõ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. 5.0
* Yêu cầu về hình thức:
– Trình bày theo hình thức bài văn đủ 3 phần MB- TB- KB
– Bài viết rõ ràng, mạch lạc về ý, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu. Uu tiên những bài văn có hành văn linh hoạt, có giọng điệu riêng.
*Yêu cầu về nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
_ Nguyễn Tuân_ cây bút viết kí hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là cây bút đã tạo cho mình một phong cách tài hoa- uyên bác không thể lẫn trong hành trình theo đuổi, khám phá cái đẹp
_Tác phẩm
+ Hoàn cảnh ra đời: trong chuyến đi thực tế lên Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra “chất vàng mười” trong thiên nhiên và con người Tây Bắc.
+ Xuất xứ: Trích trong tập “Người lái đò sông Đà” (XB 1960) tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông
2. Hình tượng sông Đà
a. Sông Đà hung bạo
_Cảnh đá bờ sông
_Quãng mặt ghềnh Hát Lóng
_Những hút nước
_Những thác nước
Tiểu kết: Dòng sông như một loài thủy quái man rợ, lại như một trận địa với rất nhiều cạm bẫy thử thách lòng dũng cảm, tài trí con người trên sông nước thể hiện qua ngòi bút giàu có ngôn ngữ và trường liên tưởng phóng khoáng.
b. Sông Đà trữ tình
_ Dòng sông nhìn từ trên cao như mái tóc bồng bềnh của người thiếu nữ ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc.
_ Sự thay đổi của màu nước sông Đà theo mùa
_ Sông Đà gợi cảm như một có nhân
_Vẻ đẹp như trong miền cổ tích hai bên bờ sông Đà
Tiểu kết: sông Đà thơ mộng, trữ tình đầy biến hóa dưới ngòi bút tinh tế, tài hoa của Nguyễn Tuân
3. Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân
– Một cái tôi “ngông”. Nguyễn Tuân không chấp nhận sự sáo mòn. Ông luôn tìm kiếm những cách thức thể hiện, những đối tượng mới mẻ. Sông Đà là một sinh thể độc đáo khi dòng chảy của nó ngược lên phía bắc và có hai nét tính cách đối lập nhau: hung bạo- trữ tình
_ Một cái tôi tài hoa
+ Luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, có ấn tượng với những sự vật gây cảm giác mạnh (Sông Đà là một sinh thể như vậy).
+ Bộc lộ sự tinh vi trong mĩ cảm với trường liên tưởng phong phú, ngôn ngữ vừa phong phú vừa tinh tế
_ Một cái tôi uyên bác khi huy động mọi kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để khắc họa hình tượng sông Đà.
4. Tổng kết
_ Tác giả xây dựng hình tượng dòng sông một cách công phu vì: Nguyễn Tuân quan niệm thiên nhiên không đơn thuần là thiên nhiên. Nó là một sinh thể kì diệu của tạo hóa và nhà văn cần làm phát lộ những vẻ đẹp của nó. Qua hình tượng sông Đà chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu tha thiết của Nguyễn Tuân đối với quê hương đất nước.
_ Với phong cách tài hoa uyên bác, Nguyễn Tuân khiến cho tâm hồn người đọc khi tiếp xúc tác phẩm của ông tâm hồn trở nên tinh tế, trí tuệ được khơi dậy. Nguyễn Tuân đã biến tác phẩm “Người lái đò sông Đà “thành giai phẩm với những trang hoa, tờ hoa đặc sắc.