PHÂN TÍCH ĐỀ
1. Kiểu bài: Giải thích một vấn đề.
2. Nội dung: Phải nhớ ơn những người đã tạo nên thành quả cho mình được hưởng.
3. Tư liệu: Thực tế cuộc sống.
DÀN BÀI
I. Mở bài
Nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình, hơn thế nữa, đã tạo nên thành quả cho mình được hưởng, xưa nay vốn là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta. Bởi vậy, tục ngữ có câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. ''Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng". Cũng cùng ý nghĩa trên, tục ngữ còn có câu ''Uống nước nhớ nguồn".
Ngay trong cuộc sống hôm nay, lời dạy đạo lí làm người này càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.
II. Thân bài
1. Giải thích: "Uống nước nhớ nguồn".
Uống nước: Thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động, đấu tranh của các thế hệ trước.
Nguồn: Chỗ xuất phát dòng nước. Nghĩa bóng: Nguyên nhân dẫn đến, con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó.
Ý nghĩa: Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với con cháu, những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả công lao của người đi trước.
2. Tại sao uống nước phải nhớ nguồn:
- Trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động tạo nên.
- Của cải vật chất các thứ do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông gây dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái là do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì thế, nhớ nguồn là đạo lí tất yếu.
- Lòng biết ơn là tình cảm đẹp xuất phát từ lòng trân trọng công lao những người "trồng cây" phục vụ cho biết bao người "ăn trái".
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Khi "bưng bát cơm đầy", ta phải biết trân trọng, nhớ ơn những ai đã "một nắng hai sương", "muôn phần cay đắng" để làm nên "dẻo thơm một hạt". Nói cách khác, được thừa hưởng cuộc sống tự do, thanh bình, no ấm ta phải khắc ghi công lao các anh hùng liệt sĩ.
...Uống nước nhớ nguồn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội nhân ái đoàn kết. Lòng vô ơn, bội bạc sẽ khiến con người ích kỉ, ăn bám gia đình, xã hội.
3.  Phải làm gì để "nhớ nguồn".
- Tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.
- Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình, và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nước ngoài.
- Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người.
III. Kết bài
- Khẳng định giá trị của câu tục ngữ trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.
- Nhớ nguồn trước hết là nhớ ơn cha mẹ, thầy cô những người đã sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ chúng ta thành người hữu dụng. Ngoài ra, còn phải nhớ ơn xã hội đã giúp đỡ ta.
- Phải sống sao xứng đáng, trọn nghĩa trọn tình theo đúng truyền thống đạo lí tốt đẹp của cha ông.
                                                                                             Bài làm 1
Sống trong xã hội, con người cần có thái độ như thế nào đối với những người đã giúp đỡ mình. Trước mắt ta, thiếu chi những kẻ trâng tráo vô ơn làm nên những hiện tượng “ăn cháo đá bát” mà nhân dân ta ai cũng cực lực phê phán. Những kẻ ấy đã không hiểu được một đạo lí truyền thống của dân tộc ta đã được đúc kết từ thực tế, một mối quan hệ cần thiết trong đời sống con người đó là: “Uống nước nhớ nguồn”. Ta nên hiểu câu tục ngữ này ra sao? Trong cuộc sống hiện nay, ý nghĩa của câu trên càng trở nên sâu sắc hơn như thế nào?
Trước tiên, ta cần hiểu thế nào là uống nước nhớ nguồn. Câu tục ngữ đã bắt đầu bằng một hình ảnh cụ thể, để thấy và để hiểu đó là uống nước. Uống nước là thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động hay thành quả đấu tranh cách mạng của các thế hệ trước đã qua rồi còn để lại. Nguồn là nơi xuất phát dòng nước. Nói rộng hơn, là nguyên nhân dẫn đến, là con người: Cá nhân hay tập thể đã đổ tâm huyết và công sức làm ra thành quả đó.
Đủ hiểu “Uống nước nhớ nguồn”  là lời khuyên nhủ, nhắc nhở của ông cha chúng ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai, đang và sẽ thừa hưởng thành quả được tạo nên do công lao của bao thế hệ người đi trước.
Có điều là vì sao uống nước phải nhớ nguồn cũng như ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây? Điều này thật là dễ hiểu! Bởi vì trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, không có bất cứ một sự vật nào, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động làm nên cả. Giống như hoa thơm trái ngọt phải có người trồng cây đổ biết bao mồ hôi công sức, đôi khi cả xương máu nữa cũng phải để cây cối xanh non, tươi tốt. Của cái vật chất trong xã hội cũng vậy, cũng đều cần đến bàn tay khối óc cần lao của người lao động khổ công nhọc trí làm ra.
Ai cũng biết rằng dải đất nước giàu đẹp của chúng ta hiện nay cũng chính là thành quả của biết bao thế hệ cha ông đã đổ máu xương công sức ra gây dựng tiếp truyền cho. Trong phạm vi hạn hẹp hơn là gia đình, thì con cái là "thành quả" do các bậc cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục. Người thừa hưởng sử dụng các thành quả đó phải biết đến công lao của những người tạo ra chúng. Vì thế “nhớ nguồn” là đạo lí tất yếu. Ân nghĩa, thủy chung, không quên công lao của tổ tiên từ đó đã là một trong những phẩm chất tốt đẹp đã trở thành truyền thống cao quý của con người Việt Nam. Ta đã từng bắt gặp tình cảm ấy trong ca dao, tiếng nói tâm tình của dân tộc ta:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Khi “bưng bát cơm” đầy ta phải biết trân trọng, nhớ ơn những ai đã “một nắng hai sương”, “muôn phần cay đắng” để làm nên “dẻo thơm một hạt”. Nói cách khác, được thừa hường cuộc sống thanh bình, no ấm hiện nay nhất thiết ta phải khắc ghi công lao của các vị anh hùng liệt sĩ đi trước đã hi sinh biết bao xương máu mồ hôi và nước mắt.
Do đó, “Uống nước nhớ nguồn” chính là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái đoàn kết đầy đạo lí làm người. Ai chẳng biết là lòng vô ơn, bội bạc, thái độ ăn cháo đá bát sẽ làm cho con người trở nên nhỏ nhen ích kỉ ăn bám gia đình và xã hội.
Thế nhưng để “nhớ nguồn" chúng ta phải làm gì? Là người Việt Nam, tự hào với lịch sử anh hùng, và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, chúng ta phải ra sức góp phần bảo vệ đất nước, tích cực học tập và lao động để góp phần xây dựng đất nước trở nên giàu đẹp hơn.
Không những chỉ có ý thức giữ gìn bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình mà chúng ta chớ không phải ai khác phải ý thức tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà.
Ngoài ra, để “nhớ nguồn” chúng ta còn phải có ý thức tiết kiệm chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người. Có như thế mới sống xứng đáng trọn nghĩa trọn tình đúng với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn " tốt đẹp của cha ông.
Tóm lại, câu tục ngữ trên là lời khuyên, lời nhắc nhở ngắn gọn, súc tích, hình tượng rõ ràng đơn giản dễ hiểu mà ý nghĩa thật sâu sắc. Từ bao đời nay, cha ông chúng ta vẫn lấy câu tục ngữ này để giáo dục chúng ta đạo lí làm người Việt Nam.
Là học sinh, hơn ai hết, chúng ta phải khắc ghi trong lòng công ơn sinh thành nuôi nấng của cha mẹ và công lao tận tâm dạy dỗ của thầy cô giáo. Phải biết bảo vệ những thành quả vật chất lẫn tinh thần của bao thế hệ cha ông để lại, và đồng thời cũng biết kế thừa phát huy và giữ gìn giá trị vật chất, tinh thần của những thành quả đó.

                                                                                           Bài làm 2
Từ ngàn xưa đến nay đã có rất nhiều kẻ phản bội, vong ơn, bội nghĩa và hành động “Ăn cháo đá bát” đã dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại. Nhân dân ta vốn căm ghét những kẻ đó vì đây là hành động trái với truyền thống của dân tộc, một truyền thống cao đẹp của đất nước, đó là lòng biết ơn, sự tôn trọng người đã làm ra các sản phẩm cho đời sau. Để cho con cháu và người đời sau không đi con đường xấu đó và tiếp tục duy trì, phát triển một đạo lí, một truyền thống cao đẹp của dân tộc, ông bà xưa đã có câu: “Uống nước nhớ nguồn”.
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về câu tục ngữ trên để có được những hành động đúng theo lời dạy của ông bà.
“Uống nước” là gì? Đó là một hành động thường xảy ra trong cuộc sống | hàng ngày của mỗi người. Việc làm ấy sẽ giúp con người thoát qua những cơn khát, những sự mệt nhọc. Hay nói rộng ra đó chính là con người đang sử dụng những thành quả lao động của kẻ khác, của những người làm việc cực nhọc suốt ngày đêm. Còn “nguồn”? “Nguồn” là nơi xuất phát ra dòng nước, từ nơi đó dòng nước bắt đầu chảy, chảy mãi cho đến hạ lưu và từ đó đưa nước đến các gia đình. “Nguồn” là người đã làm việc để tạo ra thành quả, là người tạo ra sản phẩm bằng công sức của mình để phục vụ cho xã hội, đất nước và những người khác để rồi những con người đó tiếp tục làm việc để trở thành “nguồn” tạo nên các sản phẩm mới cho thế hệ mai sau đang tiến tới.
“Uống nước nhớ nguồn” là lời dạy của người xưa để cho các thế hệ sau phải luôn biết ơn đến những người đi trước, những người đã cống hiến cho xã hội và những người đã làm nên sản phẩm cho chúng ta sử dụng, sống một cuộc sống tiện nghi, thoải mái hơn. Kể “uống nước” phải luôn nhớ đến “nguồn” nước nơi đã cho họ dòng nước tươi mát, ngọt ngào. Đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một hành động mà con người Việt Nam phải có.
Thế tại sao chúng ta phải “uống nước nhớ nguồn”?
Trước nhất, không có một sản phẩm nào tự nhiên mà có, tự nhiên xuất hiện hay từ trên trời rơi xuống. Tất cả từ một vật lớn đến một vật nhỏ, từ một thành quả bé đến thành quả to đều cần có người làm ra. Các sản phẩm là kết quả của sự làm việc khó nhọc, của sự lao động quên mình của người tạo ra nó. Đã có những sản phẩm được tạo thành phải trải qua một thời gian rất dài và đôi khi người đầu tiên làm ra nó phải trả giá rất đắt, có khi bằng sinh mạng của mình để chúng ta ngày nay có thể sử dụng được. Những viên thuốc chúng ta dùng khi bệnh, ngọn đèn cháy sáng giúp chúng ta học, hay cái áo, chiếc lược đều là công sức của những người làm ra nó: vị bác sĩ, một nhà khoa học hay người công nhân. Họ là những người lao động vất vả để có sản phẩm cho ta dùng. Ta phải kính trọng họ dù cho họ giữ địa vị cao hay thấp trong xã hội..
Không những vậy, con người cũng chính là một sản phẩm của xã hội, nhà trường, cha mẹ đã tạo ra những con người có ích cho đất nước, cho thế giới. Những nhà khoa học nổi tiếng như Pha-ra-đây, Niu-tơn, Am-pe đã phát minh ra những sản phẩm mà người đời sau như chúng ta đã sử dụng chúng và sản phẩm đó đã giúp ích cho cả thế giới chứ không chỉ riêng một nước. Xã hội Việt Nam ta đã tạo ra những con người anh hùng đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ đất nước thân yêu, nền độc lập lâu đời của dân tộc. Những Phạm Ngũ Lão, người con trai thời Trần trong ba lần chống quân Nguyên Mông; Lí Thường Kiệt cùng ba quân chống giặc Tống và một Nguyễn Trãi, Lê Lợi cùng quân dân đánh đuổi giặc Minh khỏi đất nước sau hai mươi năm xâm lược Việt Nam hay những người bộ đội Cụ Hồ đã hi sinh bao xương máu cho quê hương để ngày nay chúng ta có thể vui bước đến trường. Tất cả đều là những người mà ta cần ghi nhớ. Nhưng họ lại là sản phẩm của xã hội, của nhà trường, các bậc cha mẹ. Ta phải biết ơn xã hội vì đã tạo ra những sản phẩm tốt, những thành quả có ích cho quê hương, cho đất nước.
Cuối cùng, hành động nhớ ơn còn là một truyền thống, một đạo lí tốt đẹp có từ năm xưa, mà là một thành phần của xã hội, đất nước, một sản phẩm của xã hội, chúng ta phải có lòng nhớ ơn, phải học theo hành động “Uống nước nhớ nguồn” chứ không thể là một kẻ “Ăn cháo đá bát” đem lại sự nguy hiểm cho đất nước. Một con người Việt Nam thì không thể thiếu được lòng nhớ ơn, biết kính trọng các sản phẩm của người khác. Ông bà ta còn có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đã là người thì phải biết nhớ đến công sức của kẻ tạo ra, của người đã lao động tạo nên sản phẩm vì nếu không có họ chúng ta sẽ không thể nào thừa hưởng, sử dụng các thành quả đó.
Để báo đáp công lao của người đi trước, của kẻ đã tạo ra sản phẩm, thành quả, chúng ta, những người đi sau, những kẻ thừa hưởng phải có hành động đúng. Chúng ta phải biết sử dụng một cách tiết kiệm, có hiệu quả với các thành phẩm đó. Chúng ta không chỉ có sử dụng mà còn phải bảo vệ và tiếp tục tạo lên các thành quả, sản phẩm khác giúp cho đất nước phát triển và để lại cho các thế hệ mai sau.
Chúng ta phải có hành động cụ thể chứ không chỉ nói suông. Chỉ có hành động mới thể hiện được tấm lòng thật. Hiện nay, các cơ quan nhà nước và những xí nghiệp đang thi đua để xây dựng nhà tình nghĩa giúp đỡ cho các gia đình có công với cách mạng. Đó cũng là một hình thức đền ơn đáp nghĩa của nhà nước đối với người đã hi sinh vì Tổ quốc. Hay chính chúng ta vào ngày 20-11 hàng năm, lại đến thăm các thầy cô cũ và mới để thể hiện một tấm lòng kính trọng thầy cô, sự biết ơn của chúng ta, của cha mẹ chúng ta đối với thầy cô, những người đã lao động cực nhọc trên bục giảng để cho chúng ta kiến thức.
“Uống nước nhớ nguồn” là một lời dạy rất có giá trị. Tuy ra đời từ rất lâu, nhưng cho đến nay và mai sau nữa lời dạy đó luôn có giá trị, không mai một theo thời gian. Lời dạy đó sẽ giúp cho chúng ta, những người học sinh và mai sau sẽ là người chủ của đất nước có thêm những hành trang vững chắc để bước vào đời, xây dựng đất nước. Chúng ta là người thừa hưởng đạo lí tốt đẹp đó phải tiếp tục phát triển và duy trì truyền thống này để không phụ lòng người đi trước và các thế hệ sau có thể thừa hưởng được những đức tính tốt đẹp.
Câu tục ngữ cho em một bài học tốt. Không chỉ riêng em mà còn rất nhiều người học sinh khác, đó chính là sự biết ơn đối với những người đã làm ra sản phẩm cho chúng ta sử dụng, thừa hưởng. Bản thân em còn là một học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa thể làm việc để tự tạo ra sản phẩm cho xã hội, cho thế hệ sau. Hiện nay, em chỉ là kẻ thừa hưởng những sản phẩm của cha mẹ, thầy cô, đó là những kiến thức, sự giáo dục. Do đó, em phải chăm ngoan học hành, nghe lời dạy bảo để đáp lại phần nào công lao to lớn ấy. Những lời dạy đó sẽ giúp em đứng vững trước những trở ngại trong cuộc sống sau này.

Bài viết gợi ý: