Hướng dẫn

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

– Nêu vấn đề: trong đoạn trích tác phẩm Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã làm sống dậy vẻ đẹp của sông Đà bằng một phong cách văn chương độc đáo.

2. Thân bài

Hình ảnh con sông Đà được thể hiện qua hai khía cạnh:

– Hình ảnh con sông Đà "hung bạo": HS cần phân tích được các chi tiết Nguyễn Tuân miêu tả về thác, đá, vách thành, ghềnh, gió, sóng, những cái hút nước,… trên sông Đà. Nhà văn đã sử dụng những ấn tượng thị giác, xúc giác, thính giác, kết hợp với những tri thức ở nhiều ngành khác nhau và những liên tưởng, so sánh mới mẻ, độc đáo,… để cho ta thấy cái dữ dội, hiểm trở và sức mạnh ghê gớm của dòng sông, đồng thời gợi lên hình ảnh một thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ.

– Hình ảnh con sông Đà "trữ tình":

+ Đẹp nhất là khi tác giả so sánh "Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình…". Lúc này con sông thoắt biến thành người con gái với vẻ đẹp gợi cảm, duyên dáng, đầy sức sống. Nguyễn Tuân còn dõi theo sông Đà qua dòng chảy thời gian. Nhà văn nhận ra sắc nước của dòng sông thay đổi theo mùa: mùa xuân dòng sông xanh màu ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mật một người bầm đi vì rượu bữa. Dường như nhà văn không phải đang miêu tả một dòng sông mà miêu tả diện mạo một con người trong sự biến thiên của cuộc đời.

+ Vẻ trữ tình của sông Đà hiện lên đậm nét nhất khi nhà văn miêu tả một quãng sông "lặng tờ". Câu văn của Nguyễn Tuân lúc này trở nên êm ái, có những câu toàn thanh bằng khiến ta như lạc vào một giấc mơ êm đềm. Con sông Đà là thực mà như là hư ảo, như là tiên cảnh. Những bãi ngô, những đám cỏ gianh ướt đẫm sương đêm, những chú hươu thơ ngộ,… tạo nên một bức tranh lãng mạn, "hoang dại".

+ Trong cảm nhận của Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ chảy qua thời gian, không gian. Nó còn chảy qua những áng thơ của Nguyễn Quang Bích, Tản Đà,… Thêm nữa, tác giả còn sử dụng lối so sánh rất đặc biệt khiến cho con sông như vừa gần vừa xa, vừa thựcvừa hư ảo: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niểm cổ tích tuổi xưa…".

3. Kết bài

Khẳng định "cái tôi" độc đáo của Nguyễn Tuân khi miêu tả hình ảnh sông Đà: Nguyễn Tuân thích thú bao nhiêu trước vẻ dữ dội của sông Đà thì cũng say đắm bấy nhiêu trước vẻ trữ tình của nó. Tả sự hung bạo, Nguyễn Tuân đưa ta đến với những khúc tráng ca; tả vẻ trữ tình, ông lại mang đến cho ta những trang văn như những vần thơ trữ tình. Những trang văn như thế đã khơi dậy ở người đọc tình yêu quê hương đất nước mình.

Bài viết gợi ý: