HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI

  • Sơ lược

Trước TK XIV, nhân vật người phụ nữ chưa trở thành đối tượng quan tâm chính của văn học mà chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ trong văn xuôi , thần phả, truyện dân gian hoặc trong các bài thơ điếu, vịnh.

Từ TK XVI, đặc biệt là đến thế kỉ XVIII, phụ nữ trở thành một trong những đề tài lớn của văn học. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên một cách khá đầy đủ và toàn diện trên nhiều bình diện.

  • Tóm lại, từ TK XVI đến đầu TK XIX, trong các thể loại văn học, thơ ca cũng như văn xuôi, tác phẩm viết bằng chữ Hán cũng như viết bằng chữ Nôm,…nở rộ đề tài viết về người phụ nữ và hình tượng người phụ nữ nổi bật lên hai nét cơ bản:

+ Phụ nữ là hiện thân của cái đẹp

+ Phụ nữ là hiện thân của số phận bi thương.

  1. Hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại là hiện thân của cái đẹp
  1. Người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp cả về người cả về nết
  • Các cô gái khi đi vào văn học trong giai đoạn này đều là những giai nhân tuyệt thế:

+ Chị em Thúy Kiều, Thúy Vân mang vẻ đẹp hoàn hảo

Vân xem sang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn.

+ Sắc đẹp của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều đã đạt đến mức siêu phàm:

Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn

Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa

Hương tươi đắm nguyệt say hoa

Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.

+ Đề tranh tố nữ của Hồ Xuân Hương cũng là một tuyệt phẩm:

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡ cô mình?

Chị cũng xinh mà em cũng xinh

Ðôi lứa như in tờ giấy trắng.

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

Xiếu mai chi dám tình trăng gió,

Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh,

Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,

Trách người thợ vẽ khéo vô tình.

  • Sắc đẹp đa số của nhân vật người phụ nữ trong giai đoạn này thường gắn liền với một phần phẩm chất không thể thiếu được, đó là tài, tạo thành một đặc điểm không tách rời nhau.
  • Tài gồm 4 mặt: cầm, kì, thi, họa
  • Tuy vậy, ca ngợi tài sắc của người phụ nữ không phải là mục đích của các tác giả văn học TK XVI- đầu TK XIX. Tài và sắc chỉ là một phương diện của cái đẹp và làm nền để bộc lộ phẩm chất của cái đẹp nết. Người phụ nữ phải là hiện thân của cái đẹp: thủy chung, nết na, hiểu thảo, đầy đức hy sinh, vị tha, nhân hậu, chịu thương, chịu khó,…
  1. Hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến là hiện thân của những số phận bi thương
  • Dưới chế độ phong kiến, mọi thế lực xã hội, kể cả gia đình đều có thể chà đạp lên người phụ nữ.

+ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia thiều là tiếng oán than đến rớm máu cho những số phận đau thương đó:

Hoa này bướm lỡ thờ ơ

Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng

+ Hay số phận đáng thương của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh nhưng chỉ vì cơn ghen mù quáng của chồng mà gieo mình tự vẫn, lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch.

+ Nàng Kiều trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du cũng có một cuộc đời đầy truân chuyên trắc trở:

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

+ Và còn nhiều những câu chuyện nói lên bi kịch của người phụ nữ như Phạm Tải- Ngọc Hoa, Phạm Công- Cúc Hoa,…

  • Chiến tranh cũng là một trong những tai họa giáng xuống đầu người phụ nữ lâm vào cảnh chia li đẫm nước mắt, chẳng biết bao giờ mới có ngày tái ngộ:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Hay

Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây

Sự chia ly không chỉ khiến nỗi cô đơn, quạnh hiu bủa vây người phụ nữ mà còn chồng thềm biết bao gánh nặng về bổn phận phải chăm sóc việc gia đình, dù hết lòng hết dạ nhưng đôi khi không tránh khỏi cái kết đau thương như Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.

  • Không chỉ chiến tranh, tai họa từ những người thân trong gia đình cũng giáng xuống đầu họ

+ Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!

Đó là bài thơ khóc cho mối tình đã chết, chứ không phải thơ khóc người chết. Dù trong đó hàm chứa sự mỉa mai giễu cợt cả dòng giống nhà Tổng Cóc, sự cay đắng trong thân phận làm lẽ bị đay nghiến đến cực cùng nhưng vẫn vương vấn chút tình lưu luyến.

  • Trong vô số những nạn nhân của xã hội phong kiến có một tầng lớp mà hết thảy các nhà văn nhân đạo đều đau xót, trân trọng và tập trung viết về họ, đó là người phụ nữ. Họ là Hình tượng tiêu biểu cho những số kiếp bi đát, cho những con người trong cuộc đời bế tắc. Họ là những con người có đủ tài năng, có đức hạnh thanh cao nhưng lại bị cuộc đời vùi dập xô đẩy. Trong số những tác phẩm viết về đề tài này, nổi bật nhất phải kể đến sáng tác thuộc trào lưu nhân đạo thể kỉ XVII – XVIII, những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng như Nguyễn Dữ với Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn du với Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương với Làm lẽ, Bánh trôi nước vv ... Đó là những tác phẩn mà đến nay như vẫn còn vang vọng tiếng kêu cứu não nùng đau đớn của những con người quằn quại trong vũng lầy xã hội cũ. Hình ảnh người phụ nữ chính là một thành công lớn của các tác gia TK XVI -> TK XIX, góp phần cất lên tiếng nói đòi giải phóng con người, giải phóng cho người phụ nữ.

Bài viết gợi ý: