Tập làm văn lớp 4: Kể lại câu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca” bằng lời của cậu bé An-đrây-ca.
Bài làm
Đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy ân hận khi biết mình đã làm một việc sai trái. Tôi đã thất hứa với ông và cả mẹ nữa. Mong rằng sau khi nghe xong câu chuyện của tôi, các bạn đừng để người nuôi dạy mình phải thất vọng vì mình như tôi nhé! Chuyện là thế này:
Năm ấy, tôi lên 9 tuổi, sống với mẹ và ông nội ở một ngôi nhà nhỏ gần bờ sông Von-ga. Những người hàng xóm thân thiện thường đến nhà tôi chơi nên căn nhà lúc nào cũng vang lên tiếng cười đùa vui vẻ.
Một buổi chiều, đang tắm mát cho nụ hồng tươi tắn trước cửa nhà, tôi thấy ông nói với mẹ:
- Bố khó thở lắm...!
Mẹ vội vàng đỡ ông nằm xuống giường rồi bảo tôi đi mua thuốc. Vâng lời mẹ, tôi nhanh nhẹn đi ngay. Dọc đường đi, tôi gặp Tom và Nick cùng mấy đứa bạn trong làng đang chơi bóng đá. Nhìn thấy tôi, bọn chúng gọi: “Ê! nhập cuộc chứ An-đrây-ca!”. Tôi thầm nghĩ: “Hay mình cứ chơi độ 5 phút rồi mới đi, chắc chẳng sao đâu”. Đắn đo một lát rồi tôi cũng quyết định nhập cuộc.
Chơi một lúc lâu, tôi mới sực nhớ lời mẹ dặn. Tôi chạy như bay tới cửa hàng để mua thuốc cho ông.
Vừa bước vào nhà, tôi hoảng hốt khi thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra, ông đã mất. Ôi! Nỗi buồn khủng khiếp khi mất người thân sao cứ dâng lên trong lòng tôi. Vậy là từ nay, tôi không được nhìn thấy gương mặt hiền hậu, đẹp lão của ông nữa. Không thể kìm nén được nỗl xúc động, tôi bật khóc và kể cho mẹ nghe mọi chuyện đã làm. Mẹ ôm lấy tôi an ủi:
- An-đrây-ca của mẹ, con không có lỗi, chẳng có thuốc nào cứu nổi ông đâu. Ông đã mất từ lúc con vừa ra khỏi nhà.
Nhưng tôi không nghĩ rằng mẹ đã nói đúng, cả đêm đó, tôi ngồi dưới gốc cây táo ông trồng và tự dằn vặt về lỗi lầm của mình.
Phan Nguyệt Hằng - Thái Bình
Nhận xét của giáo viên:
1. Những ưu điểm cần phát huy.
Câu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-đray-ca” thể hiện tình cảm yêu thương và ý
thức trách nhiệm với người thân, lòng trung thực, sự nghiêm khắc với lỗi lầm của cậu bé An-đrây-ca. Dựa vào cốt truyện trong bài tập đọc, bạn Hằng đã kể lại câu chuyện khá sinh động bằng lời của nhân vật chính An-đrây-ca.
Cách mở bài theo kiểu gián tiếp của bạn đã tạo ra được sự hồi hộp với người đọc. Đoạn An-đrây-ca mãi chơi bóng được bạn kể rất tự nhiên và rất chân thực. Ta cũng có thể thông cảm cho sự hồn nhiên của An-đrây-ca vì cậu là trẻ con mà. Mặc dù mắc lỗi rất lớn nhưng qua câu chuyện bạn Hằng kể ta cũng thấy được những phẩm chất tốt đẹp của An-đrây-ca. Bởi Hằng biết khéo léo bộc lộ tính cách cuả cậu bé An-đrây-ca thông qua hành động, suy nghĩ và lời nói của cậu. Đây chính là thành công của bạn Hằng.
2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm.
- Một số từ ngữ sử dụng trong câu văn chưa chính xác.
- Đoạn giới thiệu hoàn cảnh xảy ra chuyện của bạn còn thiếu một chi tiết quan trọng.
- Cần khắc sâu hơn nữa tâm trạng và nỗi dằn vặt của An-đrây-ca khi biết ông đã qua đời.
- Cách kết bài chưa thật hay.
Bài luyện tập.
1. Hãy thay từ dùng sai được gạch chân trong các câu văn dưới đây bằng từ khác cho phù hợp
- Đến bây giờ tôi vẫn còn thây ân hận khi biết mình đã làm một việc sai trái.
- Mong rằng sau khi nghe xong câu chuyện của tôi, các bạn đừng để người nuôi dạy mình phải thất vọng vì mình như tôi nhé!
2. Đoạn văn kể hoàn cảnh xảy ra câu chuyện còn thiếu một chi tiết quan trọng, đó là chi tiết nào? Em hãy viết bổ sung giúp bạn.
3. Viết 1-2 câu văn miêu tả tâm trạng và nỗi dằn vặt của An-đrây-ca khi biết ông đã qua đời.
Viết đoạn kết bài theo lối mở rộng cho bài văn trên theo cách của em.